An toàn cho trẻ em ngày hè - Những vấn đề cần quan tâm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/5/2022 | 7:42:20 AM

YênBái - Mùa hè đến, bên cạnh niềm vui khi con trẻ được nghỉ ngơi sau một năm học, với các bậc phụ huynh cũng mang không ít lo lắng. Làm thế nào để an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ dài như hiện nay là mối quan tâm của nhiều phụ huynh.

Dự án
Dự án "Các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em” do Quỹ từ thiện Bloomberg - Hoa Kỳ tài trợ đang được triển khai tại 15 xã của 3 huyện: Lục Yên, Yên Bình và Văn Yên.

ĐỂ KHÔNG CÒN NỖI ĐAU ĐUỐI NƯỚC

Vào khoảng 13h, ngày 22/4, tại khu vực Cầu Sắt, xã Yên Bình, huyện Yên Bình, người dân phát hiện 2 cháu nhỏ bị đuối nước nên đã báo cơ quan chức năng. Qua xác minh, 2 cháu được xác định là T.N.P.L (sinh năm 2012, ở thôn Trung Tâm) và T.N.M (sinh năm 2013, ở thôn Đức Tiến) rủ nhau đi chơi tại suối khu vực Cầu Sắt nhưng không may bị đuối nước dẫn đến tử vong. 

Ngay khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, cơ quan chức năng đã huy động lực lượng tìm kiếm 2 bé gái. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, thi thể 2 cháu được tìm thấy và đã bàn giao về phía gia đình để lo hậu sự. 

Trường hợp của 2 cháu L và M kể trên chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp trẻ em đuối nước thương tâm xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. 


Xã Tân Lập, huyện Lục Yên ra quân phát động phong trào làm tường rào tại các ao, hồ, để phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em trong dịp hè.

Dù những hồi chuông cảnh báo đã gióng lên từ lâu, nhưng số vụ đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh mỗi khi hè về vẫn thường xuyên xảy ra, để lại nỗi đau khôn cùng cho các bậc cha mẹ, gia đình và xã hội. Làm thế nào để ngăn chặn tai nạn đuối nước, để không còn những thảm kịch thương tâm đang tiềm ẩn mỗi khi hè về? Đó là câu hỏi, là nỗi trăn trở cần sự vào cuộc, chung tay của mỗi bậc làm cha làm mẹ, của gia đình, người thân, ngành chức năng và toàn xã hội.

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Yên Bái, từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm toàn tỉnh có đến hàng chục trẻ em đuối nước. Nguyên nhân của hầu hết các vụ trẻ đuối nước chủ yếu do không biết bơi; gia đình hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ bận rộn với công việc kiếm tiền, chủ quan trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ; bản thân trẻ cũng chủ quan (vì nhiều em biết bơi nhưng vẫn bị đuối nước), chưa lường hết hiểm họa sông nước... 

Khi nghe những thông tin ấy, không ít người đã thốt lên: giá như các em biết bơi, giá như gia đình biết được các em đi chơi ở đâu, làm gì… thì mọi chuyện sẽ không phải xót xa như vậy. Nhưng mọi chuyện lại không thể giá như. Đặc biệt, với con trẻ, lứa tuổi hiếu động, các em dễ bộc phát những suy nghĩ, hành động bồng bột, cho dù đã được bố mẹ, thầy cô đều đã căn dặn kỹ càng... 

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có trên 228.300 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó trẻ em dân tộc thiểu số chiếm khoảng 60%. 

Thời gian qua, để phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em với nhiều nội dung, trong đó tập trung phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trong dịp hè; tổ chức các chiến dịch truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em; phát mũ truyền thông phòng, chống đuối nước, áo phao, in và cấp phát tờ rơi, đưa tin, bài, phóng sự... tuyên truyền về phòng, chống đuối nước cho trẻ em. 

Đặc biệt, từ năm 2019, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh triển khai thực hiện Dự án "Các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em” do Quỹ từ thiện Bloomberg - Hoa Kỳ tài trợ, triển khai tại 15 xã của 3 huyện: Lục Yên, Yên Bình và Văn Yên với kinh phí là 3,6 tỷ đồng. 

Dự án hướng tới mục tiêu 900 trẻ em trong vùng được thụ hưởng dự án, biết bơi; 2.400 trẻ em được tập huấn kiến thức về phòng, chống đuối nước; 900 gia đình có trẻ em được tập huấn về phòng, chống đuối nước; 100% cán bộ, nhân dân trong vùng dự án được truyền thông về phòng, chống đuối nước... Đến thời điểm này, các mô hình dạy bơi, học bơi đã được duy trì và phát triển tại các xã nói trên. 

Bên cạnh đó, các địa phương chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể, cá nhân tình nguyện tham gia quản lý chặt chẽ trẻ em trong thời gian không đến trường, nhất  là trong dịp nghỉ hè, ngày có mưa lũ để bảo đảm an toàn cho trẻ em khỏi tình trạng đuối nước; tổ chức vận động các hộ gia đình cam kết trách nhiệm xây dựng ngôi nhà an toàn, bảo đảm an toàn cho trẻ em; chủ động bố trí ngân sách theo phân cấp để thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em và vận động các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế thể dục thể thao... để tổ chức các lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước và phổ cập bơi an toàn cho trẻ em, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn đã xảy ra đuối nước; hỗ trợ kinh phí phù hợp đối với việc học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi an toàn PCĐN trẻ em. 

Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác PCĐN trẻ em; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các biện pháp PCĐN tại địa phương. 

Bà Nông Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết: "Tính từ năm 2019 đến nay, huyện Lục Yên đã có 11 trẻ em bị thiệt mạng do đuối nước. Vào trước kỳ nghỉ hè, địa phương đã cho rà soát lại toàn bộ hệ thống ao, hồ, sông, suối, đầm nước… trên địa bàn. Qua rà soát, có gần 3.000 hộ gia đình có ao; 140 điểm ao, hồ, sông suối nguy hiểm, nguy cơ cao xảy ra đuối nước ở trẻ em.

 Sau rà soát, huyện đã yêu cầu tất cả 24 xã, thị trấn tổ chức làm nắp đậy giếng, bể nước, làm rào chắn, biển cảnh báo tại các ao, hồ, sông, suối, các công trình xây dựng… có nguy cơ  xảy ra đuối nước đối với trẻ em. Các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực phối hợp với các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, tránh đuối nước và tai nạn thương tích cho trẻ. 

Huyện cũng chỉ đạo, hướng dẫn các trường học lồng ghép, tuyên truyền các nội dung, biện pháp PCĐN, tai nạn thương tích trẻ em vào các buổi học kỹ năng sống, giờ sinh hoạt lớp, các hoạt động ngoại khóa để học sinh có kỹ năng PCĐN, tai nạn thương tích. Đây cũng là một nội dung tuyên truyền bắt buộc trong các cuộc họp phụ huynh cuối năm học, trước khi nghỉ hè”.

Theo ghi nhận, có trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ em tắm ở ao hồ, sông, suối khi không có người lớn đi kèm… 

Đuối nước ở trẻ vị thành niên vẫn luôn tiềm ẩn trong sự chủ quan, thiếu quyết liệt ở từng gia đình và trong chính nhận thức về PCĐN ở trẻ. Bởi thế, điều cần nhất vẫn là sự quan tâm, nhắc nhở thường xuyên từ phía gia đình; đòi hỏi người lớn, các bậc cha mẹ phải luôn để mắt tới con nhỏ, nhất là trẻ 5 - 6 tuổi; cần giám sát và liên tục nhắc nhở về vấn đề PCĐN để trẻ in sâu trong đầu, từ đó có ý thức tự phòng, tránh. 

Bên cạnh đó, các em cũng cần được người lớn chỉ dẫn vui chơi ở đâu, chơi như thế nào để đảm bảo an toàn. Về phía gia đình, cũng cần tạo điều kiện cho con trẻ được học bơi hoặc bản thân mỗi gia đình tự dạy bơi cho trẻ để trang bị cho các em có kỹ năng bơi cũng như kiến thức PCĐN cho trẻ em, để không còn nỗi đau do đuối nước cũng như những tai nạn thương tích không đáng có xảy ra đối với trẻ nhỏ.

Ngọc Trúc

TẠO SÂN CHƠI AN TOÀN CHO TRẺ

Mùa hè đến, bên cạnh niềm vui khi con trẻ được nghỉ ngơi sau một năm học, với các bậc phụ huynh cũng mang không ít lo lắng. Làm thế nào để an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ dài như hiện nay là mối quan tâm của nhiều phụ huynh. 

Vừa được thông báo nghỉ hè, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái đã phải đưa cậu con trai 13 tuổi về gửi ông bà nội ở quê. Chị Hồng chia sẻ: "Cả 2 vợ chồng đi làm từ sáng tới tối mới về, để con ở nhà thì cả ngày cháu không rời khỏi chiếc ti vi. Cũng định đăng ký cho cháu tham gia các khóa học năng khiếu nhưng cũng không có thời gian để đưa đón nên giải pháp cuối cùng là đưa về quê gửi ông bà, vừa có người trông nom mà cháu cũng được trải nghiệm nhiều trò chơi trải nghiệm ở vùng nông thôn như thả diều, đá bóng...”. 

Không như nhà chị Hồng, bố mẹ chồng còn khỏe nên nhờ trông cháu hộ được. Nhà anh Ngô Đức Vi ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái hoàn cảnh 2 bên bố mẹ đã già yếu nên mỗi năm con được nghỉ hè, vợ chồng anh chị lại thấp thỏm lo. 

Vừa qua, anh chị đã đi tìm địa chỉ cho cậu con trai 15 tuổi tham gia khóa giáo dục kỹ năng sống. Sau khi tham khảo, anh Vi quyết định đăng ký cho con tham gia chương trình Học kỳ quân đội tại Trung đoàn 121 do Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức. Anh tính sau khi kết thúc kỳ học trải nghiệm trong quân đội, anh sẽ đăng ký cho cháu đi học thêm các lớp rèn kỹ năng sống. 

Theo anh Vi, trẻ em ngày nay ít được trải nghiệm thực tế nên không lường hết được khó khăn cũng như việc xử lý những tình huống trong cuộc sống. Việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ là điều hết sức cần thiết.

Bên cạnh mô hình Học kỳ trong quân đội, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã quan tâm xây dựng nhiều sân chơi thiết thực, phù hợp cho trẻ em. Được biết, trong nhiệm kỳ 2018 - 2022, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã xây dựng được 150 sân chơi, nâng tổng số sân chơi trên toàn tỉnh lên hàng nghìn cơ sở vui chơi, giải trí có sự tham gia của trẻ em, chủ yếu là các trò chơi phát triển vận động. 

Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Triệu Trí Lộc cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 135 nghìn thanh thiếu niên, nhi đồng. Vào mỗi dịp hè, Hội đồng Đội tỉnh đã chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, thăm quan...; tổ chức hiệu quả các hoạt động hình thành thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc trong thanh thiếu niên; phối hợp với Hội đồng Đội Trung ương triển khai thí điểm thành lập mô hình Câu lạc bộ "Em yêu khoa học - Tài năng công nghệ nhí”; nhân rộng các mô hình, hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, nghiên cứu khoa học tại địa phương. 

Các cấp Đoàn - Hội- Đội  tích cực vận động nguồn lực xã hội để xây dựng các điểm sinh hoạt, vui chơi cho thiếu nhi; không gian đọc sách, tương tác và sinh hoạt đội. Chủ động kết nối các đội hình thanh niên, sinh viên tình nguyện tại địa phương hỗ trợ các em thiếu nhi ôn bài, học tập, rèn luyện kỹ năng, trong đó tăng cường các hoạt động, sân chơi giáo dục, sinh hoạt trực tuyến và trên mạng xã hội; phát huy hiệu quả các hoạt động, mô hình: Tiếng kẻng ôn bài, Phát thanh măng non, Chương trình gameshow vui để học, trải nghiệm, sáng tạo…


Sân chơi cho trẻ em ở thôn 1, thôn 2 xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ được xây dựng từ nguồn xã hội hóa.  

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay các điểm vui chơi giải trí dành riêng cho trẻ em mới chỉ tập trung ở thành phố và trung tâm các huyện, thị xã. Với những trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số điều kiện kinh tế còn khó khăn thì việc tiếp cận với các dịch vụ này dường như vẫn còn là niềm mơ ước. 

Nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh với việc đa dạng hóa các nguồn lực cùng nhiều giải pháp đồng bộ đã dần từng bước khắc phục tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ trên địa bàn tỉnh, đáp ứng phần nào nhu cầu được vui chơi, giải trí của trẻ. Việc tạo điều kiện để các em vui chơi, giải trí là hết sức quan trọng, vì việc này góp phần hình thành nên con người văn hóa của các em trong tương lai...

Hồng Duyên
ĐỀ PHÒNG TAI NẠN GIAO THÔNG GIA TĂNG DỊP HÈ

Thanh thiếu niên thương vong do tai nạn giao thông (TNGT) những năm gần đây có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt trong các tháng nghỉ hè. Điều này đòi hỏi các ban, ngành, địa phương và mỗi gia đình phải quyết liệt vào cuộc tuyên truyền, nhắc nhở, quản lý con em mình khi tham gia giao thông.

Theo báo cáo của BanAn toàn giao thông (ATGT) tỉnh, trong 5 tháng của năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 36 vụ TNGT, làm 12 người chết, 40 người bị thương; so với cùng kỳ giảm 7 vụ, giảm 11 người bị thương. Trong số các vụ TNGT trên, nhiều vụ tai nạn liên quan đến lứa tuổi thanh, thiếu niên. 


Các em học sinh tham gia Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật về trật tự an toàn giao thông. 

Trích thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, thanh thiếu niên thương vong do TNGT những năm gần đây có dấu hiệu gia tăng, trong đó lứa tuổi 15 - 18 chiếm tỷ lệ tử vong và chấn thương nhiều nhất. Đáng nói, thanh niên độ tuổi dưới 18 tử vong vì TNGT chiếm gần 86%. Cứ 10 người trong độ tuổi từ 15 -18 bị thương tích khi vào viện thì có gần 6 người do TNGT. 

Thực tế, hàng năm công tác giáo dục, phổ biến luật giao thông đối với lứa tuổi học sinh đã được các địa phương đẩy mạnh. Để giảm thiểu TNGT ở lứa tuổi này, thời gian qua, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức các buổi tuyên truyền đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, tuyên truyền ATGT trong nhà trường; phát động các cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về trật tự an toàn giao thông”... 

Thông qua các hình thức tuyên truyền này, học sinh, sinh viên đã được bổ sung kiến thức căn bản khi tham gia giao thông cùng người lớn hoặc một mình. Nhất là cảnh báo các nguy hiểm khi các em đi bộ qua đường, đùa giỡn trên vỉa hè hay dưới lòng đường; cảnh báo những nguy hiểm khi học sinh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ… 

Từ đó, các em có thêm kiến thức xử lý tình huống nhằm tham gia giao thông an toàn; góp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, văn hóa giao thông cho đối tượng học sinh, sinh viên; nâng cao ý thức chấp hành những quy định của pháp luật về an toàn giao thông, từng bước giảm thiểu các vụ TNGT liên quan đến học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên khối trường học trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, thực tế theo dõi từ các năm trước đây cho thấy, biểu đồ TNGT trong lứa tuổi thanh, thiếu niên thường gia tăng trong dịp nghỉ hè. Sở dĩ, tình trạng TNGT gia tăng trong các tháng hè, vì một lượng lớn học sinh, sinh viên nghỉ hè được bố mẹ cho vui chơi thỏa thích. 

Xuất phát từ tâm lý sau một năm học hành căng thẳng thì nghỉ hè là dịp để cho con cái xả hơi, phá lệ cho con mượn xe đi chơi. 

Cùng với đó là họp lớp, gặp bạn cũ, tổng kết, chia tay lớp... cùng diễn ra nên tình trạng sử dụng rượu, bia có chiều hướng gia tăng. Các trường hợp vi phạm ATGT ở lứa tuổi thanh, thiếu niên thường liên quan đến các lỗi phổ biến như: chạy quá tốc độ, chở quá số người theo quy định. 

Đặc biệt, các tháng hè thời tiết nắng, nóng  - đây là lúc nhiều người dân ngại đội mũ bảo hiểm ra đường. Trên nhiều tuyến đường dễ dàng bắt gặp nhiều thanh, thiếu niên đầu trần phóng xe ngoài đường. Nhiều bạn trẻ chỉ lo và rất quan tâm làn da khỏi cháy nắng và trang bị dụng cụ chống nắng nhưng lại bỏ quên sự an toàn cho cái đầu và tính mạng của mình. 

Tại nhiều địa phương, tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập bốc đầu xe, thậm chí đua xe. Theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Minh - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự, Công an thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Với tâm lý thích thể hiện, các đối tượng thanh, thiếu niên thường tranh thủ mượn xe của bố mẹ, người thân trong gia đình vào lúc chiều muộn hoặc buổi tối và ra những tuyến đường giao thông nông thôn vắng vẻ, ít phương tiện qua lại để tụ tập bốc đầu xe, thậm chí đua xe. Nếu không được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời thì tình trạng trên sẽ xảy ra phổ biến, lôi kéo nhiều thanh, thiếu niên a dua, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông”. 

Trước thực tế trên, để góp phần giảm thiểu TNGT, trước hết, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về ATGT bằng nhiều hình thức, đặc biệt là trong môi trường học đường, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội; mở các đợt tuyên truyền về Luật ATGT lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt hè, các buổi sinh hoạt đoàn thôn, xóm, xã, phường để phổ biến các nội dung liên quan đến công tác ATGT. 

Bên cạnh đó, để kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm liên quan đến thanh, thiếu niên, lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát lưu động trên các tuyến đường nội thị, những khu vực mà các đối tượng này hay tập trung vào các khung giờ cao điểm. 

Hơn hết, các bậc phụ huynh cần quan tâm quản lý, nhắc nhở con em chấp hành nghiêm luật giao thông, nhất là việc giáo dục ngăn chặn việc lạm dung rượu, bia khi tham gia giao thông. Đặc biệt, tuyệt đối không trang bị cho con em mình những phương tiện chưa được pháp luật cho phép điều khiển, có như vậy mới ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thương vong do TNGT lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên.
Thông Nguyễn

Tags Trẻ em học bơi ngày hè đuối nước chống đuối nước áo phao

Các tin khác
Một góc xưởng gỗ sau vụ nổ.

Sáng nay (1/5), một vụ nổ lớn nghi do lò hơi tại công ty sản xuất gỗ ở xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh tỉnh Đồng Nai đã khiến 6 người tử vong, 7 nạn nhân bị thương nặng.

Dịp nghỉ lễ, Suối Giàng - đỉnh núi mờ sương với khí hậu mát mẻ đã trở thành điểm đến lý tưởng để người dân và du khách trải nghiệm và tránh nắng nóng.

Đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt chưa từng có suốt 10 năm qua phủ rộng khắp cả nước suốt dịp nghỉ lễ 30/4 nên Yên Bái cũng không ngoại lệ với nền nhiệt 4 ngày nghỉ đầu luôn trên dưới 40 độ C. Người dân và du khách đến Yên Bái, vì thế, cũng đã muôn kiểu "giải nhiệt" trong những ngày nắng nóng.

Miền Bắc tiếp tục đón mưa dông trong hôm nay (1/5).

Sáng sớm nay (1/5), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở vùng núi phía Bắc. Dự báo ngày và đêm 1/5, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng một số nơi ở Thanh Hóa-Nghệ An. Miền Bắc và Thanh Hoá - Nghệ An trời chuyển mưa dông, nền nhiệt giảm mạnh.

Cán bộ, chiến sĩ Công an xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy

Năm 2023, toàn thành phố đã có 953 mắt camera an ninh; chỉ đạo các xã, phường triển khai xây dựng mới 19 mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” và 99 mô hình "điểm chữa cháy công cộng”, "Liên kết đảm bảo ANTT”...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục