Chuyện bên rừng quế Đại Sơn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/6/2012 | 10:17:35 AM

YBĐT - Nếu nói rằng hương quế Văn Yên đã tỏa hương khắp các vùng miền trong nước và lan tỏa ra nhiều nước bạn như Trung Quốc, Đài Loan, Nga, Nhật, Mỹ… thì những vùng quê như Viễn Sơn, Đại Sơn, Xuân Tầm… là khởi nguồn của mùi hương cay nồng ấy.

Ở Đại Sơn, đâu đâu cũng ngút ngàn quế.
Ở Đại Sơn, đâu đâu cũng ngút ngàn quế.

Giống như mấy xã bạn, quế ở Đại Sơn có từ xửa xưa rồi, ngày nay vẫn vậy, chỉ có điều diện tích đã tăng lên đáng kể. Quế ở khắp núi đồi, quế mọc thành rừng, bên hiên nhà, ven đường làng, đường bản.

Chúng tôi về Khe Giang để ngắm nhìn 5 ngôi nhà khang trang, xây theo kiểu biệt thự, cả 5 ngôi nhà ấy đều do tiền bán quế mà ra và đặc biệt nhất chủ nhân của 5 ngôi nhà ấy đều là thành viên trong một gia đình.

Cụ Nguyễn Thị Nến đã 80 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn lắm, miệng bỏm bẻm nhai trầu, bảo: "Cây quế chẳng khác gì người Dao, người Tày Văn Yên: mộc mạc, chân thành và sức sống mãnh liệt. Đất cho ăn cơm, trời cho uống nước, cứ thế là vươn lên mạnh mẽ". Cả cụ ông và cụ bà đều là những "cây quế đại thụ" ở vùng quế Văn Yên này.

Nói như vậy là bởi ngay sau khi thành lập huyện Văn Yên cán bộ của huyện, của tỉnh đã về tận bản, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân để vận động nhân dân định canh, định cư, khai hoang ruộng nước, xây dựng cuộc sống mới và nhất là trồng thật nhiều cây đặc sản quế. Không ai khác, cụ ông, cụ bà không những là những người tin và nghe theo lời tuyên truyền của Đảng mà còn vận động thuyết phục bà con trong làng, trong bản làm như mình.

Nhà bà Nến trở thành một trong những nhà trồng được nhiều quế nhất Đại Sơn và cả của huyện Văn Yên này. Tinh thần cần cù, sáng tạo, ý thức trách nhiệm cao và sống có uy tín trong cộng đồng, ông cụ An (chồng bà Nến) trở thành cán bộ tốt, được kết nạp vào Đảng và đặc biệt là được về Hà Nội để gặp gỡ, trò chuyện với Bác Hồ.

Bà Nến kể: "Nhà tôi trồng nhiều quế lắm, hồi ấy chẳng có thước nào đo nổi diện tích, chẳng sức đâu mà đếm đủ số cây, chỉ biết là 6 quả gò trồng đầy quế. Nhà nhiều con, chia cho chúng nó, mỗi đứa cỡ chục ha. Nhờ có quế mà các con đều xây được nhà, nuôi dạy được các cháu trưởng thành cả".

Trò chuyện với cụ Nến, tôi mới biết một trong số những người con của cụ chính là anh Minh - Phó chủ tịch UBND xã. Anh Minh hiện là người có diện tích quế lớn nhất Đại Sơn (20ha), trong số ấy có 3ha quế mấy chục năm tuổi, đặc biệt có 30 cây quế được anh giữ gìn cẩn thận làm vườn quế bảo tồn nguồn gien quý.

Những ngôi nhà cao tầng hiện đại “mọc” lên từ tiền bán quế.

Anh Dương Văn Minh, người thôn 1 đưa chúng tôi đi ngắm nhìn rừng quế Đại Sơn từ Khe Giang, Khe Vầu, Khe Phầy… đâu đâu cũng ngút ngàn những quế là quế. Ven đường cái, vệ đường con, từ hiên nhà, bìa rừng lên đến khắp đồi, khắp núi! Rừng quế có sức hút kỳ lạ đối với các loài chim, mấy năm nay nạn săn bắn đã bị ngăn cấm hoàn toàn, súng kíp, súng hơi đã bị thu giữ hết thế là lũ chim rừng lại về rừng quế sinh sôi, nảy nở và cất cao tiếng hót véo von.

Anh Minh bảo, những mầm non xanh nhạt trên tán lá già xanh thẫm kia báo hiệu vụ 3 đã hết, giờ quế nảy lộc, hai tháng nữa mới đến vụ 8 khi ấy mới có thể bóc quế trở lại. Thì ra là thế, do đặc điểm sinh trưởng, tháng 3 và tháng 8 là mùa khô, vỏ không bám chắc vào thân gỗ, thời điểm này mới bóc được vỏ quế, tên gọi "vụ 3", "vụ 8" là vậy.

Anh Minh chỉ tay vào một cây quế ven đường, rồi tính cho tôi xem: Cây này 12 đến 13 năm tuổi, bóc được 9 đến 10kg vỏ khô, thu được hơn 1 tấc gỗ và hơn 1 tạ lá tươi. Vụ 3 vừa rồi quế vỏ giá không cao, mỗi cân trên dưới 20 nghìn đồng. Giá thấp nhưng bà con không bao giờ chán quế, mà cây quế vẫn giữ vị trí số 1 trong cơ cấu giống cây lâm nghiệp ở Đại Sơn và cả Văn Yên này.

Nói như vậy là vì với cây quế cái gì cũng ra tiền. Gỗ quế trước đây chỉ làm củi đun thì nay thương lái đến thu mua hết, loại to được 1,8 đến 2 triệu đồng/m3, loại nhỏ cũng 800 đến 900 nghìn đồng. Riêng lá quế, trước đây là mối nguy cho cháy rừng và gây hại cho thảm thực vật, nay thì các nhà máy chế biến vào tận nương để thu gom, giá lá tươi đã 1.300 đến 1.400 đồng/cân. Như vậy với cây quế 12 đến 13 năm tuổi tổng thu đã được 600 nghìn đồng, vỏ quế không còn là sản phẩm chính vì là quế được thu hoạch qua nhiều lần chăm sóc, đốn tỉa, trong khi số tiền bán thân gỗ chưa chắc đã kém tiền bán vỏ.

Theo báo cáo của UBND xã Đại Sơn, hiện nay toàn xã có 7.000ha rừng các loại, trong đó có 3.500ha rừng đặc dụng, diện tích còn lại là rừng kinh tế, đặc biệt là 2.800ha quế. Vụ xuân năm 2012, toàn xã trồng mới 170 ha rừng các loại, riêng quế đã lên tới 140ha. Hiện nay, quỹ đất cho phát triển thứ cây đặc sản này gần như không còn, quá trình khai thác, thu hoạch đến đâu bà con lại chủ động nguồn giống tốt để trồng lại ngay tới đó.

Ở Đại Sơn, nét văn hoá đẹp trong cuộc sống của đồng bào nơi đây là mỗi khi đón chào một thành viên mới thì ông bà, cha mẹ bao giờ cũng trồng cho đứa trẻ một ít quế, nay phong tục đó đã không còn, các anh cán bộ ở xã vẫn nói: "Phong tục ấy đã kết thúc đẹp, vì trước đây đất còn bỏ hoang nhiều thì mới làm vậy, nay người Dao, người Tày xã Đại Sơn hình thành nét văn hoá mới là cho con ra ở riêng lại chia cho chúng một bãi quế làm vốn!".

Chia tay vùng quế Đại Sơn, chia tay với những người nông dân thật thà và chất phác, hình ảnh mang theo là những ngôi nhà khang trang nép dưới rừng quế xanh ngút ngàn; hệ thống loa phóng thanh đang vang lên bài hát "Trăng sáng trên vùng quế" của nhạc sỹ Trọng Loan: "Trăng sáng trên núi cao cao, sáng mênh mông vùng quê người Dao".

Lê Phiên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục