Suối Giàng: Đá cảnh "Rời non"

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/7/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Từ tháng 3/2007 đến nay, người dân ở thôn 3 xã Sơn Thịnh và thôn Suối Lóp, Giàng Cao, xã Suối Giàng (Văn Chấn) đang xôn xao vì đá cảnh. Họ đua nhau lên hai thôn Suối Lóp và Giàng Cao để tìm kiếm, đào bới, khai thác trái phép hàng trăm tấn đá cảnh mang về bán cho các “đại gia” ở thị xã Nghĩa Lộvà một số thợ đá ở thành phố Yên Bái, Hà Giang và cả Hà Nội, khiến cho nguồn tài nguyên ở vùng cao Suối Giàng ngày càng cạn kiệt. Nhưng lạ thay, các cấp chính quyền ở đây vẫn làm thinh trước sự “chảy máu” của đá cảnh.

Viên “Sư tử” của nhà Tùng - Oanh ở xã Suối Giàng trị giá trên 40 triệu đồng.
Viên “Sư tử” của nhà Tùng - Oanh ở xã Suối Giàng trị giá trên 40 triệu đồng.

Tài nguyên thất thoát

Để tìm hiểu về việc khai thác, buôn bán đá cảnh trái phép ở thôn Suối Lóp và Giàng Cao, xã Suối Giàng, chúng tôi trong vai thợ buôn đá cảnh ở thành phố Yên Bái đã đến thôn 3, xã Sơn Thịnh để ''phối hợp bàn chuyện làm ăn''. Qua cầu Trắng (đường lên Suối Giàng), rẽ phải khoảng gần 1 km là đến thôn 3 - nơi đang có nhiều người tham gia khai thác, buôn bán đá cảnh trái phép. Chính vì vậy, tôi hạ quyết tâm phải tìm gặp được Hoè- một người có “máu mặt” ở vùng này, nhờ dẫn đi tìm mua đá cảnh. Vừa bước vào đến sân nhà anh trai Hoè, tôi đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rất nhiều viên đá cảnh bày la liệt trước sân. Đá cảnh ở đây có đường nét rất đa dạng, vân  hoa, uốn lượn tự nhiên với đủ màu sắc: xanh, đỏ, hồng, đen, tím...chỉ có thể nói là tuyệt mỹ! Đang say sưa ngắm đá thì có tiếng của một người đàn ông trong nhà vọng ra:  “Ông anh mua đá cảnh hả? Vào trong nhà mà xem cho mát”. Trong nhà, 6- 7 thanh niên đang cởi trần nằm trên sàn nhà. Tôi hỏi:''Đây có phải nhà Hoè không?''. Một thanh niên dáng người cao dong dỏng, mắt đỏ ngầu, trông vẻ từng trải, từ trong nhà bước ra cao giọng: ''Tôi là Hoè đây! Ông hỏi gì?'' - ''Tôi ở Yên Bái vào tìm mua đá cảnh, ông anh cho xem chút nhé!''. Thấy tôi  có vẻ đi tìm mua đá cảnh thật, Hoè hạ giọng mời vào nhà. Thấy tôi mân mê viên đá cảnh có vân hoa, hình dáng khá kỳ dị, Hoè giới thiệu: “Viên này tôi đặt tên là “Tê giác”, nó nặng khoảng trên 400 kg, thằng Sơn em út tôi vừa mua được ở thôn Giàng Cao mang về. Chỉ có nó mới đủ sức đèo được viên đá này đấy! Viên này phải được 10 triệu tôi mới bán”. Thật tuyệt! Đáng phục cả vẻ đẹp của viên đá và sức khoẻ phi thường của Sơn! Sau  một hồi trò chuyện về đá cảnh, tôi và Hoè đi đến thống nhất cùng hợp tác làm ăn. Tôi sẽ lo phần chạy thủ tục thăm dò, cấp mỏ, tìm đầu ra còn Hoè  chịu trách nhiệm tìm người ở địa phương khai thác.

 

Bộ sưu tập đá cảnh của anh Sơn ở phường Trung Tâm (thị xã Nghĩa Lộ).

 Thống nhất xong, tôi đề nghị Hoè dẫn đi xem khu vực người dân khai thác đá cảnh ở thôn Suối Lóp. Hoè bảo, ở trong đó mấy hôm nay người ta không khai thác nữa, vì những viên dễ đã nổi lên hết rồi, chỉ còn những viên nằm dưới phiến đá to, ''anh em mình lên xem mỏ ở Giàng Cao đang có rất nhiều người khai thác''. Tôi đồng ý và đèo Hoè ngược lên thôn Giàng Cao tìm đến ''mỏ''. Chiếc xe cõng hai “thợ đá” ì ạch ngược dốc. Bỗng Hoè khẽ thở dài: “Nói thật với ông anh tôi vừa mới ra trại.'' - ''Tội gì đấy?'' - ''Chẳng giấu gì ông, trước đây tôi có dính líu đến buôn bán ma tuý, bị xử  8 năm tù tại Trại Hồng Ca. Cuối năm 2005, được đặc xá trở về chẳng có việc gì làm nuôi vợ con cả, từ tháng 3 đến giờ thấy người ta tìm mua đá cảnh, tôi đứng ra tổ chức anh em làm một tý để kiếm sống''- ''Chắc là ông cải tạo tốt nên mới được đặc xá?'' - ''Vâng!''- ''Thôi chuyện cũ qua rồi, ông đừng dại mà dính líu đến ma tuý nữa, làm khổ vợ con và gia đình đấy!' - Tôi động viên Hoè.

Câu chuyện giữa hai chúng tôi vẫn còn đang dở thì xe đã đến trung tâm xã Suối Giàng. Thời tiết Suối Giàng giữa hè mà rất mát. Tiếc là chẳng thấy bóng vị khách du lịch nào mà chỉ thấy những người dân bản địa đang đi khai thác, 'cửu'' đá cảnh thuê cho các “cai đá”. Dựng xe vào bên đường, chúng tôi tìm đường lên bãi đá cảnh ở thôn Giàng Cao - nơi người dân đang khai thác. Sau một hồi đi xe “căng hải”, chúng tôi đã có mặt tại bãi đá cảnh Giàng Cao. Nhìn cảnh tượng hàng trăm người dân ở Sơn Thịnh, Suối Giàng đang lam lũ tìm kiếm, đào bới đá cảnh trái phép hòng đổi lấy những đồng tiền rẻ mạt từ “cai đá” mà xót xa! ''Bãi đá này ai đang là chủ?''- Tôi hỏi Hoè. ''Anh em mình xem thôi, bãi này ông Chính ở thành phố Yên Bái mua rồi''- Hoè trả lời. Đúng lúc này, Chính từ trong lán bước ra nói: “Khu này tôi mua hết rồi.''- ''Các ông đã xin được giấy phép khai thác chưa?''. Chính chậm rãi: “Chưa được cấp, nhưng anh em vừa làm vừa xin”. Trong lán thấy thấp thoáng một vài “bóng hồng” đang nấu cơm phục vụ “cai đá”, tôi tò mò: ''Thế các ông làm được lâu chưa?''- ''Mới được vài ngày''. Chính cũng cho biết, diện tích mà Chính và các “đồng nghiệp” đang xin cấp giấy phép khai thác tại Giàng Cao khoảng 4 ha. Sau khi được tận mắt chứng kiến những gì diễn ra ở Giàng Cao, tôi lại đề nghị Hoè dẫn đi xem bãi đá cảnh ở thôn Suối Lóp ''vì tại bãi Giàng Cao đã có chủ''.

 

Viên “Tê giác” trị giá 10 triệu đồng của anh Hòe ở thôn 3,xã Sơn Thịnh.

Chúng tôi hạ sơn xuống thôn 3 xã Sơn Thịnh, rồi ngược lên Suối Lóp tìm nhà Su để ''mua đất khai thác đá cảnh''. Con đường vào nhà Su ở thôn Suối Lóp chưa đầy 4 km mà vô cùng khó đi. Nhiều chỗ chỉ lọt hai bàn chân, có lúc lên dốc cằm sắp chạm vào công tơ mét, phía dưới là vực sâu hàng trăm mét. Hoè sợ quá không dám ngồi nữa nhảy xuống đẩy xe giúp tôi và nói: “Đường khó thế này mà ông Lý ở tận Hà Giang vẫn thuê người chuyển đá ra ô tô chở lên Hà Giang bán sang Trung Quốc đấy”. ''Ông Lý thu mua lâu chưa?''- ''Được vài tháng rồi, khoảng 10- 15 ngày chở đi 1 xe ô tô Hoa Mai''. Sau một hồi vật lộn với đoạn đường “tử thần”, chúng tôi đã tìm được đến nhà Su.Thật tiếc là không gặp được Su, chỉ có Chu- con trai của Su ở nhà, không quyết việc mua bán này được. Chu bảo: “ Bố bán một bãi đá cho bà Ly và ông Thiềng ở Hà Nội 14 triệu rồi, còn một bãi nữa nhưng bố không bán đâu, Đằng Chủ tịch nó bảo cấm rồi”. Việc không thành, chúng tôi trở về nhà Hoè. Lúc này đã là 19h35 phút. Vợ con Hoè đang ngồi quây quần bên mâm cơm chờ. Mâm cơm khá thịnh soạn, có thịt bò, đậu luộc.. trong những món ăn đó chắc có một phần “hương vị” của đá cảnh! Mệt quá, tôi chia tay Hoè về nghỉ, hẹn hôm sau sẽ cùng Hoè  tiếp tục đi...

Ngày hôm sau, tôi không đến gặp Hoè nữa mà tìm đến nhà Sơn- một thợ chơi đá cảnh “sành điệu” có tiếng ở phường Trung Tâm ( thị xã Nghĩa Lộ), tìm hiểu xem đá cảnh đã bị “chảy máu” như thế nào. Sơn đon đả mời tôi vào xem bộ sưu tập đá cảnh của mình. Đúng là còn trên cả tuyệt vời! Viên “Sư tử” trị giá 40 triệu đồng của nhà Tùng- Oanh ở Suối Giàng hay viên “Tê giác” của anh em Hoè, so với bộ sưu tập của Sơn chỉ đáng xếp vào hàng ''em họ xa''. Tầng 1, tầng 2, Sơn bày cỡ phải vài tấn đá cảnh. Sơn bảo, chơi đá cảnh phải biết chọn những viên đá mồ côi mới có giá trị, những viên đào cạy, bóc ra từ phiến đá to Sơn không mua. Riêng tiền làm đế đặt các viên đá cảnh đã mất vài chục triệu đồng. Bộ sưu tập đá cảnh này có nhiều tên rất gợi cảm như: “Núi đôi”, “Hòn trống mái”, “Giọt lệ”, “Tiên nữ”... Nhưng tôi mê nhất là viên Sơn chưa đặt tên. Viên đá này có hình trái tim để ngược, màu sắc long lanh, phía trong là một đôi tình nhân đang âu yếm nhau, rất thơ mộng! Viên này đã có người trả trên 30 triệu đồng nhưng Sơn không bán. Còn cả bộ sưu tập thì đã có một “đại gia” ở thành phố Hồ Chí Minh trả tới 500 triệu đồng, Sơn cũng không bán. Được biết, ở Nghĩa Lộ, ngoài Sơn là người có thâm niên trong sưu tầm, mua đá cảnh ra, còn có khoảng 4- 5 “đại gia” ở đây bắt đầu bỏ tiền cho thú chơi này và cũng đã có được bộ sưu tập, nhưng vẫn kém xa của Sơn...

Cần ngăn chặn và có biện pháp kịp thời

 

Người dân ở hai xã Sơn Thịnh và Suối Giàng khai thác đá cảnh trái phép ở thôn Giàng Cao, xã Suối Giàng.

Mặc dù việc khai thác, buôn bán đá cảnh diễn ra lẻ tẻ trong thời gian khá dài nhưng các cấp chính quyền ở Văn Chấn dường như vẫn thờ ơ! Chỉ từ tháng 3 đến nay khi người dân đua nhau đi tìm đá về bán cho thợ đá ở Hà Giang và Hà Nội vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ; bãi đá cảnh ở Suối Lóp đã cạn kiệt, UBND huyện Văn Chấn mới chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện có ý kiến với chính quyền xã Suối Giàng. Ngày 26/6/2007, Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện đã có công văn gửi xã Suối Giàng, yêu cầu chính quyền địa phương ngăn chặn việc khai thác đá cảnh trái phép ở thôn Suối Lóp chứ chưa thấy nói gì đến thôn Giàng Cao. Chính vì thế, người dân ở đây bỏ không khai thác đá cảnh ở Suối Lóp nữa mà lại đổ lên Giàng Cao hòng bán cho các cai đá” từ Yên Bái vào. Tại UBND xã Suối Giàng đã đặt biển cấm khai thác đá cảnh ở đường lên thôn Giàng Cao, nhưng vẫn có hàng trăm người dân lên khu quy hoạch du lịch sinh thái này để đào bới, khai thác trái phép. Không hiểu là chính quyền ở đây “bó tay” trước những “cai đá” hay là ngầm hậu thuẫn cho họ? Hàng trăm tấn đá cảnh vô giá đã bị khai thác, chuyển đi nơi khác tiêu thụ, nhưng những cán bộ chuyên môn ở Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện thì vẫn dửng dưng cho là loại đá này như đá vôi, không hiểu sao vẫn có người mua !? Tài nguyên cạn kiệt, thuế không thu được, môi trường bị huỷ hoại... rồi tương lai của khu du lịch sinh thái Suối Giàng sẽ ra sao khi mà những “đặc sản” có một không hai của vùng Tây Bắc trời ban cho Suối Giàng là: chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi đã bị “bật gốc”, rồi lại đến đá cảnh bị đào bới cạn kiệt..., liệu sau này khách du lịch đến Suối Giàng còn gì để chiêm ngưỡng?   

Đã đến lúc, các cấp chính quyền và ngành chuyên môn ở Văn Chấn phải vào cuộc để xử lý nghiêm việc khai thác, buôn bán đá cảnh trái phép ở Suối Giàng. Và trên hết, cơ quan có trách nhiệm quản lý tài nguyên của tỉnh Yên Bái suy nghĩ gì khi nguồn tài nguyên này không chỉ có ở Suối Giàng mà còn nhiều địa phương khác?

Minh Hằng - Suối Giàng, 10/7/2007

Các tin khác
Nhà của 13 hộ dân chây ỳ ở tổ 36 phường Đồng Tâm.

YBĐT - Vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng vốn đã hết sức phức tạp, phát sinh nhiều vấn đề, kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án, tổ chức thi công, gây tốn kém công sức, tiền bạc và biết bao vấn đề xã hội khác. Công trình đường Km 5 đi Yên Bình là một thí dụ điển hình. Suốt từ năm 2005, dự án được khởi động nhưng đến hôm nay (ngày 16/7/2007) công trình vẫn không thể khởi công bởi rất nhiều lý do, trong đó có việc người dân nhận tiền đền bù rồi nhưng không chịu di dời để bàn giao mặt bằng. Đúng là tiền đã trao nhưng “cháo” chưa “múc” - một diễn biến mới trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng mà tổ dân phố 36, phường Đồng Tâm (TP Yên Bái) là một ví dụ.

Công nhân Công ty cổ phần chè Nghĩa Lộ thu hái chè.
(Ảnh: Minh Hằng)

YBĐT - Thị trường chè vàng những tháng đầu năm biến động, giá chè nguyên liệu tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp chè ở Yên Bái phải đóng cửa. Nhưng sau "cơn lốc" chè vàng, Công ty cổ phần chè Liên Sơn ở thị trấn nông trường Liên Sơn (Văn Chấn) vẫn trụ vững phát triển, trở thành hiện tượng trong giới sản xuất, kinh doanh chè ở Yên Bái.

Các cộng sự của Th.s Do đang thay phiên chăm sóc đàn “lợn rừng” trong vườn Trường Trung học Nông nghiệp - PTNT tỉnh Quảng Trị.

Gần 11 năm trước (năm 1996), Thạc sĩ Trần Văn Do cùng các đồng sự của mình đã âm thầm xây dựng kế hoạch đưa giống lợn miền núi Quảng Trị “hạ sơn”.

YBĐT - Bởi câu Bất đáo Trường Thành phi hảo hán mà tôi bước dài những bước chân háo hức qua ải Nam Quan, rồi ngự trên chiếc xe du lịch bọ ngựa- chiếc xe khách nghều ngào có hai chiếc gương vươn ra phía trước thật giống hai cái râu con bọ ngựa- vượt qua dòng sông Ung trong xanh uốn lượn trong thành phố Nam Ninh xinh đẹp, đi mãi vào Thẩm Quyến, Quảng Châu, Thượng Hải, Bắc Kinh của đất nước Trung Hoa rộng lớn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục