Thực hiện chương trình công tác năm 2021, đoàn công tác của Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Yên Bái do hai đồng chí Bùi Trung Thu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh và Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc NHCSXH tỉnh làm thành viên đã có cuộc giám sát tại xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình. Chuyến công tác hoàn toàn không được báo trước nhằm đảm bảo tính khách quan và đánh giá đúng tình hình thực tiễn. Kết quả thu được là rất đáng kể, các thành viên tham gia đoàn công tác ai cũng vui vì đồng vốn chính sách mà Chính phủ lo cho dân phát huy hiệu quả cao.
Tân Nguyên những ngày trung tuần tháng 8, tiết trời mát dịu, những ngôi nhà mới sắc màu tươi thắm tạo điểm nhấn giữa màu xanh bạt ngàn của quế, keo, bồ đề... Tân Nguyên là nơi quần tụ của đồng bào Dao, Tày, Nùng… thuộc các thôn Đèo Thao, Khe Nhàn, Khe Cọ, Đông Ké… đang có sự chuyển biến tích cực theo hướng nông thôn mới.
Trên con đường đi lên của đồng bào Tân Nguyên luôn có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, trong đó đồng vốn chính sách ưu đãi của Chính phủ được ví như "liều thuốc trợ lực” để các hộ chính sách có điều kiện làm ngôi nhà bền vững, có công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, có đồng vốn để mua cây con giống, phát triển chăn nuôi và nhất là khai thác tiềm năng đất đai để phát triển nghề rừng.
"Qua trụ sở, đón cán bộ xã rồi xuống thẳng thôn luôn nhé! Chọn Khe Cọ xem tình hình thế nào” - đồng chí Bùi Trung Thu quyết định như vậy khi xe vừa tới địa phận Tân Nguyên. Đoàn công tác đã về Khe Cọ, do không có hẹn trước nên cả Trưởng thôn và Bí thư Chi bộ Khe Cọ đều đi vắng.
Rất may, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Triệu Văn Tỉnh của Chi hội Nông dân Khe Cọ đang tỉa quế gần nhà, báo cáo nhanh với đoàn công tác: "Tổ Khe Cọ hiện có 47 hộ vay vốn NHCSXH với tổng dư nợ đến thời điểm hiện tại là 2,165 tỷ đồng. Bà con vay vốn về chủ yếu là trồng, chăm sóc rừng, mua trâu về chăn thả và làm các công trình cấp nước, nhà vệ sinh… Đồng vốn đến đúng địa chỉ, sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả, không có nợ xấu, không xảy ra tình trạng chậm gốc, chậm lãi”. Báo cáo ngắn gọn như vậy rồi Tổ trưởng mời cả đoàn vào thăm gia đình bà Lương Thị Liên cách đó không xa.
Trong ngôi nhà khang trang, bà Liên chia sẻ: "Gia đình tôi hoàn cảnh lắm! Chồng không may bệnh trọng rồi qua đời. Bốn cái con ở trong ngôi nhà cũ, đổ lúc nào không biết. Cuối năm 2009, gia đình được duyệt vay 10 triệu đồng để mua con trâu nái. Đàn trâu sinh sôi, năm 2014, hết chu kỳ vay vốn, tôi bán một con trâu nhỏ đã thừa tiền trả gốc cho Nhà nước; năm 2018, bán thêm mấy con để xây dựng ngôi nhà này. Giờ có nhà trên cứng, dưới bền chẳng lo mưa nắng như trước”.
Được biết, năm 2018, bà Liên còn được vay 40 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo. Số vốn ấy, mẹ con bà đầu tư vào việc trồng và chăm sóc 4 ha rừng, gồm các loại cây keo, bồ đề và quế. Kinh tế gia đình ổn định, gia đình bà Liên chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
Tạm biệt mẹ con bà Liên, chúng tôi đi trên con đường bê tông dọc thôn Khe Cọ để đến thăm gia đình anh Triệu Văn Mò. Trong ngôi nhà khang trang, to đẹp, xây rất kiểu cách giữa rừng quế xanh tốt, anh Mò mời nước rồi thủng thẳng: "Đồng bào Tân Nguyên ơn Đảng và Nhà nước. Nhờ có đồng vốn chính sách, bà con mới có tiền mà trồng được nhiều rừng. Riêng nhà tôi vay vốn trồng mới 7 ha, giờ quế to rồi, bẻ lá, chặt cành, khai thác tỉa cũng đủ sống. Vốn chính sách cũng giúp vợ chồng tôi nuôi con học đại học”.
Đoàn giám sát tranh thủ thời gian đến nhiều hộ ở xã Tân Nguyên như: Hoàng Thị Đường, Bàn Văn Thắng, Hà Thị Lan Phương… Gia đình nào cũng bày tỏ lòng biết ơn trước sự quan tâm của Đảng và Chính phủ. Nhờ có vốn chính sách, hàng trăm hộ trong làng, ngoài xã đã trồng được rừng, mua được trâu, xây được nhà, có được công trình nước sạch để ổn định cuộc sống.
Quá trình xét duyệt vay vốn được thực hiện theo đúng quy trình. 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu đều được vay vốn. Đồng vốn từ NHCSXH đều bám sát vào các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương mà cho vay; đồng thời, được lồng ghép với nhiều chương trình dự án, nhiều phong trào của các tổ chức chính trị xã hội nên phát huy được hiệu quả và hạn chế rủi ro.
Qua gặp gỡ, tiếp xúc với những người trực tiếp sử dụng nguồn vốn và đội ngũ cán bộ ở cơ sở, đoàn giám sát cũng ghi nhận nhiều kiến nghị như: Chính phủ cần nghiên cứu kéo dài chu kỳ vay vốn để phù hợp với nghề trồng rừng; vẫn biết, nhiều khoản vay hết chu kỳ vẫn được xét duyệt cho vay tiếp nhưng khi chu kỳ vay vốn lên tới 8 hoặc 10 năm thì sẽ cắt giảm được nhiều thủ tục hành chính; hiện nay, mặt bằng lãi suất các ngân hàng thương mại đã và đang giảm mạnh, vốn NHCSXH cũng cần giảm xuống cho phù hợp với thực tiễn; cần nâng mức cho vay chương trình sản xuất kinh doanh vùng đặc biệt khó khăn, thực tế với mức cho vay tối đa 50 triệu đồng/hộ sẽ hạn chế trong việc đầu tư; trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh Covid-19 việc duy trì sinh hoạt tổ nhóm vay vốn, họp bình xét, giao dịch hàng tháng… gặp nhiều khó khăn.
Đánh giá của UBND xã Tân Nguyên cho thấy, tính đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn xã là hơn 43 tỷ đồng, tăng 2,67 tỷ đồng so với 31/12/2020. Chất lượng tín dụng đảm bảo, không phát sinh nợ xấu. Vốn chính sách thực sự đã góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa nghèo tại địa phương, giúp các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nhanh với nguồn vốn vay ưu đãi để sử dụng vào sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình và xây dựng 314 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, làm mới 15 ngôi nhà.
Thông qua hoạt động ủy thác, chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội đã được nâng lên; hội viên, đoàn viên gắn bó chặt chẽ hơn với tổ chức của mình; thuận lợi hơn trong việc tuyên truyền và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là lồng ghép các chương trình mục tiêu kinh tế - xã hội với việc hoạt động tín dụng ở cơ sở.
Tân Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn. Đồng bào Tày, Dao, Nùng… vẫn còn cuộc sống lam lũ. Nhiều tiêu chí quan trọng trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới còn chưa hoàn thành. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn ở hai con số… Nhưng Tân Nguyên đã và đang có sự chuyển biến tích cực. Tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhất là kinh tế đồi rừng gắn với chế biến nông lâm sản đang được phát huy. Đó là tín hiệu rất đáng mừng! Các chương trình kinh tế cần được triển khai đồng bộ và đạt kết quả cao, trong đó vốn chính sách là một nguồn lực quan trọng giúp đồng bào vươn lên. Khi có ngôi nhà vững chãi, khi đầy đủ lương thực, khi chăn nuôi được phát huy, đồng bào sẽ giải được bài toán trước mắt để chờ được kết quả lâu dài là hàng trăm héc-ta quế, hàng nghìn héc-ta keo đến kỳ thu hoạch. Khi ấy, về Tân Nguyên còn vui hơn nữa.
Lê Phiên