Nỗi đau Cổng Trời

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/7/2011 | 3:32:06 PM

YBĐT - Bãi Cổng Trời là tên địa danh do người dân địa phương tự đặt, thuộc địa phận thôn Sắc Phất, xã Minh Tiến, huyện Lục Yên. Sau thời hoàng kim của đá đỏ, hiện nay chỉ bãi ở Cổng Trời mới có thể tìm được những viên Rubi bạc tỷ.

Mối nguy hiểm luôn rình rập các phu đá.
Mối nguy hiểm luôn rình rập các phu đá.

Chúng ẩn mình lẫn trong đá trắng, muốn có được, người dân đào đá phải vô cùng cực nhọc có khi phải đổi bằng cả sinh mạng.

Nhìn từ xa, bãi Cổng Trời giống như một vệt trắng loang dài, nham nhở, thương tích của hàng chục năm khai thác. Đến gần chúng tôi mới  rùng mình bởi sự nguy hiểm của nó. Phía trên là chênh vênh vách đá với những vết rạn nứt chân chim chằng chịt, chỉ chực chờ một dư chấn nhỏ là có thể đổ ập xuống bất kỳ lúc nào. Phía dưới là hàng chục phu đá vẫn miệt mài làm việc vì giấc mơ đổi đời.

Bãi Cổng Trời là tên địa danh do người dân địa phương tự đặt, thuộc địa phận thôn Sắc Phất, xã Minh Tiến, huyện Lục Yên. Sau thời hoàng kim của đá đỏ, hiện nay chỉ bãi ở Cổng Trời mới có thể tìm được những viên Rubi bạc tỷ. Chúng ẩn mình lẫn trong đá trắng, muốn có được, người dân đào đá phải vô cùng cực nhọc có khi phải đổi bằng cả sinh mạng.

Xâm nhập Cổng Trời

Ban đầu, việc khai thác đá ở đây là đá gốc, tức là những cục đá to từ vài ki lô gam đến vài chục tấn được khai thác, qua bàn tay khéo léo của những người thợ đá đục đẽo thành những hình thù khác nhau, lúc này những viên đá gốc biến thành đá cảnh.

Điểm nổi bật, những viên đá cảnh ở đây không giống như vùng đá cảnh Văn Chấn. Nếu đá cảnh ở Văn Chấn nổi tiếng với những hình vân đẹp thì đá cảnh ở đây đẹp và giá trị hơn gấp trăm lần. Bởi đá điểm mắt Rubi tạo thành những khối đá đẹp long lanh và vô cùng giá trị. Về sau có người đào được cả những viên Rubi bạc tỷ. Đây cũng là lí do mà dân đào đá đổ về Cổng Trời ngày một đông.

Chúng tôi đi xe máy vào được đến tận thôn Sắc Phất, cách trung tâm xã Minh Tiến 17 km. Từ đây, sau gần một tiếng đồng hồ quốc bộ, men theo con đường mòn độc đạo, băng qua những dãy đá tai mèo dựng đứng, cuối cùng chúng tôi cũng leo lên được đỉnh của bãi Cổng Trời. Anh bạn đi cùng chống tay thở hổn hển: “Đây là nơi cao nhất Cổng Trời đấy.

Nhìn từ vị trí này có thể phóng tầm mắt bao quát hết cả một vùng rộng lớn, thậm chí có thể nhìn rõ ánh đèn từ những vó bè trên hồ Thác Bà khi đêm xuống”.

Vào sâu thung lũng Cổng Trời có cảm giác như nơi đây vừa qua cuộc giao tranh. Núi đá nham nhở, hầm hố như bị bom dội, những chiếc hồ xanh ngắt trước kia giờ chỉ còn phẳng lì cát do lũ quét chôn vùi. Mảnh đất của những người ham mê đổi đời đầy vẻ ảm đạm, tang tóc… Hậu quả của “nền công nghiệp” khai thác tự do cứ lần lượt hiện rõ ở suốt chặng đường đi.

Liên tục gặp những đoàn phu gùi đá từ trên núi xuống. Người lớn thì gùi từ 60-70 cân đá, những em học sinh lớp 9 lớp 10 nhỏ hơn thì gùi 30 - 40 cân, còn có cả những cô bé, cậu bé chừng 10 tuổi mà số đá các em gùi cũng không ít hơn số tuổi của mình. Hầu hết những người gùi đá thuê này đều là người thôn Sắc Phất, mỗi ngày nếu có việc cũng kiếm được vài trăm bạc.

Gùi đá thuê là một trong những cách kiếm sống của người dân bản Sắc Phất.

Tử thần… trên đầu

Nhìn từ xa, bãi Cổng Trời giống như một vệt trắng loang dài, nham nhở, thương tích của hàng chục năm khai thác. Đến gần chúng tôi mới  rùng mình bởi sự nguy hiểm của nó. Phía trên là chênh vênh vách đá với những vết rạn nứt chân chim chằng chịt, chỉ chực chờ một dư chấn nhỏ là có thể đổ ập xuống bất kỳ lúc nào. Phía dưới là hàng chục phu đá vẫn miệt mài làm việc vì giấc mơ đổi đời.

Tọa lạc ở địa thế cao nhất của khu khai thác này là ngôi lán nhỏ của anh M. Không giống như mấy lán chúng tôi gặp dưới chân bãi, lán của M được dựng cheo leo bên vách đá dựng đứng, chân lán được chống tạm bởi những cây gỗ nhỏ cỡ chừng bắp chân, sàn là những tấm ván xẻ được kê lên sườn đá và một cây gỗ chắn ngang.

 Quan sát xung quanh, chúng tôi thấy ngoài lán của M còn hai lán nữa cũng được làm tạm bên những vách đá cheo leo như vậy nhưng ở địa thế thấp hơn. Anh M cho biết, trên bãi khai thác chỉ có một vài lán, còn đa phần những lán còn lại đều được dựng dưới khu bãi bằng, nơi tập kết đá khai thác, bởi khu vực đó ít nguy hiểm hơn. M vẫn còn nhớ như in cái lần mình thoát chết trong gang tấc. Đó là một đêm cách đây không lâu, anh cùng 3 người ngủ tại lán, bỗng một tiếng nổ lớn vang lên.

Theo phản xạ tự nhiên, anh chỉ kịp co người lại, cả ngôi lán bị phiến đá nặng hàng tấn đè nát, 3 người còn lại nghe tiếng động đã kịp nhảy ra ngoài. M rùng mình: “Lúc đó tôi thấy mọi thứ tối om, mọi người cũng cứ tưởng mình đã chết”. Rồi lần khác khi đang men theo sườn đá, do trời tối nên anh cũng bị trượt chân, đập đầu vào đá bất tỉnh, đến sáng hôm sau tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong bệnh viện với 7 mũi khâu dài trên đầu. Anh P, người cùng lán với M xòe bàn tay có một ngón băng bó ra: “Ngón này vừa bị đá đập vào hôm qua, may là không bị nát”. Khi được hỏi sao các anh không dùng găng tay hay các phương tiện bảo hộ thì chúng tôi chỉ nhận được tiếng cười xòa: “Quen rồi chú ạ! Ở đây có ai biết đến những thứ đó đâu”.

Không may mắn như M, từ khi phong trào khai thác đá gốc rộ lên đã có 6 người phải bỏ mạng giữa triền núi cheo leo này. Thương tâm nhất là trường hợp của ba anh em Bàn Văn Long, thôn Sắc Phất, người anh thứ hai Bàn Văn Cải chết năm 2006 khi đó mới 28 tuổi do bị đá đè, một năm sau người em út 19 tuổi cũng ra đi với lý do tương tự. Người anh cả Bàn Văn Long vội bỏ nghề phu đá đi biệt xứ để lại người vợ với 2 đứa con nhỏ. Mới đây nhất là tháng 3/2011, một người ở thôn Khau Dự cũng bị đá đè chết.

Đang chăm chú với câu chuyện của M thì chúng tôi bỗng giật mình bởi một tiếng nổ lớn, tiếp đó là tiếng đá lăn ầm ầm, “chắc bên cổng 3 lại đánh mìn” - P giải thích. Với cả và M, việc nổ mìn ở đây là hoàn toàn bình thường, có ngày lượng thuốc nổ được các phu đá sử dụng lên tới hàng kilogam. Chúng tôi sửng sốt hỏi lại nhiều lần bởi thuốc nổ kiếm ở đâu mà nhiều như vậy, có khi uống rượu vào, mấy ông phu đá lại nói bốc cũng nên, trừ khi việc mua thuốc nổ dễ như mua mớ rau ngoài chợ thì mới đủ dùng. Đây là chuyện khó tin nhất mà tôi từng nghe. Nhưng đáng buồn thay, đó lại là sự thật!

Việc khai thác đá ở đây dường như không có giờ giấc, nổ mìn không cần để ý đến người khác.  Nhìn những vách đá dựng đứng, những tảng đá lởm chởm có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào chúng tôi không khỏi rùng mình bởi dưới đó hàng chục phu đá vẫn đang miệt mài đập đá. “Những người làm nghề lâu năm, dầy vốn thì họ có thể nuôi tới hàng chục quân, vì thế nếu đá có sập, có lăn thì người chết chỉ là phu đá” – M thở dài.

Bãi Cổng Trời có khoảng 30 tổ khai thác đá khác nhau, mỗi tổ từ 4-5 người. Lúc đông nhất trên bãi có khoảng 150 phu đá làm việc, họ phần lớn đều là dân địa phương và các xã lân cận. Đường sá đi lại khó khăn nhưng sinh hoạt ở đây lại khá đầy đủ. “Gạo, thịt, rau, muối, mắm, rượu, thuốc… và cả “cái kia” nữa chỉ cần một cú điện thoại là 1 giờ sau có người mang đến tận nơi”- Một phu đá tinh nghịch nháy mắt với tôi.

Theo lời họ, đội quân tiếp tế phần lớn là người trong bản, những cô gái trẻ, không loại trừ có cả những em học sinh lớp 9, lớp 10 cũng tham gia đội quân này. M cười một cách bí hiểm và rủ chúng tôi ở lại một đêm. Hóa ra câu chuyện “tiếp tế” ở đây không đơn thuần chỉ là lương thực, mà các cô gái sẵn sàng tiếp tế cả tình cảm miễn phí. Trong tiếng cười sằng sặc của M, tôi bất chợt nhớ đến cô bé Liên mà chúng tôi gặp ở lán dưới, đang học lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du, xã Minh Tiến.

Nghỉ hè, Liên tranh thủ về đi gùi đá kiếm chút tiền đi học. Cái cách mà phu đá kể về cô bé khiến chúng tôi cảm thấy lo lo. Nếu như Liên cũng đi vào con đường này để trở thành thứ đồ chơi rẻ mạt cho dân phu đá thì tương lai cô bé sẽ ra sao? Có lẽ cũng xuất phát từ tệ nạn này mà những câu chuyện những người đàn ông bỏ vợ lên núi làm phu đá ở đây không hiếm. Đáng buồn hơn cả là chuyện của gia đình ông Đặng Kim Sơn, Trưởng bản Sắc Phất.

Ba năm trước đây trong mỗi chuyến công tác về bản, gia đình ông, con cháu quây quần náo nhiệt là thế, ấy vậy mà chỉ vài năm mà gia đình ông xảy ra bao chuyện buồn. Đứa con rể làm phu đá được bao nhiêu tiền là đi chơi bời, bỏ vợ bỏ con. Bản thân ông cũng như người trong bản, cứ vài ngày, chủ đá gọi thì ông lại cùng họ đi gùi đá thuê để kiếm chút tiền mua gạo, mua muối sống qua ngày. Gặp tôi, ông mừng lắm nhưng lại bảo “không thể tiếp được vì hôm nay chủ đá gọi, nếu không đi lần sau họ không gọi nữa”.

 Đi tìm nguyên nhân

Tình trạng khai thác đá ở bãi Cổng Trời đã diễn ra 10 năm nay và lại rộ lên trong vài năm gần đây. Hiện ở bãi có 11 máy khoan đá nổ mìn đang hoạt động ngày đêm. Theo lời những cai đá ở đây thì mỗi máy khoan phải nộp về cho xã một khoản phí nhất định là 1 triệu đồng/máy/tháng. Đây gần như là luật bất thành văn nên cũng không cần có bất kỳ một loại giấy tờ hay hóa đơn gì lưu lại việc “đóng thuế” này.

Khi chúng tôi trao đổi với đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Minh Tiến về vấn đề này thì ông quả quyết là không có chuyện đó, và “việc khai thác ở đây cũng đã được dẹp bỏ”. Vậy, phải chăng những người nông dân mà ông quản lý đang hàng ngày chỉ biết lầm lũi lao động, sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng của mình trên những vách đá cheo leo kia lại nói dối? Câu trả lời về “những quy định ngầm” của hoạt động nơi bãi đá Cổng Trời cũng như những số phận trớ trêu của bao người dân lam lũ nơi đây xin được dành cho lãnh đạo các cấp, các ngành và cơ quan chức năng có liên quan.

Anh Dũng - Hùng Cường

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục