Ghi ở La Pán Tẩn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/6/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Lần này trở lại La Pán Tẩn - một xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải, cảm giác đầu tiên của tôi là sự ngạc nhiên. Chưa đầy 5 năm mà đã có biết bao đổi thay đến không ngờ. Trước tiên là con đường phẳng phiu từ thành phố Yên Bái lên tận trung tâm xã nên hành trình của chúng tôi chỉ mất khoảng 4 tiếng đồng hồ, thay vì trước đây phải mất ít nhất 8- 9 tiếng. Đón tiếp chúng tôi, cùng với đội ngũ cán bộ xã vẫn nổi bật nhất là gương mặt anh Giàng Chứ Ly- Chủ tịch UBND xã, một cán bộ cơ sở người Mông nhiệt tình, thông minh và đầy ấn tượng...

Trung tâm xã La Pán Tẩn.
Trung tâm xã La Pán Tẩn.

Đó là một người đàn ông vóc dáng nhỏ bé, nhanh nhẹn, nụ cười luôn thường trực trên chiếc miệng rộng và hàm răng trắng muốt, đều tăm tắp. Ấn tượng đầu tiên ai cũng cảm nhận được khi tiếp xúc với Giàng Chứ Ly là sự cởi mở, dí dỏm và thông minh. Giàng Chứ Ly trẻ hơn nhiều so với tuổi 50 của mình, trẻ đến nỗi một lần đưa vợ đi khám bệnh ở trạm y tế xã, anh bị các cháu hỏi là: “Chú đưa mẹ đi khám bệnh à?”. Khi ấy, vợ anh đã rất buồn, nhưng anh liền an ủi: “Các cháu thấy bà già hơn tôi thì tôi lại càng thương bà nhiều hơn vì bà vất vả hơn mà”, vợ anh mới thôi không buồn ủ rũ nữa. Kể chuyện này, anh Ly “kết luận”: “Vấn đề không phải là ở chỗ mình nói thế cho vợ yên tâm đâu. Mà mình làm công tác tư tưởng cũng giỏi đấy chứ?”.

 

Phải thừa nhận Giàng Chứ Ly làm công tác tư tưởng giỏi thật. Cứ nhìn vào sự đổi thay trong cuộc sống của người Mông ở La Pán Tẩn thì biết. Không đâu xa, cách đây khoảng hơn chục năm thôi, ở đây không ai dám làm cán bộ, ấy là thời điểm người Mông nơi đây đang đối mặt trước nhận thức giữa cái cũ và cái mới, ai ai cũng băn khoăn khi lựa chọn giữa cái đói nghèo, lạc hậu và cái tiến bộ.

 

Bắt đầu từ việc bỏ cây thuốc phiện. Những năm 1990- 1992, hàng ngày Giàng Chứ Ly phải lăn lộn, vất vả đi khắp 7 bản của xã, mỗi bản cách nhau tới 3 kilômét, đến từng nhà dân vận động bà con xoá bỏ cây thuốc phiện. Ban đầu, chẳng ai chịu nghe theo, còn cho là Giàng Chứ Ly đang xúi dại bà con, bỏ cây thuốc phiện thì cây rau (rau cải) sẽ chết theo mất vì chúng là cây vợ, cây chồng, lấy cây gì trồng thay cây thuốc phiện đây, rồi bà con ta sẽ chết đói mất, “cái bụng Chứ Ly thế mà xấu lắm”... Bằng sự kiên trì và tình cảm của một người con trong xã, sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của người cán bộ đảng viên, Giàng Chứ Ly đã tận tình thuyết phục, tuyên truyền, vận động bà con xoá bỏ hoàn toàn cây thuốc phiện.

 

Khi phá được cây thuốc phiện rồi, nhìn những mảnh nương trơ trọi, trong khi bà con đang đặt hết niềm tin vào mình, Giàng Chứ Ly mạnh dạn hạ quyết tâm đem giống ngô về La Pán Tẩn và trồng thử nghiệm ngay trên chính vườn nhà mình. Cùng với những ngày vận động bà con phá bỏ cây thuốc phiện, đây là những ngày gian khó nhất trong đời người cán bộ đảng viên Giàng Chứ Ly.

 

Vụ ngô đầu tiên, do chưa nắm vững các kiến thức về mùa vụ, cách chăm sóc nên toàn bộ toàn bộ cây ngô giống của Ly bị sương muối làm cho chết hết. Không để bà con sụp đổ niềm tin, anh vừa tìm cách học hỏi kinh nghiệm, vừa tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con kiên trì chờ đợi... Vụ ngô đầu tiên cho thu hoạch, Giàng Chứ Ly mừng đến nỗi cứ ngây người ngắm nhìn, ve vuốt những bắp ngô hạt to, tròn, dẻo thơm ngầy ngậy. Giờ đây, cây ngô đã trở thành một trong những loại cây trồng không thể thiếu của La Pán Tẩn.

 

Người Mông ở La Pán Tẩn có tài làm ruộng bậc thang. Từ những quả núi cao, họ kiên trì và khéo léo làm nên những tầng ruộng bậc thang- những kỳ tích từ đôi bàn tay. Ngày mùa, lúa chín vàng óng, những mảnh ruộng nằm vắt mình trên núi giống như những tấm thổ cẩm dệt bằng sắc nắng. Hiện nay, thói quen làm ruộng một vụ ở La Pán Tẩn đã bị xoá bỏ, ngoài cây lúa, cây ngô, bà con còn trồng nhiều cây lương thực, cây công nghiệp mang lại thu nhập đáng kể. 

 

Chủ tịch Giàng Chứ Ly.

Chuyện về Giàng Chứ Ly thì nhiều lắm. Trước đây, anh đã có một thời gian dài làm Trưởng ban tài chính kiêm Phó chủ tịch Mặt trận, ủy viên ủy ban, Xã đội trưởng xã La Pán Tẩn. Tháng 10/1994, anh được huyện cử đi học lớp trung cấp chính trị tại Phân viện Hà Nội, thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; được bà con tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy hai khoá liền. Sau cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004- 2009, anh lại được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND và được phân công làm Trưởng ban tuyên giáo xã La Pán Tẩn. Sự thông minh, năng nổ, nhiệt tình của Giàng Chứ Ly thể hiện qua từng lời nói, hành động cụ thể.

 

Tôi ấn tượng nhất trong buổi làm việc giữa đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và xã La Pán Tẩn về tình hình thực hiện công tác tuyên giáo của xã, Giàng Chứ Ly ngồi ngả đầu ra phía sau ghế, mắt nhắm như đang ngủ rất say. Vậy mà khi anh hiệu phó nhà trường đang ấp úng vì bị hỏi một cách đột ngột về số liệu, Giàng Chứ Ly bật ngay dậy, giải thích và trình bày với đoàn công tác một cách tường tận, khoa học, đầy đủ về việc dạy và học (một lĩnh vực công tác khoa giáo) của nhà trường, của xã trong con mắt ngạc nhiên, thú vị của rất nhiều người.

 

Được biết, La Pán Tẩn là xã đầu tiên của huyện bổ túc cấp I, rồi đến cấp II và cấp III, hiện nay, hầu hết đội ngũ lãnh đạo xã có trình độ văn hoá 12/12. Anh Đức - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mù Cang Chải trước đây có một thời gian dài được phân công phụ trách xã La Pán Tẩn cho biết thêm, khi anh còn là Chánh văn phòng Huyện uỷ, hàng ngày, đồng chí Bí thư và Phó bí thư Huyện ủy đọc báo xong, anh lại nhận và chuyển cho Giàng Chứ Ly. Mỗi lần như vậy, sau khi đọc xong, anh Ly lại chuyển số báo đó đến các bản trong xã. Hiện nay, cả xã có tới hơn 200 chiếc xe máy, anh Ly cùng với lãnh đạo xã đang liên hệ mở một lớp học và thi lấy bằng tại xã dành cho những người chưa có bằng lái.

 

La Pán Tẩn vẫn còn là một xã rất khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo tới 83,14%. Tuy nhiên, không phải vì thế mà đảng viên và người dân trong xã có tư tưởng ỷ lại vào Đảng, Nhà nước. Chia tay Giàng Chứ Ly, tôi nhớ mãi lời anh nói về thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên giáo nói riêng, các nhiệm vụ chính trị nói chung, vừa là kiến nghị đối với cấp trên nhưng lại là tình cảm, tâm tư của một cán bộ đảng viên đầy tâm huyết:

 

Quan trọng nhất là thường xuyên có sự phối hợp đồng bộ, nắm thực tế thường xuyên ở cơ sở, chứ không phải cho một vài bộ bàn ghế hay vài triệu đồng là xong nhiệm vụ... Nếu tư tưởng không tốt thì Đảng và Nhà nước có đổ bao nhiêu tiền của cũng không giải quyết được vấn đề gì. Ngược lại, tư tưởng tốt thì mọi việc rất dễ dàng.

 

Hồng Thanh Tâm

Các tin khác
Vợ chồng ông Sày đang làm cỏ nương.

Trong chuyến công tác tại huyện Tiên Yên-huyện miền núi nghèo Quảng Ninh, tôi được Lý Văn Quan người làm nghề xe ôm mặc cả; nếu thuê xe, anh ta sẽ đưa tới gặp một kỳ nhân mà nghe nói có đôi mắt mọc ở chân…

Cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra mẫu nước khu vực bị ô nhiễm.

YBĐT - Hơn một tuần nay, kho chứa hàng của Trạm Vật tư nông nghiệp huyện Trấn Yên ở khu 4, thị trấn Cổ Phúc nhập kho 9,8 tấn thuốc trừ sâu đã quá hạn sử dụng đến hàng chục năm. Điều kinh khủng là một lượng lớn thuốc trừ sâu đã thoát chảy ra ngoài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân…

YBĐT - Trong một vài tháng trở lại đây, nhiều hộ dân thuộc các xã vùng Đông hồ Thác Bà, huyện Yên Bình thi nhau lên đồi xâu xé đất rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng phòng hộ thuộc Lâm trường Thác Bà quản lý, bảo vệ.

Không phải thuốc bổ chỉ có bổ. Lạm dụng thì thuốc bổ cũng thành độc dược.

Trong vai người muốn “tẩm bổ”, “ăn mãi mà không béo được”, chúng tôi vào một hiệu thuốc trên “phố thuốc” Ngọc Khánh (Hà Nội). Cô dược sĩ bày hàng loạt loại thuốc bổ: nào đạm, nào sâm, nào “phối hợp hoàn hảo giữa đa sinh tố và khoáng chất”... Tha hồ chọn!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục