Trên đỉnh Làng Nhì
- Cập nhật: Thứ hai, 2/7/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Gọn gàng với túi đồ nghề, chúng tôi theo đoàn công tác của Tỉnh uỷ Yên Bái do Bí thư Tỉnh uỷ Phùng Quốc Hiển dẫn đầu lên xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu. Gần 10 giờ trưa, giữa đất trời mùa hè mà mây mù vẫn còn giăng kín trên những mỏm núi đá, những ngôi nhà của đồng bào Mông và trên cả con đường gỗ ghề quanh co, cứ mờ mờ ảo ảo khiến cho ai cũng ngỡ như đang lên trời.
Đồng chí Phùng Quốc Hiển- Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư tỉnh ủy Yên Bái kiểm tra tình hình phát triển kinh tế tại xã Làng Nhì.
|
Để tới được Làng Nhì, không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải huy động một lực lượng xe máy gầm cao dã chiến để bắt đầu cuộc hành trình 10 cây số đường đèo từ xã Phình Hồ lên.
Thật may cho đoàn công tác vì thời điểm này đã bắt đầu vào mùa mưa, chỉ có 10 cây số đường đèo không gặp những cơn mưa rừng, nên đi xe máy chỉ mất hơn nửa giờ đồng hồ. Nếu gặp trận mưa rừng bất chợt thì đi cũng không được mà quay lại cũng không xong - đó là tâm sự của những người đi rừng. Trên dọc đường đi, bên thì vực sâu hút hút, bên vách đá cheo leo, cả đoàn xe máy cứ gầm gừ ngược dốc, khói, đất bụi mù trời nối đuôi leo dần lên đỉnh Làng Nhì, lúc xuống dốc lúc lại qua khe, khi lại phải xuống dắt bộ.
Càng lên cao lại càng khó đi hơn, chỗ bị cắt ngang bởi rạch nước, chỗ lại phải dắt xe đi vòng bởi con đường mới mở đã bị co hẹp hoặc mất hẳn đường do sạt lở bởi những trận mưa đầu nguồn. Cứ thế, chúng tôi đi xuyên qua những cánh rừng, những triền lúa nước bạc phếch bởi những trận gió lào và cả những ngôi nhà đơn sơ của người Mông nằm chơ vơ bên đỉnh núi. Cuối cùng trụ sở UBND xã đã hiện ra trước mắt. Mọi người ai nấy mới thở phào nhẹ nhõm. Nói trụ sở UBND xã nhưng thực ra đó chỉ là một ngôi nhà gỗ ván lịa lợp lấy chỗ tập hợp đội ngũ lãnh đạo chủ chốt xã mỗi khi có các công việc cần họp hành triển khai.
Đã gần 12 giờ trưa, vậy mà từ phía những lớp học lợp bằng ván gỗ vẫn văng vẳng tiếng những đứa trẻ ê a học hè. Chứng kiến cảnh một thầy giáo trẻ với 7 học sinh, đứa lớn đứa bé đang say sưa đọc thuộc lòng bài ca dao Công cha nghĩa mẹ. Thấy chúng tôi có phần thắc mắc về việc một lớp học có đến mấy lứa tuổi, đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã Hờ Bla Sheng cho hay: “Do những năm trước chưa có đủ trường lớp, một số trẻ đã qua tuổi mà vẫn không được đi học. Nay nhờ Đảng, Nhà nước xã đã có con đường, đã có thầy giáo từ miền xuôi đem cái chữ lên với vùng cao, học sinh ít nên phải ghép lớp như vậy”.
Làng Nhì là một trong những xã xa, khó khăn nhất nhì của huyện Trạm Tấu, cách trung tâm huyện gần 40 cây số, trước kia toàn đường rừng, leo bộ cả ngày cũng chẳng tới nơi. Để đến được với Làng Nhì chỉ có một con đường độc đạo là xuyên qua các cánh rừng, mùa mưa sạt lở, mất đường và Làng Nhì lại cô độc giữa non cao. Làng Nhì có 6 thôn bản, 236 hộ với chưa đầy 1.700 nhân khẩu, 100% là đồng bào Mông.
Xa xôi vậy nhưng hệ thống trường lớp tại trung tâm cụm xã đã được đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo đủ điều kiện cho con em đồng bào Mông đến lớp. “Nhận thức của đồng bào đã khác xưa nhiều rồi, người Mông quê mình đã biết ý thức được việc cho con em đến học cái chữ của thầy, cô giáo miền xuôi”. - Phó chủ tịch xã Hờ A Phàng cho biết như thế. Nếu năm 2000 toàn xã có 100 học sinh học tập ở 3 ngành học thì nay con số đã tăng lên gần 500 học sinh năm 2007. Mục tiêu của xã hết năm 2007 này được công nhận phổ cập trung học cơ sở. Đó là cái đáng mừng, đáng quý lắm ở nơi đất núi xa xôi này.
Sau khi tránh cái nắng gay gắt của buổi trưa hè, chúng tôi theo chân đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đến thăm gia đình trưởng bản Thào Nhà Gia, thôn Nhì Giữa. Nhà trưởng bản nằm giữa một bãi ngô đang mơn mởn vào hạt, thửa ruộng lúa nương, lúa nước đang lên xanh tốt. Nặng nề với chiếc nạng gỗ, trưởng bản Thào Nhà Gia cùng bà con trong bản ra tận đầu ngõ đón đồng chí Phùng Quốc Hiển, mỗi người một tâm sự, một nỗi niềm riêng. Ân cần như người thân, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ hỏi thăm trưởng bản cùng bà con cách làm ăn, nuôi dạy con cái...
Nắm chặt tay đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, trưởng bản Thào Nhà Gia bộc bạch: “Ngày trước dân bản mình nghe theo kẻ xấu xúi giục đi trồng cây thuốc phiện, vào rừng chặt gỗ. Trong một lúc sơ ý mình đã bị cưa máy cắt đứt một chân, may có cán bộ y tế xã nó đưa mình về tỉnh cứu chữa kịp thời. Rồi cán bộ người Kinh ở huyện, tỉnh lên tận nơi giúp bà con mình cách làm nhà, trồng lúa nước, nuôi nhốt con trâu, con bò lấy phân bón. Nghe theo cán bộ, dân bản mình không phá rừng, không trồng và hút thuốc phiện nữa nên các hộ đói giáp hạt đã giảm hẳn. Gần 30 hộ dân trong thôn đã cùng nhau lao động sản xuất, cho con em đến trường học chữ để sau này nó về làm cán bộ dạy bảo dân bản mình chứ”.
Chia sẻ những khó khăn của vùng cao, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ quyết định: Tỉnh sẽ giao cho huyện làm đề án quy hoạch việc xây dựng tập trung các cơ sở hạ tầng như trụ sở UBND xã, trạm y tế xã để chăm sóc sức khoẻ cho bà con, nâng cấp cải tạo tuyến đường hoàn chỉnh đảm bảo giao thông thông suốt để ô tô đến được tận trung tâm xã, mở rộng các tuyến đường liên thôn bản đảm bảo cho việc thông thương giao lưu hàng hoá cho Làng Nhì. Các già làng, trưởng bản và nhân dân trong xã ồ lên vì sung sướng, hứa với Bí thư sẽ bảo ban con cháu, dân bản chăm chỉ làm ăn, một lòng theo Đảng xây dựng cuộc sống mới.
Chia tay Làng Nhì khi ánh nắng chiều đã ngã vàng nơi đỉnh núi xa xa, Tiếng mõ trâu nhà ai đã lốc cốc về bản. Khói bếp đã lan toả bên những ngôi nhà của đồng bào Mông. Không xa nữa những con đường gồ ghề lồi lõm này sẽ được mở rộng thênh thang, điện lưới quốc gia sẽ về thắp sáng các bản làng xoá đi cái đói, cái nghèo trong tăm tối, lạc hậu. Làng Nhì không cô độc mà sẽ bừng sáng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền và sự cố gắng của người dân nơi đây.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Đêm mưa rào, ngày nắng gắt, vẫn biết mưa thế này đi Suối Mạ sẽ rất khó khăn nhưng tôi vẫn quyết tâm đi, không phải tôi thích môn thể thao leo núi mà mục đích của chuyến đi này là đến thăm cuộc sống và công việc của những bạn đồng nghiệp ở trạm phát lại sóng phát thanh truyền hình Suối Mạ những con người được xem như những Robinson thời hiện đại.
Vùng cao heo hút, người dân đói phim đến vàng cả mắt. Với họ, hình ảnh những người cõng phim lên ngàn có cái gần gũi, thân thiết của người nhà, còn những bộ phim thì quả là thứ hàng xa xỉ. Tôi đã lên núi già tháng trời, cách ly với “xa lộ thông tin” để nếm trải cái cảm giác khát ấy như thế nào.
Hơn 2 tháng qua, khu vực sân bay cũ tại phường 9, thị xã Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) trở thành “miền đất hứa” của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người dân từ khắp nơi đổ về kiếm sống. Suốt ngày đêm, họ (có cả trẻ em và người già) dùng cuốc, xẻng, xà beng đào bới từng tấc đất để tìm phế liệu - là những vỏ đạn, viên đạn các loại còn nguyên, những trái bom, cánh máy bay cũ… Vì miếng cơm manh áo, họ đang “giỡn mặt” với tử thần!
Người ta gọi chị là “vua liều” bởi bao năm nay, chị là người phụ nữ hiếm hoi ở đất Tân Minh (Gio Thành, Gio Linh, Quảng Trị) gắn đời mình với việc rà phế liệu, dù chính những thứ “phế liệu” nguy hiểm ấy đã cướp đi người chồng của chị.