Trẻ đuối nước tại các bể bơi dịch vụ: Trách nhiệm thuộc về ai?

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/6/2022 | 7:12:01 AM

YênBái - Đúng vào dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6/2022, một vụ đuối nước thương tâm xảy ra khiến một cháu bé tử vong. Điều đáng nói, nạn nhân đuối nước không phải ở ao hồ, sông suối mà tại một bể bơi ngay thành phố Yên Bái.

Dạy bơi cho trẻ em tại Câu lạc bộ Bơi Hồng Ngọc, thành phố Yên Bái.
Dạy bơi cho trẻ em tại Câu lạc bộ Bơi Hồng Ngọc, thành phố Yên Bái.

Cách đây 3 năm, cũng vào dịp Quốc tế Thiếu nhi, tại bể bơi Chíp Chíp, thuộc tổ dân phố số 5, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên cũng xảy ra một vụ đuối nước cướp đi sinh mạng cháu H, 7 tuổi. Từ hai vụ đuối nước nói trên cho thấy các cấp, các ngành và đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ bể bơi và cả các bậc phụ huynh cần đề cao ý thức trách nhiệm, hạn chế tối đa tai nạn và không để xảy ra tử vong.

Kinh doanh bể bơi là một loại hình dịch vụ mang lại lợi nhuận cao, chi phí vận hành thấp, khấu hao nhanh… chính vì thế ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đầu tư vào loại hình dịch vụ này. 

Nhờ có những bể bơi dịch vụ mà mọi người, nhất là trẻ em có điều kiện rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe, cải thiện vóc dáng, đặc biệt là… biết bơi lặn, một kỹ năng quan trọng giúp mỗi người có khả năng sinh tồn. 

Kinh doanh dịch vụ bể bơi không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự nhưng đòi hỏi cơ sở kinh doanh phải đáp ứng đầy đủ những quy định bắt buộc như: điều kiện về nhân viên chuyên môn, cơ sở kinh doanh phải có nhân viên chuyên môn hướng dẫn tập luyện, đó là hướng dẫn viên, huấn luyện viên hoặc vận động viên ít nhất là đẳng cấp cấp II; sở hữu bằng cấp chuyên ngành thể dục thể thao từ bậc trung cấp trở lên; sở hữu giấy chứng nhận chuyên môn do Liên đoàn Thể thao quốc tế, Liên đoàn Thể thao quốc gia cấp; sở hữu giấy chứng nhận được đào tạo chuyên môn của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 

Trong quá trình hoạt động, phải có nhân viên cứu hộ luôn thường trực khi có người tham gia tập luyện với số lượng nhân viên cứu hộ đảm bảo tỷ lệ 200m2 bể bơi/ nhân viên, đảm bảo tỷ lệ 50 người bơi/nhân viên; nhân viên cứu hộ có chứng nhận chuyên môn cứu hộ do các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp. Để được cấp giấy phép kinh doanh bể bơi thì đảm bảo trong thời gian bể bơi hoạt động, phải có nhân viên y tế có chuyên môn thường trực, có đủ trình độ cấp cứu, trình độ chuyên môn theo quy định.

Về điều kiện cơ sở vật chất, ngoài kích thước, hạng mục xây dựng theo quy định, bể bơi phải đáp ứng được một tiêu chuẩn quan trọng đó là nước bể bơi đáp ứng được chỉ tiêu chất lượng nước sinh hoạt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành kèm theo Thông tư số 05/2009/BYT năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Ngoài ra, để được cấp giấy phép kinh doanh thì hồ bơi cần phải đảm bảo các yêu cầu về âm thanh, ánh sáng, có phòng y tế, mật độ người tham gia, các quy định về thời gian hoạt động, vệ sinh, môi trường, phòng chống cháy nổ…

Cùng với đó, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ bể bơi phải trang bị đầy đủ dây phao ngang: căng ngang bể bơi để chia khu vực có độ sâu từ 1m trở xuống cho người chưa biết bơi và ngăn cách với khu vực có độ sâu hơn 1m; dây phao dọc: căng dọc theo đường bơi cho các bể bơi có độ sâu từ 1,40m trở lên và dùng cho các đối tượng đã biết bơi; mỗi một bể bơi phải có ít nhất 6 sào cứu hộ 2,50m, sào cứu hộ được sơn màu đỏ - trắng; mỗi bể phải có tối thiểu 6 chiếc phao cứu sinh và 1 ghế cứu hộ phải cao ít nhất 1,50m (tính từ mặt bể).

Trao đổi với cựu vận động viên bơi lội cấp quốc gia Nguyễn Thành Nam được biết: Tình trạng chung của các bể bơi là khi triển khai dự án đầu tư, đi xin cấp phép thì đầy đủ các loại thủ tục, mua sắm hết các trang thiết bị, có hợp đồng thuê mướn và bố trí huấn luyện viên, hướng dẫn viên, nhân viên cứu hộ đầy đủ; tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động thì mai một dần. Vấn đề ở đây chính là sự chủ quan của các chủ đầu tư và sự lơ là, thiếu quản lý chặt chẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương. 

Một vấn đề khác cũng cần quan tâm ở đây là, sau hơn 2 năm ngừng hoạt động vì dịch Covid-19, các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn đã hư hỏng hoặc thất lạc, nhiều hạng mục xuống cấp, nhiều điều kiện bắt buộc, nhất là tiêu chuẩn về nước đã hết hạn; nhân viên hướng dẫn, nhân viên cứu hộ… đã chuyển sang làm việc khác… đến nay tình hình dịch bệnh lắng dịu, cộng với mùa hè nóng nực đã đến, các bể bơi quay trở lại hoạt động và thu hút rất đông người, nhất là trẻ em.


Ngày hè nóng nực, được đi bơi là niềm vui của con trẻ, hãy đặc biệt lưu tâm để con em mình được tận hưởng niềm vui trong an toàn tuyệt đối. 

Bà Bùi Thị Thu, chủ cơ sở dịch vụ bể bơi Nam - Thu, thuộc Khu phố 2, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên cho biết: "Chúng tôi luôn cố gắng chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước về kinh doanh dịch vụ bể bơi. Vừa vào mùa hè năm nay, gia đình đã rà soát các thủ tục, chứng chỉ, giấy phép, đồng thời trang bị lại các trang thiết bị cần thiết. Trong quá trình hoạt động, các nhân viên hướng dẫn, cứu hộ và cả những người làm những công việc khác đều phải đề cao tinh thần trách nhiệm, chú ý quan sát, kịp thời phát hiện và có phương án xử lý kịp thời. Chúng tôi cũng kêu gọi các bậc phụ huynh có con nhỏ khi đi bơi cần quan tâm, chú ý giám sát con em mình trong suốt quá trình bơi lội”.

Ý kiến của bà Bùi Thị Thu là rất đáng lưu tâm bởi theo quan sát của chúng tôi tại nhiều bể bơi, phần lớn các ông bố, bà mẹ đưa con trẻ đến bơi chỉ quan sát con em mình một thời gian ngắn rồi mở điện thoại ra xem, tụ tập tán ngẫu hoặc sang quầy dịch vụ uống bia, nước giải khát...

Đứng trước thực trạng trên, các ngành chủ quản và chính quyền địa phương cần thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, thực hiện kiểm tra, rà soát, đôn đốc, nhắc nhở, xử lý những cơ sở dịch vụ bể bơi sai phạm; bản thân chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ bể bơi cần nêu cao ý thức trách nhiệm, đầu tư đầy đủ các trang thiết bị, có hợp đồng và bố trí nhân viên hướng dẫn, nhân viên cứu hộ đảm bảo tiêu chuẩn; đôn đốc đội ngũ nhân viên của mình phát huy trách nhiệm, tập trung cao độ trong suốt quá trình hoạt động; tránh tình trạng không có nhân viên hướng dẫn, nhân viên cứu hộ hoặc chỉ làm hợp đồng lao động để đối phó với cơ quan chức năng. 

Đừng chủ quan, đừng vì cái lợi trước mắt, cần lưu tâm rằng tính mạng con người là trên hết. Bởi nếu điều tồi tệ xảy ra, không những cơ sở sẽ phải ngừng hoạt động mà rất có thể những người có trách nhiệm sẽ vướng vào vòng lao lý. Đối với các bậc phụ huynh, việc cho con đi tập bơi là rất nên làm, cho con đi bơi, tắm giải nhiệt tại các bể bơi không có gì là sai nhưng cần đưa con đến những bể bơi quy mô, có đầy đủ nhân viên và trang thiết bị, có nguồn nước trong sạch; khi con bơi lội, nhất là trẻ nhỏ, chưa biết bơi, cần theo sát con không thể lơ là bởi bất trắc với con có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hãy để bể bơi là nơi để con trẻ vui chơi, rèn luyện thực sự bổ ích và lý thú, đừng chỉ vì lợi nhuận, vì bất cẩn mà để những điều đau lòng, đáng tiếc xảy ra.

Ngày 2/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo trước đó về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em. 

Giao Bộ LĐ-TB&XH đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo này, gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là các địa phương thường xuyên xảy ra đuối nước trẻ em; rà soát sửa đổi cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. 

Giao Bộ GD&ĐT triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè. Đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học. 

Các địa phương cần làm tốt công tác phối hợp quản lý chặt chẽ trẻ em trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè, các thời gian bão, lũ, thiên tai. 

Rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời các địa điểm có nguy cơ gây tai nạn đuối nước để có biện pháp phòng ngừa. Địa phương bố trí ngân sách để thực hiện phòng, chống đuối nước trẻ em, phổ cập bơi an toàn cho trẻ em, hỗ trợ kinh phí phù hợp đối với việc học bơi.

Lê Phiên

Tags học bơi đuối nước sông suối phòng chống cháy nổ tắm giải nhiệt

Các tin khác
Nhóm cùng sở thích trồng cây thuốc nam ở xã Mậu Đông và Đông Cuông thảo luận về chế biến sản phẩm cà gai leo thuộc Dự án “Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam”.

Để có chiến lược bảo tồn, khai thác tương xứng với tiềm năng nguồn dược liệu và nguồn lực tri thức y dược cổ truyền (YDCT) tại Văn Yên, trước hết, cần nhìn nhận những bất cập để có thêm cơ sở điều chỉnh giải pháp, chiến lược bảo tồn, khai thác.

Lương y Hà Thị Thoa ở xã Đông Cuông, huyện Văn Yên chia sẻ về những bài thuốc hay, những kinh nghiệm quý trong nghề thuốc nam.

Văn Yên hiện đang quản lý, bảo vệ diện tích rất lớn rừng tự nhiên với thảm thực vật đa dạng; trong đó, có nhiều loại dược liệu quý hiếm. Dưới chân những cánh rừng tự nhiên là quê hương của các ông lang, bà mế Tày, Dao, Mường… có nhiều bài thuốc hay, kinh nghiệm quý trong trị bệnh bằng thuốc nam. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn giống như một “kho báu” chưa mở cửa.

Công an xã Tân Hương, huyện Yên Bình đến tận thôn để tuyên truyền người dân không xuất cảnh trái phép.

Vì cuộc sống khó khăn, nhiều người đã tìm cách vượt biên trái phép để mong một cơ hội đổi đời. Song ở nơi xứ người bất đồng ngôn ngữ, không ít người đã bị đánh đập, quỵt tiền lương, sống chui lủi vì nỗi lo bị chính quyền sở tại truy quét; rồi không giấy tờ để quay về nhà thậm chí có trường hợp chưa "đổi đời" đã "đổi mạng" nơi đất khách quê người…

Lãnh đạo xã Quy Mông thăm HTX Sản xuất miến đao Việt Hải Đăng, thôn Thịnh Lợi.

So với các xã trong huyện Trấn Yên thì Quy Mông chưa phải là xã khó khăn của huyện. Song, trong nhiều năm qua, sự trì trệ của một số cán bộ đảng viên, tư tưởng tư duy nhiệm kỳ đã khiến địa phương này không phát huy được lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục