Yên Bình: Đất bán ngập “nở hoa”

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/7/2021 | 2:08:07 PM

YênBái - Nhiều năm gần đây, tận dụng thời gian nước rút, người dân vùng đất bán ngập ven hồ Thác Bà đã đưa cây dưa hấu vào gieo trồng đem lại nguồn thu nhập đáng kể.

Nông dân xã Xuân Lai, huyện Yên Bình thu hoạch dưa hấu cuối vụ.
Nông dân xã Xuân Lai, huyện Yên Bình thu hoạch dưa hấu cuối vụ.

Năm nay, hơn 3.500 m2 dưa hấu, dưa lê của gia đình chị Nông Thị Quy, thôn Cà Lồ, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình được mùa, được giá khiến anh chị rất phấn khởi. Đây là lứa dưa cuối cùng trong năm và cho thu hoạch vào cuối tháng 6. Do vậy, đã có người đặt mua với giá khá cao. 

"Giá dưa năm nay tương đối ổn định nên người trồng dưa có thu nhập khá để bù lại những vất vả sớm hôm trên cánh đồng. Nông dân chúng tôi ngoài việc mong mưa thuận, gió hòa, chỉ mong nông sản được giá” - chị Quy chia sẻ. Vừa trò chuyện, chị Quy vừa nhẹ nhàng nâng từng quả dưa hấu to tròn, xanh sậm cắt cuống xếp lên xe rùa để anh Thế - chồng chị chở dưa về nơi tập kết. 

Anh Hoàng Đức Thỏa - cán bộ địa chính, nông lâm xã Xuân Lai đi cùng chia sẻ: "Tận dụng nước hồ Thác Bà rút, từ tháng 1 đến tháng 7 dương lịch, nhân dân các xã ven hồ như: Phúc An, Vũ Linh, Xuân Lai, Yên Thành… lại bắt đầu vụ dưa mới. Mỗi vụ, thường trồng 3 lứa, mỗi lứa khoảng 70 ngày là cho thu hoạch. Mỗi cây dưa thường để đậu 2 quả và cho thu hoạch 2 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 5 ngày". 

"Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi thu hoạch 5 đợt, mỗi đợt khoảng 3 tấn, với giá bán bình quân 6.000 đồng/kg, cho thu nhập khoảng 90 triệu đồng, trừ hết chi phí vẫn còn lãi 60 triệu đồng ” - chị Quy chia sẻ. 

Trò chuyện với người dân nơi đây, được biết, cây dưa hấu bén duyên tại các xã vùng ven hồ Thác Bà được bắt nguồn từ Xuân Lai và người đầu tiên đưa cây dưa về trồng trên đảo hồ là hộ ông Vi Văn Thành. Cho nên, mọi người trong vùng vẫn thân mật gọi ông là "Mai An Tiêm hồ Thác Bà”. 

Những năm đó, kinh tế nơi đây rất khó khăn, giao thông cách trở. Để các con không bị đứt bữa, những ngày giáp hạt sau mỗi mùa vụ ông Thành lại về quê vợ ở Nam Định để chăm sóc dưa thuê. Sau nhiều năm tích lũy được kinh nghiệm, đến năm 2004, ông mua hạt dưa giống ở đó về trồng thử ở và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thế rồi, bà con trong vùng đã theo ông trồng dưa đại trà ở vùng này. 

Ở bãi dưa bên cạnh, gia đình ông Tô Văn Tâm cùng thôn Cà Lồ cũng đang thu hoạch dưa. "Giờ đây, tôi quen với cây dưa cũng như cây lúa. So với các cây màu khác, trồng dưa cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, công chăm sóc và chi phí bỏ ra cũng lớn hơn. Nước hồ rút, lựa lúc trời xuân ấm áp, đất ẩm, tôi cùng người dân trong vùng bắt tay ngay vào vụ dưa mới. Hỏi về kỹ thuật và những kinh nghiệm trồng dưa, ông phấn khởi cho biết: "Khi bỏ bầu, phải trộn đều đất bột với phân chuồng mục đã ủ thêm phân lân được xử lý theo tỷ lệ "2 đất + 1 phân”- ông Tâm cho biết. 

Sau khi đặt hạt vào bầu, rắc tiếp một lớp đất bột trộn với trấu mục rồi tưới đủ ẩm. Trong thời gian chờ cây ở trong bầu lớn, tranh thủ dọn cỏ sạch sẽ, làm luống cẩn thận trên đồng rồi mới đưa cây ra trồng. Khi cây dưa lên khoảng 3 lá bắt đầu đưa bầu đi trồng. Khi cây dưa được 6 - 8 lá, tiến hành ngắt ngọn thường xuyên với mục đích giúp cho cây ra quả đều, đẹp. 

Ông Tâm cho biêt thêm: "Trồng dưa không khó, nhưng mất nhiều công chăm sóc. Vì vậy, hầu như ngày nào chúng tôi cũng ra bãi. Mỗi loại dưa có một đặc tính khác nhau, nhưng theo tôi trồng dưa hấu khó hơn trồng dưa lê vì luôn luôn phải che phủ không để quả dưa bị cháy nắng. Khi trồng, điều quan trọng nhất là phải chú ý phòng trừ sâu bệnh cho cây. Ngoài ra, thời kỳ đầu vụ, việc điều tiết nước phù hợp rất quan trọng cho cây phát triển và làm quả cuối vụ. Dưa là giống háo nước, nên lúc nào đất dưới chân cũng phải được tưới ẩm". 

Theo tính toán của chị Quy và ông Tâm, mỗi sào dưa hấu thường trồng 3 lứa, mỗi lứa cho thu hoạch 2 lần, năng suất từ 4 - 5 tạ/lần. Mùa thu hoạch, thương lái đến tận ruộng thu mua số lượng lớn. 

Hiện, giá dưa hấu được bán cất tại ruộng cho các đại lý dao động từ 6 - 7.000 đồng/kg. Đầu mùa, có những thời điểm bán được tới 8 - 9.000 đồng/kg và trừ các chi phí, mỗi sào dưa cho thu lãi khoảng 6 - 8 triệu đồng/vụ. Với ưu điểm hiệu quả kinh tế vượt trội, thời gian thu hoạch ngắn, nên khi trồng dưa bà con vẫn đảm bảo thời vụ. Ngoài ra, các hộ trồng dưa còn có thể tận dụng giữa các rãnh luống để trồng thêm một số loại cây khác như lạc, đỗ... 



Thương lái đến mua dưa hấu tại xã Xuân Lai chở đi tiêu thụ.   

Ông Nguyễn Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Xuân Lai chia sẻ: Diện tích trồng dưa dưới cốt 58 hồ Thác Bà trên địa bàn Xuân Lai có khoảng 30 ha, tập trung nhiều nhất ở các thôn: Cà Lồ, Trung Tâm, Cây Tre. 100% số hộ trong xã có đất dưới cốt 58 đều trồng dưa hấu, hộ ít trồng 2 - 3 sào, hộ nhiều vài mẫu trở lên. Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, nên dưa hấu trồng trên đảo hồ có vị ngọt sắc, tươi ngon, cùi mỏng, lõi dày, màu đỏ rực, đặc biệt không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên được khách hàng trong, ngoài tỉnh ưa chuộng. 

Các thương lái tìm đến tận nơi thu mua với giá bán tại vườn dao động từ  6.000 - 8.000 đồng/kg, dưa lê 20.000 đồng/kg nên nhiều hộ đã có thu nhập trung bình vài chục triệu đồng/vụ. Từ hiệu quả kinh tế cây dưa hấu mang lại, Xuân Lai sẽ tiếp tục nghiên cứu để mở rộng vùng trồng dưa, phát huy hiệu quả kinh tế của loại cây trồng đang được kỳ vọng sẽ là cây giúp xóa đói giảm nghèo. 

Năm nay, mùa dưa đến cũng là lúc dịch Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp. Song, không vì thế mà người tiêu dùng hờ hững với dưa. Thời điểm tháng 6, ở các chợ dân sinh khu vực phía đông hồ Thác Bà đâu đâu cũng thấy dưa được bày bán. Trên bãi dưa ở các xã: Phúc An, Yên Thành, Xuân Lai... người mua kẻ bán tấp nập, tiếng cười nói, trả giá xôn xao. 

Ở những con đường dẫn ra ruộng, các loại xe máy, xe tải nhỏ chờ sẵn để vận chuyển dưa. Dưa được thu hoạch chất đầy trên những sọt, trên các xe cải tiến tỏa về các ngả. 

Bổ đôi quả dưa hấu thơm mát vừa hái tại ruộng mời chúng tôi, chị Quy tự hào: "Nông dân trồng dưa hiện nay đều rất ý thức về việc trồng dưa sạch, hạn chế tối đa việc phun thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm sức khỏe vừa cho bản thân cũng như cho sức khỏe cho cộng đồng. Có như vậy, mới có thể canh tác bền vững, đảm bảo thu nhập". 

Tạm biệt những người nông dân giản dị, chân thành, chúng tôi cũng như họ, mỗi mùa dưa đến mong cho trời đất ôn hòa để mùa màng bội thu, được giá.  

Quang Thiều

Tags hồ Thác Bà Phúc An Yên Thành Xuân Lai Yên Bình dưa hấu

Các tin khác
Thượng tá Cứ A Tám cùng cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh triển khai phương án đấu tranh tội phạm.

30 năm công tác trong lực lượng Công an Yên Bái cũng là từng ấy năm Thượng tá Cứ A Tám - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh lăn lộn trên trận tuyến nguy hiểm nhất - đấu tranh với tội phạm về ma túy.

Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành chụp ảnh với các giáo viên được chuyển công tác theo nguyện vọng.

Hạnh phúc không nói lên lời, hạnh phúc hiện trong những giọt nước mắt xúc động, hạnh phúc ở trong cái ôm thật chặt của những đứa con xa cha mẹ lâu ngày…Đó là hạnh phúc của 45 thầy, cô giáo nhiều năm gắn bó với vùng cao nay được chuyển công tác theo nguyện vọng về gần với gia đình.

Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy và Huyện ủy Mù Cang Chải trao đổi với người dân xã Chế Tạo về phát triển kinh tế.

Chúng tôi cùng đoàn công tác của Ban Dân vận Tỉnh ủy và Huyện ủy Mù Cang Chải đến Chế Tạo - xã xa nhất và khó khăn nhất của huyện vùng cao Mù Cang Chải. Từ trung tâm huyện, sau 2 giờ đi trên những cung đường uốn lượn vắt ngang những đỉnh núi mờ sương, đoàn công tác mới đến được trụ sở UBND xã.

Già làng Mùa A Sùng.

Trời tháng 6 nắng đổ lửa, thôn Tấu Trên, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu vẫn ươm một màu xanh của ruộng lúa, triền ngô. Những triệu phú ngô đồi như: Giàng Nỏ Chua, Giàng Sấu Giang, Giàng A Lù… đã trở thành niềm tự hào của đồng bào Mông Tấu Trên. Tất cả là nhờ họ biết nghe lời một già làng có uy tín...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục