Lạc trong “mê hồn trận” thực phẩm

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/7/2013 | 2:49:58 PM

YBĐT - Dùng thuốc kích thích sinh trưởng để phun cho rau, chè khi dư lượng chưa phân hủy đến ngưỡng cho phép đã thu hoạch đưa ra thị trường; sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng; dùng chất hóa học làm giá đỗ, bảo quản rau, quả, tẩy trắng bún... những sản phẩm mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn tiếp tục được đưa ra thị trường khiến người tiêu dùng hoang mang trước chất lượng thực phẩm hiện nay.

Người tiêu dùng rất khó nhận biết về rau an toàn.
Người tiêu dùng rất khó nhận biết về rau an toàn.

“Mê hồn trận ”thực phẩm

Chiều nào cũng vậy, sau khi tan sở chị Nguyễn Thị Nhung, tổ 32, phường Đồng Tâm phải loanh quanh vài vòng chợ Đồng Tâm mới chọn được thực phẩm cho bữa ăn của gia đình. Chị cho biết: “Bây giờ ra chợ, không biết mua gì, sờ vào thứ gì cũng thấy có thông tin không hay về thứ đó, không biết đâu là rau quả, cá, thịt sạch nữa đành mua theo nhãn quan và cảm tính của mình thôi. Các loại hoa quả cũng vậy, đồ của Trung Quốc tràn lan, tôi chỉ chọn mua chuối, mía, củ đậu v.v… địa phương mình trồng được”. 

Đang băn khoăn trước sạp rau với đủ loại rau xanh non mơn mởn, chị Chu Lan Phương, phường Yên Thịnh chia sẻ: “Tôi đang có thai đứa con đầu nên rất chú trọng đến việc ăn uống sao cho đảm bảo sức khỏe. Nhìn những mớ rau xanh ngon thật đấy nhưng nhiều khi non quá, ngon quá cũng sợ.  Mỗi ngày đi chợ mua thực phẩm với tôi là một bài toán khó, lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo ngộ độc cho người thân trong gia đình”.

Tâm trạng của chị Nhung, chị Phương cũng là băn khoăn chung của những người nội trợ hiện nay đó là làm sao mua được thực phẩm ngon sạch. Tuy nhiên, điều này thực sự khó bởi người nội chợ giờ như vào “mê hồn trận” thực phẩm. Vừa đến cổng chợ Đồng Tâm, có bà bê rổ trứng gà đến mời và giới thiệu là trứng gà nhà đẻ được có hơn chục quả tôi quyết định mua vì chẳng mấy khi gặp được mớ trứng ngon thế.

Đi một vòng quay ra lại gặp bà bán trứng lúc nãy đang mời một khách hàng khác cũng với những lời mời vừa nãy và tôi đã nhận ra là mình đã bị lừa. Thời buổi bây giờ, không biết ăn cái gì để yên tâm là "sạch” khi mà từ rau, củ, quả, đến thịt gà, thịt lợn, cá, trứng gia cầm… đều tẩm ướp hóa chất, không rõ nguồn gốc hoặc nhập lậu từ Trung Quốc.

 

Chất lượng nông sản phải được đảm bảo từ khâu sản xuất.

“Phần nổi của tảng băng chìm”

Bà Nguyễn Thị Thúy - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản tỉnh cho biết: “Để đảm bảo công tác quản lý chất lượng nông sản, Chi cục đã thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan tiến hành các đợt thanh tra, kiểm tra chất lượng nông sản tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông - lâm - thủy sản trên địa bàn.

Qua đó, có thể đánh giá, phân loại các cơ sở, phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm theo pháp luật”. Trong năm 2012, Chi cục đã tiến hành hai đợt kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại 51 cơ sở kinh doanh rau, thịt, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Lấy 9 mẫu thịt lợn, 7 mẫu rau tại 7 huyện, thị, thành phố chủ yếu là rau ngót, rau mùng tơi, rau cải, rau muống.

Qua phân tích có 2/9 mẫu thịt cho kết quả dương tính với chỉ tiêu Salmonelle (đây là loại vi khuẩn gây ra bệnh thương hàn, tiêu chảy ở người),  4/7 mẫu rau vượt ngưỡng cho phép hàm lượng Nitrat ở rau muống, củ cải, rau mùng tơi. Tuy nhiên, đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Theo số liệu của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ ngộ độc thực phẩm với 75 người mắc. 6 tháng đầu năm nay có 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 83 người mắc. Trong đó có 1 vụ ngộ độc thực phẩm hóa chất bảo vệ thực vật 2 người mắc, 1 vụ 4 người ngộ độc do uống rượu ngâm củ gấu tàu, 1 vụ 5 người ngộ độc do ăn thịt chó, 1 vụ 5 người ngộ độc do ăn dưa hấu...

Đặc biệt, ngày 24/6 tại xã Sùng Đô (Văn Chấn) đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại đám cưới làm 48 người mắc. Dù chưa có vụ ngộ độc thực phẩm nào gây nguy hiểm đến tính mạng con người nhưng đây chính là tiếng chuông cảnh báo nếu hàng ngày người tiêu dùng vẫn phải sử dụng những loại thực phẩm không an toàn.

Tuy công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng nông sản đã được đẩy mạnh, song hiệu quả chưa cao do các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị phân tích, kiểm nghiệm còn thiếu và chưa hiện đại, trong khi thành phần hóa chất có thể được sử dụng trên rau quả lên tới hàng trăm danh mục khác nhau.

Một nguyên nhân nữa là do tình trạng sản xuất manh mún nên chưa xác định được nguồn gốc của sản phẩm khiến khó kiểm soát chất lượng nông sản. Thời gian gần đây, từ nhiều nguồn thông tin làm người tiêu dùng lo lắng như: cam, quýt, táo lê của Trung Quốc mua về để hàng tháng vẫn không bị hỏng, những vụ bắt giữ thịt động vật, nội tạng, gia cầm không có xuất xứ vận chuyển lậu vào địa bàn tỉnh...

 

Gà nhập lậu không rõ nguồn gốc.

Theo Chi cục Quản lý thị trường, mặc dù các vụ nhập lậu thực phẩm không rõ nguồn gốc đã giảm nhưng vẫn còn diễn biến khá phức tạp. Với những thủ đoạn tinh vi, một lượng thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo vẫn len lỏi, trà trộn trên thị trường. Trong 6 tháng đầu năm, Chi cục đã kiểm tra xử lý 19 vụ vận chuyển gia cầm, trứng gia cầm, nội tạng động vật không rõ nguồn gốc.

Điển hình ngày 29/1, trên địa bàn huyện Yên Bình đoàn kiểm tra liên ngành đã bắt giữ xe ô tô biển kiểm soát 21H-2879 vận chuyển 200 kg nội tạng động vật đã ôi thiu, biến chất, ngày 16/5, Đội Quản lý thị trường cơ động phối hợp với cảnh sát giao thông kiểm tra xe ô tô 88C-00320 chở 230kg gà thương phẩm không rõ nguồn gốc... Nếu những mặt hàng này trót lọt thì người tiêu dùng chính là người phải chịu thiệt thòi với các loại bệnh bệnh tật tiềm ẩn trong đó.

Cùng với đó, do người sản xuất thiếu ý thức, chạy theo năng suất và lợi nhuận đã lạm dụng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và các loại thức ăn gia súc, gia cầm tăng trọng, hóa chất bảo quản… quá mức cho phép gây hại cho sức khỏe con người.

Thực tế, đã có chuyện dùng thuốc kích thích sinh trưởng để phun cho rau, chè, khi dư lượng chưa phân hủy đến ngưỡng cho phép đã thu hoạch, rồi đưa ra thị trường khiến nhiều người sử dụng bị ngộ độc. Rồi việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng. Đã có lúc người làm chè trong khi chế biến đã đưa cả bùn, đất, phân lân vào chè búp để tăng trọng lượng nhằm tăng lợi nhuận, bơm nước lã vào dưa hấu, vào gia súc, gia cầm để tăng trọng lượng, dùng hóa chất độc tạo màu nhuộm da gà, vịt cho hấp dẫn... cũng đã xảy ra.
          
Đảm bảo ATVSTP  - vấn đề cấp bách

Những sai phạm về ATVSTP thông thường bắt nguồn từ khâu sản xuất. Bởi vậy, vấn đề đặt ra ở đây là những hành vi vi phạm về ATVSTP chỉ được giảm thiểu khi chúng ta tăng cường kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ, khó có thể trông chờ vào sự tự giác cũng như lương tâm của các nhà sản xuất. Vậy, để giải quyết về vấn đề ATVSTP, rất cần có các chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp, người nông dân trong tạo nguồn cung nông sản an toàn.

Cùng với đó, các cấp, các ngành chuyên môn cần tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, đưa ra các giải pháp trong sản xuất nông sản đảm bảo ATVSTP đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về ATVSTP. Mặt khác, người tiêu dùng phải cẩn trọng, cân nhắc khi mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm, đặc biệt cảnh giác với những nông sản có nghi ngờ về nguồn gốc và độ an toàn.

Hồng Duyên

Các tin khác
Treo băng rôn và trang trí kỳ đài phục vụ buổi lễ.

YBĐT - Sau mỗi buổi lễ, trên khoảng sân vắng lặng, họ lại cần mẫn tháo từng chiếc băng rôn, khuân vác từng chiếc loa, từng tấm biểu ngữ đưa về vị trí trong kho, thu dọn sân khấu, sân trường, quét tước vệ sinh gọn gàng để cho ngày mai, mọi thứ lại được trả về với những gì vốn có của nó.

Dù tuổi đời rất trẻ, mới chỉ ngoài 30 nhưng nhiều người đã lên chức ông bà

YBĐT - Quan niệm kết hôn sớm để gia đình có người làm nương, sớm có cháu nối dõi là những tập tục đã ăn sâu bén rễ trong đồng bào dân tộc Mông huyện Trạm Tấu từ bao đời nay. Phong tục này đã khiến các em bé đang ở lứa tuổi cắp sách 15, 16 sớm bị “kéo” về. Vấn nạn tảo hôn nơi vùng cao Trạm Tấu vẫn đang diễn ra với những câu chuyện “cười ra nước mắt”…

Cơ sở vật chất điểm bưu điện văn hóa đã xuống cấp như không được đầu tư.

YBĐT - Em Nguyễn Thu Ngân - học sinh lớp 9, nhà đối diện với điểm BĐVH xã An Thịnh cho biết: “Sách cũ, nhà bẩn mốc, Internet hỏng anh bảo đến làm gì… Mà chẳng riêng gì em, các anh cứ ngồi đây cả ngày cũng chẳng ai đến đâu”.

Hầu hết các lái xe qua trạm cân đều chở quá tải cho phép.

YBĐT - Mặc dù mới được nâng cấp, sửa chữa nhưng nhiều đoạn trên tuyến quốc lộ 70 đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường bị lún sụt, ổ trâu, ổ voi xuất hiện ngày càng nhiều khiến nguy cơ về ùn tắc và tai nạn giao thông luôn ở mức cao. Đây là hệ quả của việc mỗi ngày cung đường này phải “gánh” tới hàng nghìn chiếc xe quá khổ, quá tải. Để hạn chế tình trạng này, giải pháp đặt trạm cân, hạ tải đã được thực hiện nhiều ngày qua nhưng liệu có giải quyết được tận gốc vấn đề?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục