Người “hai vai” ở Tà Chử

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/3/2021 | 6:51:17 AM

YênBái - Mới 30 năm tuổi đời, 6 năm tuổi Đảng, Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ thôn Hờ A Lồng - một chàng trai Mông bằng tình yêu quê hương, đất nước đã cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết để bản làng Tà Chử được bừng sáng.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tà Chử Hờ A Lồng tuyên truyền, hướng dẫn bà con trong thôn chăm sóc, bảo vệ rừng.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tà Chử Hờ A Lồng tuyên truyền, hướng dẫn bà con trong thôn chăm sóc, bảo vệ rừng.

Đã thành lệ, hôm nay, anh Hờ A Lồng lại sửa soạn một ít đồ mang cho cụ bà Giàng Thị Mảy. Công việc này đã được anh Lồng duy trì từ năm 2016 đến nay. Cụ Giàng Thị Mảy có hoàn cảnh rất đặc biệt, chồng mất sớm, 2 cô con gái đi lấy chồng xa lại khó khăn nên chẳng giúp được gì cho cụ. Bản thân cụ lại mắc chứng tâm thần nên không thể lao động nuôi sống bản thân. 

Thương cụ hoàn cảnh éo le, anh Lồng đã dựng cho cụ một căn nhà nhỏ trên chính mảnh đất của nhà mình để tiện hàng ngày chăm sóc. Cứ thế, 5 năm nay, người dân thôn Tà Chử hàng ngày chứng kiến anh Lồng qua lại lúc thì mang gạo, lúc mang thức ăn rồi dọn dẹp nhà cửa giúp cụ Mảy như chính mẹ đẻ của mình. 

Anh Hờ A Lồng chia sẻ: "Tôi thấy bà Mảy hoàn cảnh khó khăn nên muốn đưa bà về ở cùng nhà nhưng bà không chịu. Bởi thế, tôi làm nhà cho bà ở gần nhà mình để tiện chăm sóc bà lúc ốm đau già yếu. Tôi luôn xem bà như chính mẹ đẻ của mình và chỉ mong bà luôn mạnh khỏe là vui rồi”.

Không chỉ có trái tim giàu lòng nhân ái, ngay từ nhỏ anh Hờ A Lồng ở thôn Tà Chử, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu đã học hành chăm chỉ, tu dưỡng, rèn luyện bản thân nên được bà con trong thôn yêu mến, tin tưởng. Năm 2012, anh được tín nhiệm bầu làm trưởng thôn khi vừa tròn 22 tuổi. Dù tuổi đời còn trẻ, xong anh Lồng luôn xác định được việc nào có lợi cho thôn thì dù khó đến mấy cũng phải cố làm. Trên địa bàn thôn có gần 600 ha rừng tự nhiên phòng hộ của Nhà nước. 

Anh nhận thấy, chăm sóc rừng không chỉ được nhận tiền chi trả của Nhà nước mà rừng còn tạo ra môi trường khí hậu trong lành, tạo ra nguồn nước sinh hoạt cho con người; vì thế, trên cương vị là trưởng thôn, chủ hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng, anh đã vận động các hộ thường xuyên tuần tra, chăm sóc, bảo vệ rừng, bảo tồn các loại cây gỗ quý hiếm, các loại cây lấy gỗ bản địa để làm giàu vốn rừng của thôn. 

Đặc biệt, vào mùa nắng nóng hanh khô, tổ đội ứng trực của anh luôn luôn bám rừng, nhất là các khu vực xung yếu để tuyên truyền, vận động bà con cách phòng cháy chữa cháy rừng. Nhờ đó, từ năm 2012 trở lại đây, thôn Tà Chử không xảy ra cháy rừng, độ che phủ rừng luôn đạt trên 60%.  

Anh Giàng A Lâu - cán bộ địa bàn thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu phụ trách thôn Tà Chử cho hay: "Trong nhiều năm qua, với tư cách là chủ hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng, anh Lồng luôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong thôn tích cực bảo vệ rừng, không để người dân chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Đặc biệt, vào mùa làm nương, nếu phát hiện hộ nào làm nương gần các diện tích rừng phòng hộ, đồng chí Lồng đã kịp thời ngăn chặn ngay không để xảy ra cháy rừng; nhờ đó, chúng tôi đánh giá rất cao ý thức, trách nhiệm trong việc quản lý bảo vệ rừng của thôn nói chung và cá nhân anh Lồng nói riêng”.

Thôn Tà Chử có 60 hộ dân, với 100% dân số là đồng bào Mông và đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nguồn sống chính chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp. Là trưởng thôn, Hờ A Lồng luôn trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để đời sống của bà con bớt khó khăn. Và rồi, anh nhận thấy chỉ khi có đường giao thông thuận lợi thì đời sống người dân mới cải thiện được. 

Vậy là, anh đã tổ chức họp thôn rồi đến từng nhà vận động bà con cùng tham gia mở đường và bản thân anh là người tiên phong làm trước. Ở một số đoạn đường đi qua đất sản xuất của gia đình anh và anh là người tự nguyện hiến đầu tiên. 

Nhờ đó, chỉ 5 năm trở lại đây, thôn Tà Chử đã mở mới được 5 tuyến đường; trong đó, có 2 tuyến đường liên thôn, 3 tuyến đường ra khu sản xuất. Theo đó, đến nay tất cả các khu sản xuất của thôn Tà Chử đều có đường đi lại được bằng xe máy. Bà con trong thôn ai cũng phấn khởi.  

Ông Hờ A Su là người cao tuổi cùng thôn Tà Chử bộc bạch: "Trưởng thôn Hờ A Lồng rất biết nghĩ cho dân và không chỉ tích cực mở đường, chăm sóc bà Mảy như mẹ đẻ mà còn rất tích cực tuyên truyền để người dân chúng tôi thực hiện quy ước, hương ước thôn, nhất là không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đẻ nhiều con, người chết được đưa vào quan tài rồi mới làm đám tang và không để người chết trong nhà quá 48 tiếng đồng hồ. Vì thế, mà nhiều năm rồi thôn tôi không có hôn nhận cận huyết, tảo hôn đã giảm hơn trước nhiều”.

Thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh ở những nơi có điều kiện, năm 2017, Đảng ủy xã Bản Công đã tín nhiệm để anh Hờ A Lồng làm Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ. Qua hơn một nhiệm kỳ đảm nhiệm 2 vai trò, Hờ A Lồng luôn giữ cho mình ngọn lửa nhiệt huyết với công việc của thôn và ngày càng trưởng thành hơn, đáp ứng sự tin tưởng của cấp ủy Đảng, chính quyền xã và bà con trong thôn. Với những cố gắng không ngừng của bản thân, Hờ A Lồng đã được huyện Trạm Tấu và xã Bản Công tặng thưởng nhiều giấy khen ở nhiều lĩnh vực. 



Anh Hờ A Lồng cùng bà con thôn Tà Chử tu sửa đường đi ra các khu sản xuất. 

Đồng chí  Chớ A Páo - Bí thư Đảng ủy xã Bản Công tự hào: "Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn nhằm mục đích để cùng 1 cấp 1 người lãnh đạo, điều hành tất cả các công việc của thôn. Do đó, không phải ai cũng có thể đảm nhiệm được vai trò này. Tuy nhiên, qua công việc thực tế, chúng tôi nhận thấy đồng chí Hờ A Lồng luôn rất có trách nhiệm và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, kể cả những việc xích mích, mâu thuẫn nhỏ ở thôn cũng được đồng chí giải quyết thấu tình đạt lý, không có các vụ việc phải nhờ đến cấp ủy Đảng, chính quyền xã giúp đỡ. Cùng đó, việc huy động sức dân để làm các công trình, phần việc của thôn, đặc biệt là đường giao thông nông thôn được đồng chí Lồng thực hiện rất tốt và là một trong những trưởng thôn tiêu biểu nhất của xã”.

Vừa là Trưởng thôn vừa là Bí thư chi bộ, với Hờ A Lồng vừa là niềm tự hào nhưng cũng đầy trách nhiệm khiến anh phải cố gắng rất nhiều để hoàn thành xuất sắc được cả 2 vai. Với anh, dù ở cương vị nào anh vẫn đau đáu trong lòng suy nghĩ, cái gì có lợi cho thôn thì khó mấy cũng cố làm; còn cái gì có hại thì kiên quyết không làm và động lực quan trọng nhất của anh để làm việc là được bà con yêu mến, tin tưởng. 

Anh Lồng tâm sự: "Tôi sẽ cố gắng hết khả năng để làm được những việc có lợi cho bà con. Trong thôn vẫn còn một số tuyến đường ra khu sản xuất đi lại còn khó khăn, tôi sẽ vận động bà con tiếp tục mở đường cũng như thực hiện tốt quy ước của thôn, nhất là việc không tảo hôn và sinh con thứ 3; tích cực quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa như chăn nuôi trâu, bò, lợn đen, gà đen bản địa, nuôi ong mật… Thực hiện tốt những việc này, chắc chắn thôn Tà Chử sẽ phát triển mạnh hơn nữa”.

Mới 30 năm tuổi đời, 6 năm tuổi Đảng, Hờ A Lồng - một chàng trai Mông bằng tình yêu quê hương, đất nước đã cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết để bản làng Tà Chử được bừng sáng, đời sống người dân ngày một ấm no, chính là minh chứng sống động về quan điểm đúng đắn của Đảng về công tác cán bộ trong đồng bào dân tộc thiểu số.                                                                                                 
Thu Hằng - Lộc Chầm

Tags huyện Trạm Tấu Bí thư Chi bộ thôn Tà Chử xã Bản Công Hờ A Lồng

Các tin khác
Đồng chí Trịnh Văn Xuê - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trạm Tấu cùng cán bộ ngành nông nghiệp đánh giá mô hình măng sặt tại xã Xà Hồ.

Người dân ở Trạm Tấu (Yên Bái) lấy tên họ đặt cho những giống lúa khó nhớ. Xã Trạm Tấu có giống lúa "cán bộ Thao”, xã Xà Hồ có giống ngô "cán bộ Ngọc”. Họ - những cán bộ nông nghiệp gắn bó một đời với vùng cao Trạm Tấu. Nhờ có họ mà lúa đã xanh trên những thửa ruộng bậc thang, ngô đã vàng trên những triền đồi...

Thành phố Yên Bái, đầu xuân Tân Sửu.

Quảng trường 19 Tháng Tám, Trung tâm Hội nghị, đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tất Thành ánh đèn Led trang trí màu sắc hòa nhau tạo nên một không gian lung linh, huyền ảo. Suốt một triền sông Hồng biêng biếc màu xanh của rau, đỗ, ngô, khoai...

Nông dân Thanh Lương thu hoạch lúa Séng cù sản xuất theo phương thức hữu cơ. (Ảnh: Thu Hạnh)

Tôi chạy xuống dang tay hít thở và như nuốt từng giọt hương thơm của đất trời, của hương lúa Mường Lò, của bạt ngàn sắc xanh ngô đông, rau màu gối vụ, của ửng hồng những chùm cà chua đang vào độ chín, của sắc vàng hoa cúc xen sắc đỏ hoa hồng trên những ruộng hoa tươi mới.

Khang A Tủa xúc động trong khoảnh khắc nhận cúp “Đại sứ truyền cảm hứng”.

Đến giờ thì cái tên Khang A Tủa “phủ sóng” khá rộng trên truyền thông trong nước bởi hành trình đã và đang đi của một thanh niên người Mông từ bản làng Chế Cu Nha, xã Chế Cu Nha, Mù Cang Chải bước ra phố thị với những bước chân thật đặc biệt trong những năm tháng tuổi trẻ này, như chính từ “Tủa” trong tiếng Mông nghĩa là “sự thay đổi có tính bước ngoặt” và viết lên câu chuyện truyền cảm hứng tuổi trẻ theo cách của riêng mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục