"Tình hình an ninh trật tự (ANTT) ở một số địa phương trong tỉnh vào thời điểm đó có những dấu hiệu phức tạp, lực lượng công an xã chưa đáp ứng được yêu cầu. Trước tình hình ấy, chúng tôi đã nghiên cứu, bàn bạc rất kỹ rồi quyết định đưa cán bộ, chiến sĩ về tăng cường cơ sở. Anh em về xã là khó khăn vất vả nhưng ai ai cũng hăng hái khoác ba lô lên đường vì đều hiểu rõ, cơ sở cần những người như mình; mặt khác, xuống với dân, thực hiện nhiệm vụ trên giao sẽ giúp mình cứng cáp, trưởng thành hơn” - Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, nguyên Giám đốc Công an tỉnh đã nói về bối cảnh điều động cán bộ, chiến sĩ đi tăng cường cơ sở, xây dựng Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ)”, đảm bảo ANTT giai đoạn 2011 - 2020 như vậy.
Có thể nói, thời điểm năm 2009, 2010, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh Yên Bái nói chung khá ổn định, không xảy ra phức tạp, bị động bất ngờ gây ảnh hưởng đến thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, trên địa bàn còn tiềm ẩn một số vấn đề phức tạp như: xuất nhập cảnh trái phép, truyền đạo trái pháp luật, đơn thư khiếu nại vượt cấp kéo dài ở một số địa phương chưa được giải quyết dứt điểm; phạm pháp hình sự và các tệ nạn xã hội tuy có giảm nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Bên cạnh đó, lực lượng công an xã trình độ năng lực yếu đã xuất hiện tình trạng vi phạm quy định và pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Nhiều câu chuyện đau lòng vẫn diễn ra ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nếu có đội ngũ cán bộ vững, đặc biệt là Phong trào "Toàn dân BVANTQ” vững mạnh thì sẽ ít hoặc không xảy ra, ví như nhiều phụ nữ người Mông ở Mù Cang Chải, Văn Chấn vì tan vỡ hạnh phúc, vì chồng mắc nghiện hoặc đang chấp hành án phạt tù… đã sẵn sàng sang Trung Quốc lấy chồng để mong được… đổi đời.
Bên cạnh đó, một số đối tượng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, nhận tiền từ chủ rồi quay về lôi kéo anh em trong bản, trong xã với lời hứa sẽ có việc làm nhàn hạ và thu nhập khá. Kết quả là, cuộc sống bên xứ người không như mơ.
Nạn nhân của một vụ mua bán người ở Trấn Yên sau khi tìm được đường về kể lại: "Hơn 10 năm ở bên Trung Quốc, tôi bị bán đi, bán lại cả chục lần. Có lần, tôi phải làm vợ cho cả 4 bố con trong một gia đình. Thật ê chề! Cuộc sống không khác gì địa ngục!”.
Trung tá Nguyễn Tiến Quỳnh - nguyên Đội trưởng Đội Phụ trách xã về ANTT, Công an huyện Trấn Yên kể lại: "Làng xã có mấy đối tượng nghiện ma túy là bà con mất ngủ, nay mất con chó, con gà, ngày mai mất cái máy bơm. Càng nguy hiểm hơn khi nhiệm vụ phòng chống ma túy ở thành phố làm mạnh, đối tượng mua bán, tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy chạy về nông thôn để hoạt động khiến tình hình trật tự xã hội rất dễ xấu đi. Ai cũng biết, ma túy kéo theo trộm cắp, gia đình bất hòa; sau ma túy, ở nông thôn còn tệ rượu chè, bài bạc… Tình hình càng trở nên khó khăn hơn khi lực lượng công an xã yếu về chuyên môn nghiệp vụ hay cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm thực sự đến công tác đảm bảo ANTT”.
Xuất phát từ đặc điểm tình hình ANTT tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh, năm 2011, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chủ động thực hiện chủ trương tăng cường cơ sở, đảm bảo ANTT, đẩy mạnh Phong trào "Toàn dân BVANTQ”.
10 năm tăng cường cơ sở, lực lượng công an đã vận động thu hồi được 1.512 khẩu súng các loại.
Theo đó, Công an tỉnh đã lựa chọn các địa bàn khó khăn, phức tạp để cử cán bộ, chiến sĩ xuống tăng cường. Đó là các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, trình độ dân trí thấp; một số địa bàn ở vùng thấp nhưng hiệu quả của hệ thống chính trị chưa cao, năng lực của một số cán bộ, đảng viên còn yếu, các tổ chức đoàn thể hoạt động kém hiệu quả; việc quản lý Nhà nước trên lĩnh vực ANTT còn nhiều bất cập; Phong trào "Toàn dân BVANTQ” còn nhiều hạn chế; ý thức cảnh giác của nhân dân chưa cao, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo… dẫn đến các biểu hiện tiêu cực, chống đối chủ trương chính sách.
Mục tiêu của công tác tăng cường cơ sở được Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đặt ra là: bám sát địa bàn, giải quyết các vụ việc phức tạp, bảo đảm an ninh trật tự; củng cố, xây dựng lực lượng nòng cốt trong đảm bảo ANTT ở cơ sở; chủ động phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa diễn ra tại địa phương; củng cố thế trận an ninh nhân dân, gắn với thế trận quốc phòng toàn dân; tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và cán bộ, đảng viên trong công tác đảm bảo an ninh trật tự; xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến; đẩy mạnh hoạt động tự phòng, tự quản, tự bảo vệ…, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả Phong trào "Toàn dân BVANTQ” tại cơ sở. Qua quá trình tăng cường cơ sở để nâng cao trình độ lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm cho cán bộ, chiến sĩ công an và các tổ chức quần chúng tại cơ sở, qua đó huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Thiếu tướng Trần Kim Hải – Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, người trực tiếp lãnh đạo công tác xây dựng Phong trào "Toàn dân BVANTQ” và chỉ đạo công tác tăng cường cơ sở khi đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: "Xin được nhấn mạnh rằng, tăng cường cơ sở là sản phẩm "độc đắc” của lực lượng công an. Có nghĩa là, tỉnh Yên Bái là đơn vị duy nhất trong cả nước triển khai công tác này, rất hợp, rất đúng với khẩu hiệu "Đồng thuận, bốn cùng với đồng bào dân tộc”.
Cách làm mới nên trong quá trình thực hiện không có hướng dẫn, không bài học kinh nghiệm. Dù vậy, anh em vẫn quyết tâm thực hiện với ý chí quyết tâm khó khăn thì khắc phục, vướng mắc thì tháo gỡ, hơn nữa là phải làm cho bằng được để đạt mục tiêu đề ra. Thật may mắn là quá trình thực hiện, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an và các đơn vị trực thuộc, sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự đùm bọc tin yêu của bà con nhân dân”.
Để đạt được mục tiêu đề ra, cán bộ, chiến sĩ được Công an tỉnh cử đi tăng cường là các đồng chí lãnh đạo cấp phòng, chỉ huy cấp đội hoặc đang trong diện quy hoạch, được tổ chức thành các tổ công tác do một đồng chí lãnh đạo cấp phòng làm tổ trưởng; thời gian tăng cường đủ 4 tháng, từng cán bộ phải thực hiện "bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc); đồng thời, phải thực hiện nhiều yêu cầu khác về chuyên môn nghiệp vụ, về chế độ báo cáo theo quy định của lực lượng công an.
"Nhận quyết định của cấp trên là bàn giao nhiệm vụ, chia tay người thân để lên đường về xã; xa gia đình vợ con là thay đổi thói quen sinh hoạt, là cơm niêu, nước lọ, khó khăn vất vả. Nhưng chưa đáng lo bằng việc phải làm sao có sự chuyển biến rõ nét về tình hình ANTT, phải làm gì để Phong trào "Toàn dân BVANTQ” phát triển sâu rộng… Có việc gì mà không khó khăn vất vả đâu. Nói cách khác, có khó khăn, vất vả thì mới cần cán bộ đi tăng cường” – đồng chí Nguyễn Tiến Quân - cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh đã nói như vậy trước khi đi tăng cường về một xã khó khăn của huyện Văn Yên.
Lê Phiên