“Huyết mạch” vùng cao Yên Bái - Bài cuối: Đường mở cùng công cuộc đổi mới và tư duy chiến lược

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/12/2020 | 8:14:58 AM

YênBái - Từ cầu Yên Bái - cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng khánh thành năm 1992 đến hình thành các tuyến tỉnh lộ, từ năm 2010 trở đi, một cuộc cách mạng mới về đường giao thông nông thôn được Yên Bái triển khai mạnh mẽ hòa nhịp cùng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Hệ thống giao thông của tỉnh ngày càng được đầu tư đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển. (Ảnh: Thanh Miền)
Hệ thống giao thông của tỉnh ngày càng được đầu tư đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển. (Ảnh: Thanh Miền)


Thực trạng đường giao thông ở Yên Bái những năm 90 của thế kỷ trước còn vô vàn khó khăn. Dẫu vậy, cuộc cách mạng về giao thông của tỉnh đã được khởi động cùng công cuộc đổi mới đất nước, mà dấu ấn là xây dựng công trình cầu Yên Bái - cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng thuộc địa phận tỉnh được khởi công ngày 3/1/1990 và đến 30/12/1992 khánh thành đưa vào sử dụng. Đặc biệt, đây là cây cầu thứ 3 do Nhà nước ta đầu tư xây dựng bắc qua sông Hồng, sau cầu Thăng Long, cầu Chương Dương.

Ngày khánh thành cầu Yên Bái, hai bên đầu cầu tấp nập bà con xa gần tụ về như trảy hội. Ai ai cũng rạng ngời phấn khởi xen lẫn niềm tự hào, thán phục thành tựu khoa học của đất nước ngày càng khẳng định năng lực trị thủy để dựng lên những cây cầu sừng sững qua sông lớn. Cầu Yên Bái trở thành biểu tượng cho công cuộc đổi mới của tỉnh và là sự ngưỡng mộ của biết bao đoàn khách các tỉnh khi đến thăm Yên Bái. 

Cây cầu này đã trở thành động lực, sự mở đầu cho chiến lược phát triển giao thông Yên Bái, bởi nó chính là gạch nối vô cùng quan trọng kết nối khu vực phía Đông của tỉnh với các huyện, thị phía Tây gồm: Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ và một phần của huyện Trấn Yên, Văn Yên. Ở phạm vi kết nối vùng miền, cầu Yên Bái trở thành cửa ngõ để từ vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ đến với các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Lào Cai. 

Để hiện thực hóa chiến lược phát triển hạ tầng giao thông gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trọng tâm là thúc đẩy thương mại giữa miền xuôi với miền ngược và khai thác tốt thế mạnh của một tỉnh giàu tiềm năng kinh tế nông lâm nghiệp, tài nguyên khoáng sản và du lịch, thời kỳ năm 90 của thế kỷ trước và những năm đầu thế kỷ XXI, Yên Bái đã tập trung hình thành các tuyến tỉnh lộ hay nói cách khác là hình thành các tuyến đường tỉnh mang ý nghĩa trục động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. 

Cụ thể, đó là mở tuyến đường từ xã Hợp Minh thuộc huyện Trấn Yên cũ đi xã Minh An, huyện Văn Chấn dài khoảng trên 60 cây số kết nối quốc lộ 32C, quốc lộ 37 đoạn từ đầu cầu Yên Bái đi theo sườn phía Nam của tỉnh gồm nhiều xã vùng sâu, vùng xa của hai huyện nối vào quốc lộ 32 từ phía huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ đi lên. 

Dọc theo tuyến này, đi qua một khu vực rộng lớn giàu tiềm năng phát triển trồng rừng nguyên liệu gỗ và là một trong những vựa chè, vựa cây ăn quả có múi và chăn nuôi đại gia súc của Yên Bái. Cùng điểm kết nối gần khu vực đầu cầu Yên Bái còn là tuyến đường Âu Lâu - Đông An kết nối hàng chục xã của huyện Trấn Yên và Văn Yên dọc theo bờ Tây sông Hồng. Vùng đất này cùng chung tiềm năng trồng rừng nguyên liệu gỗ.

Nổi bật hơn cả, đó là vùng trọng điểm trồng quế và cây lương thực. Đối diện bên phía bờ Đông sông Hồng, đường Yên Bái - Khe Sang cũng được đầu tư nâng cấp tốt hơn; sau đó, tiếp tục được Nhà nước ưu tiên nguồn lực lớn về tài chính để làm những cây cầu vượt sông kết nối các xã vùng cao, vùng sâu khu vực thượng huyện Văn Yên với vùng thấp, đó là cầu Mậu A, cầu Trái Hút và nay thì toàn tỉnh đã có tới 7 cây cầu làm nên "kỳ tích sông Hồng”). 



Đường lên trung tâm xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn đã được kiên cố hóa cách đây hơn hai chục năm.  

Cùng thời điểm đó, tỉnh lộ 174 từ Nghĩa Lộ đi Trạm Tấu cũng được đầu tư nâng cấp, để các phương tiện giao thông đi lại thuận tiện tới một vùng trước đây khá cách biệt với bên ngoài. Nỗi khát khao về một con đường êm thuận của hơn chục xã phía Đông hồ Thác Bà thuộc huyện Yên Bình, Lục Yên cũng được "giải tỏa” bằng tuyến đường nhựa từ xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình đi thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tạo nên "huyết mạch” cho một vùng đa thế mạnh kinh tế như: du lịch cảnh quan, du lịch cộng đồng, lâm nghiệp, thủy sản hồ Thác Bà, khoáng sản quý hiếm, chăn nuôi trâu, bò, gia cầm đặc hữu và nhiều loại cây ăn quả đặc sản như bưởi Đại Minh, cam sành, hồng không hạt Lục Yên... 

Thêm nữa, đường mở từ xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình đi thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên qua đèo Thao đã kết nối quốc lộ 70 cùng các xã phía Bắc huyện Yên Bình, huyện Lục Yên sang ga đường sắt Mậu A và không chỉ tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện, kích cầu thương mại mà còn là con đường vận chuyển nguyên liệu nông lâm sản gần nhất của huyện Lục Yên, Yên Bình và vùng phụ cận các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang đến các nhà máy chế biến giấy đế, tinh bột sắn, các sản phẩm từ quế… tại huyện Văn Yên. 

Điểm nhấn quan trọng nữa là, cũng trong thời điểm ấy, tuy còn rất nhiều khó khăn về kinh tế nhưng tỉnh vẫn quyết tâm xây dựng những tuyến đường mang tầm chiến lược kết nối kinh tế - xã hội các địa phương vùng cao, vùng sâu với các tỉnh bạn, đó là đường từ xã Vĩnh Kiên qua xã Yên Bình, huyện Yên Bình nối sang huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang; đường từ thị trấn Yên Thế đi qua nhiều xã của huyện Lục Yên nối sang huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang; đường từ thị trấn huyện Trạm Tấu sang huyện Bắc Yên; đường từ Ngã Ba Kim, huyện Mù Cang Chải sang huyện Mường La, tỉnh Sơn La... 

Đi đôi với hoàn thiện các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, tỉnh cũng tập trung cao độ cho mục tiêu, nhiệm vụ mở các tuyến đường bảo đảm cho xe ô tô về đến tất cả trung tâm các xã vùng cao. Theo đó, con đường từ trung tâm huyện Mù Cang Chải đi xã Chế Tạo cách trung tâm huyện khoảng 40 cây số và cũng là xã vùng cao xa nhất của tỉnh được khởi công cuối những năm 90 của thế kỷ trước, như một minh chứng sống động nhất cho quyết tâm này. 

Từ đây, lần lượt các tuyến đường về những xã xa nhất, nan giải nhất ở tất cả các huyện từng bước được hoàn thành. Sau khi hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ này, từ đầu năm 2010 trở đi, một cuộc cách mạng mới về đường giao thông nông thôn (GTNT) được tỉnh triển khai mạnh mẽ hòa nhịp cùng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM). 

Hình ảnh thường gặp ở mỗi địa phương những năm qua là, cứ vào dịp cuối năm - lúc nông nhàn, các thôn xóm đều sôi động làm đường nông thôn và huyện Lục Yên nổi lên như lá cờ đầu của phong trào này, tạo được sức lan tỏa khắp tỉnh với những con đường 9-1, 6 - 4 (Nhà nước hỗ trợ 9 phần, nhân dân đóng góp 1 phần, sau là 6-4 ). 

Cho đến bây giờ, toàn tỉnh đã không hiếm những tuyến đường trục thôn, đường xóm được làm nên hoàn toàn do sức dân đóng góp bằng hiến đất, hiến công, tiền của, vật liệu…; trong đó, thật đáng mừng là có cả các tuyến đường ở những thôn toàn đồng bào Mông sinh sống như thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên hay xã Nậm Khắt ở huyện Mù Cang Chải gần chục năm qua, bà con người Mông sát cánh cùng Nhà nước bê tông hóa được 18 km đường GTNT theo tiêu chuẩn đường đặc thù rộng 1 m và dày từ 10 cm trở lên...

Nhìn lại kết quả đầu tư cho hạ tầng GTNT trong công cuộc XDNTM, tính riêng giai đoạn 2015 - 2020, đã có 1.800 km đường GTNT được bê tông hóa; 85% số thôn, bản có đường giao thông được bê tông hóa; toàn tỉnh có trên 50% số xã đạt chuẩn NTM; trong đó, có 9 xã và trên 150 thôn, bản đặc biệt khó khăn; Trấn Yên là huyện đầu tiên vùng Tây Bắc đạt chuẩn NTM; đường về trung tâm các xã vùng cao đã hoàn toàn bê tông hóa, mà mỗi cây số có tỷ suất đầu tư đắt gấp 3 lần so với cùng cấp đường ở vùng thấp. Tuy nhiên, lợi ích phía sau những nỗ lực đầu tư ấy là vô giá. Mạch đường cứng hóa chạy đến đâu, ánh sáng văn minh, cuộc sống ấm no tỏa lan tới đó. 

Từ tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới gần 100% ở huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải những năm 90 của thế kỷ trước, nay giảm còn dưới 37% và đặc biệt là không còn thiếu đói lương thực. Hệ thống đường thôn, bản vùng cao nối về đường xã, đường xã nối với đường huyện, tỉnh và các tuyến quốc lộ rồi nối lên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là tuyến đường trục động lực kinh tế mang tầm quốc tế, đã tạo nên sự tuần hoàn mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Dân trí ngày càng được nâng cao khi nhiều năm qua, 100% số trẻ ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn được ra lớp ở bậc tiểu học rồi học tiếp lên THCS; học tiếp lên THPT cũng đạt tỷ lệ khá cao và học xong rồi lại có trên 30% học sinh đi học tiếp các trường chuyên nghiệp để trở thành nguồn cán bộ đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, hoặc học nghề tham gia xuất khẩu lao động, mở mang ngành nghề nông thôn và trở thành nguồn nhân lực quan trọng cho các khu công nghiệp trong nước. 

Giá cả các mặt hàng tiêu dùng, hàng nông lâm sản ở vùng cao không có cách biệt lớn so với ở vùng thấp. Đường giao thông đã bừng thức những vùng đất đói nghèo, trì trệ thành những vùng ngô, lúa hàng hóa, rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm đặc sản, nuôi ong mật, trồng cây ăn quả, hoa hồng, dược liệu, chè Shan tuyết ở Trạm Tấu và Mù Cang Chải theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. 

Những con đường êm thuận còn dẫn khách du lịch ngày càng đông đến mọi nẻo vùng cao Yên Bái. Các tỷ phú là người dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu bằng nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng quế, sơn tra, trồng rừng nguyên liệu gỗ, làm du lịch cộng đồng… xuất hiện ngày càng nhiều. 

Bức tranh "huyết mạch” giao thông và đời sống kinh tế - xã hội Yên Bái trong tương lai sẽ còn tươi sáng hơn rất nhiều khi nhiệm kỳ mới này, tỉnh đang tập trung quan tâm tới những mục tiêu lớn như phấn đấu hết nhiệm kỳ sẽ có 78% số xã đạt chuẩn NTM; trong đó, có rất nhiều xã thuộc địa bàn vùng cao, vùng sâu; phấn đấu huyện Yên Bình và Văn Yên đạt chuẩn NTM. 

Như vậy, cũng đồng nghĩa với việc hàng loạt các tiêu chí NTM sẽ phải hoàn thành; trong đó, có tiêu chí về GTNT.  Cùng đó, tỉnh Yên Bái và Hà Giang cũng được Trung ương đặc biệt quan tâm tới Dự án xây dựng đường nối tỉnh Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; trong đó, có đoạn đi qua địa bàn huyện Lục Yên. Chính phủ đã quyết định bổ sung tuyến nối Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. 

Đây là những "cơ hội vàng” để Yên Bái hội tụ các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đề ra, đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.

 Sơn Nam

Tags Yên Bái vùng cao giao thông

Các tin khác
Đoàn đại biểu đại diện 47 tỉnh, thành phố dự Hội nghị tổng kết XDNTM vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 tham quan mô hình trồng quế hữu cơ của anh Sổng A Dũng ở thôn Khuôn Bổ.

Từ thành phố Yên Bái theo quốc lộ 37 đi gần hai chục cây số có một con đường rẽ phải được thảm nhựa đẹp như dải lụa uốn lượn qua những quả đồi xanh mướt. Con đường đó dẫn chúng tôi đến xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên.

Học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Văn Yên học nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ quế.

Hiện tại, Yên Bái đang có nguồn lao động khá dồi dào với tổng số hơn 490.000 người; trong đó, lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 301.905 người, chiếm 61,6%, phi nông nghiệp đạt 188.736 người, chiếm 38,4%. So với cả nước, chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn diễn ra còn chậm, tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh còn cao so với toàn quốc.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế của huyện Văn Yên được thị trường ưa chuộng.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI, chỉ số đào tạo lao động của tỉnh Yên Bái đã tăng từ thứ hạng 48 năm 2010 lên thứ hạng 35 năm 2019. Yên Bái còn là một trong số ít địa phương đi đầu cả nước sớm thực hiện "đặt hàng” dạy nghề cho lao động nông thôn.

Lao động nông thôn huyện Trấn Yên tham gia học nghề theo Đề án 1956.

Đề án 1956 được triển khai trên địa bàn tỉnh Yên Bái từ năm 2010. Tính trung bình mỗi năm có khoảng hơn 18.000 lao động có việc làm sau khi học nghề.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục