Thầy Lê Văn Cường - Tình yêu, nhiệt huyết và đam mê

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/3/2022 | 7:38:20 AM

YênBái - Thầy Lê Văn Cường, giáo viên dạy bộ môn Lịch sử, Trường THPT Cảm Ân, huyện Yên Bình đã nổi tiếng khắp cả nước với tài năng viết sử bằng thơ lục bát. Tình yêu, nhiệt huyết, đam mê đã đồng hành cùng thầy trong công việc lao động sáng tạo để trao tặng cuộc đời những tác phẩm hữu ích, xác lập nên những kỷ lục Việt Nam, đặc biệt có thêm thật nhiều niềm vui lấp lánh ánh mắt học trò mỗi giờ học… và đong đầy hạnh phúc làm nghề.

Thầy giáo Lê Văn Cường đang nghiên cứu, đổi mới phương pháp giáo dục môn Lịch sử.
Thầy giáo Lê Văn Cường đang nghiên cứu, đổi mới phương pháp giáo dục môn Lịch sử.

Ước mơ nối nghiệp mẹ

Quê của thầy Cường ở thị trấn Nông trường Quốc doanh Điện Biên, nay là phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Năm 1994, gia đình chuyển về Yên Bái sinh sống lúc cậu bé Cường vừa tròn 10 tuổi. 

Học tốt môn Văn, ham thích đọc sách từ nhỏ, thầy Cường chia sẻ lý do lựa chọn nghề dạy học: "Mẹ tôi là cô giáo dạy Văn - Sử cấp 2. Mẹ có 4 người con nên cũng muốn có một người theo nghiệp bà. Tôi là con út đã hiện thực hóa điều này vì các anh chị đều đi hướng khác”. 

Lựa chọn Khoa Sử - Địa, Đại học Tây Bắc, thầy Cường cho biết tại thời điểm đó, tức năm 2002, đội ngũ giáo viên Lịch sử nhìn chung còn thiếu. Với thầy, quan trọng hơn cả là mơ ước trở thành một nhà giáo với niềm say mê lĩnh vực sử học cùng mong muốn có thể "làm được điều gì đó lớn lao hơn” cho bộ môn này. 

16 năm đứng trên bục giảng, thầy đã giúp mẹ toại nguyện ước muốn. Không những vậy, mỗi cuốn sách lần lượt xuất bản, là người trong nghề nên bà càng thấu hiểu, trân trọng và khuyến khích những tìm tòi, đổi mới của con. Càng thương con nhiều hơn, bởi bà biết con đã nỗ lực vượt khó mỗi ngày để làm sao cho trọn vẹn, hài hòa giữa công việc chuyên môn, công việc gia đình với công việc nghiên cứu, sáng tác, xuất bản hoàn toàn bằng tiền lương cá nhân trong khi điều kiện kinh tế còn eo hẹp muôn phần…

Tình yêu của mẹ luôn lặng thầm dõi theo từng bước con đi, mừng vui mỗi bước con trưởng thành. Niềm vui, hạnh phúc của thầy Cường trong sự đóng góp cho bộ môn Lịch sử, cho xã hội được nhân lên gấp bội trong niềm vui, hạnh phúc của mẹ. Thầy Cường đã có những bước đi xa hơn, cao hơn trong sứ mệnh của một giáo viên dạy Lịch sử. Và như thế, niềm vui và hạnh phúc của mẹ thật sự bay xa hơn, bay cao hơn cùng ước mơ của con, của mình đã trở thành hiện thực. Thầy vui trong niềm hạnh phúc của mẹ cả cuộc đời nuôi dưỡng, chắp cánh ước mơ con bay xa…

Hành trình nhiều nỗ lực

Năm 2006 bắt đầu công việc giảng dạy của một giáo viên Lịch sử, thầy Cường dần nhận ra những khó khăn trong tiếp thu kiến thức của học sinh: "Thật sự không dễ dàng khi các em phải học, phải nhớ một khối lượng lớn những mốc thời gian, sự kiện lịch sử từ thời rất xa, rất khác với cuộc sống hiện đại hôm nay của mình”. 

Trở đi trở lại với nỗi niềm làm sao giúp học trò có sự quan tâm, hứng thú hơn với môn học đã dần hình thành nên ý tưởng cùng sự ấp ủ của thầy giáo trẻ về việc sáng tác tác phẩm lịch sử bằng ngôn ngữ thơ lục bát.

Vừa táo bạo vừa lạ lẫm ngay từ ý tưởng, bởi thực tế như lời của thầy Cường là: "Viết thơ trường ca dài hơi về lịch sử rất ít người dám dấn thân và thành công vì khó, vì cần nhiều thời gian, công sức lại phải có năng khiếu thơ ca”. 

Tác phẩm đầu tay "Đại cương thế giới sử thi” dài 3.456 câu thơ lục bát đã chứng minh tâm nguyện của người thầy dạy Lịch sử chỉ đơn giản: "Mong muốn học sinh có thêm tài liệu tham khảo học tập theo một hướng tiếp cận mới và bản thân mình, đồng nghiệp có thêm tài liệu giảng dạy hữu ích”. 

Không chỉ ghi dấu ấn đầu tay, tác phẩm này đã mang đến niềm vinh dự, tự hào vô cùng lớn cùng bất ngờ không hề nhỏ: Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VIETKINGS) trao Bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam về "Người viết tác phẩm Đại cương thế giới sử thi bằng thơ lục bát dài nhất” cho thầy giáo Lê Văn Cường ngày 7/5/2016. 

Thành công đầu tiên đón nhận sự cổ vũ, động viên, hoan nghênh và gợi mở của nhiều bạn đọc, người thầy giáo đã lựa chọn con đường vốn dĩ khó khăn có thêm động lực và niềm tin vững bước. "Việt Nam theo dấu sử ca” hoàn thành sau đó thật sự hoành tráng hơn, đồ sộ hơn với dung lượng 36.888 câu thơ lục bát. 

Thầy Cường một lần nữa được VIETKINGS vinh danh cùng "Việt Nam theo dấu sử ca - tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam từ thời nguyên thủy đến năm 2016 bằng nhiều câu thơ lục bát nhất” ngày 26/8/2018. 

Ngoài ý nghĩa xác lập kỷ lục, đây còn là tác phẩm thơ nói chung có dung lượng lớn nhất Việt Nam mọi thời. Đặc biệt hơn, tác phẩm góp phần đưa lịch sử dân tộc đến với học sinh, mọi người một cách dễ nhớ, dễ hiểu hơn để "Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong.


Bằng xác lập kỷ lục đối với các tác phẩm viết về lịch sử bằng thơ lục bát được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng 
 
Thành công bởi đam mê

Làm những việc chưa ai làm nghĩa là phải chấp nhận những khó khăn chưa ai từng trải qua. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, sẽ không có tác phẩm "tiền lệ” để mình có thể tham khảo, sẽ không có tác giả viết thơ sử để mình có thể học tập kinh nghiệm. Nếu như lịch sử yêu cầu tính chính xác thì chuyển tải nội dung lịch sử bằng thơ lục bát lại đòi hỏi sự mềm mại, vần điệu, ẩn dụ, hoán dụ… Những tác phẩm của thầy Cường là sự kết hợp giữa những sự kiện, thời gian, số liệu… tưởng như khô khan, khó hiểu bỗng trở nên nhẹ nhàng, dễ nhớ qua những vần thơ lục bát. 

Công việc lao động sáng tạo nào cũng cần một niềm đam mê mãnh liệt mới mong có thành công. Khó khăn thầy Cường đã gặp, đã trải, đã vượt qua có thể tính theo độ dài số câu thơ lục bát của các tác phẩm gộp lại? Hoàn toàn có lý chứ. Hành trình lao động sáng tạo có thể nhận được sự cổ vũ, động viên của mọi người nhưng lại cũng chỉ có riêng người viết mới làm nên tác phẩm. 

Thầy Cường cho rằng: "Thuận lợi lớn nhất là bản thân mình có kiến thức vững vàng về lịch sử, không ngừng trau dồi học hỏi nên có thể tự tin viết và nhận định khách quan về lịch sử. Một yếu tố nữa cũng cực kỳ quan trọng là bản thân mình dồi dào năng lượng cùng tình yêu thơ ca”. 

Hành trình lao động sáng tạo bền bỉ và cần mẫn tựa như chăm sóc những mầm chồi non xanh, thầy Cường đã phát huy, tận dụng, khai thác rất tốt các thế mạnh, sở trường của mình cùng nhiệt huyết tuổi trẻ dành cho công việc yêu thích. Thành công tiếp nối khi năm 2021, thầy xuất bản 2 tác phẩm sử thơ: "Yên Bái ghi dấu sử thiên” dài 9.037 câu thơ lục bát viết về lịch sử tỉnh Yên Bái và "Ngang trời mây đỏ thiên thơ” với 10.398 câu thơ lục bát viết về cuộc khởi nghĩa Yên Bái chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ngọc Bái. Xuân mới đem tới tin vui, VIETKINGS đã gửi thông báo về việc xác lập Kỷ lục "Người viết truyện thơ về lịch sử địa phương tỉnh Yên Bái bằng nhiều câu thơ lục bát nhất” cho thầy Cường trong thời gian tới. 

Mỗi vần thơ, câu thơ lục bát trong những tác phẩm của thầy giáo Lê Văn Cường chứa đựng tình yêu học trò, tình yêu công việc, tình yêu lịch sử dân tộc và tình yêu thơ ca. Tình yêu ấy cùng niềm đam mê sáng tạo đã làm nên thành công của một người thầy. 6 năm, 4 tác phẩm lớn, 3 kỷ lục thật hữu ích với xã hội, thầy Cường nhận lại vô cùng lớn sự trân trọng của học sinh, đồng nghiệp, giáo viên, bạn đọc khắp cả nước. 

Đi con đường chưa ai đi, làm công việc chưa ai làm, thầy Cường nếm "trái ngọt” thành quả mình khai phá, sáng tạo: "Các tác phẩm không đem lại lợi ích kinh tế nhưng đã góp phần biến tôi thành "triệu phú” trong lòng độc giả. Và có lẽ thế là đủ!”.

Nguyễn Thơm

Tags Thầy Lê Văn Cường tình yêu nhiệt huyết đam mê kỷ lục Việt Nam Đại cương thế giới sử thi thơ lục bát

Các tin khác
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên -

Hà Giang - Mỗi dịp tháng 2 về cũng là lúc nhiều người tìm đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên - nơi an nghỉ của hàng nghìn liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, địa danh minh chứng cho sự đấu tranh kiên cường giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Anh Giàng A Sáu hướng dẫn các bạn trẻ người Mông ở Trạm Tấu cách trồng lúa xen quế.

Quyết tâm...! Tiếng hô lay động non ngàn. Gió thu thoảng nhẹ. Hương quế tỏa ngát nồng thơm như tiếp thêm sinh khí cho những con người mộc mạc, cần cù vượt khó và đang quyết tâm tìm mở tương lai giàu mạnh.

Không gian “Phòng khách” ngày tết của các gia đình thời bao cấp được tái hiện sinh động tại Triển lãm.

Những kỷ vật trưng bày tại Triển lãm “Ký ức thời bao cấp” của Bảo tàng tỉnh đã tái hiện một cách sinh động, hấp dẫn giống như những thước phim quay chậm tái hiện một giai đoạn lịch sử của đất nước sau chiến tranh và trước đổi mới, khiến những người đã trải qua không khỏi rưng rưng, ùa về những kỷ niệm vui - buồn. Triển lãm đã để lại những dấu ấn đậm nét với người dân Yên Bái.

Vậy là mùa xuân này, những cánh rừng ở xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái) lại xanh thắm hơn bởi lớp lớp quế con được trồng và trong bao la quế được trồng mới ấy có cây quế được để dành cho cháu nội gia đình Đặng Kim Phúc... Mời quý vị cùng xem phóng sự truyền hình về đời người đời quế nơi đây!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục