Người cõng phim lên núi
- Cập nhật: Thứ hai, 2/7/2007 | 12:00:00 AM
Vùng cao heo hút, người dân đói phim đến vàng cả mắt. Với họ, hình ảnh những người cõng phim lên ngàn có cái gần gũi, thân thiết của người nhà, còn những bộ phim thì quả là thứ hàng xa xỉ. Tôi đã lên núi già tháng trời, cách ly với “xa lộ thông tin” để nếm trải cái cảm giác khát ấy như thế nào.
Khoảng sân lồi lõm trước trụ sở UBND xã được sử dụng làm bãi chiếu.
|
“A Phủ...” về bản
Đứng ở dốc 70, huyện lị Mộc Châu nhìn lên, bản Xuân Nha (Mộc Châu, Sơn La) tưởng như chỉ cách một tầm tay với. Vậy mà, từ ấy lần theo con đường chuột chạy đầy đá hộc, chỉ nhét vừa cái bánh xe máy, lúc nào cũng phải cài số hai, số một, xuống huyện lị cũng mất bốn tiếng đồng hồ. Bản gồm 100% bà con dân tộc Mông. Sáng đi nương, tối mịt mới về đến nhà. Đi từ lúc trời nhá nhem chưa nhìn thấy mặt người, trở về cũng là khi gà đã lên chuồng. Bếp lửa của người Mông lúc nào cũng cháy đỏ. Khói ám vào cây cột bếp dày đến mức con mối, con mọt cũng chẳng dám gặm nhấm. Mấy năm gần đây, bà con đã mua được máy phát điện mini, lấy đá quây chặn dòng nước đủ thắp vài cái bóng điện 45W, mà thắp cả ngày. Nhưng điện đâu có đủ chạy được cái tivi. Dòng điện yếu quá, hình người cứ dài ra, nguệch ngoạc. Cái đói thông tin cứ duy trì mãi.
Xẩm tối, anh cán bộ xã hộc tốc lên báo tin vui: - Đội chiếu phim về. Bản xôn xao. Thế là nhà nhà ăn cơm sớm, có nhà còn cho trẻ ra nương gọi người về để khỏi lỡ dịp may cả năm chỉ có hai lần...
19h tối. Đội chiếu phim đặt chân lên sân ủy ban. Người ta đã cắt mấy công dọn cỏ, ổ trâu, ổ gà, kê sân khấu. Chuyện như pháo rang. Tiếng Mông líu lo như tiếng chim. Các chị, các mẹ cười, nụ cười vàng rực vì có chiếc răng mạ vàng làm điệu. Mấy anh chiếu phim lưu động hình như mệt lắm. Nhưng trước cái háo hức của bà con, ăn vội bát cơm, uống chén nước rồi lỉnh kỉnh mang đồ, kê máy... Chừng 15 phút, máy nổ bắt đầu khùng khục chạy. Cuốn phim nhựa được nhét vào “đầu”, quay ro ro. Có tiếng trẻ con reo như hét: - A, cô Mỵ, cô Mỵ ! Tiếng người lớn nạt: - Im nào !
Giọng người “lồng tiếng” trực tiếp ồ ồ trong chiếc míc cũ kỹ. - Tua đi, tua đi. Nhanh lên, sốt cả ruột... - Mời bà con ổn định. Sau đây, bộ phim “Vợ chồng A Phủ” bắt đầu. Anh Mùa A Minh nói với tôi: - Lần nào cũng thế, chẳng hiểu sao bụng bồn chồn lắm ?
Giám đốc điện ảnh lưu động
Vùng cao, đêm đen đặc xắt được thành miếng. Câu chuyện của tôi với anh đội trưởng đội chiếu phim lưu động bắt đầu khi người người đã về trong niềm luyến tiếc. Cái giọng khỏe, to và bền bỉ của anh đã dẫn dắt người xem. 20 tuổi “dấn thân” vào nghề chiếu bóng. 12 năm đầu cuốc bộ vác máy, ấy là khi chưa sắm được con xe Mink khỏe như ngựa chiến, ngốn xăng như người khát uống nước lã. Địa bàn hoạt động của anh là 8 xã chạy dọc vùng biên, trải từ Loóng Luông xuống giáp nước bạn Lào. Có mặt trong đội chiếu phim lưu động phục vụ bà con các dân tộc miền núi từ những ngày đầu, khi anh trở thành “giám đốc” của 9 thành viên - phiên chế trong 3 tổ thì các đồng nghiệp cùng “tuổi nghề” đã chuyển ngành từ lâu lắm. Ngoảnh đi ngoảnh lại, anh đã “cõng phim lên ngàn” được hơn 20 năm trời. Anh là Trịnh Xuân Linh, đội trưởng đội chiếu phim lưu động “hai trong một” của huyện Mộc Châu.
Cao lớn và mạnh mẽ. - Cái nghề này không có sức khỏe không trụ được. - Anh Linh tâm sự. Cuộc đời của anh gắn bó với những thăng trầm của đội tuyên truyền văn hóa của huyện. Tiền thân là đội chiếu phim 16, khi cơ chế bao cấp không còn, đội phải bung ra để kiếm sống. Chững lại mất 8 năm trời. Giai đoạn 1990-1991, huyện chủ trương khôi phục đội chiếu bóng phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, đống đồ nghề phủ bụi được mang ra... Những anh em còn yêu nghề được huy động, nay đây mai đó, khi Loóng Luông, Loóng Sập, lúc Suối Kính, Pha Luông, Xuân Nha... Đội chiếu bóng giờ được tiếng có nội dung hoạt động phong phú nhất tỉnh.
Chiếu phim kiêm tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình
Theo trưởng phòng văn hóa huyện Mộc Châu Nguyễn Bích Hòa, đây cũng là đội chiếu phim duy nhất trong tỉnh thực hiện mô hình lồng ghép tuyên truyền. Mộc Châu có cả thảy 3 đội chiếu bóng, phụ trách 8 xã vùng biên. Nếu tính cả tỉnh thì số đội chiếu phim lưu động lên tới con số ngót nghét gần 40. Theo mô hình này, các thành viên trong đội sẽ lồng ghép chiếu phim với tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và thực hiện nếp sống mới. Muốn “điều hành” được chương trình này, mỗi thành viên phải tập cho mình khả năng nói trước bà con, phải trang bị những hiểu biết nhất định, đặc biệt là những kiến thức pháp luật. - Đồng bào “khát” văn hóa lắm. Những gì mình nói, bà con hiểu và nhớ rất kỹ, rất lâu. Mình nói sai, bà con sẽ thực hiện sai nên phải nói đúng và cập nhật. - Anh Linh bảo.
Sau gần 20 năm tồn tại, tài sản của toàn đội bao gồm 1 bộ ống phóng, màn hình tivi 21 inches, mới đây được “nâng cấp” thêm một máy chiếu; lỉnh kỉnh theo sau là bộ tăng âm, máy nổ, micro, một bộ ảnh để tuyên truyền và... một chồng sách pháp luật. Hình như, theo thời gian, các đồ vật ấy cứ cũ kỹ, nhàu nát thêm song những đội viên trong đội thì vẫn trẻ lắm. Có những buổi một mình anh Linh “chiến đấu” với toàn bộ hệ thống máy móc nặng ngót nghét gần 1 tạ, mà phương tiện vận chuyển kết hợp cả cơ giới lẫn cuốc bộ. Phim kết thúc mới hoàn thành một nửa việc. Giảng giải, tuyên truyền phải nắm bắt được tâm lý của người dân. Có những câu hỏi, anh không dám trả lời vì chưa nắm chắc, chưa hiểu hoặc không thể trả lời bằng cách nói “theo luật này, luật kia được”. Lại phải dùng đến những câu trả lời hóm hỉnh hay bằng những câu chuyện vui. Hỏi: - Nhà tao chỉ đẻ hai đứa, “thằng” bên cạnh đẻ những tám đứa, sao tao không được thưởng cái gì ? - Câu hỏi ngộ nghĩnh ấy chỉ có thể giải thoát được bằng vốn sống thực tế. - Nhà ấy đẻ tám đứa con, nó phải mất thêm sáu cái bát ăn cơm và sáu tạ gạo một năm. Nhà bác không phải mất sáu tạ gạo ấy mà lại còn làm được nhà to, có tivi xem, có xe máy để chạy. Đấy, bác được thưởng nhiều thế còn gì.
Đấy là câu chuyện anh nhớ mãi về lần đi tuyên truyền kế hoạch ở bản Pha Luông. Chiếc xe Mink được anh gá thêm cái gacđơbu đằng sau để chở máy, can xăng dự trữ 20 lít lúc nào cũng gắn chặt phòng chặng khứ hồi. Nhiệm vụ của các anh là phải đảm bảo một người dân một năm được xem phim 2 lần không mất tiền. Hiện nay, mức lương của “ông giám đốc” tên Linh có thâm niên công tác 23 năm là 1,1 triệu mỗi tháng, trợ cấp một đêm chiếu phim ở vùng 2 là 7 nghìn đồng, vùng 3 là 9 nghìn đồng.
Một lần lên núi xem phim. Thấy được cái khát, cái đói văn hóa của bà con miền núi mới thấy “thấm” nỗi vất vả, nhọc nhằn của những “anh” chiếu bóng lưu động. Biết là còn nhiều khó khăn, miền núi, miền xuôi còn nhiều cách biệt không thể gỡ bỏ trong ngày một ngày hai, nhưng cái “chỉ tiêu” hai lần một năm chiếu phục vụ miễn phí dường như còn quá ít. Còn số tiền trợ cấp cho anh “ngành điện ảnh” huyện cũng phập phù không kém...
(Theo HNMĐT)
Các tin khác
Hơn 2 tháng qua, khu vực sân bay cũ tại phường 9, thị xã Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) trở thành “miền đất hứa” của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người dân từ khắp nơi đổ về kiếm sống. Suốt ngày đêm, họ (có cả trẻ em và người già) dùng cuốc, xẻng, xà beng đào bới từng tấc đất để tìm phế liệu - là những vỏ đạn, viên đạn các loại còn nguyên, những trái bom, cánh máy bay cũ… Vì miếng cơm manh áo, họ đang “giỡn mặt” với tử thần!
Người ta gọi chị là “vua liều” bởi bao năm nay, chị là người phụ nữ hiếm hoi ở đất Tân Minh (Gio Thành, Gio Linh, Quảng Trị) gắn đời mình với việc rà phế liệu, dù chính những thứ “phế liệu” nguy hiểm ấy đã cướp đi người chồng của chị.
YBĐT - Sau chưa đầy 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình chuyển ruộng một vụ sang đào ao nuôi thả cá rô phi đơn tính ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên đã rơi vào thất bại khi mà hiệu quả kinh tế của con cá nuôi trong thực tế không giống như những gì người ta tính toán, khiến cho không ít nông dân thôn Ninh Đức lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Tôi đến làng Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), nơi trong vòng 6 năm đã có tới 50 người chết vì ung thư. Trong những ngôi nhà bên mép dòng sông Lam, tôi thấy những bàn thờ nguyên mùi nhang khói trong những ngôi nhà vắng chủ...