“Cõi mơ” Suối Giàng!

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/2/2022 | 7:33:50 AM

YênBái - Chả tết nao như tết nay! Cô vít, cô veo chả đi chơi xa thì ta du lịch nội tỉnh! Suối Giàng? Quá được ấy chứ! Suối Giàng mùa nào chẳng đẹp, nhưng mùa xuân thì đẹp như mơ - nghe vậy ai chả muốn lên đường.

Vẻ đẹp sinh thái mê hoặc du khách khi bước chân đến vùng du lịch xanh Suối Giàng.
Vẻ đẹp sinh thái mê hoặc du khách khi bước chân đến vùng du lịch xanh Suối Giàng.

Từ trung tâm huyện Văn Chấn theo tuyến đường quanh co bám bên sườn núi như lạc vào cõi mơ. Đi nhiều mới thấy, chẳng con đường nào lên núi lại đẹp như đường lên Suối Giàng. Uốn lượn qua những nương chè đang nảy lộc xuân ngan ngát. Mây bồng bềnh từng đám làm thoắt ẩn, thoắt hiện phố huyện xa xa. Đây đó những vầng trắng hoa mận xen lẫn đào rừng đua nở. 

Càng đi lên càng lạnh. Cái lạnh êm ái của tiết xuân khiến lòng người thêm ham muốn trải nghiệm. Ở cái độ cao gần 1.400 mét, sáng sớm chỉ thấy mù sương. Sương phủ trên những ngôi nhà mái gỗ kiểu "bungalow” của du khách, len lỏi dưới tán cây chè cổ, tràn qua những sàn vọng cảnh - nơi khách đam mê thỏa sức check-in cùng làn sương thuần khiết. Nghe như hơi ẩm mang hương cỏ cây hoa lá xuống từ dải rừng già trên bản Tập Lăng ùa vào thanh nhẹ tâm hồn. 

Đến với Suối Giàng là hòa mình vào thiên nhiên xanh ngát, tan trong nguyên sơ của mốc meo thân chè cổ thụ xù xì - thứ cây được xếp hàng di sản quốc gia đón nhận những cảm xúc thanh bình, nhẹ nhõm đến lạ thường.

Mặt trời mỗi lúc lên cao, nắng xuân yếu ớt nhưng cũng đủ để rõ dần lên những ngôi nhà của đồng bào Mông ở bản văn hóa Páng Cang. Trong nhà, ngoài sân, đâu đó còn có du khách vươn vai, tiếc nuối với giấc mơ chưa trọn. Trong mơ, họ trở thành những người dân bản địa với chiếc lù cở trên vai vui vẻ hái chè, cùng xao vò - tự tay làm ra những ấm chè thơm. Có giấc mơ vụng về với những đường thêu váy áo, hay tập đan cái giỏ dưới sự chỉ dẫn của bà con dân bản. 

Rồi mọi người cùng vui vẻ bảo nhau làm bữa với những món truyền thống, chế biến từ cây rau, quả bí, gà đen, cá suối, lợn địa phương. Trong men rượu ngô nồng thơm tối qua, du khách mơ màng, ngả nghiêng trong vũ điệu bên thiếu nữ Mông xúng xính… 

Đến với Suối Giàng là để được chìm đắm trong những sắc thái văn hóa của đồng bào Mông. Được tham dự Lễ cúng cây chè cổ vào đầu tháng Giêng của người Mông là nghi thức tâm linh trang trọng, cầu cho cây chè tươi tốt, ra nhiều búp non thì thật may mắn biết bao. Còn ai đến mà dành trọn một ngày thì sẽ đủ thời gian để trải nghiệm những sinh hoạt thường nhật trong nhà người dân, mặc trang phục của đồng bào, được tham gia gieo cấy, nuôi trồng, đan lát, thu hái và chế biến chè Shan. 

Khi chưa bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, bình quân mỗi ngày mảnh đất trong mây này đón trên dưới 200 khách tham quan, trải nghiệm. Thu hút đầu tư, giờ giấc mơ "du lịch Suối Giàng” đã có sự chung tay vào cuộc của cả những người ngoài xã nên có thể "chiều chuộng” được ít nhất 500 khách qua đêm. 




Điểm check in lý tưởng cho giới trẻ với mong muốn trải nghiệm!

Bên những ngôi nhà đón khách theo kiểu du lịch cộng đồng, ở nơi trong lành đến lý tưởng này đã hình thành một số khu đón tiếp, phục vụ du khách ngắm mây, tham quan, ăn nghỉ, trải nghiệm với người dân bản địa. Với kiến trúc độc đáo nhưng gọn gàng, đầy chất liệu vùng cao, xen trong màu xanh của cây chè, cây xa mộc, mỗi điểm dừng chân đều mang đến cho du khách cách thưởng ngoại riêng. 

Có thể nhắc đến "Homestay Suối Giàng” với lầu ngắm mây; "Không gian trà Suối Giàng” với Tụ Nghĩa Đường và các bungalow ấm cúng; "Ngôi làng Hạnh Phúc” có Vườn chè cổ thụ và Lớp học sẻ chia, Khu sản xuất chè Shan tuyết; "EnNa Glampring” với Làng trà, những điểm cắm trại, tổ chức hội họp, đám cưới, ẩm thực… 

Ở nơi mây núi bồng bềnh, giấc mơ xuân của du khách gần xa, của chính quyền cơ sở, nhà đầu tư và người dân Suối Giàng đã chung về một hướng. Đây đó còn phảng phất trong mơ câu chuyện về quy hoạch du lịch, việc chuyển đổi đất đai hay giấc mơ diệt lũ mối hại cây chè, nhưng tất cả đang mơ về miền du lịch xanh về cây chè Shan trên đỉnh sương mờ ảo. Ở đó có quần thể 400 cây chè cổ thụ được công nhận là cây di sản Việt Nam. 

Cây chè Shan là vốn quý của trên 800 hộ dân ở Suối Giàng, mỗi năm cho người dân thu hoạch trên 600 tấn búp, bán nguyên liệu tươi đồng bào đã có khoản thu 12 tỷ đồng. Trà không chỉ dừng ở chế biến truyền thống thành trà xanh (Diệp trà) mà các sản phẩm Hồng trà, Hoàng trà, Bạch trà được giới thiệu với thị trường đã làm cho thương hiệu trà Suối Giàng thêm nổi tiếng. 

"Chót vót trên cao đỉnh Suối Giàng/ Một vùng rộng lớn giống chè Shan/ Cây to tán rộng vươn trong gió/ Cành lớn búp non nổi tiếng vang” - đây là những vần thơ được trưng bày ở "Không gian trà Suối Giàng”. Cây trà và văn hóa truyền thống của đồng bào nơi đây đã làm nên miền sinh thái xanh cho du lịch Suối Giàng. Ở độ cao 1.400 mét, những điểm đến Thiên cung, Cốc tình, đồi Sim, hay những tên bản Giàng A, Giàng B, Pang Cáng, Bản Mới… dần trở nên thân thuộc trong lòng du khách. 

Giấc mơ du xuân - thưởng trà, lắng lòng trong sương sớm ào ạt, quăng những hạt li ti mát-xa lên da mặt thật chẳng đâu bằng. Xuân đã đến rồi, lên đường thôi! Lên Suối Giàng cõi mơ!


Du khách khám phá Động Thiên cung Suối Giàng.

Quang Tuấn

Tags Yên Bái Văn Chấn Suối Giàng chè cổ thụ chè Shan du lịch du khách phát triển kinh tế xóa đói nghèo du lịch cộng đồng dịch bệnh Covid-19

Các tin khác
Cán bộ chuyên môn Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch khoai sọ cho nhân dân xã Xà Hồ. (Ảnh: Văn Tuấn)

Năm 2022, bên cạnh những sản phẩm chủ lực của địa phương, xã Xà Hồ sẽ tiếp tục vận động nhân dân mở rộng diện tích. Tuy nhiên, xã cũng mong muốn các ngành chức năng sẽ liên kết các doanh nghiệp, hợp tác xã để có đầu ra bền vững cho người dân. Cây khoai sọ sẽ thực sự là cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào trong tương lai.

Tôi tới Mù Cang Chải bao lần mà chẳng bao giờ chán. Phần vì luôn có những con người với tôi đã trở nên quá đỗi thân thuộc, nghĩa tình, phần vì phong cảnh thiên nhiên nơi đây vẫn còn giữ trong nó những thứ thuần khiết mê đắm. Một trong đó là loài hoa rừng mang tên "tớ dày”.

Cuộc sống mới trên đỉnh Tà Đằng.

Tà Đằng hôm nay, không còn là một vùng quê với ký ức là ngôi trường tạm và những ngôi nhà dân xiêu vẹo; là một trong những nơi chịu nhiều hệ lụy của tập quán, phong tục lạc hậu, trong đó nặng nề nhất là tệ nạn ma túy... Hôm nay, Tà Đằng đã khác lắm rồi.

Giờ học của thầy và trò lớp 2A2, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Hồ Bốn.

Cuộc sống nhiều lúc cho đi không nhất thiết phải nhận lại những thứ có giá trị tương đương mà để nhận lại thứ còn quý giá hơn vật chất thông thường, đó là nụ cười, là niềm hạnh phúc, niềm tin… Quan điểm ấy được biết bao nhiêu thế hệ thầy cô giáo thực hiện tại các trường học vùng cao của Yên Bái, để mỗi ngôi trường ấy trở thành nơi yêu thương đong đầy và hạnh phúc nở hoa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục