Làng buôn đồng nát

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/7/2011 | 3:13:00 PM

YBĐT - Có lẽ những người dân ở thôn Trấn Ninh II đều có duyên với cùng nghề đồng nát. Tiếng là dân thành phố nhưng dường như nhịp sống đô thị vẫn chưa len lỏi vào đến miền quê này.

Không chỉ có những người phụ nữ như bà Yên mà có rất nhiều đàn ông ở thôn Trấn Ninh II cũng chọn nghề này để kiếm sống. Ông Phạm Văn Đoạt là một trong những người như thế. Tranh thủ lúc nông nhàn, khi mấy sào chè chưa đến kỳ thu hoạch, mấy sào lúa đã gặt xong, thóc đã phơi khô, quạt sạch, ông lại đạp xe vào thành phố thu mua đồng nát...

Ngẫm lại gần hai mươi năm gắn bó với công việc này, người đàn ông có nụ cuời nhân hậu ấy cho biết: “Đàn ông làm nghề này nhiều hơn phụ nữ đấy, vì chúng tôi hiểu về các loại phế liệu hơn, sẽ dễ dàng mua nhất là các loại máy móc cũ còn phụ nữ đôi khi chỉ mua giấy vụn là chủ yếu”.

Thôn Trấn Ninh II (xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái) là một ngôi làng như thế. Khi một ngày mới bắt đầu, những người phụ nữ, đàn ông trong làng lại lam lũ kẽo kẹt đạp xe vào thành phố làm nghề mà người ta vốn quen gọi là thu mua đồng nát. Cái nghề không lấy gì làm sang trọng ấy nhưng mấy chục năm qua đã nuôi sống người dân ở ngôi làng ven đô này.

Trăm nẻo mưu sinh

Những ngày tháng 7, trời nắng như đổ lửa, đường phố cũng ít người qua lại để tránh cái nắng hè gay gắt nhưng những con người tần tảo làm nghề buôn đồng nát ở làng Trấn Ninh như bà Yên vẫn lặng lẽ đạp từng vòng xe  giữa phố thị ồn ào.

Cũng như mọi ngày, bà Yên ra khỏi nhà lúc mặt trời vừa lên quá rặng tre đầu làng để vào thành phố bắt đầu một ngày làm việc mới. Người phụ nữ trung niên này mải miết đạp chiếc xe cũ kỹ từ con phố này sang con phố khác. Tiếng rao “ai nhôm, đồng, sắt vụn, bán không?” của bà Yên cứ đều đặn vang lên theo từng bước chân, trên từng nẻo đường. Thành phố giờ “tấc đất, tấc vàng”, hầu như nhà nào cũng xây kín cổng cao tường. Tiếng rao của những người mua đồng nát như bà Yên nhiều khi khó lọt qua bức tường xi măng, cổng sắt kiên cố, đôi khi lạc lõng giữa phố phường tấp nập. Hôm nay có lẽ là một ngày kém may mắn với bà. Đã qua mấy con phố mà vẫn chiếc sọt sắt dùng để chở hàng sau xe vẫn trống trơn.

Gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt sạm đi vì nắng, bà chia sẻ: “Nếu may mắn thì cũng kiếm được trăm nghìn đồng hoặc vài chục nghìn nhưng có khi đi rồi lại về không”. Để có được số tiền không lấy gì làm nhiều nhặn đó, mỗi ngày, bà Yên phải đi đến ba bốn mươi cây số trên chiếc xe đạp cọc cạch, nhặt nhạnh từng vỏ chai nhựa, từng lon bia, từng cân giấy vụn.

Chỉ cần một số vốn nho nhỏ vài trăm ngàn đồng cùng với chiếc xe đạp cũ là có thể bắt đầu kiếm kế sinh nhai với nghề buôn đồng nát. Điều quan trọng là cần chịu khó và một chút “duyên” mua hàng. Ông Đoạt chia sẻ thêm: “Bây giờ người khôn, của khó, nhiều người mua nên mình phải có những khách hàng quen. Không phải ai cũng muốn bán phế liệu trong nhà, lắm khi phải trò chuyện với chủ nhà, nói đôi ba câu chuyện làm quà người ta mới mang các thứ ra bán. Nhiều lúc tôi còn ngồi chơi cờ tướng với các cụ già cả buổi đấy”.

Buồn vui cùng nghề

Họ vẫn tần tảo với nghề dù cuộc sống còn nhiều vất vả.

Có lẽ những người dân ở thôn Trấn Ninh II đều có duyên với cùng nghề đồng nát. Tiếng là dân thành phố nhưng dường như nhịp sống đô thị vẫn chưa len lỏi vào đến miền quê này. Những “cư dân thành phố” vẫn hàng ngày cần mẫn chăm sóc mảnh ruộng, nương chè và vào thành phố buôn đồng nát. Không ai còn nhớ nổi cái nghề đồng nát đến với đất này từ bao giờ.

Có lẽ từ những ngày bao cấp khó khăn, người ta đi thu mua từng cân giấy vụn, từng cân sắt phế liệu. Thời gian thấm thoắt trôi theo từng vụ lúa, mùa chè, thế mà cũng đã mấy chục năm người làng Trấn Ninh gắn bó với nghề buôn đồng nát. Chắc rằng, ở thành phố Yên Bái, không có ngôi làng nào có gần 100% số hộ làm nghề buôn đồng nát như ở Trấn Ninh II.

Nhẩm tính nhanh, trưởng thôn Lâm Văn Thu cho biết: “Thôn tôi có 82 hộ thì hầu như nhà nào cũng làm nghề buôn đồng nát. Ở đây, mỗi nhà có được một hoặc hai sào ruộng cộng thêm vài nghìn mét vuông chè. Vậy nên nghề buôn đồng nát thành nghề kiếm sống chính đấy. Nghề này nghe thế thôi nhưng đã mang lại cho nhân dân trong thôn cuộc sống ấm no hơn. Người ta có tiền làm ngôi nhà mới, cho con cái đi học, mua sắm tiện nghi trong gia đình đều từ buôn đồng nát mà ra. Làm ruộng, làm chè cũng không đủ tích luỹ đâu. Sắp tới lại chuẩn bị thu hồi một số diện tích đất nông nghiệp để làm đường Km 10 – cầu Văn Phú nữa nên đất canh tác sẽ còn bị thu hẹp nữa”.

Thôi thì đủ loại từ giấy vụn, phế liệu, chai nhựa, vỏ lon nước uống đến những đồ thiết bị gia đình hỏng... tất cả đều được người dân trong làng thu mua. Khó có thể kể hết những “tai nạn nghề nghiệp” mà người buôn đồng nát gặp phải, nào là hỏng xe, nào là chuyện lỗ lãi, nào là bị ốm đau do mưa nắng, rồi tai nạn giao thông...

Nhưng mỗi nghề có một niềm vui riêng và niềm vui đối với những người làm nghề buôn đồng nát cũng thật nhỏ bé như số phận của họ giữa cuộc sống xô bồ và tấp nập. Niềm vui đó được góp nhặt từ từng cân giấy vụn, từng vỏ chai cũ. Với họ, sau một ngày mệt nhọc, bươn chải kiếm sống, trở về nhà, bưng bát cơm nóng hổi và trò chuyện cùng người thân về những chặng đường đã đi qua vậy đã là niềm vui.

Với ông Nguyễn Văn Hanh, niềm vui là chắt chiu từng đồng tiền chát mặn mồ hôi để cho con cái học hành. Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, vợ chồng ông lại kẽo kẹt đạp xe vào thành phố từ sáng sớm và chỉ trở về nhà khi thành phố đã lên đèn từ lâu. Hai mươi năm trời cần mẫn kiếm sống, “của để dành” của vợ chồng ông không chỉ là ngôi nhà khang trang, là tiền bạc mà còn là hai đứa con ngoan và học giỏi. Ông bảo: “Cuộc đời chúng tôi đã vất vả nên phải cố nuôi cho con cái ăn học nên người, để có cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Hiểu giá trị những đồng tiền nhọc nhằn của bố mẹ, các con ông đều tự học và thi đỗ vào đại học. Đó có lẽ là hạnh phúc quý giá nhất đối với những người làm nghề buôn đồng nát như ông Hanh.

Giờ đây, khi cơ giới hóa đã có mặt mọi nơi, nhiều người cũng thôi không dùng xe đạp mà chuyển sang dùng xe máy. Có phương tiện, người làng đã vào tận Văn Chấn, Nghĩa Lộ hoặc ngược lên Lục Yên, Bảo Yên thu mua phế liệu. Tích luỹ vốn, những người nông dân chân lấm tay bùn ngày nào giờ cũng đã mở đại lý, “tính chuyện làm ăn lớn”. Đâu đó, trong dòng xe cộ của phố phường tấp nập vẫn thấp thoáng hình bóng của những con người làng Trấn Ninh tần tảo, lam lũ thu mua buôn đồng nát. Họ vẫn hàng ngày lặng lẽ mưu sinh giữa cuộc sống còn nhiều vất vả và sẽ ra sao nếu cuộc sống này thiếu đi những con người như thế?

Hồng Khanh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục