Nhà văn Nguyễn Hiền Lương, ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái là một trong những thế hệ đã từng sống ở thời kỳ bao cấp. Trải qua những khó khăn và luôn chất chứa hoài niệm về một thời không quên ấy nên khi tham quan Triển lãm, được ngắm nhìn những hiện vật một thời gắn bó ông vô cùng xúc động. Cả một trời kỷ niệm ùa về, ông say sưa trò chuyện với các em học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành cũng tham quan Triển lãm như một cách để giải tỏa những cảm xúc đặc biệt khó kìm nén.
"Thời kỳ bao cấp” là tên gọi dùng để chỉ giai đoạn (1975 - 1986), khi đất nước hòa bình, tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng quê hương. Giai đoạn này, hầu hết mọi giao dịch từ nhu yếu phẩm, thực phẩm... đều do Nhà nước phân phối, thực hiện theo chế độ tem - phiếu. Đây là một giai đoạn lịch sử đặc biệt để lại nhiều dấu ấn và hoài niệm trong lòng người dân Việt Nam thời kỳ đó.
Nói tới thời bao cấp, những người đã từng trải qua đều nhớ đến những chiếc tem, phiếu hay cuốn sổ lương thực. Hồi đó, mỗi cán bộ Nhà nước được cấp một cuốn sổ để mua lương thực hàng tháng và câu nói "trông như mất sổ gạo" xuất hiện trong thời kỳ này, bởi mất sổ gạo là điều vô cùng khủng khiếp các cháu ạ!
Công cuộc đổi mới đã trải qua 35 năm, đất nước đã có nhiều thay đổi to lớn, cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Trong bối cảnh đó, đối với những người lớn tuổi, ký ức về thời bao cấp đã để lại những dấu ấn đậm nét, luôn hằn sâu trong tâm trí với muôn vàn trải nghiệm vui - buồn. Còn đối với thế hệ trẻ 8X trở lại đây khó có thể hình dung được để chia sẻ với những gì mà cha anh đã từng trải qua.
Em Trần Thị Thanh Hà, học sinh lớp 12 Chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành xúc động nói: "Trước đây, mỗi khi nghe ông, bà hay bố mẹ kể chuyện về thời kỳ bao cấp, em chỉ hình dung đó là một thời kỳ đầy khó khăn, vất vả, nghe giống như trong chuyện cổ tích. Thật khó tin khi những đồ vật rất thô sơ và cũ kỹ như chiếc quạt, ti vi đen trắng hay chiếc đèn dầu... này lại là những thứ được coi là rất xa xỉ thời đó. Bởi vậy, Triển lãm đã giúp thế hệ chúng em hiểu biết thêm về một giai đoạn lịch sử của đất nước ta cũng như những khó khăn, thiếu thốn mà thế hệ ông, cha đã trải qua. Em cảm thấy rất trân trọng và tự hào về điều đó, càng thấy giá trị của hôm nay đất nước đã đổi mới, phát triển và hội nhập. Bản thân mỗi chúng em cần cố gắng học tập, rèn luyện, phấn đấu hơn nữa để góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.
"Ký ức thời bao cấp” trưng bày tại Bảo tàng tỉnh được tái hiện lại qua 3 không gian chính: "Phòng khách”, "Nhà bếp” và "Cửa hàng mua bán”.
Bằng mỗi hiện vật, tài liệu xưa cũ, nơi đây gợi cho người xem một thời bao cấp còn nhiều khó khăn, vất vả. Không gian "Phòng khách” được mở ra với ảnh Bác Hồ, cùng với khẩu hiệu "Không có gì quý hơn độc lập tự do” được treo ở vị trí trang trọng; bên dưới là chiếc tủ ly bày lọ hoa, radio, chiếc ti vi đen trắng cùng bộ bàn ghế lim tiếp khách, trên bàn có bộ ấm tích chè xanh... "Nhà bếp” được bố trí với những vật dụng đơn sơ, giản dị mà gần gũi, thân thương, nổi bật là chiếc chạn bát với các ngăn đựng mắm muối, tương cà, bát đĩa, xoong nồi...; bếp nấu đơn sơ với kiềng 3 chân, chiếc nồi bám muội đen cùng mâm bát đĩa mộc mạc...
Tất cả như những dòng hồi ký được lật lại gợi nhớ, gợi thương về những năm tháng đất nước trước đổi mới, khiến những người đã đi qua thời kỳ ấy thêm nhớ, thêm thương những tháng ngày gian khó mà ắp đầy kỷ niệm, vui buồn cùng thời đại.
Những vật dụng quen thuộc, đong đầy kỷ niệm về thời kỳ bao cấp.
Ai đã trải qua thời kỳ tem phiếu, ắt hẳn sẽ không thể quên những buổi xếp hàng mua gạo, thịt... Và không gian "Cửa hàng mua bán” với những món hàng thiết yếu được "cô mậu dịch” thoăn thoắt trao cho khách khiến các bà, các mẹ rưng rưng nhớ một thời đã qua. Bước vào không gian này, nhiều người bồi hồi xúc động, bởi những vật dụng thân quen ấy đã đưa họ về với những ngày gian khó, nhất là với những người ở thế hệ 6X, 7X.
Bà Quách Thị Hồng, ở thôn Miếu Hạ, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình xúc động: "Đến tham quan Triển lãm, bắt gặp những hiện vật đã gắn bó một thời, mình như được sống lại ký ức của một thời gian khó nhưng quây quần, ấm áp tình thân. Tôi cho rằng, đây là một địa chỉ để tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ trẻ hôm nay về truyền thống, giá trị lịch sử, văn hoá của dân tộc và thế hệ cha ông ta đã từng trải qua. Từ đó, giúp các bạn trẻ luôn trân trọng, tự hào để góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp hơn”.
Ông Hứa Xuân Thắng - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: "Thông qua những tài liệu, hiện vật trưng bày được sưu tầm từ nhiều nguồn trong nhân dân, chúng tôi muốn giúp khách tham quan được sống lại trong không gian ngập tràn ký ức về một thời vất vả mà bình dị, thấm đẫm tình người”. Theo ông Thắng, với thế hệ trẻ, không gian "Ký ức thời bao cấp” sẽ là cơ hội giúp họ hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử quan trọng, được trải nghiệm cuộc sống của ông bà, bố mẹ mình trong quá khứ. Từ đó, biết trân trọng, gìn giữ những thành quả to lớn của công cuộc đổi mới đất nước, có ý chí vươn lên góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Đức Toàn