Tháng 1/2020, Hát Lừu - xã đầu tiên của huyện vùng cao Trạm Tấu và cũng là một trong những xã đầu tiên của 62 huyện nghèo nhất cả nước đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trong niềm vui của cả hệ thống chính trị và người dân huyện Trạm Tấu. Điều gì đã làm nên kỳ tích đối với Hát Lừu khi bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM tỷ lệ hộ nghèo của địa phương này còn chiếm tới 77,39%.
Ông Lò Văn Tiếp - Chủ tịch UBND xã Hát Lừu khẳng định, trước hết, xã đã khơi dậy được ý chí tự lực, tự cường và phát huy nội lực gắn với phát huy tiềm năng của địa phương. Trong đó, nhận thức của nhân dân và khát vọng làm giàu là nhân tố quyết định trong hành trình giảm nghèo.
Nhờ vậy, cùng với các nguồn vốn của Nhà nước, trong 9 năm qua, Hát Lừu đã khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước của một bộ phận người dân; cơ sở hạ tầng cơ bản được kiên cố hóa; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã được hình thành, tạo việc làm ổn định cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 37 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,37%.
Cũng như Hát Lừu, nhiều địa phương khác trong tỉnh, tiêu biểu là xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, Hồng Ca, huyện Trấn Yên, Mường Lai, huyện Lục Yên, Cát Thịnh, huyện Văn Chấn… các cấp ủy, chính quyền đã khơi dậy được lòng tự tôn và ý chí thoát nghèo của người dân nên bộ mặt NTM đang hiện hữu từng ngày.
Cụ thể, xã Hồng Ca được biết đến như "rốn” nghèo của huyện Trấn Yên khi có 4/13 thôn đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 chiếm gần 48%, nhưng đó là câu chuyện của quá khứ, còn hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương này chỉ chiếm hơn 4%. Đời sống của trên 1.473 hộ dân trong xã đang từng ngày được khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm.
Ông Đào Đức Chỉ, thôn Hồng Hải, xã Hồng Ca cho biết: "Đến nay, người dân trong xã đã phá vỡ được tư tưởng trông chờ ỷ lại từ Nhà nước; đồng thời, khơi dậy được nội lực, tập trung trồng rừng, nhất là cây quế hàng năm thu về gần 30 tỷ đồng. Cùng đó, chúng tôi đánh giá rất cao sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Yên Bái đã cụ thể hóa nhiều chương trình hành động rất cụ thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, nên đời sống của nhân dân trên địa bàn xã không ngừng được nâng lên”.
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: "Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, Đảng bộ tỉnh đã đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, sáng tạo, hiệu quả. Hàng năm, Tỉnh ủy ban hành chương trình hành động lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm và kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo trong năm theo phương châm "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”: Chương trình hành động số 144 (năm 2019); Chương trình hành động 190 (năm 2020); Chương trình hành động số 18 (năm 2021) về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm và các kế hoạch giảm nghèo.
Trong đó, giao chỉ tiêu giảm nghèo cho từng huyện, thị, thành phố; đồng thời, phân công nhiệm vụ, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp cấp tỉnh phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương để trực tiếp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ từ 20 - 50 hộ nghèo/năm tại các xã đặc biệt khó khăn mà cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đó được phân công hỗ trợ, giúp đỡ thường xuyên.
Đồng chí Đỗ Đức Minh - Bí thư Thành ủy Yên Bái cho biết: "Giao việc, khoán sản phẩm” là một giải pháp sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Nếu như trước đây, chúng ta giao công việc còn chung chung, không rõ về sản phẩm, cán bộ thực hiện kết quả chưa cao thì bây giờ sản phẩm phải nhìn thấy và đánh giá được số lượng, chất lượng. Từ đó, mỗi cán bộ trong các cơ quan đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu buộc phải đào sâu tìm tòi, nghiên cứu, đưa ra giải pháp để hoàn thành sản phẩm được giao. Vì vậy, trong những năm qua, thành phố đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ trong phát triển kinh tế - xã hội”.
Cùng với "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”, Tỉnh ủy chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường cán bộ về cơ sở "ba cùng” với dân, nhất là ở các địa bàn đặc biệt khó khăn nhằm giúp dân giảm nghèo, XDNTM”.
Từ tháng 7/2018 đến tháng 3/2020, đồng chí Nguyễn Văn Hòe - Phó Chánh Văn phòng Cấp ủy và Chính quyền huyện Trạm Tấu được tăng cường về xã Xà Hồ giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã. Trên cương vị mới, đồng chí Hòe luôn giữ gìn đoàn kết nội bộ, việc gì có lợi cho dân thì làm. Từ suy nghĩ này, đồng chí vừa lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vừa trực tiếp cùng nhân dân bàn bạc, tìm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ đó, làm thay đổi rõ nét trong phương thức sản xuất của đồng bào Mông; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 61,89% năm 2018 xuống còn trên 44% năm 2020.
Với Mường Lai, từ một xã nghèo của huyện Lục Yên, nay đang khoác lên mình một diện mạo mới với trên 70% đường liên thôn, 33% đường ngõ xóm và nội đồng được bê tông hóa; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 35 triệu đồng/người/năm và hiện tại xã đạt 12/19 tiêu chí NTM. Có được thành quả trên là nhờ những cách làm hay, tư duy đột phá của Đảng bộ, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu Đảng bộ.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Triệu Văn Huấn: "Tháng 9/2019, tôi được tăng cường về xã. Để đưa đời sống của nhân dân khởi sắc, trước hết, người cán bộ phải có tư duy năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.
Từ đó, tôi cùng với Ban Chấp hành Đảng bộ xã vừa lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, tìm các giải pháp phát triển phù hợp với tiềm năng kinh tế - xã hội địa phương. Nhờ có sự lãnh đạo đúng, trúng, hợp lòng dân của người đứng đầu địa phương, đến nay cùng với cây lúa, xã Mường Lai đã đã hình thành được các vùng phát triển kinh tế chủ lực gồm cây ăn quả, dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,14%".
Đồng chí Nguyễn Văn Hòe và Triệu Văn Huấn là hai trong hàng trăm cán bộ được luân chuyển về cơ sở đã phát huy hiệu quả, năng lực, sở trường, dám nghĩ, dám làm, được nhân dân tín nhiệm cao. Theo đánh giá của các cấp ủy, chính quyền địa phương toàn tỉnh, việc luân chuyển cán bộ xuống "ba cùng” với nhân dân là một bước đột phá trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là công tác giảm nghèo ở các xã khó khăn.
Cùng với các giải pháp, cách làm trên, Yên Bái còn tích cực tuyên truyền, vận động tạo sự thay đổi căn bản về nhận thức, hành động của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về công tác giảm nghèo.
Nhờ phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc chủ động, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, XDNTM; đưa việc giảm nghèo, XDNTM trở thành nhu cầu, là ước nguyện của nhân dân. Qua đó, đã dấy lên phong trào người dân xin thoát nghèo và từ năm 2020 đến nay đã có hơn 600 hộ nghèo viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo, được cấp ủy, chính quyền các cấp biểu dương, khen thưởng.
Ngoài ra, Yên Bái còn quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, trường học, phát thanh, truyền hình, viễn thông, ưu tiên các địa bàn đặc biệt khó khăn; chăm lo phát triển toàn diện văn hóa - xã hội, nhất là tại các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục dân tộc, chăm sóc sức khỏe nhân dân; chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn để mở rộng sinh kế, nâng cao thu nhập cho người lao động nên đến hết 2020, Yên Bái có 50% số xã đạt chuẩn NTM, bằng 1,35 lần bình quân chung của vùng trung du và miền núi phía Bắc, bằng 1,85 lần bình quân chung khu vực Tây Bắc, có 3/9 đơn vị cấp huyện đã đạt chuẩn hoặc hoàn thành XDNTM, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng gấp 2 lần so với năm 2015…
Văn Tuấn
Bài cuối: Đồng bộ chính sách hợp lực giảm nghèo