Giáo dục mầm non: Công lập hay dân lập?
- Cập nhật: Thứ tư, 17/7/2013 | 9:25:30 AM
YBĐT - Mong muốn xin gửi con vào trường mầm non công lập (MNCL) - đó là một nhu cầu chính đáng của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, do dân số cơ học tăng nhanh trong khi tình trạng thiếu trường, thiếu lớp đang nan giải hiện nay nên ở một số khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, mỗi khi bước vào mùa tuyển sinh năm học mới lại khó tránh khỏi tình trạng nhiều phụ huynh đôn đáo, cố gắng xoay xở bằng mọi cách để có được một suất cho con vào trường MNCL…
Phụ huynh chờ đến lượt nộp hồ sơ cho con trong ngày tuyển sinh mầm non công lập.
|
Đổ xô công lập
Có mặt tại Trường Mầm non công lập H.B (thành phố Yên Bái) vào một ngày tuyển sinh cuối tháng 6, phải cố gắng lắm, tôi và người bạn đồng nghiệp mới len qua được đám đông để tiến đến gần phòng thu nhận hồ sơ. Giữa tiết trời oi bức của ngày hè, cảm giác ngột ngạt, khó thở ngày một tăng hơn khi nhiều bậc phụ huynh đứng chờ vây quanh tỏ rõ vẻ sốt ruột, lo lắng.
Trong vai một người đến nộp hồ sơ cho con, tôi đã hỏi nhanh chị N.T.T đứng gần: “Liệu nộp hồ sơ rồi, con mình có được nhận không chị?”. Chị T mau miệng trả lời: “Cũng không biết được vì nhà trường còn xét. Mà như năm ngoái, con của bạn tôi chẳng thiếu điều kiện gì nhưng chỉ vì nộp hồ sơ theo số thứ tự đứng sau một số bạn khác nên không được nhận. Thế nhưng, có cháu ở nơi khác và học không đúng tuyến thì lại đến xin học được, vậy nên tôi cũng chẳng hiểu thế nào:”.
Tình trạng phụ huynh đến trường từ sáng sớm và chen chúc để nộp hồ sơ cho con đã không còn là hiện tượng mới mẻ trong những năm gần đây ở một số trường MNCL trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Thành phố Yên Bái hiện đang có tổng số 26 trường mầm non với 196 nhóm lớp (công lập: 17 trường, tư thục: 9 trường), 10 trường nằm trên địa bàn xã, 16 trường nằm trên địa bàn phường. Với quy mô trường lớp hiện có, đến nay, cơ bản thành phố đã đáp ứng được nhu cầu đưa trẻ tới trường của các bậc phụ huynh.
Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc, khó tháo gỡ ở đây là nhu cầu gửi con vào trường MNCL của số đông phụ huynh hàng năm vẫn tăng cao trong khi chính trong hệ thống các trường MNCL của thành phố vẫn còn thiếu trên 20 phòng học và các phòng chức năng. Nói như vậy cũng có nghĩa là, nếu có đủ số phòng học và phòng chức năng thì thành phố sẽ đáp ứng được hết nhu cầu gửi trẻ của các bậc phụ huynh.
Theo kết quả điều tra theo dõi phổ cập giáo dục mầm non tháng 5/2013 của Trường Mầm non Bông Sen (thành phố Yên Bái), năm học 2013- 2014, phường Minh Tân (nơi trường đóng chân) có khoảng 180 trẻ (độ tuổi 2- 3) có nhu cầu ra lớp, song với điều kiện cơ sở vật chất hiện có (8 phòng học/11lớp), trong năm học mới này, nhà trường chỉ có thể tuyển sinh thêm 66 trẻ. Tương tự, Trường Mầm non Yên Thịnh hiện có 10 lớp (1 nhà trẻ, 9 mẫu giáo), với quy mô lớp học hiện có, trong năm học mới, nhà trường chỉ “được phép” tuyển thêm khoảng 70 trẻ, song theo kết quả phổ cập, số trẻ có nhu cầu ra lớp là gần 150, số hồ sơ nhà trường đã bán ra là trên 100 và trong ngày tuyển sinh số hồ sơ nộp vào đã trên 90.
Trao đổi với bà Đặng Thị Kim Oanh - Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo thành phố Yên Bái về việc giải quyết những khó khăn nêu trên, chúng tôi được biết hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đều có những hướng dẫn cụ thể về việc tuyển sinh gửi tới các trường MNCL. Hình thức tuyển sinh thường là xét tuyển theo thứ tự ưu tiên: trẻ 5 tuổi chưa ra lớp trên địa bàn phổ cập giáo dục; trẻ thuộc diện chính sách (con đẻ của người có công với cách mạng, mồ côi, bị bỏ rơi, có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, thu nhập thấp…); trẻ sinh sống ở khu dân cư, tổ dân phố gần địa bàn trường; trẻ có hộ khẩu thường trú trước, tạm trú sau; trường hợp trẻ ở cùng tổ nhân dân thì xét ưu tiên trẻ có thời gian sinh sớm hơn....
Với phương thức tuyển sinh hiện thời, có thể coi đây là một “giải pháp” góp phần làm giảm bớt những những áp lực trong công tác tuyển sinh tại các trường MNCL trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, nếu công tác tuyển sinh ở tất cả các trường đều thực sự đảm bảo đúng với mục đích, yêu cầu mà Phòng Giáo dục & Đào tạo thành phố đã đề ra là: “Công khai, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh học sinh; số lượng tuyển sinh phải đảm bảo vừa huy động tối đa trẻ trên địa bàn, vừa phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường và đảm bảo yêu cầu theo quy định của điều lệ trường mầm non” thì có lẽ thời gian qua đã không khiến nhiều phụ huynh cảm thấy “không vừa lòng”.
Chen chúc nộp hồ sơ cho con trong ngày tuyển sinh trường mầm non công lập.
Để đảm bảo tính “công khai, công bằng”, khi bước vào mùa tuyển sinh năm học mới, dạo qua các trường MNCL điều dễ nhận thấy nhất là hầu như trường nào cũng niêm yết ghi rõ đối tượng, số lượng cần tuyển sinh nhưng khi vào kỳ học thực thì những điều nói trên lại có sự “thay đổi” lúc nào không hay.
Năm học 2012- 2013, Trường Mầm non Sơn Ca (thành phố Yên Bái) đạt chuẩn quốc gia mức độ I có tổng số 9 lớp học, theo kế hoạch giao tuyển trẻ mới là 50, cộng với số trẻ cũ đang học tại trường là 270. Như vậy, trường sẽ có tổng số là 320 học sinh, song thực tế số trẻ theo học trường trong năm học vừa qua là 374. Việc tăng số trẻ so với quy định của của Bộ Giáo dục và Đào tạo không những không đảm bảo tiêu chí trường chuẩn mà về lâu dài còn làm ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ.
Để tránh xảy ra tình trạng gây bức xúc trong dư luận, phụ huynh thiếu niềm tin vào công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, hy vọng trong những mùa tuyển sinh tới, các trường MNCL sẽ thực hiện tốt công tác tuyển sinh đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu đã đặt ra.
Chưa mặn mà dân lập
Hệ thống các trường mầm non ngoài công lập (MNNCL) dân lập được coi là cứu cánh, góp phần chia sẻ gánh nặng quá tải khi mà hệ thống các trường mầm non công lập chưa đáp ứng được đủ nhu cầu học tập của trẻ. Tuy nhiên, vì sao vẫn còn nhiều phụ huynh chưa thực sự “mặn mà” với MNNCL…?
Yên Bái là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn. Hệ thống trường lớp mới chỉ đang trong quá trình kiên cố hóa và thành lập mới. Do đó, vấn đề thiếu trường, thiếu lớp không phải khó khăn riêng của cấp học nào, địa phương nào mà là của chung toàn tỉnh. Đối với thành phố Yên Bái, một trong những địa phương có mật độ dân cư đông nhất tỉnh, hàng năm tỷ lệ trẻ huy động ra lớp tăng cao, trong khi hệ thống trường mầm non công lập chưa thể mở rộng nên việc các trường MNNCL ra đời là một điều tất yếu, phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục của nhà nước.
Song, bên cạnh những mặt tích cực vẫn tồn tại những mâu thuẫn. Đó là hầu như phụ huynh nào cũng muốn gửi con vào trường công lập, vì chất lượng chăm sóc, giáo dục có thể chỉ tương đương giữa hai loại hình trường “công” và “tư” nhưng mức học phí và các khoản đóng góp ở MNCL lại thấp hơn.
Hiện tại, mức học phí tại trường MNCL ở các nhóm lớp (từ nhà trẻ đến mẫu giáo) do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chỉ ở mức dưới 100 nghìn đồng/tháng, song ở trường MNNCL (qua tìm hiểu trên địa bàn thành phố) thì do các trường đều phải tự chủ kinh phí nên học phí phải thu cao hơn, dao động từ 300- 500 nghìn đồng. Nếu kèm theo tiền ăn và các khoản đóng góp khác thì trung bình một trẻ nhỏ theo học ở trường MNNCL sẽ từ 800 nghìn đồng đến trên 1 triệu đồng/tháng, còn ở trường MNCL chỉ hết khoảng 500 nghìn đồng/tháng.
Sự chênh lệch này có thể không phải là điều “suy nghĩ” với những người có điều kiện kinh tế tốt, song với số đông là những người làm công ăn lương, lao động tự do, công nhân, buôn bán nhỏ… thu nhập ở mức trung bình, thấp, không ổn định thì bốn năm gửi con ở trường MNNCL là vấn đề khiến nhiều phụ huynh phải đắn đo, cân nhắc.
Vắng vẻ cổng trường mầm non dân lập ngày tuyển sinh.
Chị Nguyễn Thị Vân, phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái) cho biết: “Cả hai vợ chồng tôi đều là cán bộ công chức nhà nước hưởng lương cơ bản, mỗi người chỉ trên 3 triệu đồng/tháng nên kinh tế vốn eo hẹp lại thêm phần khó khăn vì cùng một lúc phải chi phí cho hai đứa nhỏ (3 tuổi và 5 tuổi) đi học trường MNNCL”. Tương tự gia đình chị Vân, gia đình anh Vinh ở phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) cũng vì thu nhập thấp nên đã không cho con ra lớp đúng độ tuổi. Anh Vinh chia sẻ: “Không xin được cho con đi học ở trường MNCL, gia đình đã để cháu ở nhà bà trông đến 4 tuổi mới cho đi học trường MNNCL”.
Ngoài lý do học phí là nguyên nhân chính khiến các phụ huynh phải cân nhắc, lựa chọn việc gửi vào trường MNCL hay ngoài công lập, thì thêm vào đó các yếu tố như: cảnh quan môi trường sư phạm, chất lượng chăm sóc giáo dục… ở một số trường MNNCL cũng chưa thực sự tốt khiến nhiều phụ huynh phân vân. Chị Đ.T.M- phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) cho hay: “Mùa đông năm ngoái, cháu nhà tôi đi học về, ở nhà nấu canh rau cải cúc nhất định cháu không ăn. Tìm hiểu ra mới biết, thời điểm đó rau rẻ nên nhà trường đã cho các cháu ăn rau đó cả tuần. Đầu năm học này, tôi đã chuyển cháu sang trường khác cũng vì nhiều lý do khác nữa”.
Trước những khó khăn, tồn tại đang đặt ra đối với cả trường MNCL và tư thục, điều các bậc phụ huynh mong muốn là sẽ sớm có một cơ chế, chính sách phát triển giáo dục mầm non một cách phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội từng vùng, miền. Việc phát triển mạng lưới quy mô trường lớp phải gắn với quy hoạch đô thị, xây dựng các trường MNCL ở các khu dân cư mới. Đồng thời, cũng phải tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động của các trường MNNCL về chất lượng chăm sóc, giáo dục, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và công tác thu chi tài chính.
Trên cơ sở đó, các ngành chức năng cũng cần tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập, tạo sự đồng thuận trong xã hội, giúp người dân coi trọng và đối xử bình đẳng với các sản phẩm, dịch vụ của cơ sở ngoài công lập như công lập.
Nhóm phóng viên Văn xã
Các tin khác
YBĐT - Tháng 7 năm nay vừa tròn 48 năm ngày đế quốc Mỹ đánh phá thị xã Yên Bái trong chiến dịch leo thang đánh phá miền Bắc lần thứ nhất. Mục tiêu của chúng tập trung đánh vào các công trình giao thông, cơ sở sản xuất công nghiệp, công trình văn hoá xã hội là nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện…
YBĐT - Đã nhiều năm nay, cứ đến mùa mưa lũ, để đến trường hơn 200 em học sinh ở các thôn bản bên kia suối Thia thuộc xã An Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đều phải đi mảng và đu trên những sợi dây thừng để vượt suối. Ước mơ về một cây cầu chính là khát khao bao đời nay của người dân xã An Lương.
YBĐT - Vùng thấp trung bình mất 2 giờ đồng hồ để xét xử 1 vụ án thì ở đây phải gấp đôi thời gian đó mà cứ 10 vụ xét xử thì có tới 8 vụ phải có thêm phần phiên dịch tiếng Mông. Mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý, mua bán người, giết người… là những hành vi nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đang có chiều hướng gia tăng ở các huyện vùng cao của tỉnh.
YBĐT - Đã mấy năm nay, mỗi ngày cứ 3 ca đều đặn, người "thầy" bị bán thân bất toại vẫn truyền đạt kiến thức cho những đứa bé nghèo ở vùng quê đầy khó khăn mà không hề toan tính chuyện tiền bạc. Người "thầy" đó đang vượt lên trên cả nỗi đau của bản thân để "gieo" những con chữ cho các học sinh nghèo này là anh Lý Xuân Tuyến ở thôn Phạ 3, xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình.