Loay hoay diệt mối cứu chè

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/12/2020 | 7:58:46 AM

YênBái - Mong muốn lớn nhất của người dân Suối Giàng là các cấp, ngành, các nhà khoa học cùng chung tay tìm ra giải pháp hữu hiệu để cứu rừng chè Shan tuyết cổ thụ trước nạn mối hoành hành, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho môi trường và chất lượng loại trà “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam.

Đoàn công tác của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và Hội Nông dân tỉnh kiểm tra thực tế tại vùng chè cổ thụ Suối Giàng để triển khai một số biện pháp phòng chống mối hại cây chè.
Đoàn công tác của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và Hội Nông dân tỉnh kiểm tra thực tế tại vùng chè cổ thụ Suối Giàng để triển khai một số biện pháp phòng chống mối hại cây chè.

Được coi là "Đệ nhất kỳ quan trà Việt Nam”, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn hiện có gần 680 ha chè; trong đó, 193 ha là chè cổ thụ. Năm 2016, quần thể 400 cây chè cổ thụ trên 100 năm tuổi tại các thôn: Giàng A, Giàng B, Pang Cáng và Bản Mới được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là "Cây Di sản Việt Nam”. Người dân Suối Giàng coi cây chè Shan tuyết cổ thụ như báu vật trời cho, song đến nay, rừng chè quý này vẫn đang bị "giặc mối” tấn công, làm ảnh hưởng đến diện tích, năng suất, chất lượng và giá trị của chè. 

Trên thực tế, việc mối xâm nhập và tấn công cây chè đã có từ nhiều năm trước. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn, vào tháng 8/2013, các điểm điều tra tại xã Suối Giàng có tỷ lệ mối gây hại cao nhất là 28,9% và tỷ lệ trung bình là 26,4%. Số liệu năm 2018 cho thấy, 60% cây chè có xuất hiện mối, tỷ lệ cây chết trong 5 năm gần đây là 12%.  

Hiện nay, số cây chè bị mối tấn công tăng lên nhanh chóng, nhiều cây đã chết và nhiều cây đang chết dần làm chè bị mất khoảng, ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị của chè Shan tuyết. Trước thực trạng ấy, người dân cùng chính quyền địa phương, các nhà khoa học đã tích cực vào cuộc để tìm cách diệt mối. 

Tháng 6/2019, ông Bùi Văn Cảnh tại thôn Bản Mới, xã Suối Giàng là hộ đầu tiên áp dụng chế phẩm sinh học từ gừng, tỏi, ớt, lá xoan và một số loài thực vật khác để diệt mối. Đây là mô hình khảo nghiệm sử dụng chế phẩm sinh học và một số biện pháp kỹ thuật trong diệt mối, phòng mối cho cây chè của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên thực hiện tại xã Suối Giàng. 

Sau 9 tháng thử nghiệm, phương pháp diệt mối này đã cho hiệu quả cao trong khu vực khảo nghiệm. Kiểm tra toàn bộ khu vực nghiên cứu, khai quật tổ mối cho thấy, các phần cấu tạo tổ mối không có mối hoạt động, đường mối đi trong lòng đất đã giảm đáng kể, cuốc phần đất xung quanh gốc cây không còn thấy mối xuất hiện nhiều như trước; đặc biệt, rễ cây đã mọc thêm rất nhiều, cây sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên, khu vực thử nghiệm chỉ thực hiện được 10/188 cây chè cổ thụ của gia đình. 

Ông Cảnh cho biết: "Chúng tôi rất mừng khi kết quả khảo nghiệm của mô hình được đánh giá là thành công. Tuy nhiên, để áp dụng cho toàn bộ diện tích thì thực sự rất khó khăn, nhất là về kiến thức và kinh phí để thực hiện. Tôi mong Nhà nước tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ người dân để việc diệt mối mang lại hiệu quả cao hơn nữa”. 

Thạc sĩ, Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Thị Tuyên - Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho biết: Dựa trên kết quả nghiên cứu, đánh giá cho thấy mô hình khảo nghiệm thành công trên 90%, song để mô hình thành công lại cần rất nhiều nước để bơm vào tổ mối. 

Việc phát hiện các tổ mối chỉ bằng phương pháp thủ công, chưa có thiết bị hiện đại. Đề tài thực hiện trong thời gian ngắn, chưa phân tích được chất lượng chè trước và sau khi thực hiện các phương pháp và ở các thời gian khảo nghiệm khác nhau. Để có thể đưa chế phẩm cũng như phương pháp diệt mối, phòng mối áp dụng đại trà cần có những nghiên cứu sâu hơn, rộng hơn nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp và tối ưu nhất. 

Trước đó, vào năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh đã phối hợp với Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình tiến hành điều tra, đánh giá tác hại của mối gây ra và nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật phòng, chống mối phá hoại vùng chè Shan tuyết tại xã Suối Giàng bước đầu đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, qua điều tra, xác định có 8 loại mối gây hại khác nhau trên cây chè nên việc tìm các biện pháp phòng trừ riêng cho từng loại mối gây hại cũng gặp nhiều khó khăn. 

Một số đoàn chuyên gia trong và ngoài nước cũng đến Suối Giàng khảo sát về sự phá hoại của loài mối, nhưng cho đến nay chưa có tổ chức hay cá nhân nào cam kết và có giải pháp hữu hiệu diệt mối cho rừng chè. 

Bên cạnh đó, trên 97% bà con ở Suối Giàng là người Mông nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc, bảo vệ, thu hái chè còn nhiều hạn chế; nhiều hộ còn tự ý mua các loại thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc về thử nghiệm diệt mối trên cây chè làm ảnh hưởng đến chất lượng vùng chè.

 

Một cây chè cổ thụ đang bị mối xâm hại. 

Mới đây, trên mạng xã hội đã lan truyền hình ảnh một người dân của xã Suối Giàng tự ý sử dụng một loại thuốc diệt mối được pha sẵn trong can nhựa 20 lít để thử nghiệm diệt mối cho chè. Ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã xác định được chủ hộ, kịp thời tuyên truyền, ngăn chặn không cho người dân sử dụng; đồng thời, lập biên bản tạm giữ can thuốc và báo cáo với ngành chuyên môn để xác định nguồn gốc loại thuốc này. 

Theo các chuyên gia đánh giá, nếu người dân sử dụng thuốc diệt mối có nguồn gốc hóa học, thuốc diệt mối dùng cho các công trình xây dựng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng vùng chè cổ thụ và có thể dẫn đến làm chết cây chè. 

Ông Nguyễn Văn Toản - Nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: đã có một số công trình nghiên cứu để diệt mối cho rừng chè. Tuy nhiên, do chưa áp dụng đồng bộ các giải pháp và chưa tập trung được nguồn lực nên đề tài chỉ dừng lại ở kết quả nghiên cứu mà chưa thể ứng dụng có hiệu quả.  
Ông Giàng A Đằng - Bí thư Đảng ủy xã trăn trở: việc người dân lo lắng cứu "cây vàng” là hoàn toàn đúng, song vấn đề đặt ra là vùng chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng đang thực hiện Dự án "Thành lập ngạch hữu cơ và thương mại bình đẳng cho sản phẩm chè Suối Giàng” trong khuôn khổ hợp tác giữa tỉnh Yên Bái với tỉnh Val de Marne (Cộng hòa Pháp). Quy trình sản xuất đòi hỏi không sử dụng các chất hóa học như: phân hóa học, thuốc trừ sâu hay thuốc trừ cỏ; quá trình chế biến bảo đảm quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm nên bà con không thể sử dụng thuốc hóa học để diệt trừ mối mà phải sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc sinh học trong diệt trừ mối vẫn chỉ dừng lại ở các mô hình khảo nghiệm, chưa được áp dụng nhân rộng trong điều kiện thực tế. Vì vậy, người dân, chính quyền địa phương vẫn đang loay hoay tìm giải pháp hữu hiệu diệt mối cứu chè. 

Được biết, mỗi năm toàn xã Suối Giàng thu hái trên 500 tấn chè búp tươi, thu về cho bà con từ 8 - 10 tỷ đồng. Năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm chè Suối Giàng. 

Năm 2019, sản phẩm chè Tuyết Sơn Trà của Hợp tác xã Suối Giàng là sản phẩm đầu tiên của huyện Văn Chấn được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu chè "độc nhất vô nhị” ở Việt Nam.  

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho biết: các nhà khoa học đã và đang tiếp tục nghiên cứu giải pháp diệt mối, phòng mối theo phương pháp an toàn sinh học, đảm bảo an toàn, đồng bộ, hiệu quả. Trước khi có được giải pháp tối ưu nhất để diệt mối, huyện Văn Chấn cần tiếp tục hướng dẫn cho người dân trồng dặm những cây chè mới vào những nơi chè chết, chè bị mất khoảng, không chăn thả gia súc vào đồi chè, không nên làm sạch cỏ và cây bụi mà nên giữ lại để giữ độ ẩm cho cây chè. Chính quyền địa phương phối hợp, tích cực tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp về chăm sóc, đốn, hái, bón phân hữu cơ... đúng yêu cầu kỹ thuật, giúp cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu cho cây chè.

Mạnh Cường

Tags Văn Chấn Yên Bái vùng chè chè Suối Giàng rừng chè Shan tuyết cổ thụ

Các tin khác
Mô hình liên kết trồng hoa hồng ở xã Nậm Khắt mang lại nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Một vùng quê trên núi cao đang dần "thay da, đổi thịt” với những con đường liên bản được cứng hóa, những ngôi nhà khang trang "ba sạch” ẩn hiện bên cánh đồng bậc thang, triền núi và cả những gia trại, mô hình kinh tế hàng hóa đang tạo nên sức sống "nông thôn mới”.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy trao đổi với người dân thôn Xá Nhù, xã Tà Xi Láng trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tà Xi Láng - khi nhắc tên, rất nhiều người nhớ đến một con đường huyền thoại được làm nên từ ý chí, quyết tâm và sức mạnh của tinh thần đoàn kết.

Một giờ dạy hát của thầy giáo Giàng A Tu.

Những lớp học mầm non mà người đứng lớp hàng ngày dạy trẻ học ăn, học nói, chăm từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy từng lời ca, tiếng hát, vần thơ, cho các bé không phải là những cô giáo như thường thấy mà là những thầy giáo.

Các cựu giáo viên, học sinh khóa 1972 - 1975 Trường cấp IIIA (Nay là Trường THPT Nguyễn Huệ) thăm Nhà Quốc hội.

Có lẽ bởi gắn bó với nhau từ gian nan mà tình thầy trò thêm khăng khít, dù thời gian trôi qua đã ngót nửa thế kỷ song những gương mặt và cái tên ngày ấy nguyên trong ký ức... Trước mái đầu tóc bạc của lớp thầy cô khả kính, lớp "học trò tóc bạc” vẫn luôn một điều thầy hai điều em.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục