Những cánh rừng của Hiền “trọc”

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/7/2011 | 2:59:10 PM

YBĐT - Cái đầu “hắn” trọc trơ như thể một tay “anh chị” đối chọi chan chát với cái tên lành như con gái: Lê Mai Hiền. Cái đầu thì trống trơ đấy nhưng 17 quả đồi với diện tích 100 ha cả thảy mà Mai Hiền đang sở hữu thì đã được phủ kín những cây xanh.

Lê Mai Hiền (giữa) thăm nương chè.
Lê Mai Hiền (giữa) thăm nương chè.

Cái đầu “hắn” trọc trơ như thể một tay “anh chị” đối chọi chan chát với cái tên lành như con gái: Lê Mai Hiền. Cái đầu thì trống trơ đấy nhưng 17 quả đồi với diện tích 100 ha cả thảy mà Mai Hiền đang sở hữu thì đã được phủ kín những cây xanh. Ở cái tuổi 39, Hiền “trọc” có lẽ không chỉ dừng lại ở danh hiệu vua rừng đất Tân Nguyên (Yên Bình) này.

Mới sáng ra mà Hiền “trọc” đã vào rừng tự bao giờ, hết vòng lên nương chè, đảo qua trảng rừng xanh ngút ngàn những keo, bồ đề rồi quay trở về lán kiểm tra gạo nước của người làm. Dẫu anh có không vào thì việc ở trang trại giờ đã có đứa cháu “quản gia” lo cho nhưng như thể ngày nào không nhìn thấy những cánh rừng của mình thì con mắt của Hiền không yên.

 Hết việc ở rừng, xưởng chế biến gỗ cũng đang chờ Hiền với cả đống việc. Những vạt rừng thụt lại phía sau, cái đầu trọc nhấp nhô trên con đường trở ra ngoài lộ, con đường đất nối quốc lộ với rừng do chính Mai Hiền mở mấp mô lên xuống thật đấy song chắc chắn cũng chả khấp khểnh, gập ghềnh bằng đoạn đường đời mà Hiền trọc đã đi qua để đến được với thành công của ngày hôm nay.

Vào rừng để trồng rừng

Trước ngày trở thành người trồng rừng, Hiền là tay buôn gỗ có đến chục năm trong nghề. Nhưng rồi một lần trắng tay vì hỏng hàng, mất giá. “Phải có một con đường đi mới để làm giàu chứ?”. Khát khao làm giàu dậy lên trong con người trẻ tuổi. “Bán nhà, mua rừng, trồng cây” - vợ Hiền không phản đối. Vay mượn thêm, Hiền “tậu” 50 ha đất rừng.

Người ta bảo “hắn” điên. Phải rồi, chuyện làm giàu với việc trồng rừng khi ấy ít ai nghĩ đến. Ba Hiền không đồng tình, nhưng Hiền đã quyết, ai ngăn được dẫu liều lĩnh và táo bạo. “Đất rừng đồi nhiều vậy sao không thể khai thác chứ?”. Mai Hiền có cái lý riêng của mình và “Cả một dự cảm nào đó về tương lai sáng lạn của nghề trồng rừng” nữa. Dự cảm của Hiền dường như bước đầu đã đúng khi cùng thời điểm đó có chủ trương phủ xanh 5 triệu ha rừng của Chính phủ.

Bỏ mặt đường lớn, Hiền trọc “tha” cả vợ và đứa con nhỏ mới bảy tháng tuổi vào rừng ở, đứa con gái lớn gửi lại nhờ ông bà. Ngày cả nhà tha lôi, bồng bế nhau vào rừng, trời bỗng nhiên sụt sùi mưa gió như báo trước những ngày khốn khó. Không một con đường mòn nào dẫn vào khe Hàm, Chỉ duy nhất một con đường đi là leo qua quả đồi um tùm lau lách. Một cái nhà thực sự là tranh tre nứa lá đã được Hiền tự tay dựng lên giữa khe Hàm, nhìn lên tứ bề là đồi núi lau lách rậm rạp, nhìn xuống trước mặt là hủm, là khe.

Những ngày “bĩ cực”

Ngay từ ngày đầu quyết định khởi nghiệp trồng rừng, Hiền “trọc” đã lường trước những khó khăn vấp váp nhưng khốn khó thực tế còn hơn cả sức tưởng tượng. Qui mô rộng lớn của trang trại khiến anh quay cuồng trong cơn thiếu vốn.

Hiền căng mình làm việc quần quật hơn cả người làm thuê: dọn rừng, đánh hốc, bốc trà, lựa cây... ; những chân đồi thấp thì tận dụng xới xáo trồng lúa; tranh thủ lấy ngắn nuôi dài, anh trồng cả chè, chặn nước làm ao thả cá, nuôi dê... “Vất vả quá, có đợt anh Hiền gầy dơ, lại cao những 1,83 m nên trông không khác gì một tên nghiện thuốc phiện khiến cả công an phải nghi ngờ” - người em trai thứ năm của Hiền còn nhớ chuyện ngày nào.

 Trồng cả vài chục héc ta rừng không thể không có đường. Hắn lại xoay xoả tìm tiền xả đất mở lấy con đường dài  hơn 2 km nối từ đường lớn vào rừng. Cộng với mấy nhánh đường lẻ dẫn lên những quả đồi, tất thảy Hiền mở 6 km đường trong 3 năm, ngốn trên 200 triệu đồng.

Những món nợ gồng gánh khiến đôi vai Mai Hiền luôn “trĩu nặng”: “Có một thời gian nghe người ta đồn rằng ở khe suối nơi này có rùa vàng cỡ 2 kg. Lúc ấy tôi luôn nghĩ rùa vàng là có thật, không ít lần mò mẫm dọc khe suối những mong gặp được rùa vàng để có món trang trải nợ nần. Lại có lúc nghe nói ở nơi này có đá quý, chỉ thiếu nước đào tung cái khoảnh đất trũng đang làm ao trước mặt lên nữa thôi”. Hiền trọc như tự cười mình khi nghĩ lại mối lo nợ nần ngày nào. Hư ảo đá quý và rùa vàng, chỉ Mai Hiền cần cù làm việc không kể ngày tháng là thật.

Năm 2000, ngày 30 tết, dưới tay Hiền và người cháu, bốn con trâu cày mệt nhọc còn phải thay nhau mà hai chú cháu vẫn cắm mặt xuống từng đường cày từ sáng đến tối. Chiều cuối năm, vợ Hiền hì hụi mấy cân gạo gói bánh chưng hết ngày mới xong nổi vì đứa con đang tuổi bò quậy phá.

Tối về, bưng bát cơm vợ rang khô khốc, nguội ngắt, nồng oi mùi khói ra đầu nhà và vào miệng mà thấy mặn chát. Khóc! Nghĩ cực thân thì ít mà thương vợ con thì nhiều! Giá như những cực nhọc hiện tại chỉ có mình anh gánh chịu thì có lẽ Mai Hiền chả xót lòng đến vậy. Bởi gì chứ cái sự nhọc nhằn, vất vả đã từng thì anh có thừa. Hiền vốn là con nhà nghèo chính cống. Không nghèo sao được khi nhà có tới mười miệng ăn chỉ trông vào làm nông nghiệp. Hiền nhớ rất rõ nhà anh nghèo thứ 3 trong thôn, chỉ sau gia đình của hai người đàn bà goá chồng khác. Những ngày trọ học cấp ba, Hiền vừa học vừa mượn ruộng chủ nhà trọ để làm lụng và lấy tiền ăn học.

Ngày nghỉ cuối tuần, có khi tranh thủ buôn cá hay đậu phụ... thế mà Hiền theo được con đường học hành đến tận những ngày học trung cấp tài chính kế toán ở Yên Bái, nhưng rồi cũng đành phải bỏ dở giữa chừng vì cuộc mưu sinh. Cũng vẫn là những ngày gian khó, song giờ đây khi dắt díu cả vợ con cùng đối mặt, lòng Mai Hiền như muốn vỡ vụn.

Chính cái sự không bao giờ kêu khổ của vợ khi chấp nhận theo chồng vào rừng, một tháng leo đồi đi chợ một lần, rồi khi có được con đường cũng chỉ một, hai tuần mới một lần đi chợ ấy khiến anh càng xót xa. Giờ hỏi lại khó khăn ngày cũ, người đàn bà đồng cam cộng khổ cùng chồng ấy “chỉ sợ nhất những đêm anh vắng nhà” chứ vẫn không một lời kể khổ.

Song đã “leo lên lưng hổ” rồi, phải tìm cách tiếp tục “cưỡi hổ” thôi! Sau hơn một năm ở rừng, anh lại lục tục kéo vợ con về lại đường lớn. Chị Hoa vợ Hiền mở lại cửa hàng tạp hóa còn anh quay sang buôn gỗ bồ đề lấy vốn nuôi những cánh rừng đang bắt đầu nẩy những mầm xanh non. Thế mà không chịu dừng lại ở 50 ha, Mai Hiền tiếp tục vay mượn mua thêm đất rừng, mượn thêm 15 ha nữa của Lâm trường Yên Bình đưa diện tích đồi rừng của anh lên đến 100 ha.

Đến thời “ thái lai”

Ngôi nhà sàn trị giá gần tỷ đồng xây dựng từ bàn tay lao động của hai vợ chồng Hiền.

“Nhiều rừng thế này bao giờ mới trồng hết?” - từng có người ngao ngán hỏi Mai Hiền như vậy. Cứ quần quật mãi rồi Hiền cũng phủ xanh được cả trăm ha rừng, lao đao mãi rồi vợ chồng cũng dắt nhau đi qua được những ngày gian khó. Sau 5 năm, những mầm xanh non ngày nào nay đã bắt đầu trả ơn người trồng. Gỗ rừng ngày một giá trị. Cái ngày xa xưa khi anh bắt đầu trồng rừng: “Gỗ bèo bọt lắm chỉ 80 nghìn một khối, thuê trâu kéo được ra đến ngoài đường bán thì cũng thành hòa. Khi ấy chỉ mơ bao giờ gỗ lên đến được 500 nghìn/khối là hạnh phúc lắm rồi”.

Chẳng phải mơ, giá gỗ lên đến tiền trăm, vài trăm rồi tiền triệu. Hiền bảo, với giá gỗ bây giờ, tính ra, 1ha rừng cho lợi nhuận cỡ khoảng 40 triệu đồng/năm tại rừng. Những khoản nợ lớn ngày nào nhanh chóng được tháo khỏi đôi vai hai vợ chồng.

Hết nợ, làm giàu. Anh khai thác rừng vừa bán gỗ thô, vừa chế biến thành gỗ thành phẩm theo đơn hàng. Cái cách mà anh bán gỗ cũng chẳng giống ai: “Kinh doanh, thời điểm bán sản phẩm là rất quan trọng. Những khi mưa gió, những ngày mùa màng, dịp lễ tết là những lúc người ta mải chơi hay bận bịu việc khác là thời điểm tôi tung sản phẩm của mình ra thị trường. Cách này trên thực tế đã đem lại lợi nhuận cho tôi nhiều hơn bình thường”.

Rừng trả công Hiền cộng với đầu óc kinh doanh, giờ đây trung bình lợi nhuận khai thác, chế biến gỗ rừng trồng cho vợ chồng Hiền mỗi năm cỡ nửa tỷ đồng là chuyện bình thường, chưa kể lợi nhuận từ chăn nuôi và cây công nghiệp ngắn ngày. Khi đã thành công với đất rừng anh lại muốn tìm thêm cho mình con đường đi mới.

Thử sức trong lĩnh vực vui chơi giải trí với trò trọi trâu, cả mấy trăm triệu đầu tư vào mua trâu, cả hơn tỉ đồng Hiền ném vào quả đồi, san gạt, hình thành nên một sân chọi trâu diện tích 6.000 m2 có sức chứa hàng vạn người ngay trên đất Tân Nguyên.

Với đầu tư mở sân trọi trâu này, Hiền “trọc” trong mắt người xung quanh vẫn là kẻ “điên” đầy liều lĩnh và táo bạo. Không biết rồi sẽ ra sao, song anh hào hứng lắm với dự định mỗi năm mở bốn hội trọi trâu vào những ngày lễ tết. Đầu năm nay, hội trọi trâu Tân Nguyên đầu tiên đã được khai màn rồi, bây giờ, anh đang náo nức chuẩn bị cho hội mới vào dịp Quốc khánh 2/9 tới đây...

Hiền trọc giờ đã thành kẻ có “máu mặt” không chỉ ở đất Tân Nguyên. Là người ta bảo thế chứ Hiền tiếng là giám đốc doanh nghiệp, là “vua” rừng nhưng vẫn vào rừng lên đồi, xuống xưởng bốc gỗ là chuyện thường ngày. Và quan trọng hơn là lòng “hắn” vẫn trước sau như một với tâm niệm sống rằng: “Giúp ai được gì thì mình cần phải cố giúp”.

Thu Hạnh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục