Một thoáng Trung Hoa
- Cập nhật: Thứ hai, 2/7/2007 | 12:00:00 AM
YBĐT - Bởi câu Bất đáo Trường Thành phi hảo hán mà tôi bước dài những bước chân háo hức qua ải Nam Quan, rồi ngự trên chiếc xe du lịch bọ ngựa- chiếc xe khách nghều ngào có hai chiếc gương vươn ra phía trước thật giống hai cái râu con bọ ngựa- vượt qua dòng sông Ung trong xanh uốn lượn trong thành phố Nam Ninh xinh đẹp, đi mãi vào Thẩm Quyến, Quảng Châu, Thượng Hải, Bắc Kinh của đất nước Trung Hoa rộng lớn.
|
Thật sướng! Những con đường cao tốc tít tắp bốn làn xe, sáu làn xe, tám làn xe, mười hai làn xe phẳng lì, chảy nuột như những dòng sông. Khi chảy vào thành phố Thẩm Quyến - Quảng Châu - Thượng Hải - Bắc Kinh, những dòng sông cao tốc ấy chia nhánh bởi cầu vượt bỗng vọt lên, tỏa đi bốn phương tám hướng đẹp lạ lùng kiểu tranh vẽ Rồng siêu thực. Phải thế chăng nên Thượng Hải bên cạnh Đông Phố Đại Kiều 7464 m, Nam Phố Đại Kiều 8345 m, còn có cầu vượt đặt tên Chín Rồng.
Ngồi trên xe bọ ngựa ngó ra, tôi như bị thôi miên, cảm giác đang cưỡi trên chín con Rồng, thoắt ẩn thoắt hiện, bay quanh các tòa cao ốc mờ tỏ trong mây chiều. Trên các dòng sông cao tốc - xe ơi là xe! Tưởng xe không chạy mà chảy nuột đi, nhiều lúc không còn nhìn thấy con đường đâu nữa. Mà lạ, chỉ có xe khách và xe con biển xanh. Không nghe thấy tiếng còi ô tô trong thành phố. Không có cảnh sát giao thông đứng bên đường. Không xe máy, xe đạp chạy trong đường cao tốc. Không có xe tải chạy trong thành phố. Xe biển xanh - tư nhân. Xe biển trắng - công an và quân đội. Xe biển đen - nước ngoài. Xe biển vàng - kinh doanh vận tải. Xe có số 1 - xe điện. Xe số 2 - chạy suốt đêm. Xe số từ 3 đến 6 chạy nội thành. Xe số từ 7 đến 10 chạy ngoại thành. Xe xảy ra sự cố hoặc tai nạn trên đường, nếu cảnh sát giao thông nào giải quyết vì tình cảm riêng tư thì lập tức ngày mai bị sa thải khỏi ngành. Nếu lái xe nào bấm còi xe trong thành phố mà cảnh sát giao thông phát hiện thì lập tức bị bắt giam và thu bằng lái xe. Tôi chỉ gặp loáng thoáng cảnh sát giao thông áo xanh, đi xe máy tuần tiễu trên đường.
Bên đường cao tốc Quảng Châu - Thẩm Quyến, đường phố Bắc Kinh mướt mát cây xanh: cây lát, cây xoài, cây vải, cây si, cây ban, cây quéo, cây bạch dương, cây tùng, cây lan sum suê cành lá, cây Tử Kinh Hoa với tán lá xanh nhạt và chùm hoa vàng tươi màu hoa cải như xỏa nắng thu vàng xuống lòng đường. Cây bên đường hoa trái vô tư, nhưng hễ ai lỡ hái thì lập tức người bảo vệ bỗng từ đâu đó xuất hiện, bắt phạt tiền lập tức. Hóa ra những cây xanh kia đều có camera theo dõi chặt chẽ suốt ngày đêm, chẳng khác gì việc theo dõi tình hình giao thông trên các tuyến đường. Hôm Đoàn công tác của Ban an toàn giao thông- do anh Hoàng Công Hà, Phó giám đôc Sở GTVT Yên Bái làm trưởng đoàn- làm việc với Sở giao thông thành phố Quảng Châu, chỉ xem một trung tâm quản lí giao thông của thành phố, tôi thấy cán bộ giao thông ngồi trước 17 dàn vi tính, phía đối diện là 72 màn hình nhỏ và 4 màn hình to cỡ chiếc bàn. Nhìn lên thấy hết được tình hình giao thông đang diễn ra trên các tuyến đường, để có thể chỉ đạo xử lí các tình huống bất ngờ xảy ra.
Phải nói thật là, đi trên đất Trung Hoa, tôi cứ mê mải ngắm nhìn những dòng xe chảy nuột trên đường cao tốc, rồi lại mê mải ngắm nhìn những tòa nhà trong thành phố.
Nhà cao tầng mọc lên nhua nhủa như măng mùa xuân. Phải ưỡn bụng, ngửa cổ gập sít gáy xuống tận vai mới nhìn được nóc nhà. Nhà tháp. Nhà hộp. Nhà parapôn. Nhà lục giác. Kính vàng. Kính xanh. Kính trắng. Lấp lánh. Lấp lánh. Những ngôi nhà dường như được cất lên bằng muôn màu kính. Nhà 30 tầng. Nhà 50 tầng.
Nhà 70 tầng. Nhà ở Thẩm Quyến có tòa 84 tầng. Nhà ở Phố Đông Thượng Hải còn có tòa 88 tầng và đối diện là tòa 105 tầng, ngay trước Tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu vút lên 486 m, cùng đứng thứ ba thế giới, ngay bên dòng sông Hoàng Phố hiền hòa. Khiếp vía bởi những ngôi nhà chọc trời, ngất ngư trong mây! Hướng dẫn viên du lịch- anh Thắng, anh Nhân, em Thu, anh Thanh- cho biết: Giá nhà chung cư cao nhất ở Thẩm Quyến 3 vạn tệ/m2, Quảng Châu 8,9 vạn tệ/m2, Thượng Hải 9 vạn tệ/m2, Bắc Kinh 3000 đôla/m2, mà một ngàn tệ (tiền Trung Hoa) tương đương hai triệu một trăm ngàn đồng tiền Việt Nam. Đắt khủng khiếp luôn! Mà chẳng đắt sao được vì thành phố Thẩm Quyến trên ba triệu dân, thành phố Quảng Châu trên tám triệu dân, thành phố Thượng Hải trên mười chín triệu dân, thành phố Bắc Kinh trên mười lăm triệu dân, thành phố tráng lệ với bao tiện nghi, vui thú, với bao cơ hội làm ăn thành đạt cho cuộc sống sung sướng, hạnh phúc.
Chưa có dịp thâm nhập cuộc sống của cán bộ, công chức và người dân thành phố, nhưng tôi biết phía trên những tòa cao ốc kia là các văn phòng cho thuê, rồi đến chung cư, dưới nữa là những siêu thị- thiên đường mua sắm. Các hướng dẫn viên du lịch bao giờ cũng dành nhiều thời gian đưa du khách tới những trung tâm mua sắm vô cùng hấp dẫn.
Hàng trăm nhà hàng cao rộng như một khu phố lớn. Hàng ngàn hàng ngàn gian hàng từ tầng hầm, tầng trệt, đến tầng một, tầng hai, tầng ba, tầng tư, tầng năm, tầng sáu... cứ theo thang máy mà lên. Cơ man nào là máy vi tính, ti vi, điện thoại di động, giày dép, son phấn, lụa là, bánh kẹo, khăn mũ, thuốc men, đồ lưu niệm bằng ngọc trai, đá quí, nhiều nhất là váy áo phụ nữ và quần áo trẻ em. Mê nhất trung tâm mua sắm ở Nam Kinh - Thượng Hải, một trung tâm mua sắm thật hiện đại, dài - rộng, vừa đẹp vừa sầm uất, dập dìu khách trong nước, khách ngoại quốc, cứ miên man ngắm nghía và mua sắm. Chỉ có điều đáng ái ngại là, giá cả hàng hóa tít tịt đỉnh trời, không biết đâu mà lần. Đến nỗi hướng dẫn viên phải dặn du khách của mình rằng: Nếu nó ghi giá 100 tệ thì chỉ trả 10 tệ, nếu 500 tệ thì trả 100 tệ, nếu 700 tệ thì trả 250 tệ thôi. ấy thế mà, giỏi mặc cả như người Việt Nam ta vẫn bị "mắc câu" đến rách mép... túi! Chuyện mua sắm cười ra nước mắt và đáng nhớ nhất là chuyện các bạn tôi mua thuốc ở Nam Ninh. ồi, thuốc gia truyền mấy đời của dân tộc Choang tốt lắm, quí giá lắm! Người ta giới thiệu thật ngọt ngào, chân thật về nguồn gốc các loại thuốc: thuốc bỏng, thuốc gan, thuốc thận, thuốc bó gãy xương, thuốc thần kinh, thuốc đau đầu, thuốc đau xương... giá trị sử dụng như thần dược.
Tai nghe, lại mắt thấy. Người ta bẻ chân con gà cho gẫy gập, không đứng được, rồi bó thuốc. Sau mấy chục phút, con gà được thả xuống đất, nó liền vục dậy, bước đi bìmh thường. Một cô gái nắm bàn tay vào cục thép nung đỏ, bàn tay phồng rộp. Người ta bôi thuốc vào bàn tay phồng rộp của cô gái. Một lúc lâu, cô gái xòe bàn tay cho mọi người xem thì thấy bàn tay khỏi phồng rộp, chỉ còn lại vết đỏ mờ. Người luyện khí công, phát công lực vào chỗ đau theo yêu cầu của du khách. Du khách thấy nóng ran, chỗ đau giảm hẳn đau, rồi người ta bắt mạch, kể bệnh, sau đó ấn vào tay du khách một lô thuốc và nói rằng: "Con người quí hơn tiền bạc. Hãy uống hết chỗ thuốc này, sẽ khỏi bệnh!". Như thế, chỉ chừng gần tiếng đồng hồ mà các bạn tôi đã móc hầu bao ra hơn năm mươi triệu đồng mua thuốc Choang gia truyền. Khéo léo như một cái bẫy, người ta "choang" một cách thật gia truyền, khiến mọi người toác ví như bỡn! Chợt nhớ một lần đi Côn Minh - Vân Nam, vào Nhà văn hóa Tây Tạng, chuyện quảng bá thuốc và bán thuốc cũng diễn ra tương tự, cũng khôn khéo như một cái bẫy, tôi lắc đầu ái ngại: Thuốc thì còn đó, người sau thế nào?... Nhưng cũng có chuyện mua sắm rất vui. Đó là một chiều, tôi cùng các bạn ngang qua thành phố Olimpich Bắc Kinh 2008, đến Nhà hàng Cửu Cửu Phúc sâu dưới lòng đất mười mét, để ăn chiều. Chủ nhà hàng vàng bạc, đá quí và ăn uống là anh Trương Văn Hùng. Anh có dáng thể thao, mặc áo phông đỏ, vẻ mặt rạng rỡ, chuyện rất vui khi biết thực khách đều là người Việt Nam, bởi anh mang dòng máu cha- người Trung Hoa, mẹ- người Việt Nam. Sau một hồi chuyện trò vui vẻ, anh Hùng tặng bạn bè và tôi, mỗi người một vòng đá cẩm thạch nhỏ làm kỉ niệm. Chẳng vì quảng bá cho Olimpich Bắc Kinh 2008, mà anh Hùng đích thực là một nhà doanh nghiệp phóng túng, chỉ chút tâm tình đã làm say lòng khách hàng, dám chắc dù đó là người Châu á, Châu Âu hay Châu Mỹ. Chẳng thế mà các bạn tôi mua được khối đồ lưu niệm tại đây, bởi anh Hùng vì tình quê mà mềm tay xuống giá, bán như tặng vậy. Tôi thầm mến anh, nghĩ rằng ai đã đến Cửu Cửu Phúc gặp anh Hùng một lần thì không thể không đến lần nữa.
Cứ thế, những ngày trên đất Trung Hoa, các bạn tôi như bị thôi miên sẵn, mua sắm tĩ tã, đến nỗi, lúc vào đất Trung Hoa mười chín người chỉ có năm chiếc túi kéo, sau ba ngày lên mười bảy chiếc, chiếc nào cũng to kềnh bụng cóc. Chỉ còn hai người thuộc "Công ty nghe - ngó - ngửi" không mua túi kéo là tôi và anh bạn già chừng đã từng nếm đủ đòn Trung Hoa từ mấy năm trước rồi. Thật ra, chuyện mua sắm tôi không quan tâm, ý nguyện chỉ muốn đến được những nơi mình từng khao khát. Thì cầu được, ước thấy. Đây sông Ung thuộc Ung Châu xưa, từ thế kỉ thứ XI, ông Lý Thường Kiệt đã từng bước chân qua.
Đây thành phố Quảng Châu với 2000 năm lịch sử, nơi người đời vẫn truyền rằng: Người Quảng Châu ăn tất mọi thứ, chỉ còn cái bát và đôi đũa là không ăn thôi! Bởi người Quảng Châu từng phải vật lộn, đấu tranh vô cùng gian khổ và không mệt mỏi để có một Quảng Châu thanh bình, rực rỡ như ngày nay. ở Quảng Châu, tôi cùng bạn bè dành thời gian đến thắp hương mộ lịêt sĩ Phạm Hồng Thái. Chợt hừng nắng, chim hót rúi ran. Mừng lắm, bởi thấy liệt sĩ Phạm Hồng Thái cùng đồng đội nằm yên lành bên cây cỏ xanh tươi, trong công viên nghĩa trang rộng lớn và đẹp đẽ. Nghiêng mình trước anh linh người anh hùng nước Việt, lòng thấy thanh thản, càng thêm yêu non nước Quảng Châu. Chẳng thế mà chỉ một đêm Quảng Châu thôi, tôi cùng các bạn không thể nào từ chối cuộc du thuyền trên sông Châu Giang, dù đang thấm mệt.
Tôi ngồi một mình trên mũi du thuyền, đăm đắm nhìn ra không gian bao la, hai bên bờ sông san sát tòa cao ốc làm thành những cột ánh sáng khổng lồ tỏa xuống dòng sông lấp lánh. Chỉ gọn trong lòng thành phố mà có tới bốn cây cầu với kiến trúc khác nhau, đẹp như Rồng lửa nhẹ bay qua sông, bay qua đầu các du khách ham chơi. Mê hồn tưởng như du thuyền đang trôi mãi vào trong huyền thoại.
Đây thành phố Thẩm Quyến toàn nhà chọc trời - thành phố Mùa Xuân. Vì thành phố đương tuổi hai mươi, hoàn toàn mới mẻ, rất hiện đại, đang thuộc về tuổi trẻ Trung Hoa. Nơi dập dìu những trai tài gái sắc, sống hiện đại, người già không chịu nổi nên vắng bóng người già. Nơi tụ hội làm ăn của người tứ xứ, của các công ty liên doanh nước ngoài, của các doanh nhân tài giỏi, các ông chủ giàu nức tiếng. Nơi các nhà giàu bên Hồng Kông dịp cuối tuần sang "đốt" tiền trong các canh bạc, các cuộc rong chơi và nhậu nhẹt, rồi xông xênh bo bồ nhí. Nhưng Thẩm Quyến cũng là thành phố "chết" trong Mùa Xuân. Vì cứ đến Mùa Xuân, người tứ xứ lại trở về tứ xứ để ăn Tết với gia đình, thành phố trở nên lạnh lẽo bởi vắng bóng người. Thẩm Quyến là thành phố mà vinh quang thuộc về ông Đặng Tiểu Bình và ông sống mãi trong lòng tuổi trẻ Trung Hoa.
Đến Thẩm Quyến dù một ngày nhưng du khách không thể không vào WINDOW OF THE WORLĐ- Cửa sổ của thế giới. Trong công viên rộng tới 128 ha này, Thẩm Quyến đã gom tất năm châu bốn biển: Tòa Bạch ốc với Tượng thần Tự do của Mỹ. Núi Puji Nhật Bản. Tháp Epphen Pháp. Tu viện Saint - Gall Thụy Sĩ. ăngco Vát Campuchia. Điện Kremlin Nga. Nhà thờ lớn Sainte-Marie Đức. Taj Mahan- viên ngọc châu của đền đài ấn Độ. Chùa Vàng ở Myanmar Miến Điện. Olimpia Hy Lạp, vân vân. Tất cả các công trình tiêu biểu có thể xem như biểu tượng các quốc gia trên thế giới được thu nhỏ với tỷ lệ 1/15, chỉ trong tầm "cửa sổ" Trung Hoa mà thôi! Tôi cùng các bạn đi vào Cửa sổ của thế giới bằng ô tô điện, mơ màng một chút, tôi có cảm giác như đang bay qua từng đất nước kì vĩ của các dân tộc trên thế giới. Rời Cửa sổ của thế giới, tôi cùng các bạn bay về Thượng Hải, rồi ngồi xe bọ ngựa chui dưới lòng sông Hoàng Phố- từ Phố Tây sang Phố Đông có tới sáu hầm chui, một hầm chui nữa đang thi công để du khách có thể ngắm dòng sông Hoàng Phố từ đáy lên- để trèo lên Tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu 486 m, tha hồ ngắm toàn cảnh thành phố Thượng Hải lung linh như tranh vẽ, tha hồ ngắm dòng sông Hoàng Phố hiền hòa uốn lượn quanh những tòa cao ốc vút trời mây.
Đứng trên Tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu, tôi nhìn ra mênh mông đất trời Thượng Hải, biết rằng, đất nước Trung Hoa xây dựng công trình nào cũng hoành tráng, hiện đại, trên cơ sở khoa học, rất chuyên nghiệp, có tầm chiến lược xa, nghiêm cẩn luật pháp. Chiều xuống, chào những cây ngô đồng rễ mọc lang thang khắp Thượng Hải, tôi cùng các bạn nằm tầu hỏa êm ru, băng qua một đêm dài, về thăm Bắc Kinh.
Rộng lớn, xanh - sạch - đẹp, tất nhiên, nhưng tôi thật sự ngạc nhiên thấy Bắc Kinh hầu như không có các tòa cao ốc. Chung cư, công sở, siêu thị cũng chỉ năm tầng, mười lăm tầng, ba mươi tầng thôi và đời sống thường nhật có vẻ thong dong, bình thản, chứ không hối hả như ở Quảng Châu, Thẩm Quyến, Thượng Hải. Ngay buổi sớm đến Bắc Kinh, tôi cùng các bạn đã hòa vào dòng người nườm nượp. Ngập ngừng những bước chân trên Quảng trường Thiên An Môn rộng lớn, bước nhẹ dưới hàng cây vảy rồng trong Tử Cấm Thành như sợ làm thức dậy cả một thời hoàng kim của hai triều đại Minh - Thanh. Qua sách vở và bây giờ bằng trực giác, tôi thực sự kinh ngạc trước lối kiến trúc hài hòa, uy nghi, tinh xảo và hào hoa của Tử Cấm Thành.
Sách Thanh cung sử tục biên viết rõ: "Các cung điện trong nội cung đều tượng trưng cho sự phối hợp giữa trời đất, nhật nguyệt, tinh rồng như cung Càn Thanh và Khôn Ninh tượng trưng cho trời và đất ở giữa có điện Giao Thái tượng trưng cho trời đất Giao Thái". Tử Cấm Thành do hai thợ mộc nổi tiếng đời Minh là Khoái Tường và Sái Tín thiết kế và được bắt đầu xây dựng từ thời Minh Vĩnh Lạc thứ 4(1406), trên một diện tích khoảng 720.000 m2, hoàn thành vào năm 1424. Tử Cấm Thành có tường bao bọc xung quanh cao 10 m, ven ngoài tường có hào rộng 52 m, bốn góc thành có bốn tháp canh, bốn mặt thành có bốn cửa ra vào đối diện nhau: Ngọ môn, Thần vũ môn, Đông hoa môn, Tây hoa môn. Các kiến trúc trong Tử Cấm Thành chiểu theo chất sử dụng được phân thành hai khu vực: ngoại triều và nội đình. Đây là cung điện của 24 đời Vua thuộc hai triều đại Minh - Thanh, từ Minh Vĩnh Lạc 19(1421) đến đời Thanh mạt(1911). Uy nghi từ đời nảo đời nào mà bây giờ vẫn khiến tôi bước những bước ái ngại, ngập ngừng qua Đoan môn, Ngọ môn, điện Thái Hòa, điện Trung Hòa, điện Bảo Hòa, cung Càn Thanh, cung Khôn Ninh. Sau đấy mới được thong thả dạo quanh Di Hòa Viên và tư gia của Hòa đại nhân.
Người đâu mà đông thế, cứ chen nhau chui vào trong động đá dưới chân giả sơn nhà Hòa đại nhân chỉ để vuốt cho được hai bàn tay lên chữ PHúC tám lần!? Thật ấn tượng, nhưng không thể sánh với một buổi sáng lạ lùng, khi tôi bồi hồi đặt chân lên cửa ải Cư Dung trên Bát Đạt Lĩnh! Cư Dung - Bát Đạt Lĩnh buổi sớm mờ hơi sương. Bầu trời xanh trong, những đám mây trắng viền hồng phởn lên trong nắng mai. Đài thành Cư Dung sừng sững, từ đấy hai nhánh trường thành như hai con rồng đá khổng lồ bay vọt lên hai ngọn núi.
Cùng ngàn du khách, tôi lặng lẽ theo các bạn, đặt chậm từng bước chân trên từng bậc đá Trường Thành. ôi giời, những 6700 km, chưa kể nhiều đoạn thành phụ, Vạn Lí Trường Thành đã mọc lên qua bao triều đại: Từ thời Chiến Quốc (420 - 221 Tr.CN) với các nước Yên - Triệu - Tần, rồi triều Tây Hán - Bắc Ngụy - Bắc Tề - Bắc Chu - Đại Hán, cho đến các triều Tùy - Đường - Tống - Nguyên - Minh. Ôi, Trường Thành ngàn năm thấm đẫm máu dân phu! Trường Thành mọc lên từ sự tàn bạo và ý chí bảo vệ đất nước của bao đời vua chúa! Ôi Trường Thành vĩ đại, cùng với các tác phẩm tuyệt vời như: Chu Dịch, Binh pháp Tôn Tử, Hoàng Đế Nội Kinh, Đông Chu Liệt Quốc, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử, Đường Thi, Sử kí Tư Mã Thiên, Tây Du Kí, Hồng Lâu Mộng... đã làm nên một đất nước Trung Hoa xưa kì bí và vĩ đại! Lạy Giời, lạy Phật, lạy các anh hùng hảo hán đã chết cho Trường Thành sống mãi, tôi vái xin một mảnh vỡ thạch sơn Cư Dung - Bát Đạt Lĩnh chỉ để lưu lại cái giây phút thiêng liêng mà hồn tôi phiêu dạt nơi này. Tôi nâng mảnh vỡ thạch sơn trên tay, rồi bước mãi lên những bậc đá Trường Thành cao lưng chừng núi, dõi ánh mắt về xa vời, đất trời Bát Đạt Lĩnh hẩy gió mơn man.
Tôi ngửa mặt lên trời xanh, những giọt sao đã biến mất trong ánh mặt trời rực rỡ, còn tôi, dường như cũng biến mất trước muôn vạn các anh hùng hảo hán- những người đã dựng lên chiến lũy Trường Thành.
Các tin khác
YBĐT - Gọn gàng với túi đồ nghề, chúng tôi theo đoàn công tác của Tỉnh uỷ Yên Bái do Bí thư Tỉnh uỷ Phùng Quốc Hiển dẫn đầu lên xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu. Gần 10 giờ trưa, giữa đất trời mùa hè mà mây mù vẫn còn giăng kín trên những mỏm núi đá, những ngôi nhà của đồng bào Mông và trên cả con đường gỗ ghề quanh co, cứ mờ mờ ảo ảo khiến cho ai cũng ngỡ như đang lên trời.
YBĐT - Đêm mưa rào, ngày nắng gắt, vẫn biết mưa thế này đi Suối Mạ sẽ rất khó khăn nhưng tôi vẫn quyết tâm đi, không phải tôi thích môn thể thao leo núi mà mục đích của chuyến đi này là đến thăm cuộc sống và công việc của những bạn đồng nghiệp ở trạm phát lại sóng phát thanh truyền hình Suối Mạ những con người được xem như những Robinson thời hiện đại.
Vùng cao heo hút, người dân đói phim đến vàng cả mắt. Với họ, hình ảnh những người cõng phim lên ngàn có cái gần gũi, thân thiết của người nhà, còn những bộ phim thì quả là thứ hàng xa xỉ. Tôi đã lên núi già tháng trời, cách ly với “xa lộ thông tin” để nếm trải cái cảm giác khát ấy như thế nào.
Hơn 2 tháng qua, khu vực sân bay cũ tại phường 9, thị xã Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) trở thành “miền đất hứa” của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người dân từ khắp nơi đổ về kiếm sống. Suốt ngày đêm, họ (có cả trẻ em và người già) dùng cuốc, xẻng, xà beng đào bới từng tấc đất để tìm phế liệu - là những vỏ đạn, viên đạn các loại còn nguyên, những trái bom, cánh máy bay cũ… Vì miếng cơm manh áo, họ đang “giỡn mặt” với tử thần!