"Khi mỗi ngày ta biết sống vì nhau"

  • Cập nhật: Thứ sáu, 31/12/2010 | 2:24:12 PM

YBĐT - Đôi chân đã trở nên vô dụng, phải vất vả cử động đôi tay điều khiển chiếc xe lăn để di chuyển quanh nhà, Bùi Thị Kiều Dung - giáo viên cũ của Trường THCS Đồng Khê chưa thực sự hồi phục sau cơn đột biến của căn bệnh quái ác - viêm màng não tuỷ mà Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã kết luận...

Vợ chồng Dung - Tiến thường xuyên liên lạc với nhau qua Internet.
Vợ chồng Dung - Tiến thường xuyên liên lạc với nhau qua Internet.

"Từ một nữ thanh niên khỏe mạnh, nhưng chỉ sau đợt tai biến bất ngờ, đôi chân nay đã tàn phế, khiến những dự định phía trước khép lại. Bây giờ tôi là gánh nặng cả gia đình." - Kiều Dung rơm rớm nước mắt nói. Bà Cao Thị Na - mẹ của Kiều Dung, năm nay đã 59 tuổi, dáng người gầy còm nhưng vẫn là chỗ dựa cho cô con gái. Bà Na kể: "Vợ chồng tôi đều là giáo viên, sinh được bốn người con. Gia đình nhà giáo tuy nghèo nhưng cũng vẫn cố gắng khắc phục để các con được nên người. Sinh năm 1977, Kiều Dung là chị cả, từ nhỏ, Dung khỏe mạnh, siêng năng, học tập chăm chỉ nên gia đình cố gắng vượt qua những khó khăn để lo cho Dung ăn học đến nơi, đến chốn".

Tốt nghiệp trung học phổ thông, Kiều Dung theo học Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái. Mấy năm Dung học cao đẳng là từng ấy năm vợ chồng bà Na làm việc quên giờ giấc. Bù lại, Dung học rất chăm ngoan khiến bạn bè, thầy cô đều khâm phục, quý mến. Năm 1998, Kiều Dung tốt nghiệp ra trường và xin vào ngành giáo dục, cô được phân công công tác tại Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Văn Chấn.

Trong 3 năm công tác tại đây, cô giáo trẻ Kiều Dung và thầy giáo trẻ Hoàng Xuân Tiến đã quen biết, yêu thương nhau rồi nên duyên vợ chồng. Thời điểm đó, do yêu cầu công tác, hai vợ chồng cô giáo Kiều Dung phải chuyển công tác đến hai cơ quan khác nhau, Kiều Dung về giảng dạy tại Trường THCS Đồng Khê, còn Tiến thì giảng dạy tại Trường THCS Suối Bu (huyện Văn Chấn). Tuy mỗi người một nơi, điều kiện đi lại khó khăn và cũng không nhiều thời gian rảnh rỗi dành cho nhau nhưng hai vợ chồng Dung - Tiến nhất mực yêu thương, vun vén cho gia đình ngày thêm hạnh phúc.

Hạnh phúc đó như được nhân lên khi có sự xuất hiện của đứa con đầu lòng Hoàng Đức Minh. Đức Minh - cái tên đầy ý nghĩa mà vợ chồng cô muốn sau này lớn lên, nó sẽ vừa có tài, vừa có đức, xứng đáng với nền móng xây dựng của cả gia đình gia giáo. Nhưng rồi, niềm vui chưa được trọn vẹn thì bệnh tật ập đến - Kiều Dung bắt đầu có dấu hiệu mắc bệnh. Đầu tiên chỉ là những cơn đau thoảng qua nơi vùng lưng, vai, gáy, sau đó là những triệu chứng đau co thắt bất thường quanh vùng cổ. Vợ chồng cô đưa nhau đi khám tại Bệnh viên Đông y và bắt đầu điều trị bằng phương pháp châm cứu.

Nhớ lại quãng thời gian đó, anh Tiến ngậm ngùi: "Thời gian đầu Dung mắc bệnh, tôi và gia đình cũng chỉ nghĩ đơn giản là do làm việc nhiều gây mệt mỏi, đau nhức. Sau đi khám và điều trị châm cứu vẫn không thấy thuyên giảm, chúng tôi bắt đầu lo lắng. Chúng tôi đưa nhau về Hà Nội khám và tại đây, các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã chẩn đoán Dung bị mắc căn bệnh hiếm gặp: viêm màng não tuỷ - căn bệnh hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Sau một thời gian vừa cố gắng công tác vừa chạy chữa, bệnh của Dung vẫn có chiều hướng ngày một nặng thêm, tháng 8/2009, gia đình đành quyết định xin cho Dung nghỉ công tác để điều trị bệnh, từ đó đến nay đã hơn 1 năm rồi".

Căn bệnh phát triển nhanh chóng khiến Kiều Dung xanh xao, gầy yếu và liệt hoàn toàn đôi chân. Kiều Dung đã xin nghỉ việc theo chế độ Nghị định  132/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, ở với bố mẹ đẻ tại phường Yên Thịnh - thành phố Yên Bái. Tiến vẫn công tác tại Trường THCS Suối Bu xa xôi. Cứ vào cuối tuần, sau mọi công việc, Tiến lại lái xe máy vượt gần 80 cây số về thăm người vợ bệnh tật cùng người mẹ đẻ đã 80 tuổi đang phải sống một mình. Tiến tâm sự: "Cuộc sống vất vả quá nên nhiều lúc nghĩ thấy tủi thân. Nếu có thể chữa khỏi bệnh cho Dung thì dù có phải đánh đổi bằng bất cứ giá nào tôi cũng sẵn sàng!"...

Cách xa nhau về vị trí địa lý nhưng lòng họ vẫn luôn hướng về nhau, dành cho nhau sự quan tâm dù chỉ là nhỏ nhất về mặt tinh thần. Ngoài giờ lên lớp, Tiến lại tranh thủ liên lạc với vợ qua Internet, họ viết cho nhau những lời động viên, an ủi, chia sẻ những tâm tư, tình cảm của mình. Thỉnh thoảng, Kiều Dung còn tìm trên Internet để tìm những bài viết hay, có ý nghĩa gửi cho Tiến, động viên anh trong những ngày xa nhà, làm việc vất vả...

Tôi ấn tượng mãi khi một lần tình cờ ghé thăm blog của Kiều Dung và đọc được bài viết "Khi mỗi ngày ta biết sống vì nhau" mà cô sưu tầm tặng chồng: "Khi mỗi ngày ta biết sống vì nhau/Đời lại đẹp theo dòng thơ em viết/Cuộc đời chẳng lẻ loi đơn chiếc/Khi mỗi ngày ta biết sống vì nhau!". Những câu thơ đó thực sự rất ý nghĩa trong cuộc sống này, càng ý nghĩa hơn nữa trong hoàn cảnh của Kiều Dung - Xuân Tiến khi mỗi người một nơi, một người bị bệnh đến tàn phế phải nghỉ dạy, còn một người đã và đang cống hiến cả tuổi trẻ, trí lực cho sự nghiệp giáo dục vùng cao.

Khi còn công tác, Kiều Dung được đánh giá rất cao cả về tư cách đạo đức và chuyên môn. Thầy giáo Sa Công Hòa - Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Khê cho biết: "Kiều Dung là người hiền lành, tốt tính, được đồng nghiệp nể trọng, phụ huynh và học sinh yêu mến. Năng lực chuyên môn rất vững. Vậy mà có ai ngờ, số phận lại nghiệt ngã với Dung đến vậy". Nhắc lại thời gian còn mạnh khỏe, được đứng lớp, Kiều Dung như bật khóc: "Dạy học là niềm mơ ước của tôi từ nhỏ và tôi đã nỗ lực phấn đấu để thực hiện được mơ ước đó. Tôi yêu nghề giáo, mỗi giờ lên lớp là một kỷ niệm khó phai mờ trong tôi. Những gương mặt học trò, những bài giảng, những dãy bàn ghế, những phòng học... đã quá đỗi thân quen, gắn liền với cuộc sống của tôi. Giờ đây, thực không thể tin được tôi lại rơi vào hoàn cảnh như thế này. Chỉ thương chồng, anh ấy cứ phải lăn lộn với công việc rồi lại phải tất tưởi, vội vã chạy xe về nhà mỗi dịp cuối tuần. Đường xá xa xôi, tôi rất lo cho anh ấy"...

Hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh của vợ chồng cô giáo Bùi Thị Kiều Dung và thầy giáo Hoàng Xuân Tiến khiến chúng tôi bùi ngùi xót xa. Mong ước của họ chỉ đơn giản là làm sao cho Tiến được chuyển về công tác tại một trường học gần thành phố Yên Bái hơn để thuận tiện việc đi lại, chú tâm gánh vác, hỗ trợ công việc gia đình và bù đắp tình cảm cho vợ con, bố mẹ già yếu - âu đó cũng là nguyện vọng chính đáng rất cần sự quan tâm giúp đỡ, chia sẻ của các cơ quan chức năng tỉnh nhà.

Thiên Cầm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục