Cho một thành phố xanh

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/6/2011 | 9:18:17 AM

YBĐT - Sau hơn 10 năm được nâng cấp từ thị xã lên thành phố, thành phố Yên Bái đang ngày càng thay da đổi thịt mang dáng dấp của một đô thị hiện đại nhưng vẫn gần gũi với thiên nhiên.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta dùng cụm từ xanh - sạch - đẹp làm một trong những tiêu chí đánh giá và là hướng phấn đấu của các đô thị hiện đại. Xanh là yếu tố đầu tiên, một yếu tố không khó thực hiện nhưng lại có ý nghĩa chi phối hai yếu tố còn lại.

Sau hơn 10 năm được nâng cấp từ thị xã lên thành phố, thành phố Yên Bái đang ngày càng thay da đổi thịt mang dáng dấp của một đô thị hiện đại nhưng vẫn gần gũi với thiên nhiên. Đường phố lượn quanh đồi núi, khu dân cư chìm khuất trong những tán rừng, thành phố phát triển mạnh dọc theo bờ sông Hồng và cả những tuyến đường rợp bóng cây xanh. Tuy vậy, vấn đề cây xanh đô thị vẫn còn nhiều chuyện đáng bàn để thành phố Yên Bái ngày càng xanh, sạch và đẹp  hơn.

Tự phát và thiếu quản lý quy hoạch

Không thể phủ nhận những nỗ lực của Công ty Công trình và Môi trường đô thị trong việc trồng và quản lý cây xanh suốt thời gian vừa qua nhưng thực tế phần lớn cây xanh của thành phố Yên Bái vẫn được trồng theo kiểu tự phát.

Khoảng đầu những năm 90, người dân Yên Bái đua nhau trồng cây bóng mát, gần như nhà nào ở mặt phố cũng cố gắng trồng một cây để lấy bóng mát cho nhà mình, đặc biệt là những nhà có hướng Tây, Tây Nam, Tây Bắc.

Không ai phát động nhưng phong trào phát triển rất mạnh, ai cũng đua nhau trồng và chăm sóc cây của mình, những nhà có điều kiện thì đánh hẳn cây lớn về trồng cho nhanh. Rất tiếc, do không có quy hoạch, hướng dẫn cụ thể nên nhà nào thích loại cây gì thì trồng cây ấy, nào là ngõa mật, trứng cá, mít, sấu, nhiều nhất là bàng bởi loại cây này lớn rất nhanh, xòe tán rộng, nhiều đoạn đường Điện Biên, Trần Hưng Đạo, Thanh niên... đã rợp bóng cây bàng, nhiều cây thân lớn, tán xòe rộng cả mấy chục mét vuông.

Do thiếu quy hoạch, không hướng dẫn nên không chỉ tồn tại tình trạng cây xanh đường phố lôm côm cả chục loại mà còn lô nhô cây cao, cây thấp, trồng thò ra, thụt vào... rất thiếu mỹ quan.

Riêng cây bàng (loại cây trồng phổ biến nhất), sau cái lợi là nhanh lớn, tán rộng là những nhược điểm như: tán lá quá dày và rộng dễ che khuất ánh sáng của đèn đường, cành bàng giòn rất dễ gãy vào mùa mưa bão, đặc biệt, đây là loài cây rụng lá mạnh. Cuối thu là toàn bộ lá trút xuống gây mất vệ sinh, thân cành trơ trọi trong mưa phùn, gió bấc, càng tạo ra một khung cảnh ảm đạm trong tiết trời âm u của mùa đông.

 

Triệt hạ cây xanh một cách bừa bãi

Thời gian gần đây cây xanh đô thị bị triệt hạ không thương tiếc, công nhân ngành điện chặt cành, ngọn cây có nguy cơ vướng vào đường dây, trạm biến thế điện, công nhân môi trường đô thị chặt cành, che khuất ánh sáng đèn đường, trước mùa mưa bão thì chặt các cành to, mọc ngang, những cây có nguy cơ đổ gãy.

Đặc biệt là với lý do “Cây nhà tôi trồng, tôi chặt” hàng loạt cây xanh đường phố đã bị đốn hạ, nhiều người còn lén lút chặt đêm, chặt “gặm nhấm” hôm nay chặt một cành, ngày mai chặt một cành cho “đỡ lộ”. Những người không muốn chặt cả cây thì cũng phang hết cành nhằm mục đích đặt biển hiệu quảng cáo của cửa hàng lộ ra hay khoe mặt tiền, ban công căn nhà mới xây theo kiểu cách mới. Hoặc một, hai năm trở lại đây còn xuất hiện tình trạng người dân đào cây phượng, cây hoa sữa to, có tán rộng đem đi Trung Quốc bán.

Chỉ cần đi một vòng quanh thành phố Yên Bái, đến bất kỳ tuyến phố nào mọi người sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều cây xanh bị đốn hạ còn lại trơ gốc. Nhiều thân cây có đường kính trên 100 cm, tuổi đời hàng chục năm đã bị chặt hạ, thân, cành hoặc bị cắt vụn làm củi, hoặc mang đi đâu không rõ và cả chuyện người ta kê thân cây bị đốn ngay ngắn bên hành lang đường, thợ mộc đến hỏi họ chào giá bán vài ba trăm nghìn đồng. Hàng loạt cây khác như: sữa, bằng lăng, phượng vỹ... cả do người dân và Công ty Công trình và Môi trường đô thị trồng đã bị chặt hết cành, trơ lại thân cây nhìn rất xót xa.

Ông Đặng Văn Trữ ở phường Minh Tân phải thốt lên: “Trồng cả chục năm mới được cái cây to như thế mà họ chặt vài phút là xong. Ngày hè nắng gắt không còn cây che bóng mát nữa họ mới thấy tiếc? Họ chặt cây lung tung thế mà chẳng thấy ai nhắc nhở hay xử lý gì”?.

Những giải pháp từ cơ sở

Ông Phạm Gia Tăng - Giám đốc công ty Công trình và Môi trường đô thị Yên Bái cho biết, Công ty quản lý hơn 16 nghìn cây xanh đường phố, cùng với đó là hàng nghìn cây do người dân tự trồng, tự quản lý. Có thể khẳng định thành phố Yên Bái là thành phố nhiều cây xanh nhưng cây xanh của ta chưa đẹp do không có quy hoạch, đầu tư ít và việc chặt tỉa không đúng kỹ thuật. Hiện nay tình trạng chặt, đào trộm cây xanh để bán diễn ra rất phổ biến, Công ty mong muốn người dân hãy phát huy tinh thần trách nhiệm vì mục tiêu chung, cùng tham gia bảo vệ cây xanh để thành phố Yên Bái ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Đem câu chuyện trồng cây xanh bóng mát và tình trạng cây xanh bị chặt hạ không thương tiếc trao đổi với rất nhiều người thì ai cũng cảm thấy bức xúc. “Tỉa cắt cành có nguy cơ mất an toàn lưới điện, che khuất ánh đèn hay nguy cơ đổ gãy... là cần thiết nhưng không nên quá lạm dụng, chặt cụt cả cây, đặc biệt, cần phải chấm dứt ngay tình trạng chặt hạ cây xanh như hiện nay. Cần có các biện pháp xử lý mạnh như xử phạt hành chính, yêu cầu khắc phục hậu quả bằng việc trồng lại cây khác, đưa ra kiểm điểm trước tổ dân phố hay thông báo danh tính, mức độ vi phạm về các cơ quan đơn vị công tác. Có thế mới giữ được cây xanh” - Ông Đặng Văn Trữ phát biểu.

Ông Nguyễn Quốc Chiến ở phường Hồng Hà thì cho rằng: “Cần chấm dứt việc trồng cây tự phát, triển khai việc trồng cây đô thị thay thế dần những hàng cây lô nhô hiện nay. Việc trồng cây mới phải tiến hành bàn giao cho các gia đình liền kề quản lý. Gia đình nào muốn chặt cây phải được sự cho phép của đơn vị quản lý, vị trí trồng cây cũng phải đặt ở giữa hai nhà liền kề nếu không khi cây to, vướng lối vào nhà, trước sau người ta cũng tìm cách triệt hạ hoặc đầu độc...”.

Phải có quy hoạch tổng thể về trồng cây xanh đô thị ở thành phố Yên Bái, chỉ nên trồng những cây gỗ quý, vòng đời dài, lá xanh bốn mùa, thân mọc thẳng, vươn cao và bộ rễ khỏe, không có sâu... để trồng như: xà cừ, trò, lát, sao, sưa, tháp bút Ấn Độ... Mỗi một đường phố nên lựa chọn một loại cây trồng để tạo ấn tượng cho du khách khi đến với thành phố Yên Bái hôm nay.

Lê Phiên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục