Mùa hè rực lửa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/7/2021 | 6:54:45 AM

YênBái - Năm nay, nắng lửa của mùa hè đã đổ xuống ngay lúc còn chưa hết tiết xuân, rồi rực lên từ những ngày cuối tháng Tư, đầu tháng Năm tới giờ. Cuộc chiến với nàng "cô vi” khốc liệt đến mức cả nước như sôi sục, rực lên tinh thần "chống dịch như chống giặc”.

Một mùa hè khốc liệt đến mức cả nước như sôi sục, rực lên tinh thần
Một mùa hè khốc liệt đến mức cả nước như sôi sục, rực lên tinh thần "chống dịch như chống giặc”.

Bỗng nhớ, hè về là phượng đỏ sân trường, là hoa gạo nở khi vang tiếng tu hú, là lửa lựu lập lòe đâu đó… một thuở. Năm Tân Sửu - 2021, hè cũng đỏ rực, nóng bỏng khắp chốn. Thỉnh thoảng có chút mưa dông, nhưng vẫn không làm vơi đi sức nóng của một mùa hè đầy nắng lửa.

Năm nay, Hạ chí (giữa hè) - một ngày luôn coi là nắng nóng đỉnh điểm vào đúng ngày 21/6 của giới báo chí. Nhưng phải chăng nắng lửa của mùa hè đã đổ xuống ngay lúc còn chưa hết tiết xuân, rồi rực lên từ những ngày cuối tháng Tư, đầu tháng Năm tới giờ. 

Cuộc chiến với nàng "cô vi” khốc liệt đến mức cả nước như sôi sục, rực lên tinh thần "chống dịch như chống giặc”. Đến đầu tuần này, hơn một nửa số tỉnh, thành phố của dải đất hình chữ S đã ghi nhận người mắc COVID-19. 

Tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh được xác định là ổ dịch lớn ở miền Bắc đã tạm yên thì em "cô vi” lại hoành hành ở phía nam đất nước. Giữa hè, thành phố Hồ Chí Minh đang oằn mình trên chảo lửa với hàng trăm ca được phát hiện mỗi ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại. 

Từ 27/4 tới đầu tuần rồi cả nước có gần 27.000 ca nhiễm; ranh giới 30.000 ca mắc COVID-19 theo kịch bản của Bộ Y tế đã bị phá vỡ và đang thách thức người dân Việt Nam. 

Từng góc phố, con đường ở thành phố Hồ Chí Minh giảm mật độ người qua lại, địa phương đầu tàu kinh tế đất nước đang rực nóng hơn trong cuộc chiến chống COVID-19. Quyết định thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong 15 ngày đã được thành phố đưa ra vào cuối tuần qua. 

Vậy là, trong tuần này và tuần sau nữa, theo nguyên tắc của Chỉ thị 16, mọi người dân phải ở nhà; không tụ tập quá 2 người ở nơi công cộng, công sở, bệnh viện, trường học; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ngừng hoạt động; dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng… 


Đoàn công tác của ngành y tế Yên Bái hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh thể hiện quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19. Ảnh Minh Huyền

Ở nơi nóng nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đích thân kiểm tra công tác phòng chống dịch và cho rằng, thực hiện giãn cách đối với thành phố Hồ Chí Minh là việc khó khăn nhưng đây là quyết định phù hợp, đúng thời điểm. 

Thủ tướng nhấn mạnh: "Cả nước đang mong đợi, cả nước đang trông chờ, cả nước đang tin tưởng thành phố Hồ Chí Minh. Phải huy động sức mạnh của tập thể, sáng kiến của nhân dân và phải không hoảng hốt, bình tĩnh, sáng suốt để đưa ra các quyết định phù hợp, trên tinh thần là lợi ích quốc gia và nhân dân lên trên hết”. 

Các bệnh viện dã chiến, các trung tâm điều trị đã và đang bắt đầu hoạt động với tổng số khoảng 30 ngàn đến 50 ngàn giường bệnh; một chiến dịch tiêm vắc xin với quy mô khoảng 1,1 triệu liều đang được triển khai; sẽ có khoảng 10 ngàn cán bộ y tế của các tỉnh thành phố trong cả nước được Bộ Y tế thành phố Hồ Chí Minh, việc đảm bảo các nhu yếu phẩm cho nhu cầu của người dân được đáp ứng. 

Cả nước đang hướng về thành phố Hồ Chí Minh nóng bỏng, đoàn công tác của ngành y tế Yên Bái gồm 12 bác sĩ, 30 điều dưỡng, 2 kỹ thuật viên cũng đã lên đường tới thành phố Hồ Chí Minh để san sẻ, hỗ trợ nhiệm vụ phòng, chống dịch nhưng đã thực hiện ở hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.

Còn nhớ tháng Sáu - cùng năm nay, khi thăm và chúc mừng Báo Yên Bái nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy vui mừng bày tỏ về những cố gắng của đội ngũ người làm báo. 

Điểm lại những sự kiện quan trọng của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: "Trong hơn một năm qua và ngay trong những ngày này, chúng ta phải ứng phó với dịch bệnh COVID-19 - một đại dịch tác động đến toàn thể thế giới, chưa từng có trong lịch sử… Chúng ta là một trong những tỉnh xuất hiện ca bệnh đầu tiên nhưng chúng ta làm rất tốt được Trung ương, được Chính phủ đánh giá cao…”. 



Cán bộ tổ bầu cử ở xã Châu Quế Hạ, Văn Yên băng rừng trong nắng hè mang hòm phiếu đến phục vụ cử tri cách ly tại nhà thực hiện quyền bầu cử. 

Trong câu chuyện, Bí thư Tỉnh ủy không ít lần nhắc tới cụm từ "mục tiêu kép” - được hiểu rằng, đây là việc quyết liệt, thường xuyên, hằng ngày ở các cấp, các ngành trong suốt thời gian qua. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, người dân đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia các hoạt động thực hiện "mục tiêu kép”. 

Thế nên, công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, Đại hội XIII của Đảng đã diễn ra và thành công rất tốt đẹp; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 thành công ngoài mong đợi. 

Vào hè, "cô vi” bất chợt vào địa bàn thành phố Yên Bái khiến không khí trở nên oi ả. Nhiệm vụ phòng chống dịch được kích hoạt theo kịch bản đến cả hệ thống chính trị, nhất là những cán bộ thôn bản, cán bộ y tế cơ sở hằng ngày nắm dân, bám địa bàn. 

Các điểm nghi nhiễm ở Việt Cường, Đào Thịnh (Trấn Yên), ở phường Tân An, Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ), ở Hồng Hà, Yên Thịnh (thành phố Yên Bái) được khoanh vùng, truy vết. Những mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 được triển khai hết sức khẩn trương, chính xác để thực hiện quy trình cách ly theo quy định. Những lều bạt đã được dựng lên ở các nút xuống cao tốc Nội Bài - Lào Cai và các nẻo đường dẫn vào tỉnh Yên Bái. 

Mặt đường chang chang phả lên, nóng trên mái lều dội xuống mà chẳng ai chịu rời vị trí, danh tính nơi đi đến của mỗi người về Yên Bái nhờ thế được ghi chép đầy đủ. Giờ thì người dân đã quen với hình ảnh những cán bộ chuyên môn mặc bộ quần áo bảo hộ y tế nóng bức trong những ngày "chỉ thở thôi cũng mệt” đi đến từng nhà lấy mẫu xét nghiệm, hay phục vụ từng bữa ăn, giấc ngủ cho những trường hợp ở khu cách ly tập trung. 

Họ được gọi là những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Mặt trận không khói súng, những vất vả chẳng ai giống ai, "ăn tranh thủ - ngủ khẩn trương” như khẩu hiệu và mệnh lệnh của trái tim. Chỉ có những người được sống ở nơi đó mới có thể trải lòng mình về họ. 

"…Mọi người ơi, biết dịch bệnh là không ai mong muốn, là thiệt thòi, là sợ, là ảnh hưởng đến kinh tế và nhiều cái khác nữa. Nhưng mọi người vất vả thiệt thòi một thì ngoài kia các y, bác sĩ, công an, dân quân, bộ đội họ khổ và thiệt thòi nhiều nhiều lần hơn thế. 8 ngày em ở trong khu cách ly em thấy ngày, đêm họ vất vả trực, dọn dẹp, chuẩn bị, có thể nói suốt ngày đêm…” - Trên FB Thao Thu Vu đã có những tâm sự như vậy. 



Đoạn trong bức thư của bác Đỗ Đức Toàn, thôn 4, xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên cách ly tập trung Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái.

Kể vậy chứ! Người viết bài này đã từng thấy Chủ tịch huyện Văn Chấn mũ cối và  khẩu trang; nghe, nói, gọi hỏi đến nóng điện thoại, rồi tất tả cùng cán bộ cơ sở đi tìm công dân theo một thông báo từ địa phương có dịch. 

Hình ảnh cái nắng của ngày 23/5/2021, một thành viên của tổ bầu cử trong bảo hộ y tế sùm sụp mang hòm phiếu, ngược đèo đến nơi cử tri đang cách ly thực hiện quyền xây dựng Nhà nước trong cuộc bầu cử chưa từng có trong lịch sử. Rồi những nỗ lực để các kỳ thi của năm học hoàn thành đúng quy chế và an toàn mọi mặt…

Giờ chiếc khẩu trang che kín khiến người ta khó nhận ra nhau, nhưng đó sẽ là văn hóa thời cô-vit, là sự chung lòng, hợp sức của người dân Yên Bái! Chả ai chạnh lòng khi khẩu trang che đi khuôn mặt rạng rỡ, nhưng đó là để bảo vệ cộng đồng và tất cả đang cùng đích chung là thắng lợi của "mục tiêu kép”. Dịch bệnh rồi sẽ được đẩy lùi!



Cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chuẩn bị bữa ăn cho người cách ly tập trung tại điểm cách ly số 7, Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái. (ảnh: Thành Trung)

MIÊN MAN CHUYỆN "SỸ TỬ" 

Tháng 7, khi những cánh bằng lăng tím bung nở chuyển màu sang trắng cũng là lúc các cô cậu học trò lớp 12 khép lại những trang lưu bút tháng năm đầy vấn vương của tuổi học trò hoa mộng để bước vào kỳ thi quan trọng với biết bao hoài bão. 

Nhớ lại những ngày cuối cấp ba năm nào, ký ức như một thước phim quay chậm hiện về trong ta là thời gian vùi đầu vào học tập, quên cả những thú vui thường ngày. 

Nỗi lo lắng, hồi  hộp, phấp phỏng trước mùa thi hiện về trong cả giấc mơ mỗi đêm. Là hình ảnh bố mẹ âm thầm chăm sóc, lo lắng, động viên, nấu cho con những món ngon để tẩm bổ; lo con thức học quá khuya… 

Và khi chuyến tàu đã chuẩn bị rời "sân ga 18”, ta được sống trong những cảm xúc đặt biệt nhất của tuổi học trò, ghi dấu những dòng lưu bút, chụp ảnh và cùng nhau lưu giữ kỷ niệm của thời "nhất quỷ, nhì ma” để mãi nhớ về thời áo trắng học trò, tuổi đẹp nhất với những ước mơ hồn nhiên, bay bổng dưới mái trường... 



Những chú "dê vàng" 2K3 đã xuất sắc trải qua kỳ thi lịch sử với quyết tâm cao. Ảnh: Thanh Chi

Những điều tưởng chừng chắc chắn diễn ra vào cuối lớp 12 ấy sẽ mãi như thế cho đến khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện. Thế hệ 2K3 (sinh năm 2003), năm học này, các em đã không có một mùa học, mùa thi, mùa chia tay trọn vẹn như những thế hệ trước. 

Trong điều kiện hết sức hạn chế, vừa âu lo vì lượng kiến thức ôn tập rất nhiều, vượt qua dịch bệnh để có thể tham dự kỳ thi, và cả những ngày "đứng ngồi không yên” vì phải đợi quyết định chính thức về kỳ thi có được diễn ra hay không, nhưng trong hoàn cảnh đó, những sĩ tử 2K3 đã vượt qua thử thách để hoàn thành chặng đường đầy khó khăn. 

Năm học đặc biệt khép lại với niềm vui, nỗi buồn và cả tiếc nuối khi thiếu tiệc chia tay, cuốn lưu bút còn đang viết dở... song luôn nhớ lời dặn của các thầy, các cô "các em chủ động rèn cho mình bản lĩnh dám đương đấu với thách thức, dịch bệnh cũng là một trong muôn vàn thách thức mà ta phải vượt qua” nên ai cũng hiểu rằng, trên tất cả là vì sự an toàn của bản thân mỗi người và cộng đồng. 

Thật may mắn khi Yên Bái vẫn là tỉnh nằm trong vòng an toàn trước dịch bệnh khi mà nhiều địa phương trên cả nước đã phải lùi lịch thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, tất cả sĩ tử của chúng ta đều được thi trong đợt 1 vừa diễn ra trong 2 ngày 7 - 8/7 mới đây. 

Ngoài kiến thức mang theo thì các sĩ tử không quên mang khẩu trang, sát khuẩn tay và đo thân nhiệt trước khi vào phòng thi cùng những lời căn dặn ân cần của các phụ huynh với con trước giờ cổng trường thi.

Lần đầu tiên người ta thấy có một mùa thi yên tĩnh đến vậy. Cổng trường vắng vẻ , các ông bố, bà mẹ không còn tụm năm tụm bảy bàn tán nhưng sự lo lắng thì vẫn y nguyên, thậm chí là hơn mọi năm rất nhiều. 

Sự cố gắng của ngành giáo dục - đào tạo đã giúp những sĩ tử 2K3 vững vàng vượt qua "cô vy” và vượt vũ môn với kết quả tốt nhất.

Một kỳ thi lịch sử của những chú dê vàng 2K3 giữa dịch Covid-19 rồi cũng kết thúc, để lại bao nhiêu nỗi niềm, cảm xúc, ký ức khó quên của một thế hệ đi qua hai mùa dịch để mở ra một hành trình mới phía trước. 

Tạm biệt mùa thi tốt nghiệp, thi đại học đầy khó khăn song đó chỉ là một trong muôn vàn thử thách để các chiến binh 2K3 vững vàng trước những thử thách cuộc sống, tiến thẳng đến những ước mơ của mình. Tương lai phía trước đang chào đón các em… 




Hè 2021, thực sự là mùa hè rực lửa với những fan hâm mộ trái bóng tròn. Những đêm "ăn bóng đá, ngủ bóng đá” được khởi động bằng những trận cầu sôi động của các "chiến binh sao vàng” - đội tuyển bóng đá Việt Nam tại vòng loại thứ 2 World cup 2022 khu vực Châu Á. 

Ngất ngây trong men say chiến của đội tuyển trước Malaysia và Indonesia và chứng kiến tinh thần thi đấu quả cảm của những "chiến binh” khoác trên mình chiếc áo mang màu cờ Tổ quốc trong trận đấu với chủ nhà UEA, tuyển Việt Nam đã lần đầu tiên giành chiếc vé vào vòng loại cuối cùng World cup 2022 khu vực Châu Á với tư cách là một trong 5 đội nhì xuất sắc nhất! 



Nước mắt đã rơi, rơi vì hạnh phúc, vì tinh thần Việt Nam! Tất cả đang hướng về đội tuyển với hi vọng được một lần hiện thực hóa "giấc mơ World Cup” và người hâm mộ lại tiếp tục được "cháy” hết mình cùng đội tuyển quốc gia.



Rồi các fan "túc cầu” lại cuồng nhiệt hòa vào không khí rực lửa tại Euro 2020. Sau 50 trận đấu, Euro 2020 đã xác định được hai đội bóng bước vào trận chung kết. 

Trận chung kết giữa các cầu thủ áo thiên thanh - đội tuyển Italia và đội bóng đến từ đảo quốc Sương mù - đội tuyển Anh với biệt danh "Tam sư” thực sự là trận đấu mang đến những cảm xúc đặc biệt. Đặc biệt cả ở không gian bóng đá gia đình, khác hẳn với hoạt động tụ tập, hò reo đông người. Bóng đá trong mùa "cô-vít” là thế, có những người trong gia đình chả hiểu gì về bóng đá cũng trở thành những fan cứng dõi theo trái bóng Euro. 

Đam mê và những sinh hoạt gia đình thực sự được điều tiết để đảm bảo sức khỏe sau những giây phút vỡ òa cảm xúc. Ngay ở phút thứ 2, "Tam sư” đã có pha phản công sắc bén, Trippier tạt bóng rất hay để Luke Shaw sút chân trái một chạm ở góc gần mở tỷ số cho đội chủ sân Wembley. 

Phút 67, Bonucci – cầu thủ số 19 có mặt đúng lúc để sút cận thành gỡ hòa cho đội khách. Sau bàn thắng này, trận đấu diễn ra hết sức kịch tính. 120 phút trôi qua tỷ số vẫn là 1 - 1 buộc hai đội phải bước vào loạt penaty cân não. Sau mà đấu súng, Italia lần thứ 2 liên tiếp bước lên ngôi vương. 

Kết thúc trận đấu, trời đã sáng bảnh, mấy bác đi bộ thể dục còn bình luận về sự sai lầm của huấn luyện viên tuyển Anh khi đưa mấy cầu thủ còn "non” lắm vào sân!



Tranh biếm họa của báo Tuổi trẻ cười.

Trước đó, ở bên kia bán cầu, vào 7 giờ sáng 11/7 (theo giờ Việt Nam), những người yêu bóng đá đã được chứng kiến màn trình diễn Siêu kinh điển của bóng đá Nam Mỹ giữa Brazil và Argentina. Trận đấu diễn ra căng thẳng, hấp dẫn, đúng với tính chất của một trận chung kết Copa America. Messi và đồng đội lần đầu tiên vô địch Copa America sau khi giành chiến thắng 1-0.

Với những người yêu bóng đá, mùa hè 2021 thực sự là một mùa hè đặc biệt với những giải bóng đá tầm cỡ châu lục. 

Người hâm mộ dường như được "cháy” hết mình với bóng đá cùng các thành viên trong gia đình… và các bình luận viên. Không thấy tụ tập đông người, chẳng ai cháy với bóng đá ở quán bia, quán nước.

Xem bóng đá ở nhà vẫn vui với những trận cầu sôi động trong một mùa hè rực lửa. Tất cả sẽ dõi theo các cầu thủ tại các giải đấu lớn tiếp theo để "cháy” hết mình vì tình yêu dành cho bóng đá!




Hè này, nhà ông An, bà Thùy xóm tôi lúc nào cũng ríu rít tiếng nói cười. Chả là năm nay dịch Covid-19 bùng phát đúng vào thời điểm nghỉ hè, ông, bà có 2 đứa con một trai, 1 gái, đứa thì công tác mãi tận Hà Nội. 

Có cô con gái rượu lấy chồng gần thì công tác trong ngành y tế. Tháng 5 khi tình hình dịch tại Bắc Giang phức tạp, cô xung phong lên đường hỗ trợ tỉnh Bắc Giang dập dịch, thành thử 2 con phải gửi ông bà. 4 đứa cháu nội, ngoại đều về với ông, bà. 

Vì thế ông bà cũng vạch luôn thời gian biểu chi tiết cụ thể giữ ổn định sinh hoạt. Sáng sớm, sau bài tập thể dục, bà Thùy đi chợ và mua quà sáng cho các cháu. Thằng Bi, cái Bống, thằng Tít, cái Na, bà thuộc hết nết ăn của từng đứa: đứa xôi, đứa bánh mỳ, đứa lại chỉ thích mì tôm. 

Còn ông An sáng nào cũng vậy, công việc chỉ là gọi các cháu dậy đánh răng rửa mặt, ăn sáng. Rảnh rang ông, bà lại kể những câu chuyện cổ tích cho lũ trẻ nghe như chuyện: Tấm Cám hay sự tích chú Cuội, quả dưa hấu, cây vú sữa…, cả một kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam được ông bà kể lần lượt cho các cháu. 

Có con bé Na mới có 3 tuổi thôi mà cứ đòi bà kể đi kể lại chuyện chú Cuội, rồi vì sao chú lại lên cung trăng. Hai anh trai hiếu động hơn, chỉ mong trời râm mát để được cùng ông câu cá. 

Bà Thùy kể: "Năm nay, bọn trẻ mới về đông đủ thế này chứ những năm trước, chúng học đủ các môn năng khiếu hè, rồi thì nghỉ mát, có về với ông bà cũng chỉ chốc nhát rồi lại đi ngay. Có vất vả hơn nhưng đó lại là niềm vui, niềm hạnh phúc của ông bà với con cháu”. 

Ông An ngồi cạnh cũng thêm chuyện: "Lũ trẻ về bận rộn hơn, mệt hơn, khi đứa lớn bắt nạt đứa nhỏ, rồi chúng nhớ bố mẹ cứ khóc váng hết nhà. Nhìn lũ trẻ vui đùa mạnh khỏe, trên hết là tình hình dịch bệnh cũng ổn dần là tôi mừng rồi”. 


Các thế hệ vui vẻ bên nhau trong hè COVID.

"Tối nào chúng tôi cũng xem tình hình dịch bệnh qua thời sự, rồi thi thoảng cô con gái lại gọi Zalo về, nhìn nó lúc nào cũng đẫm mồ hôi trong bộ bảo hộ, rồi tất bật với công việc lấy mẫu xét nghiệm cả ngày, thậm chí cả đêm. Chúng tôi thương lắm, xót con lắm. Nhưng tất cả vì cộng đồng, tôi chỉ biết dặn con cố gắng giữ gìn sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở về” – ông An chia sẻ. 

Các thế hệ trong gia đình luôn dành cho nhau những điều tốt đẹp. Sự gắn kết được nhân lên trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Hè năm nay là một mùa hè đặc biệt với mọi người, mọi nhà khi các thành viên được ở bên nhau nhiều hơn, tình cảm, sự sẻ chia trong gia đình được nâng lên. Cũng từ sự gắn kết ấy sẽ góp sức cùng cả cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Nhóm phóng viên YBĐT

Tags Sar-CoV-2 y tế Yên Bái tuyến đầu chống dịch Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy COVID-19 Chỉ thị 16 bệnh viện dã chiến

Các tin khác
Tỷ phú Giàng A Sáu.

Điểm giao dịch bỗng lao xao bàn tán: “Tỷ phú đến rồi kìa!”. Ngoài hiên, anh Giàng A Sáu khệ nệ bê tải tiền và chị vợ bế đứa con nhỏ theo sau. Tổ giao dịch bố trí một bàn, một máy đếm tiền một nhân viên phục vụ A Sáu đếm tiền. A Sáu đặt tải tiền xuống sàn nhà, chỉnh lại khẩu trang rồi xếp từng cục tiền lên bàn. Anh thủng thẳng: “Cán bộ cho mình gửi bốn tỷ nhé! Vừa bán đồi quế”. Mọi ánh mắt ngưỡng mộ hướng về vợ chồng A Sáu.

Nông dân xã Xuân Lai, huyện Yên Bình thu hoạch dưa hấu cuối vụ.

Nhiều năm gần đây, tận dụng thời gian nước rút, người dân vùng đất bán ngập ven hồ Thác Bà đã đưa cây dưa hấu vào gieo trồng đem lại nguồn thu nhập đáng kể.

Thượng tá Cứ A Tám cùng cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh triển khai phương án đấu tranh tội phạm.

30 năm công tác trong lực lượng Công an Yên Bái cũng là từng ấy năm Thượng tá Cứ A Tám - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh lăn lộn trên trận tuyến nguy hiểm nhất - đấu tranh với tội phạm về ma túy.

Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành chụp ảnh với các giáo viên được chuyển công tác theo nguyện vọng.

Hạnh phúc không nói lên lời, hạnh phúc hiện trong những giọt nước mắt xúc động, hạnh phúc ở trong cái ôm thật chặt của những đứa con xa cha mẹ lâu ngày…Đó là hạnh phúc của 45 thầy, cô giáo nhiều năm gắn bó với vùng cao nay được chuyển công tác theo nguyện vọng về gần với gia đình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục