Vô cảm với nghèo hay trông chờ ỉ lại?
- Cập nhật: Thứ tư, 25/7/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Một túp lều lụp xụp, rách rưới, chật chội nằm dưới chân đồi trong thôn 14 là nơi tá túc hàng ngày của 6 người trong gia đình anh Bàn Văn Điền, dân tộc Dao ở xã Động Quan, huyện Lục Yên. Chiếc quạt điện cũ kỹ và chiếc đài được nhà nước cấp theo chương trình hỗ trợ phương tiện nghe nhìn cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn là món đồ đáng tiền nhất trong lều.
|
Đã chiều tối mà mấy mẹ con anh Điền vẫn ngồi uống rượu suông. Bữa cơm chiều của gia đình anh không có gì ngoài một nồi cơm nhỏ. Ba đứa con anh Điền nhếch nhác, ngơ ngác tranh nhau quả dưa chuột già mà mẹ chúng vừa hái từ nương về. "Nghèo lắm, thiếu ăn liên tục mà không biết làm gì cả". Đó là câu nói mà anh Điền lặp đi lặp lại nhiều lần khi nói về cuộc sống của gia đình mình.
Nhưng anh Điền không phải là cá biệt, mà trong thôn này có rất nhiều hộ nghèo, thậm chí có nhà còn nghèo hơn anh Điền vì thôn 14 có 68 hộ thì có tới 64 hộ nghèo. Chị Lý Thị Sơn mới 44 tuổi mà đã có tới mấy đứa cháu nội, ngoại. Nhà chưa bao giờ đủ ăn nhưng chị cũng không tỏ vẻ làm phiền muộn. Vào giờ đáng nhẽ phải đi làm thì chị đủng đỉnh địu cháu đi chơi hàng xóm. Cũng không phải một mình chị Sơn "nhàn rỗi" mà trong thôn rất nhiều phụ nữ cứ bế con rong ruổi đi chơi trong khi còn chưa biết chiều nay ăn bằng cái gì. Chị Sơn tâm sự: Nhà mình thiếu ăn một năm 6-7 tháng. Không có đất để làm nên cứ nghèo mãi thôi.
Tới thôn 15 và thôn này có 55 hộ thì chỉ có 2 hộ là được coi là không nghèo vì tạm đủ ăn. Lý do nghèo mà nhiều người đưa ra thôi thì đủ cả, nào là không có ruộng, không có đất trồng rừng, không có việc làm… Cuộc sống của trên 120 hộ dân với 673 khẩu ở thôn 14, 15 xã Động Quan chủ yếu do những người đàn ông hàng ngày đi đánh bắt cá, tôm trên hồ Thác Bà, nhưng một ngày lênh đênh trên hồ, cũng chỉ được mớ tôm, cá nho nhỏ và đem bán cho người mua gom. Một số thanh niên trẻ, khỏe thì đi làm thuê bất cứ một công việc gì để có thể kiếm được dăm, mười nghìn một ngày về mua gạo.
Trời đã nhập nhoạng tối mà chị Lý Thị Phất vẫn bế con ra đường làng ngóng chồng. Bữa chiều của gia đình chị phụ thuộc vào người chồng đi ra hồ chưa về. Hỏi chuyện về cuộc sống của gia đình, chị Phất cho biết: Gia đình chị được nhà nước cho vay 5 triệu đồng lãi xuất thấp để phát triển kinh tế và chị đã dùng rồi. Tôi hỏi chị dùng vào việc gì ? thì chị trả lời rất thật: Mua gạo, mua rượu, mua thuốc chữa bệnh cho con hết rồi. Tôi lại hỏi: Thế đến hạn ngân hàng họ đến thu nợ thì làm thế nào ? Chị Phất không ngần ngại trả lời: Không biết !
Trong thôn 14, gia đình anh Nguyễn Văn Điền được xếp vào loại khá giả nhưng tài sản trong nhà cũng chẳng có gì đáng kể. Ngôi nhà sàn mà anh đang ở là do ông cha anh để lại. Là hộ có kinh tế khá nhất thôn nhưng tài sản đáng giá nhất của gia đình trưởng thôn cũng chỉ là một bộ đầu Video mà một chiếc chảo thu sóng ti vi Trung Quốc có giá khoảng 2 triệu đồng.
Qua câu chuyện của anh Điền thì hiện vẫn có rất nhiều nhà đói giáp hạt, nhiều nhà đứt bữa. Cái nghèo cứ luẩn quẩn với người Dao trắng Động Quan đời này sang đời khác. Họ đói nghèo nhưng thích uống rượu và thích chơi, không chịu lao động, tìm kiếm việc làm...
Trong buổi làm việc với lãnh đạo xã Động Quan, được biết trong những năm qua, xã đã có sự quan tâm đến hai thôn đặc biệt khó khăn này. Cụ thể là 2 thôn đã được đầu tư xây trường học, trạm điện 35 KV để đưa điện lưới quốc gia về phục vụ đời sống sinh hoạt cho nhân dân. Hỗ trợ phần lớn số bò từ chương trình hỗ trợ bò cho hộ nghèo của tỉnh cho 2 thôn này nhưng khi trò chuyện với những người dân trong thôn 14 và 15 thì họ lại nói họ không được giúp đỡ gì cả.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế tại cơ sở chúng tôi thấy rằng trong những năm qua, huyện Lục Yên cũng như xã Động Quan đã có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng như xây dựng trường học, trạm biến áp 35 KV để đưa điện lưới quốc gia về phục vụ cho đời sống sinh hoạt của đồng bào hai thôn này.
Xã cũng đã quy hoạch thôn 14 và 15 thành vùng trồng chè bằng giống nhập nội nhưng do nhiều nguyên nhân mà đến nay, diện tích chè trồng mới không những không phát triển mà đang chết dần. Khách quan mà nói thì nguyên nhân dẫn đến cái nghèo cố hữu ở thôn 14 và 15 xã Động Quan là do nhận thức của đồng bào Dao còn hạn chế. Nhiều người còn rất trẻ, có sức khỏe nhưng lại không biết làm gì (nếu như không muốn nói là họ không muốn làm) để đưa gia đình mình thoát khỏi cảnh nghèo túng.
Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước còn quá lớn. Họ bằng lòng với cuộc sống hiện tại mà không cần biết đến tương lai của chính mình cũng như con cái của họ.
Mặt khác thì cấp ủy chính quyền địa phương cũng chưa tìm được một giải pháp hữu hiệu nào để giúp đỡ những người dân hai thôn này. Ví dụ khi xã chọn hai thôn này để quy hoạch thành vùng trồng chè thì đất đai lại không phù hợp với cây chè.
Người Dao nơi đây lại chưa quen với việc trồng và thâm canh cây chè vì cây chè là cây công nghiệp dài ngày, sau khi trồng phải vài ba năm sau mới cho thu hoạch mà người dân nơi đây lại cần cái ăn hàng ngày.
Rồi người Dao Động Quan lại có thói quen thả rông gia súc nên không thể giữ được những cây đã trồng. Cái người dân cần là sự giúp đỡ cụ thể của cấp ủy chính quyền các cấp để họ biết cách làm nghề gì, nuôi con gì, trồng cây gì cho phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, phù hợp với trình độ canh tác của đồng bào thì chưa được đáp ứng…
Mong rằng, những vấn đề tồn tại nêu trên sớm được khắc phục để người dân thôn 14, 15 của xã Động Quan thoát được cuộc sống nghèo đói giữa một vùng đất còn nhiều tiềm năng kinh tế.
Bạch Liên - Kim Thoa
Các tin khác
YBĐT - Đã lâu lắm, tôi mới có dịp trở lại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn. Kể từ khi quốc lộ 32 được nâng cấp chạy qua trung tâm xã, vùng có thứ nếp thơm nức tiếng đã thực sự khởi sắc. Ruộng đồng xanh hơn. Hai bên con đường nhựa láng bóng, những ngôi nhà mới xây, hàng quán mọc lên san sát. Nhưng trong bóng dáng thị tứ vùng cao này đang ấn chứa cả niềm vui lẫn nỗi lo…
YBĐT - Từ tháng 3/2007 đến nay, người dân ở thôn 3 xã Sơn Thịnh và thôn Suối Lóp, Giàng Cao, xã Suối Giàng (Văn Chấn) đang xôn xao vì đá cảnh. Họ đua nhau lên hai thôn Suối Lóp và Giàng Cao để tìm kiếm, đào bới, khai thác trái phép hàng trăm tấn đá cảnh mang về bán cho các “đại gia” ở thị xã Nghĩa Lộvà một số thợ đá ở thành phố Yên Bái, Hà Giang và cả Hà Nội, khiến cho nguồn tài nguyên ở vùng cao Suối Giàng ngày càng cạn kiệt. Nhưng lạ thay, các cấp chính quyền ở đây vẫn làm thinh trước sự “chảy máu” của đá cảnh.
YBĐT - Vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng vốn đã hết sức phức tạp, phát sinh nhiều vấn đề, kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án, tổ chức thi công, gây tốn kém công sức, tiền bạc và biết bao vấn đề xã hội khác. Công trình đường Km 5 đi Yên Bình là một thí dụ điển hình. Suốt từ năm 2005, dự án được khởi động nhưng đến hôm nay (ngày 16/7/2007) công trình vẫn không thể khởi công bởi rất nhiều lý do, trong đó có việc người dân nhận tiền đền bù rồi nhưng không chịu di dời để bàn giao mặt bằng. Đúng là tiền đã trao nhưng “cháo” chưa “múc” - một diễn biến mới trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng mà tổ dân phố 36, phường Đồng Tâm (TP Yên Bái) là một ví dụ.
YBĐT - Thị trường chè vàng những tháng đầu năm biến động, giá chè nguyên liệu tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp chè ở Yên Bái phải đóng cửa. Nhưng sau "cơn lốc" chè vàng, Công ty cổ phần chè Liên Sơn ở thị trấn nông trường Liên Sơn (Văn Chấn) vẫn trụ vững phát triển, trở thành hiện tượng trong giới sản xuất, kinh doanh chè ở Yên Bái.