Đặc sắc "điểm hẹn" văn hóa Tày Lục Yên

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/7/2023 | 2:39:29 PM

YênBái - Bộ trang phục truyền thống của người Tày Lục Yên chứa đựng nhiều giá trị giáo dục, nhân văn sâu sắc mà con người hướng đến.





Có một sự thu hút không hề nhẹ nếu bạn có dịp đến thăm một phiên chợ quê ở xã Mai Sơn, huyện Lục Yên. Đó không chỉ đơn thuần là hoạt động mua và bán như thường thấy ở các phiên chợ quê. Bởi, chợ quê xã Mai Sơn là nơi giúp du khách trải nghiệm trọn vẹn nét văn hóa về cuộc sống, nếp sinh hoạt của người Tày. Những bộ trang phục truyền thống được các bà, các chị mang trên mình khiến chợ quê Mai Sơn như "điểm hẹn" văn hóa rộn ràng và ngập tràn màu sắc của đồng bào dân tộc Tày.

Bên sạp hàng bày bán các sản phẩm nông sản, chị Nông Thị Vẻ - hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Sơn Hạ vui vẻ và tự hào giới thiệu về bộ trang phục truyền thống của mình: Trang phục dân tộc Tày có thể được coi là một trong những bộ trang phục đơn giản nhất của 54 dân tộc anh em. Tuy đơn giản nhưng lại mang một ý nghĩa thật đặc biệt. Cái độc đáo đáng quan tâm của trang phục Tày không phải là lối tạo dáng mà là lối dùng màu chàm phổ biến, đồng nhất trên trang phục nam và nữ chứa đựng các giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của người Tày.
 


"Trang phục nữ Tày có nét đẹp riêng, đó là bên trong mặc áo bà ba, bên ngoài mặc áo dài màu chàm và váy màu chàm kèm các phụ kiện đi cùng như vấn tóc, khăn đội đầu cùng màu, vòng cổ bằng bạc (tiếng Tày gọi là xà tích, khỏa khò); vòng tay bằng bạc; trang trống là vòng treo ở dây lưng (tiếng Tày gọi là tang tống); dây lưng màu xanh, dây dao dệt. Do vậy, cách ăn mặc của người Tày phần nào phản ánh nét đẹp văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc…” - chị Vẻ cho biết thêm. 

Ở Mai Sơn, dân tộc Tày chiếm 79% dân số. Trang phục của người dân tộc Tày ở Mai Sơn nói riêng, huyện Lục Yên nói chung cơ bản giống nhau, chỉ khác một chút về cách phối hợp màu sắc áo bà ba bên trong, nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Bộ trang phục truyền thống của người Tày chứa đựng nhiều giá trị giáo dục, mang tính nhân văn mà con người hướng đến. Đó chính là sự thùy mị, nết na, khéo léo của người phụ nữ. 



Hiện nay, nhiều nét văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Tày đang dần mai một. Trang phục là một trong số đó. Do đó, việc tuyên truyền, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc luôn là vấn đề mà cấp ủy, chính quyền xã Mai Sơn quan tâm. Phương châm "biến di sản thành tài sản” được thể hiện rõ trong mọi hoạt động phát triển du lịch, các ngày lễ hội trên địa bàn xã khi lấy bản sắc của đồng bào Tày bản địa làm chủ đạo. Năm 2022, xã Mai Sơn đã xây dựng mô hình chợ quê mang đậm bản sắc của dân tộc Tày với mong muốn giới thiệu với du khách gần xa nét độc đáo trong đời sống sinh hoạt, văn hóa truyền thống của người Tày, đặc biệt qua trang phục, món ăn, sản vật địa phương. 

Nòng cốt là lực lượng phụ nữ nên từ khi Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phát động gìn giữ bản sắc trang phục truyền thống của dân tộc Tày, đông đảo hội viên và nhân dân đồng tình ủng hộ. Giờ trang phục dân tộc Tày được mặc phổ biến trong tất các buổi chợ phiên khiến các chị em rất tự hào. Các  bà, các mẹ còn truyền dạy cho con cháu về nghề truyền thống may trang phục dân tộc Tày và dạy cho con cháu biết cách mặc trang phục của dân tộc mình như: vấn tóc, đội khăn, đeo các phụ kiện…

"Người phụ nữ dân tộc Tày mặc trang phục truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc là giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc mình” - chị Hoàng Thị Hoàn - hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Sơn Trung bộc bạch. 

Chị Âu Thị Thương - Chi hội Phụ nữ thôn Sơn Nam thì cho rằng: Gìn giữ, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc Tày là lan tỏa nét đẹp văn hóa giản dị, gần gũi trong cuộc sống, sinh hoạt, đồng thời cũng thúc đẩy bảo tồn, phát triển một nghề thủ công truyền thống giúp bà con tăng thu nhập và phát triển kinh tế.



"Hội đã phối hợp với UBND xã thành lập 4 đội văn nghệ giữ gìn bản sắc dân tộc Tày xã Mai Sơn, qua đó khuyến khích hội viên phụ nữ và bà con mặc trang phục truyền thống gắn với phát triển du lịch; tạo không gian, môi trường văn hóa, giúp cho đồng bào dân tộc Tày có dịp trưng diện những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình…” - chị Hoàng Thị Lan - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mai Sơn cho biết.



Chị Hoàng Thị Bích Hường - Chi hội Phụ nữ thôn Sơn Đông tâm sự: "Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đồng thời với cuộc cách mạng công nghiệp "4.0” đã và đang ảnh hưởng mạnh đến nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa, trang phục truyền thống của dân tộc Tày đã và đang mai một, thay bằng các trang phục mới. Nếu không kịp thời bảo tồn và phát huy, trong thời gian không xa, trang phục truyền thống dân tộc Tày sẽ mất đi, bản sắc văn hóa dân tộc khó tìm lại được”.

Gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và trang phục truyền thống của dân tộc Tày cũng như tất cả các dân tộc trên dải đất hình chữ S cần có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương. Do đó, cùng với sự phát triển của chợ quê, các trường học trên địa bàn đã tuyên truyền, khuyến khích học sinh mặc trang phục dân tộc Tày vào 2 buổi/ tuần và tổ chức các buổi ngoại khóa về bảo tồn, gìn giữ bản sắc dân tộc Tày như mời các nghệ nhân đến trường để dạy học sinh hát then, hát khắp coọi và tuyên truyền về ý nghĩa truyền thống của trang phục dân tộc Tày. 

Chị Hoàng Thị Lan - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mai Sơn khẳng định: "Hội Phụ nữ xã đã và luôn chú trọng tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia để cùng nhau tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương, đặc biệt là bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa và  trang phục truyền thống của người Tày ”.



Với quyết tâm này, mong rằng, các cơ quan chuyên môn của huyện, của tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí mở các lớp học truyền dạy cho các thế hệ trẻ biết về truyền thống văn hóa của người Tày như lớp học hát then, khắp coọi; học về quy trình làm ra những bộ váy áo chàm truyền thống, nghề dệt thủ công, cách chế biến món ăn, phục dựng các nghi lễ, lễ hội, lễ tục đẹp ...

Lục Yên là địa phương đồng bào Tày chiếm tới 57% dân số. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Tày sẽ giúp thêm cơ hội quảng bá vè đẹp thiên nhiên và con người quê hương đất Ngọc, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Bài, ảnh: Thành Trung
Đồ họa: Thành Trung
(Bài dự thi "Vì một Yên Bái phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”) 

 


 

Tags dân tộc Tày Lục Yên trang phục truyền thống thùy mị nết na khéo léo

Các tin khác

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Là một trong những huyện nghèo của cả nước, dựa trên tình hình thực tế và điều kiện đặc thù của địa phương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu "quyết tâm xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - là điểm đến "bản sắc, an toàn, thân thiện”, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo”.

Mù Cang Chải - một trong 63 huyện nghèo nhất cả nước đang có cuộc cải cách toàn diện và hội nhập mạnh mẽ với những cơ hội phát triển mở ra cho người dân vùng cao, nhờ phát huy vai trò hạt nhân của tổ chức Đảng, của người đứng đầu cấp ủy.

Công an xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải thường xuyên nắm bắt thông tin từ cơ sở

Trong 6 tháng đầu năm, Công an huyện Mù Cang Chải đã phát hiện, xử lý 19 vụ với 39 đối tượng, thu giữ 1.172,6g hêrôin; 648g ma túy tổng hợp, khởi tố 19 vụ/27 bị can; trong đó, phá 3 vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Đặc biệt, 27 đối tượng bị khởi tố đều là người dân tộc Mông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục