Bí thư Đảng ủy xã Trạm Tấu thuộc thế hệ 8x. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này nên hơn ai hết, Mùa A Páo thấu hiểu tập tục, tư tưởng của ông cha mình. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, Mùa A Páo là một trong những thanh niên vượt khó học tập, được đào tạo bài bản cả về chuyên môn và chính trị.
Anh đã trải qua nhiều năm làm công tác văn phòng ở xã, rồi Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Trưởng ban Kinh tế HĐND huyện rồi làm Bí thư Đảng ủy xã Trạm Tấu. Chính sự cảm thông, chia sẻ và tình yêu với quê hương đã khiến những thanh niên thế hệ Mùa A Páo quyết tâm học tập, trở thành những tuyên truyền viên xuất sắc trong cuộc "cách mạng” xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Mùa A Páo chia sẻ: "Mình không bao giờ quên hình ảnh những cán bộ miền xuôi lên bản thắp đèn dầu họp cả đêm để vận động đồng bào trồng lúa hai vụ, đưa giống mới về địa phương. Không phải một đêm mà nhiều đêm, nhiều tháng ngày các anh chị ở bản cùng làm với dân để chứng minh hiệu quả. Mình ngưỡng mộ tinh thần trách nhiệm trong công việc và tình thương yêu đồng bào của họ mà quyết tâm học tập, giúp ích cho bản làng, quê hương mình”.
Từ một đảng viên trẻ, nay là người đứng đầu Đảng bộ, ngoài chăm lo công tác Đảng, Páo vẫn trăn trở với cây ngô, cây lúa, với đàn trâu, đàn lợn để người dân có thể thoát nghèo. Páo luôn đề nghị cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, mỗi gia đình đảng viên phải tiên phong thực hiện trước, mỗi đảng viên là một tấm gương đi trước về phát triển kinh tế.
Ở cương vị là người đứng đầu Đảng bộ xã, Mùa A Páo đã phát triển mô hình chăn nuôi lợn bản địa, mang về thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, ruộng nương nhà A Páo không bao giờ ngơi nghỉ. Mỗi năm, từ vài nghìn mét vuông ruộng 2 vụ, gia đình anh thu về 70 bao thóc và không chỉ đủ ăn và chăn nuôi, thóc còn trở thành hàng hóa. Ngoài ra, anh còn trồng khá nhiều ngô theo hướng sản xuất hàng hóa.
Nhiều đảng viên ở Đảng bộ xã Trạm Tấu với quyết tâm cao nhất trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo như Giàng A Dê ở thôn Km 17 có mô hình chăn nuôi 500 con gia cầm và gần chục con gia súc 7 gia súc lớn; hay Giàng A Cáng ở thôn Tấu Dưới cũng thành công với mô hình 500 con gia cầm.
Ý thức chủ động thoát nghèo được lan tỏa từ chính sự gương mẫu của người đứng đầu và những đảng viên trong toàn Đảng bộ xã; trong đó, đặc biệt phải kể đến thôn Mo Nhang xã Trạm Tấu. Năm 2020, cả xã Trạm Tấu có 17 hộ dân làm đơn xin thoát nghèo thì ở bản nhỏ Mo Nhang có tới 11 hộ. Sùng A Phong là một trong số đó.
Chàng trai sinh năm 1996, năng động và nhiệt huyết nên khi lập gia đình, rồi tách hộ, vợ chồng quyết định phải có kế hoạch cho tương lai của gia đình. Phong mạnh dạn viết đơn xin thoát nghèo.
"Tôi muốn thể hiện quyết tâm của mình. Tôi còn trẻ lại được học hành có kiến thức, được hưởng các chính sách ưu đãi về vay vốn của các tổ chức hội, nên chắc chắn mình có thể phát triển kinh tế gia đình ngay trên mảnh đất quê hương. Tuổi trẻ mà cam chịu hộ nghèo thì xấu hổ lắm” - Phong bày tỏ.
Nghĩ là làm. Sau khi nhận 40 triệu đồng từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm với các loại giống đang được huyện chỉ đạo xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng như: lợn đen, gà đen, cấy lúa tẻ đỏ. Một năm nỗ lực lao động, đến nay, nhà Phong đã có 2 con trâu và hàng trăm con gia cầm; gieo cấy lúa 2 vụ và ngô, thu về 1 năm 2,5 tấn lương thực. Cuối năm 2020, gia đình Phong thoát nghèo, trở thành điển hình tiên tiến của Mo Nhang.
Sùng A Phong chia sẻ: "Đây mới chỉ là bước đầu, mình còn muốn mở rộng quy mô nuôi lợn bản địa, gà đen, phát triển các diện tích lúa đặc sản để có thu nhập bền vững cho gia đình. Giờ mạng xã hội phát triển, chúng mình có sản phẩm tự khắc sẽ có cách quảng bá để tiêu thụ được nông sản cho gia đình”.
9X như Sùng A Phong có khí thế hừng hực của tuổi trẻ quyết tâm không cam chịu đói nghèo là điều đáng phấn khởi, nhưng niềm vui còn nhân đôi khi có những hộ gia đình dường như quen với cảnh đói nghèo đến mức chả muốn phấn đấu thì nay nhờ tuyên truyền đã đến cửa từng nhà, rồi chính những thanh niên tiên tiến, sáng tạo, tiên phong ở địa phương đã làm thay đổi những suy nghĩ lạc hậu còn cố thủ trong tư tưởng người dân. Vì vậy, có người đã quá nửa đời người trong nghèo khó như anh Sùng A Dình, sinh năm 1967 đã chủ động làm đơn xin thoát nghèo.
Một mô hình nuôi lợn đen ở xã Trạm Tấu.
Anh chia sẻ: "Trẻ còn làm được nữa là mình có kinh nghiệm sản xuất, gắn bó lâu năm với bản làng, không thể thua các cháu, các em được. Mình cố gắng làm giàu chứ không xấu hổ lắm”.
Mạnh dạn làm đơn thoát nghèo, Sùng A Dình đã chủ động đầu tư chăn nuôi. Sau khi thu lãi từ tiền bán gia súc, gia cầm, anh lại đầu tư cho sản xuất nông nghiệp và nuôi gà đen để phục vụ cho nhu cầu du lịch. Bây giờ, gia đình anh đã có 3 con trâu, 2.000 m2 ruộng hai vụ và vài nghìn mét vuông ruộng nương, mang về nguồn lương thực ổn định.
Trao đổi với chúng tôi, A Dình vẫn buồn cười với suy nghĩ của mình những năm trước đây: "Từ bé đến lớn, nghèo mãi cũng quen, thành ra tính ỷ lại, thụ động cao. Trong nhà cứ có thế nào ăn thế. Mấy năm gần đây, nhờ chính sách của Nhà nước ưu đãi vốn vay, các đảng viên trong Chi bộ cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động nên mình quyết tâm làm gương cho con cháu để mình và chúng nó có đời sống tốt hơn”.
Dám nghĩ, dám làm, Sùng A Dình đã trở thành những "người cũ” tiên phong thực hiện nếp sống mới, phát triển kinh tế, vận động con cháu đến trường; trong dòng họ không có người tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nhẩm trên đầu ngón tay, anh bảo, trong dòng họ có đến 9 đứa cả trai lẫn gái đang ở cái tuổi trăng Rằm và dòng họ quy định trai lớn đủ 20 trở lên, gái đủ 18 tuổi trở lên mới dựng vợ gả chồng. Những "người cũ” nhưng tư tưởng mới như anh Sùng A Dình đã góp phần để Mo Nhang ít đi những lời ru buồn.
Trưởng thôn Mo Nhang Cứ A Dơ có lẽ là người vui nhất: "Mo Nhang có 126,7 ha đất sản xuất. Người dân đã áp dụng đưa vào trồng những giống lúa, ngô có năng suất cao, chất lượng tốt nên nhiều gia đình dư giả. Những nông sản một thời chỉ để tự cung tự cấp nay thành hàng hóa, thu nhập bền vững hơn nhiều”.
Trưởng thôn Mo Nhang còn ấp ủ ước mơ xây dựng Mo Nhang thành thôn du lịch, bởi Mo Nhang có kiến trúc ruộng bậc thang rất đẹp pha nét hoang sơ chẳng khác gì những kiệt tác ruộng bậc thang La Pán Tẩn của huyện Mù Cang Chải. Thậm chí, còn đáng yêu hơn, bởi nhìn từ trên cao xuống, bản nhỏ này như được bao bọc bởi một rừng hoa đa sắc: đỏ, xanh, vàng, tím và đến cả cây chuối rừng ra hoa cũng như được sắp đặt.
Hơn nữa, thiên nhiên ban tặng cho Mo Nhang một vị trí thuận lợi, có thể biến những chuồng nuôi nhốt của người dân bản địa thành những trang trại chăn thả quy mô lớn để nuôi gà đen, lợn đen. Thậm chí, những chân ruộng bậc thang có thể duy trì lâu dài giống gạo đặc sản mà không sợ bị hương phấn lẫn lộn với các loại giống khác để giữ đậm chất gạo nương Trạm Tấu. Trưởng thôn Cứ A Dơ vẫn còn nguyên niềm vui khi bản gieo cấy lúa đặc sản TBJ3, cả huyện về đây thu mua vì gạo ngọt, dẻo, thơm. Anh còn trải lòng về nhiều ước mơ bản làng có thể giàu đẹp hơn như thế.
Tôi cũng hòa vào niềm vui và mong trong tương lai gần Mo Nhang sẽ thoát nghèo; sẽ có nhiều hơn những nông dân trở thành triệu phú để nơi đây xứng đáng là địa phương duy nhất của huyện Trạm Tấu được Tổng Bí thư lên thăm và gửi thư khen.
Ngọc Sơn