Sự chuyển mình “mang tầm thế kỷ”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/1/2011 | 2:06:49 PM

YBĐT - Kết thúc vụ xuân 2010, Xà Hồ đã có 510 tấn thóc, năng suất 44 tạ/ha, góp phần tăng sản lượng thóc hai vụ lên trên 1.200 tấn, bình quân 500 hộ mỗi hộ 2 tấn/năm. Cái bụng bà con đã biết no gạo rồi!

Xà Hồ chiêm mùa gối vụ.
(Ảnh: Tuấn Nghĩa)
Xà Hồ chiêm mùa gối vụ. (Ảnh: Tuấn Nghĩa)

Rồi núi cũng đủn mặt trời lên. Thị trấn sớm mai dập dìu tiếng sáo, tiếng khèn và những lời hát phát ra từ những chiếc ra-đi-ô cát-xét của những chàng trai xuống chợ. Lân la chuyện, chỉ thấy cười mà “Chi-pâu”. “Ô, nó chẳng nói cái tiếng Kinh đâu!”- người đàn ông Mông nhỏ chắc như nắm cơm cười thân thiện. Hỏi tên, ngại ngùng: “Mình chỉ là Thào thôi, Sùng Tráng Thào mà!”. Chợ không rộng như ở Bắc Hà nhưng vẹn nguyên sắc màu đời sống, văn hoá vùng cao. Chợ vãn, tôi theo vợ chồng Thào lên núi. “Nhà mình trên Tà Ghênh, đi mấy tý là tới thôi!” - Sùng Tráng Thào nói vậy.

Chúng tôi qua những bản, cánh đồng ở Hát Lừu. Lúa xuân đương chín, tiếng máy tuốt phành phạch, rơm ngả rải khắp đường. Bao hạt vàng lấp lánh trong mắt và hương lúa như quyện vào suối tóc trên lưng thon của những cô gái Thái. Tà Ghênh - thực ra, cái địa danh này khá phổ biến ở vùng người Mông. Tà là đất rộng. Ghênh là cỏ gianh. Tà Ghênh là bãi cỏ gianh rộng trên núi. “A, ở đâu có bãi gianh ở đó là Tà Ghênh?” - Thào gật gật. Dốc đứng. Xe phì khói. Rồi cũng tới nơi.

Những đứa trẻ như khoai bỏ đám quay giữa sân nhao ra, í ới. Vợ Thào nói xi la xi lô gì đó rồi nước được lấy ra mời khách. Ngoài hiên, những bao thóc mới tuốt về còn nguyên hương. Thào vần mấy bao cho gọn, cười xông xênh: “Không còn đói thóc nữa, Tết Mông mình xong là cấy lúa luôn, ngày trước nó không làm lúa xuân thì đói thóc mà”. Đời ông, đời cha của Thào khai phá đất rừng, trổ gậy, tìm kiếm hạt vàng tài tình tới mấy cũng chẳng hình dung một ngày những bãi gianh lút đầu người, chằng chịt rễ ở Xà Hồ lúa lên trổ vàng lấp lánh.

Chuyện dài như con suối. Xà Hồ có 500 nóc nhà, định cư định canh nhưng ruộng khai hoang chỉ làm một vụ, thóc gạo thiếu dài. “Cái đói cái khổ phải hỏi người già” - Thào chỉ ông già đang bập thuốc bên rào: “Nó là Hờ A Chớ đấy!”. Tôi kéo Thào ra. Chuyện xửa, chuyện nay rồi quay về chuyện làm no cái bụng. Ông già nạp rê thuốc mới, bập bập vài hơi. Tiếng Mông, tôi nghe chẳng hiểu gì. Thào nói: “Phá rừng trồng lúa mãi nhưng không no cái bụng được đâu.

Chúng nó bây giờ nghe cán bộ trồng cái lúa xuân này là tốt đấy, không còn mong cái thóc cái gạo rồi!”. Không nhớ đã qua bao rừng, hạ đến bao gỗ nhưng chuyện cán bộ lên Xà Hồ vận động cấy lúa xuân thì ông Chớ nhớ. Bãi gianh khai khẩn thành ruộng. Nước nguồn dẫn về. Mạ huyện đem lên. “Dân bản làm vì nể cán bộ thôi, nó không thích làm đâu” - già Chớ nói. Thời lại cứu đói, gạo Nhà nước lại lên Xà Hồ. Tết Mông xong, cán bộ lại lên vận động. Họp dân, ông Chớ và đám thanh niên chẳng nói không, cũng chẳng có. Thuốc rít mù nhà. “Người Mông ta chỉ làm lúa mùa thôi, cái lúa xuân không làm đâu” - cái lý là vậy. Không biết bao lần cán bộ lên Xà Hồ tỷ tê vận động, ăn ngủ với dân, rốt cuộc lại rượu say về, có anh trượt chân quay lơ bên suối. Tối trước, anh cán bộ Văn phòng Huyện uỷ cũng rạo rực khi nói chuyện làm no bụng dân.

Tăng vụ là chủ trương của Tỉnh ủy Yên Bái từ giữa những năm 1995, ở Trạm Tấu lấy Tà Ghênh của Xà Hồ làm điểm. Bí thư Huyện uỷ là người Mông lên vận động, chỉ đạo nhưng Bí thư về thì đâu lại vào đấy. Vụ xuân 2001, lúa xanh ở Tà Ghênh. Cán bộ thở phào, tưởng ổn nhưng trong dân vẫn có người chống đối, cấy xong đêm lại tháo hết nước, có người tháo ngay chính ruộng của mình.

 Tôi không hình dung nổi sự thể ra sao nếu không có sự kiên trì, quyết tâm cao với tấm lòng vì dân của những người cộng sản. Vàng A Séo, (bấy giờ là Bí thư Chi bộ xã) tâm sự: “Cán bộ xã cũng có người không thích làm theo nghị quyết đâu! Nó ngại làm, ngại va chạm với dân đấy. Nhưng mình là đảng viên, phải nói vào tai, phải làm cho dân xem, lúa phải ra bông phải đầy ruộng dân tin thì làm thôi mà”. Rồi hàng trăm lượt cán bộ khuyến nông, mặt trận, thanh niên, công an, bộ đội… lên Tà Ghênh. Ròng rã hai tháng trời, cùng dân làm đất, gieo mạ, ủ phân, cấy lúa. Tráng A Pao gặp Sùng Tráng Thào và tôi thì hồ hởi: “Cán bộ lên xem lúa à? Dân mình thích cấy cái Nhị Ưu 838 đấy, vụ này tốt thế mà!”.

Pao cười lộ răng vàng rồi bắt tay ra chiều phấn chấn lắm. Thì hút với nhau điếu thuốc, tôi chìa gói thuốc Thăng Long in chữ "1000 năm" mời rồi nghe kể những ngày cả huyện lên Tà Ghênh, cùng đổ mồ hôi, cùng sôi nước mắt ấy. “Thì mình cứ tính: một cán bộ đi với một hộ. Có chỗ thì hai cán bộ đi với một hộ. Cứ thế làm với nhau, lúa xanh thì mới nghiệm thu, thế là rút kinh nghiệm trên đồng luôn” - Pao nói.

Vụ xuân ấy được mùa. Nhà Giàng A Sinh, Hờ A Đế, Hờ A Chúng, Vàng A Pủa, Tráng A Páo năng suất đạt gần 43 tạ/ha. Tính bao, ít như nhà Giàng A Sủng cũng ngót 50 bao. Huyện uỷ Trạm Tấu lại chuẩn bị phương án lên Tà Ghênh vụ xuân sau nhưng phương án đó đã gác lại. Người Mông ở Xà Hồ đã hăng hái mở rộng diện tích cấy lên 43 ha, làm lúa lai như người Thái, người Tày, người Kinh; gia súc đã được nhốt vào chuồng để lấy phân bón lúa - điều mà trước đó những người như già Chớ, già Cu, già Mỷ ở Tà Ghênh; già Pua, già Chua, già Páo ở Sáng Pao và bà con ở vùng cao này không hình dung được...

Kết thúc vụ xuân 2010, Xà Hồ đã có 510 tấn thóc, năng suất 44 tạ/ha, góp phần tăng sản lượng thóc hai vụ lên trên 1.200 tấn, bình quân 500 hộ mỗi hộ 2 tấn/năm. Cái bụng bà con đã biết no gạo rồi!

Về Huyện ủy, Phương - cán bộ Văn phòng tăng cường lên Bản Mù gặp tôi cầm tay lắc mãi. “Lên Bản Mù đi. Lên xem lúa xuân ở Mảnh Tàu - Tà Ghênh xem có “ngon” như Xà Hồ không?”. Tôi suýt ô a Bản Mù cũng có Tà Ghênh nhưng thôi vì nhớ cái gật của Tráng Sùng Thào ở Xà Hồ: “Ở đâu có bãi gianh thì là Tà Ghênh thôi”. Ngoắc tay, tôi đi Bản Mù tắp lự.

Trên đường đi, Phương nói: “Người Mông ở Bản Mù gọi đó là “Cánh đồng nghị quyết” anh ạ!”. Câu chuyện về cánh đồng nghị quyết ở Bản Mù đại loại cũng như ở Xà Hồ - nơi tôi đã đến. Nhưng đây là cánh đồng lúa xuân mà Huyện ủy Trạm Tấu chỉ đạo thành công sau “phát đại bác” ở Tà Ghênh - Xà Hồ. Bí thư Đảng ủy Giàng A Phông và Chủ tịch UBND Sùng A Lù vừa làm việc với đoàn công tác thực hiện Nghị quyết 03 và 06 của Tỉnh ủy tiếp chuyện ngay.

 “63 hộ đã làm nhà vệ sinh, 22 hộ làm nhà tắm, 142 hộ làm chuồng lợn, 65 hộ làm chuồng gia súc rồi”- Bí thư Phông nói.

Anh Phương cười: “Cái mới đấy anh ạ. Nhưng nhà báo này muốn nghe lúa xuân tăng vụ kia”. Tôi và Chủ tịch Lù đi xe máy tên Mảnh Tàu -Tà Ghênh. Đường 135, đường 30a mới mở, xuyên một mạch sang Làng Nhì. Trước mắt tôi, lúa bời bời, như thảm vàng trên núi. Bà Sùng Thị Chư cùng mấy đứa con đang gặt. Ôm lúa trong tay, bà Chư chuyện với Chủ tịch Lù. Anh Lù dịch lại: “Mình cứ nghĩ trồng không có ăn đâu, làm theo cán bộ lúa tốt thế này thì thích rồi”. Anh Lù hồ hởi: “Ban đầu, mình chỉ làm trên ba chục ha thôi. Năm ngoái và năm nay thì làm 80 ha. Cộng với 155 ha vụ mùa là 235 ha. Xã tính bình quân, khoảng 43 tạ/vụ. Không làm vụ xuân thì dân vẫn đói đấy!”.

Tôi biết, ngoài cây lúa, Bản Mù đã trồng ngô để giải quyết cái ăn cho dân. Từ vài chục ha giờ đã xấp xỉ 190 ha, ngô thêm vào với thóc dân Bản Mù đã xóa đói. Đem chuyện ở Xà Hồ, Bản Mù chia sẻ với Chủ tịch UBND huyện Vũ Quỳnh Khánh, anh tâm đắc: “Dân không no cái bụng thì làm gì cũng khó. Cái khó là làm sao để bà con tự làm no cái bụng mình.

Không quyết tâm, kiên trì, không vì dân thì không thành công được!”. Năm 2009, diện tích lúa xuân của Trạm Tấu đã đạt 600 ha. Nghị quyết của Đảng thấm vào dân, trở thành việc làm và kết quả cụ thể, không chỉ làm cho dân hết đói mà góp phần ổn định tình hình vùng cao. Tôi biết nhiều hộ người Mông di cư tận Đắc Lắc, Sơn La, Lai Châu đã trở về quê cũ. Mấy năm lại đây, số hộ di cư ở Trạm Tấu giảm dần, quá nửa số đi quay về làm ăn theo cách mới, tình hình vùng cao ổn định hơn. Người Mông đã cấy lúa xuân. Giờ không ai và lý do gì khiến họ rời đồng, bỏ vụ.

Tôi không chắc gọi sự chuyển mình tăng vụ ở vùng cao này là “sự chuyển mình thế kỷ” có đúng không. Nhưng cứ nhìn vào cung cách làm ăn mới, nhìn những thảm vàng lấp lánh trải dài và những người Mông theo Đảng đan dệt những thảm vàng no ấm trên đất núi ngàn năm nghèo khó nay tươi tắn tràn đầy sức sống, tôi vẫn tin rằng sự chuyển mình ấy mang tầm thế kỷ.

Tuấn Anh (Trạm Tấu, 2010) 

Các tin khác
Phạm Hữu Khánh (đứng giữa) cùng cán bộ kiểm lâm huyện Văn Chấn thăm trang trại của gia đình.

YBĐT - Nhiều cán bộ kiểm lâm ở huyện Văn Chấn nói với tôi rằng, ở nơi núi đồi xa xôi thuộc các xã Suối Giàng, Suối Quyền có một thanh niên ôm giấc mộng biến những quả đồi lau lách thành những cánh rừng xanh và anh đã trở thành "ông vua rừng". Câu nói đó đã thôi thúc tôi tìm gặp người thanh niên ấy.

Ruộng bậc thang La Pán Tẩn. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Tôi không thể nhớ một cách chính xác, vùng đất có núi cao, sông lớn này có từ bao giờ và cũng không biết từ bao giờ có tên gọi của núi, của sông, của đồng ruộng, xóm làng... Những cái tên mà giờ đây đã trở nên quá đỗi thân thuộc với mỗi chúng ta.

Trẻ em Làng Nhì trong lễ hội truyền thống ngày xuân.

YBĐT - Xa Làng Nhì trong tôi luôn hiện lên hình ảnh chiếc bếp tập thể khiêm tốn xinh xinh nơi nấu ăn của 20 thầy cô giáo, nơi ăn, chốn ở chật chội của 60 em học sinh.

Ao nuôi ba ba trị giá hơn 1 tỷ đồng của gia đình anh Thái.

YBĐT - Thôn Hồng Hải nằm giữa một thung lũng nhỏ trải dài với dòng suối trong xanh, bốn bề bát ngát bởi quế, keo, bồ đề, không khí thật trong lành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục