Vấn đề xuất nhập cảnh trái phép lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hệ lụy khôn lường mà người lao động gặp phải trên hành trình tìm kiếm sự đổi đời. Họ không những phải trả giá đắt cho các chuyến đi "chui” mà còn có nguy cơ đánh đổi bằng cả tính mạng ở miền đất hứa bên kia bờ ảo vọng.
Sụp đổ những ước mơ đổi đời
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Phạm Văn Vỹ, ở xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên vào giữa trưa hè oi bức. Ngôi nhà lụp xụp, nằm cheo leo giữa lưng chừng núi, trong nhà chẳng có gì đáng giá. Năm trước, anh Vỹ đã từng có thời gian vượt biên sang tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) làm ăn mấy tháng trời.
Anh Vỹ cho biết, dù bây giờ có cho thêm tiền nữa anh cũng nhất định không đi. Vì nghe theo lời người quen bảo sang Trung Quốc làm việc mang được nhiều tiền về xây nhà, mua xe… Nhưng, khi sang bên kia biên giới thì lại là một hình ảnh hoàn toàn khác.
Đại đa số công việc họ làm chỉ mang tính chất thời vụ, bập bõm, thu nhập có thể nhỉnh hơn so với làm việc tại quê nhà một chút ít (6-7 triệu đồng/tháng) song họ phải đối mặt với bao nguy cơ tiềm ẩn khi không được bảo hộ, thậm chí có trường hợp còn phải bỏ mạng xứ người.
Chị Mùa Thị Sua, dân tộc Mông ở xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu cũng đã cùng một nhóm người trong thôn từng vượt biên sang Trung Quốc làm việc qua con đường tiểu ngạch ở tỉnh Lào Cai. Chị cho biết: "Thấy mọi người rủ đi làm ăn thì mình cũng đi thôi chứ chẳng biết người ta dẫn mình đi đâu, giao cho ai vì không biết tiếng. Sang đó, tôi làm thuê cho xưởng bóc vỏ tôm, mỗi ngày làm việc 16 giờ, không có ngày nghỉ và được trả 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, chủ xưởng thường xuyên nợ lương, lưu giữ số tiền công theo quý, năm vì chúng tôi là lao động trái phép".
"Sau này, khi đến kỳ hạn trả tiền công, chủ mật báo công an sở tại, do không có giấy tờ gì nên tôi bị cảnh sát Trung Quốc phát hiện, nhốt vào tù rồi trục xuất về nước. Tiền lương bị ăn quỵt mà không biết kêu ai vì mình đâu có quyền gì khi đã vi phạm pháp luật” - chị Sua nói.
Tuy nhiên, đó là những trường hợp bảo toàn được tính mạng và trở về quê nhà. Có những trường hợp, người lao động lúc ra đi lành lặn mà khi trở về người thân đau đớn, bàng hoàng ôm bình đựng tro cốt.
Em Lò Văn Chiến, sinh năm 1997, ở xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên vì nghe theo lời rủ của bạn đã xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc mà gia đình không hay biết. Sau khi sang, em mới gọi điện về báo cho bố mẹ yên tâm sẽ tìm việc làm ăn và gửi tiền về. Thế nhưng, đầu năm 2019, khi trên đường về quê, em đã bị tai nạn giao thông và tử vong.
Bằng sự cố gắng của các đơn vị chức năng, tro cốt của em đã được đưa về nước nhưng không có tiền đền bù, mất luôn cả số tiền lương em định mang về nhà cho bố mẹ ăn tết. Còn rất rất nhiều trường hợp nữa hoặc đã phải bỏ mạng nơi xứ người, hoặc trở về quê hương với thân tàn ma dại mà chúng tôi không thể liệt kê hết ra đây. Đó thực sự là nỗi đau không dễ gì hàn gắn đối với người thân, gia đình, bè bạn của những con người lỡ bước, lầm lạc.
Cán bộ Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Yên Bái lấy lời khai của đối tượng xuất cảnh trái phép.
Nguyên nhân của "làn sóng độc”
Trước tình trạng nhiều công dân trên địa bàn tỉnh xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê với hy vọng đổi đời nhưng nhiều người lại lâm vào cảnh túng quẫn, Công an tỉnh Yên Bái đã lập tức có những biện pháp ngăn chặn.
Thiếu tá Hoàng Đình Tứ - Phó trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Yên Bái đánh giá: "Hiện nay, các trường hợp xuất cảnh đa phần có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, bị dụ dỗ bởi người nhà, người quen đã từng làm việc ở Trung Quốc hoặc thông qua môi giới. Công an tỉnh đã triển khai tuyên truyền vận động để người dân đề cao cảnh giác trước các thủ đoạn tinh vi của những kẻ tổ chức đường dây buôn bán người. Tuy nhiên, tình trạng công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, làm thuê trên địa bàn Yên Bái vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp. Việc xuất nhập cảnh trái phép tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, mất an toàn cho công dân Việt Nam như bị lừa đảo tiền, bị lừa bán sâu vào nội địa Trung Quốc, bị Công an Trung Quốc bắt, giam giữ, phạt tiền và lao động công ích… Thậm chí, một số trường hợp còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng”.
Được biết, điều kiện để làm việc ở Trung Quốc rất đơn giản, không yêu cầu trình độ và tay nghề cao. Trong khi đó, để xuất khẩu lao động hợp pháp thì người lao động phải bỏ ra khoản chi phí ban đầu rất cao, đòi hỏi phải có trình độ ngoại ngữ, tay nghề chuyên môn theo yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động. Mặt khác, năng lực, uy tín của một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động bị giảm sút khi không giữ đúng cam kết với người lao động… Những điều đó đã khiến người lao động mất niềm tin.
Bên cạnh đó, tình trạng kinh tế khó khăn, thiếu việc làm đã đẩy người lao động ra nước ngoài làm ăn bất hợp pháp để tăng thu nhập cho gia đình. Các trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc đều đi theo đường tiểu ngạch qua biên giới rồi đi sâu vào nội địa Trung Quốc đến các cơ sở sản xuất để xin việc làm. Một số trường hợp khác xuất cảnh sang Trung Quốc bằng giấy thông hành hoặc hộ chiếu có dán visa du lịch sang Trung Quốc thời hạn 1 tháng, nhưng trốn ở lại để lao động trái phép, khi quay về nước thường nhập cảnh trái phép...
Đa số công dân có nhu cầu xuất cảnh trái phép chủ yếu đều cư trú tại các huyện miền núi, điều kiện đi lại khó khăn nên công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác trong phòng ngừa, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép chưa được thường xuyên. Hơn nữa, cấp ủy, chính quyền của một số địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng công dân Việt Nam xuất nhập cảnh trái phép.
Cần ngăn chặn từ xa
Trước tình trạng ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp về xuất nhập cảnh trái phép, dẫn đến những hệ lụy khó lường cho công dân tỉnh nhà, Công an tỉnh Yên Bái đã có công văn đề xuất với Bộ Công an tham mưu cho Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ban, ngành ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, dự án an sinh xã hội, ổn định đời sống dân sinh, nhất là khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, nhằm tạo công ăn viêc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho nhân dân. Qua đó, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Đồng thời, định hướng cho lao động có ý định đi xuất khẩu lao động đi theo kênh chính thống, tìm kiếm việc làm cho lao động các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm.
Sở lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên phối hợp với các huyện, thành phố và các doanh nghiệp uy tín trong và ngoài tỉnh tổ chức các chương trình tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc, đặc biệt là lao động vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, ngăn chặn việc đưa người Việt Nam xuất nhập cảnh trái phép và người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Cán bộ Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Yên Bái tiếp công dân đến làm hộ chiếu.
Theo Thiếu tá Hoàng Đình Tứ, có nhiều người sang Trung Quốc lâu năm, nay trốn về nước không nhớ đường đi. Vì vậy, chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho các gia đình có người thân ở nước ngoài về nước bằng con đường hợp pháp để được cách ly phòng chống dịch COVID-19; tuyên truyền cho người thân ở nước ngoài, khi đi đến cột mốc biên giới thông báo ngay cho lực lượng biên phòng để được đón bằng ô tô, bàn giao cho cơ quan Công an và đưa đi cách ly tập trung theo quy định.
Cùng với đó, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh còn thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cấp thủ tục cấp hộ chiếu lên trực tuyến trên mạng Internet tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi đến làm các thủ tục xuất cảnh, thời gian cấp hộ chiếu cho người chuẩn bị đi nước ngoài được rút ngắn, nhưng vẫn đảm bảo đúng theo quy định hiện hành.
Để công tác tuyên truyền, phòng chống xuất cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao cần sự vào cuộc quyết liệt không chỉ của lực lượng công an mà còn cả các cấp ủy, chính quyền cơ sở. Đồng thời, có những giải pháp cụ thể trong quản lý, nắm vững số công dân đi làm việc ở nơi xa để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm nhằm răn đe và nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của xuất cảnh trái phép.
Thiên Cầm
(Tác phẩm dự thi Vì bình yên cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân)