Vàng Ngần đổi thay

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/9/2020 | 7:43:51 AM

YênBái - Nhắc đến Vàng Ngần, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn, nhiều người nghĩ đến cái gì ở đây cũng nhất: nghèo nhất, lạc hậu nhất, tư duy chậm đổi mới nhất, giao thông khó khăn nhất… Thế nhưng, Vàng Ngần bây giờ đã rất khác xưa nhờ có con đường bê tông hóa đã triển khai...

Nhân dân thôn Vàng Ngần chung sức vệ sinh đường nội thôn.
Nhân dân thôn Vàng Ngần chung sức vệ sinh đường nội thôn.

Đó là kết quả sự đồng tâm, đồng lòng của bà con Vàng Ngần, minh chứng rõ nhất là con đường bê tông hóa của thôn đã triển khai thực hiện, với khát khao xây dựng cuộc sống tươi đẹp hơn. 

Con đường "Ý Đảng, lòng dân”

Trước khi đi, đồng chí Trịnh Xuân Thành - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Văn Chấn - nguyên Chủ tịch UBND xã Suối Quyền thông tin: "Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, với 98% là đồng bào dân tộc Dao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao... và Vàng Ngần là một trong những thôn nghèo khó nhất nhì của xã. 

Tuy nhiên, những năm gần đây, Vàng Ngần đã được "đánh thức” sau "giấc ngủ” dài để vươn mình thay đổi mạnh mẽ, đời sống của bà con đang từng bước thay đổi nhờ sự quan tâm đầu tư theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của chính người dân nơi đây”. 

Sáng sớm, ngược quốc lộ 32 chừng khoảng một giờ đồng hồ đi xe máy, chúng tôi đến Vàng Ngần để tận mắt xem sự đổi thay ra sao! Đến nơi, ai cũng nghĩ Vàng Ngần heo hút, lụp xụp vài nóc nhà, nhưng thực tế suy nghĩ được gạt bỏ ngay bằng những đồi quế xanh ngắt vút tầm mắt, nhiều ngôi nhà bán kiên cố được mọc lên, con đường được bê tông liên thôn kiên cố hóa... 

Đón chúng tôi ở điểm trường mầm non, sau lời giới thiệu và cái bắt tay, đồng chí Đặng Kim Lý - Chủ tịch UBND xã đưa chúng tôi tham quan tuyến đường, phấn khởi cho hay: Vàng Ngần là thôn xa nhất, cách trung tâm xã gần 20 cây số, có 105 hộ, với 99% đồng bào dân tộc Dao, đời sống chủ yếu phát triển sản xuất nông nghiệp. 

Trước đây, thôn được biết đến là thôn khó khăn nhất của xã, nhưng đó là chuyện trước kia, người dân Vàng Ngần hôm nay đã khác. Người người biết mang cây, con giống mới về trồng, chăm sóc, nhà nhà đua nhau làm giàu; trong đó, cây quế là chủ lực với 100 ha, chiếm 1/3 diện tích toàn xã. 

Đặc biệt, bà con phấn khởi khánh thành con đường thôn bê tông hóa dài 1,3 km, rộng 1 mét - con đường "Ý Đảng, lòng dân” thuận tiện cho nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Từ đây, đã làm thay đổi khá nhiều diện mạo nông thôn”.

Xuất phát từ mong muốn, nguyện vọng chính đáng của người dân, Đảng ủy, chính quyền xã Suối Quyền tích cực vào cuộc vận động, tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích khi triển khai làm đường và tranh thủ sự hỗ trợ từ Nhà nước. 

Đầu tháng 7/2020, huyện triển khai dự án làm đường giao thông đặc thù, ngay lập tức, xã bắt tay xây dựng kế hoạch, lấy ý kiến người dân được thống nhất cao: kinh phí san tạo mặt bằng, mua cốp pha, dụng cụ cần thiết khác do người dân đóng góp... 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Triệu Văn Thọ - Bí thư Chi bộ thôn Vàng Ngần cho biết: Từ sự vận động của chính quyền và các đoàn thể, người dân đã nhận thấy lợi ích thiết thực của con đường bê tông mà bao đời nay họ chưa dám mơ tới nên ai cũng nhiệt tình ủng hộ, tham gia, tự nguyện đóng góp tiền và ngày công lao động. 

"Một trong những điểm nhấn góp phần tạo nên sự đổi thay của địa phương là việc triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ xi  măng, cát, đá làm đường giao thông nông thôn (GTNT) của huyện. Việc làm này không đơn thuần chỉ là sự hỗ trợ, mà còn là điểm tựa quy tụ, đoàn kết sức mạnh nội lực để dần hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn...” - Bí thư Thọ nó. 

Nói là một chuyện, nhưng khi triển khai thi công thực tế tương đối khó bởi vận chuyển vật liệu khá khó khăn, nguồn nước không có... nhưng không vì thế mà công trình bị chậm trễ. Người dân phân công nhau dùng xe máy, người chở đá, người chở nước để phục vụ thi công và điều này lại càng thể hiện thêm sự quyết tâm đồng lòng mà bà con Vàng Ngần khát khao bấy lâu nay. 

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bà con đã tự nguyện đóng góp kinh phí được 46 triệu đồng và 700 công lao động để giải phóng mặt bằng, làm đường giao thông nông thôn. Phong trào làm đường GTNT đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi. Đến nay, con đường đã được bê tông hóa từ chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm. 

Đảng viên Đặng Nho Tài ở nhóm Trung Tâm phấn khởi cho hay: "Phong trào làm đường GTNT đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tuyến đường hoàn thành đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Khi "Ý Đảng, lòng dân” đồng thuận, con đường giao thông ở Vàng Ngần sẽ tiếp tục nối dài, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện môi trường sống, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương…”.

Cuộc sống đã đổi thay

Đi trên con đường bê tông phẳng phiu, nhìn về những ngôi nhà vững chãi, chúng tôi đã phần nào cảm nhận được cuộc sống sung túc của bà con. Có được những kết quả đó, là nhờ sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự đoàn kết, đồng lòng ủng hộ của người dân cùng chung tay. Hướng ánh mắt nhìn theo con đường bê tông bằng phẳng, anh Triệu Văn Ngân, khu Vàng Ngần 1 nở nụ cười rạng rỡ như muốn khoe với chúng tôi rằng, con đường là thành quả đáng ghi nhận của địa phương và nhân dân. 

Anh Ngân chia sẻ: "Trước đây, đường giao thông nội bản chủ yếu là đường đất nên người dân đi lại rất khó khăn. Mỗi khi mưa xuống, đường trơn trượt, lầy lội như đổ mỡ; người đi bộ còn bị trượt ngã, chưa nói đến các phương tiện giao thông. Bà con làm ra hạt lúa, hạt ngô muốn bán cũng khó. Còn hệ thống thủy lợi chưa được xây dựng, nên tình trạng thiếu nước sản xuất rất phổ biến. Kết cấu hạ tầng thiếu thốn đã ảnh hưởng đến sự phát triển sản xuất kinh tế của người dân khiến tỷ lệ hộ nghèo cao. Từ khi thôn có con đường này, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.



Con đường bê tông đặc thù dài 1,3 km, rộng 1 m được hoàn thành đã thúc đẩy kinh tế - xã hội thôn Vàng Ngần phát triển mạnh. 

Niềm vui được nhân đôi, trên đường lên Vàng Ngần, chúng tôi bắt gặp một tốp người đang cần mẫn cuốc đường, đào hố. Hỏi ra, mới hay họ đang vệ sinh, đào hố chôn cột kéo điện lưới. Không có điện là một trong những rào cản lớn cho sự phát triển của thôn. Bà con ở đây quanh năm vẫn chỉ thắp đèn dầu, hộ khá hơn thì mua tua bin nước; tuy nhiên, nguồn nước ít ỏi nên số hộ dùng tua bin có hạn.

Được dùng điện lưới chính là niềm mơ ước của bà con nơi đây. Ước mong đó đã trở thành hiện thực khi giữa năm 2019, thôn đã có điện lưới quốc gia, đời sống bà con nâng lên rõ rệt và hiện nay đã có 80% số hộ có ti vi, 50% số hộ có tủ lạnh, 30% có máy giặt. 

Vậy là, niềm khát khao, mong mỏi được sử dụng điện lưới bấy lâu nay của bà con Vàng Ngần thành hiện thực. Có điện, bà con sẽ được xem ti vi, xem cách mọi người làm ăn thế nào, giúp mở mang thêm kiến thức. 

Cùng với đó, thôn đã duy trì phát triển đồi quế tập thể với 35 ha (năm 2018 trồng thêm 3 ha, năm 2019 trồng thêm 7 ha). Hàng năm, tạo dựng được quỹ chung của thôn khoảng 150 triệu đồng và số tiền này được dùng vào những công việc chung của thôn như: mở đường GTNT, hỗ trợ hộ có hoàn cảnh khó khăn, cho người dân vay không lãi để phát triển kinh tế... 

Đồng chí Đặng Kim Lý - Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Phát huy nội lực, hàng năm, xã đã chỉ đạo thôn làm tốt công tác giảm nghèo và bình quân mỗi năm thôn giảm giảm từ 15 - 20%, vận động nhân dân phát triển kinh tế, chủ yếu là trồng cây quế, mỗi năm trung bình toàn thôn trồng được 20 ha, diện tích quế cả thôn hiện có 250 ha quế và cho thu nhập khá nên nhiều hộ trở thành hộ khá, hộ giàu. 

Bên cạnh đó, 100% con em trong thôn được học mầm non, tiểu học và THCS tại trung tâm xã, không có học sinh bỏ học. Đồng thời, theo chỉ đạo của xã, thôn Vàng Ngần tích cực vận động các cháu đi học THPT, học nghề sau khi học xong THCS. 

Hiện nay, thôn vẫn duy trì được thôn không có người nghiện ma túy, không mắc các tệ nạn xã hội, an ninh trong thôn đảm bảo. Quan trọng hơn cả là, tư duy lạc hậu, phong tục cổ hủ đã dần được bài trừ... 

 Rời Vàng Ngần khi mặt trời đang khuất dần sau những đồi quế trên đường về, tôi không quên những ánh mắt, gương mặt phấn khởi của bà con và câu nói của anh Trưởng thôn Triệu Văn Lý trước khi chia tay: "Được dùng điện lưới quốc gia, giao thông thuận tiện, cuộc sống nơi đây sẽ còn đổi thay nhiều hơn và nhanh hơn nữa”.

Trần Minh

Tags Vàng Ngần Suối Quyền Văn Chấn giảm nghèo tư duy tiến bộ kiên cố hóa

Các tin khác
Nhân dân xã Xuân Long tích cực đóng góp vật chất, công lao động để cùng chính quyền xây dựng nhà văn hóa.

Khi những ngày nắng không còn đến thường xuyên và trời dịu mát hơn với những làn gió thu, tôi ngược lên Xuân Long - xã vùng 3 và là xã xa nhất của huyện Yên Bình đang nỗ lực “cán đích” nông thôn mới (NTM) vào cuối năm nay.

Mỗi năm, Nguyễn Tiến Thắng nuôi khoảng 1,2 vạn con gà ta lai.

Tuyến đường Tuệ Tĩnh đi về phía cầu Mậu A là tuyến đường sầm uất bậc nhất của thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên. Từ tuyến đường ấy rẽ trái vào một ngõ nhỏ áng chừng đôi trăm mét thuộc tổ dân phố số 6 có một mô hình chăn nuôi, trồng trọt chưa nhiều người biết tới của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Tiến Thắng và Nguyễn Thị Nguyệt.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu đắp lề đường giao thông về bản Tà Chử. (Ảnh: Thanh Sơn)

Những kết quả đạt được trong phát triển mạng lưới giao thông là hết sức to lớn. Tuy nhiên, để đáp ứng sự phát triển, giao thông Yên Bái cần có những bước “nhảy vọt” mới.

Cầu Bách Lẫm thông xe ngày 30/6/2018

Giao thông Yên Bái hôm nay đã kết nối miền xuôi với miền ngược, giữa thành thị với nông thôn, làm thay đổi bộ mặt đô thị nhất là thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và trung tâm các thị xã, thị trấn. Trong những kỳ tích đó, phải kể đến những cây cầu vượt sông, vượt suối.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục