Thôn Làng Ca, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn nằm nép mình bên thung lũng yên ả. Đưa tôi đến Làng Ca là anh Sùng A Phàng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Thịnh. Gia đình anh là hộ duy nhất trong 84 hộ dân ở Làng Ca không phải là hộ nghèo. Sau khi nghe tôi ngỏ ý muốn đến gặp gỡ các hộ gia đình nơi đây, anh Phàng nói: "Giờ này thì chỉ có người già và trẻ em ở nhà thôi. Người lớn đi làm ruộng, làm đồi rừng hết rồi, trưa cũng không về đâu”.
Vượt qua con đường toàn đá dốc, không biết bao chặng phải cuốc bộ để đến với Làng Ca, nên dù biết có thể không gặp được ai song tôi vẫn quyết định đi đến nơi người dân đang làm việc. Vô tình chuyến đi có chủ đích trở thành chuyến đi "tìm người”, mông lung, không định hướng.
Sau gần 1 tiếng đồng hồ, người đầu tiên tôi gặp là Sùng A Sèo, 31 tuổi đang ở lán làm việc. Gia đình anh có 6 người thì chỉ có bà mẹ ở nhà, còn anh và vợ đang xây dựng chuồng trại nuôi trâu, bò; cha anh thì cắt cỏ; hai đứa trẻ ngồi trên mấy bao thóc, đứa lớn đọc truyện cho đứa bé, không làm phiền người lớn làm việc.
Sau vài câu trò chuyện, Sèo vỗ vỗ vào bao thóc - là thành quả của vụ đông xuân vừa qua, tự hào nói: "Chẳng biết nhà mình có bao nhiêu sào ruộng, nhưng vụ nào cũng thu hoạch được từ 30-40 bao thóc, lâu lắm rồi không cần gạo cứu đói của Nhà nước. Giờ, 6 người ăn không hết gạo, nên mình chuyển một phần diện tích trồng lúa sang trồng cỏ nuôi trâu, bò”.
Gia đình Sèo hiện có 11 con trâu, bò, tính ra cũng phải 200 triệu đồng tiền vốn. Số tiền ấy, anh chắt chiu từng đồng từ tiền bán con gà, con lợn, măng sặt và đồi cây, mỗi lần mua một con, cứ thế mà có số lượng như hiện nay. Sèo định bụng sẽ gây dựng mô hình nuôi trâu, bò bán công nghiệp bởi cách nuôi chăn thả tự nhiên như trước kia đã từng không cho hiệu quả.
Anh kể lại: "Đáng lẽ ra đàn trâu, bò cũng có 13 con nhưng 2 năm gần đây do mình chăn thả tự nhiên trên đồi nên bị bệnh mà không biết, chết mất 2 con. Đợt này, mình trồng cỏ diện tích khoảng 3.000 m2 và xây dựng chuồng trại đúng quy cách, đảm bảo để nuôi hàng hóa. Mình cũng chọn những con giống tốt để nuôi. Người ta chở xe về tận nhà nhưng đi đến thôn Đồng Hẻo, không còn đường bê tông nên mình xuống, người và trâu, bò cùng đi bộ hơn 3 km về nhà”.
Nghiêm túc chuẩn bị những điều kiện cơ bản của một mô hình chăn nuôi tập trung từ chuồng trại, thức ăn đến kinh nghiệm chăm sóc, bệnh dịch, tất cả Sèo đều tự học ở trên mạng rồi cẩn thận hỏi lại cán bộ khuyến nông để có sự tư vấn chính xác. Sèo tự tin lắm, bán được lứa đầu tiên này Sèo sẽ thoát nghèo.
Anh Sùng A Sèo đang xây dựng mô hình nuôi bò bán công nghiệp.
Chia tay với gia đình anh Sèo, tôi may mắn gặp Sùng A Chua đang chăm sóc đồi quế hơn 4 năm tuổi của gia đình. Trao đổi với Chua, tôi được biết, 3 năm trước, bố mẹ Chua lần đầu tiên bán được đồi quế 1 ha trồng từ những năm 2004-2005 được 200 triệu đồng, chia đều cho 3 người con trai. Chua cùng người em út Sùng A Chờ đã để dành toàn bộ số tiền này và vay mượn thêm từ ngân hàng để mua 1 chiếc máy xúc cũ. Tuy nhiên, do chưa có nhiều mối làm ăn, đến nay, hai anh em vẫn chưa được chia lãi.
Chua chia sẻ thật lòng: "Làm máy xúc chỉ là công việc phụ của mình vì em trai mới là người trực tiếp đi làm. Còn mình vẫn phải bám rừng, bám bản thôi”. Do đó, Chua vẫn kiên trì tiếp tục trồng quế vì quế sẽ cho thu nhập cao. Mọi diện tích đất anh có khi lấy vợ từ "đồi vốn” trồng keo và bồ đề, một phần diện tích trồng ngô và cả những bãi đất trống quanh nhà đều được bao phủ bởi hơn 1 vạn cây quế.
Kinh nghiệm tự tích lũy cộng với việc học tập, tham quan các mô hình trồng quế cho hiệu quả cao, quế của gia đình Chua đang phát triển xanh tốt, chẳng thua kém là bao với cây quế ở vùng quế Văn Yên. Lấy ngắn nuôi dài, ở nhà, Chua nuôi thêm 5 con lợn, trâu bò 4 con và duy trì đàn gà từ 20-30 con để đảm bảo cuộc sống trong khi chờ quế lớn.
Nhìn cách A Chua chăm chỉ, cần mẫn chăm sóc từng cây quế tôi tin đồi quế này sẽ mang đến cuộc sống mới, ấm no, hạnh phúc hơn. Nhưng Chua còn băn khoăn: "Lẽ ra, bố mẹ mình bán đồi quế được gần 500 triệu đồng, nhưng thương lái bảo vì không có đường bê tông để ô tô đến thôn thu mua, mất nhiều công thuê vận chuyển nên chỉ mua với giá 200 triệu đồng. Bởi ô tô không lên được, quế phải bóc vỏ, vận chuyển bằng xe máy đến nơi thuận tiện cho ô tô. Gỗ quế, cành quế đều bị mua với giá giảm một nửa so với các chỗ khác, lá quế thì càng không có người thu mua”.
Băn khoăn của Chua cũng là mong mỏi của người dân Làng Ca về một con đường bê tông mà ô tô có thể đi đến tận trung tâm thôn thay thế cho con đường đất dốc, toàn đá hộc hiện giờ. Điều này làm tôi nhớ lại câu chuyện của Sùng A Sèo khi phải dắt bộ từng con bò mới mua đi bộ hơn 3 km về đến nhà, hình ảnh những lao động chở từng xe máy quế vỏ xuống điểm tập kết để bán 1 ha quế của gia đình Chua đã đến độ thu hoạch, hình ảnh những người dân Làng Ca vẫn phải khiêng người ốm bằng võng để xuống trung tâm y tế huyện cách đó 8 km hay chính tôi đã từng trượt ngã mấy lần trên con đường ấy để thấu hiểu khó khăn này.
Khó khăn, vất vả là thế nhưng người dân Làng Ca đang tìm cách vươn lên. Họ đã dần thay đổi tập quán canh tác từ tự cung, tự cấp sang tư duy hàng hóa. Họ bảo vệ hơn 600 ha rừng phòng hộ. Họ canh tác 2 vụ lúa, đảm bảo an ninh lương thực. Họ trồng quế để tạo thu nhập, chủ động phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 2016 đến nay, quế của người Mông ở Làng Ca đã có hơn 30 ha và diện tích ấy đang tăng mỗi năm.
Bí thư Chi bộ thôn Làng Ca Hờ A Phềnh tự hào: "Hộ nghèo ở Làng Ca còn đang là phổ biến nhưng đồng bào mình đang cố gắng mỗi ngày. 100% con em Làng Ca được đi học, đã có 8 người học đại học. Tư tưởng trông chờ ỷ lại dần được xóa bỏ. Bà con chịu khó làm ruộng để có gạo ăn, không còn chờ gạo cứu đói của Nhà nước; cũng không còn lệ thuộc kiếm sống từ rừng tự nhiên mà trồng quế, trồng măng để phát triển kinh tế hộ. Nhưng để thoát nghèo, chúng tôi cần có con đường liên thôn để thuận lợi giao thương”.
1 km đường nội thôn ở Làng Ca đã được bê tông hóa khi người dân góp một năm tiền bảo vệ rừng để làm đường.
Làng Ca cần bê tông đường, bởi vậy mà cả thôn dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn đồng lòng sử dụng toàn bộ số tiền bảo vệ rừng trong một năm để mua nguyên vật liệu và công lao động bê tông hóa 1 km đường nội thôn rộng 1,2 mét.
Nói về mong mỏi của người dân Làng Ca, đồng chí Đinh Trọng Quyết - Chủ tịch UBND xã Cát Thịnh cho biết: "Chủ trương xây dựng đường giao thông nông thôn lên Làng Ca đã được xã đề xuất và đang chờ phê duyệt trong thời gian gần tới. Trước mắt, xã đã tranh thủ các nguồn vốn hợp pháp để hỗ trợ người dân toàn bộ nguyên vật liệu, nhân dân bỏ công lao động để bê tông hóa 900 mét đường nội thôn, rộng 2 mét, dày 14 cm. Đây là con đường bê tông thứ 2 ở Làng Ca, giúp người dân thuận tiện đi lại hơn, nhất là mùa mưa như hiện giờ”.
Tin tưởng rằng, Đảng và Nhà nước sẽ sớm hiện thực hóa khát vọng này. Đường Làng Ca rồi cũng được như Táng Khờ, Làng Lao thôi!
Hoài Anh