Những tiếng chuông cảnh tỉnh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/7/2013 | 8:57:52 AM

YBĐT - Vùng thấp trung bình mất 2 giờ đồng hồ để xét xử 1 vụ án thì ở đây phải gấp đôi thời gian đó mà cứ 10 vụ xét xử thì có tới 8 vụ phải có thêm phần phiên dịch tiếng Mông. Mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý, mua bán người, giết người… là những hành vi nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đang có chiều hướng gia tăng ở các huyện vùng cao của tỉnh.

Đông đảo nhân dân tham dự phiên toà xét xử lưu động tại xã Cao Phạ (Mù Cang Chải).
Đông đảo nhân dân tham dự phiên toà xét xử lưu động tại xã Cao Phạ (Mù Cang Chải).

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, nguyên nhân của tình trạng này là do phong tục, tập quán lạc hậu, hiểu biết pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế… Những vụ việc dưới đây là nỗi ám ảnh suốt đời của những kẻ phạm tội.

Cùng đoàn công tác của Tòa án nhân dân tỉnh đi xét xử lưu động một số vụ án tại địa bàn xã Cao Phạ và Nậm Có, huyện Mù Cang Chải mới thấy sự nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng của từng vụ án. Vụ “Mua bán người” xảy ra vào khoảng tháng 6/2010.

Đối tượng là Vàng A Nhà sinh năm 1990, trú tại thôn 9, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên đã dùng điện thoại trao đổi và làm quen với Sùng Thị Sông, trú tại bản Tu San, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải lừa tên mình là Phong, gia đình ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Nhà đã tìm đến gia đình Sông chơi, vờ yêu đương và hứa hẹn đưa Sông về lấy làm vợ nhưng thực chất để lừa bán Sông sang Trung Quốc với giá 8.000 nhân dân tệ. Đến ngày 16/6/2011, Sông được Công an Trung Quốc trao trả về Việt Nam.

Ngày 4/1/2013, Sông làm đơn tố cáo hành vi phạm tội của Nhà và đề nghị cơ quan pháp luật buộc Nhà phải bồi thường danh dự, nhân phẩm với số tiền 30 triệu đồng. Nhận được đơn tố cáo, cơ quan chức năng đã nhanh chóng bắt giữ Nhà tại nơi cư trú. Qua đấu tranh, Nhà đã khai nhận trước đó đã nhiều lần phối hợp với một số đối tượng khác ở tỉnh Lào Cai đưa nhiều phụ nữ sang Trung Quốc bán. Với những bằng chứng hành vi phạm tội, Toà án nhân dân tỉnh đã tuyên án Vàng A Nhà 7 năm tù giam và tổng hợp hình phạt với những bản án trước đây, tổng cộng mức án mà Nhà phải chấp hành án 30 năm tù giam.

Vụ thứ hai về hành vi “Mua bán trái phép chất ma tuý”. Vụ việc xảy ra vào sáng ngày 19/1/2013, Giàng Thị Cở sinh năm 1979, trú tại bản Trống Màng Mủ B, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải gọi điện cho Lảo Thị Ly sinh năm 1965, trú tại bản Giàng Phổng, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La hỏi mua hêrôin. Ly đồng ý và nói có hêrôin bán với giá 20 triệu đồng/lạng.

Sau khi 2 bên giao tiền và hêrôin xong tại khu vực chợ ngã ba Kim, thuộc xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải. Cở bắt xe khách về nhà đến khu vực bản Trống Màng Mủ B thì bị Công an huyện bắt với tang vật thu giữ là 23,19 gam hêrôin. Căn cứ vào hành vi phạm tội của hai bị cáo về hành vi “Mua bán trái phép chất ma tuý”, Toà án nhân dân huyện tuyên phạt  Giàng Thị Cở 10 năm tù giam, Lảo Thị Ly 16 năm tù giam.

Cách đây hơn 5 tháng, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải xảy ra vụ án gây xôn xao dư luận về hành “Giết người” của Hà Văn Phương sinh năm 1982, dân tộc Thái, trú tại bản Lìm Thái, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải. Trước khi xảy ra vụ án, Phương liên tục bị chảy máu mũi (chảy máu cam) và nghi chị Lò Thị Chềm (tức Tòng Thị Chềm) sinh năm 1972, người cùng bản thả ma vào nhà làm Phương bị bệnh. Chữa không khỏi, Phương nảy ý định giết chị Chềm để trả thù.

Vào khoảng 18 giờ, ngày 19/2/2013, tức chiều 30 Tết, Phương lên hang đá gần nhà đã lấy khẩu súng kíp được cất giấu từ trước và đem về nhà nhồi thuốc súng bắn thử.

Khoảng 20 giờ cùng ngày, Phương lấy súng và thuốc nổ và một số viên bi sắt để nhồi làm đạn đến nhà bố mẹ đẻ gần đó, Phương nói: “Đêm nay con trả thù người thả ma vào nhà con”. Nghe thấy vậy, mọi người can ngăn nhưng không được. Phương bỏ về và đến chỗ giấu súng và mang súng đi men theo bờ mương xuống nhà chị Chềm. Khi nghe thấy nhiều tiếng súng do người dân bắn đón giao thừa, Phương đã dùng súng ngắm bắn vào đầu chị Chềm. Phương đã bị cơ quan chức năng bắt giữ và làm rõ hành vi phạm tội “Giết người”.

Tôi đã đi chứng kiến nhiều vụ toà xét xử lưu động nhưng chưa gặp vụ nào người dân đến xem các phiên toà lại đông như ở đây. Mới 7 giờ sáng đã có hàng ngàn lượt người dân của các xã Cao Phạ, Nậm Có, Púng Luông (Mù Cang Chải), Tú Lệ (Văn Chấn)… đến xem xử án.

 

Đối tượng Hà Văn Phương trước vành móng ngựa.

Ông Sùng A Chu, trú tại bản Tà Chơ, xã Cao Phạ năm nay 70 tuổi đến từ rất sớm nói: “Nghe thông báo của tòa án và UBND xã hôm nay xét xử vụ mua bán trái phép chất ma tuý và vụ Hà Văn Phương về tội “Giết người”; người dân trên bản kéo xuống đông lắm, già có trẻ có. Kẻ buôn bán ma tuý, kẻ giết người, cần phải được xét xử nghiêm minh theo pháp luật. Về nhà tôi sẽ kể cho mọi người trong gia đình nghe để mọi người sống và làm việc theo pháp luật, trở thành những công dân tốt”.

Ông Lường Văn Chí, Trưởng bản Lìm Thái, xã Cao Phạ đến dự phiên toà phản ánh: “Vụ việc xảy ra đối với chị Chềm hôm đó buồn lắm. Nhà nhà trong bản đang đón Tết vui xuân thì Phương lại gây ra việc tày đình như vậy. Gia đình chị  ấy vất vả lắm, 5  người con, cháu út năm nay mới gần 10 tuổi, cuộc sống hàng ngày chỉ nhìn vào mấy sào ruộng, chồng thì đi làm thuê kiếm sống. Bà con mong muốn tòa xét xử nghiêm để người dân thấy đây là bài học đắt giá”.

Trong buổi làm việc với Toà án nhân dân huyện Mù Cang Chải, Chánh án Nguyễn Xuân Hà, người đã có nhiều năm gắn bó với công tác xét xử tâm sự: “Vùng thấp trung bình mất 2 giờ đồng hồ để xét xử 1 vụ án thì ở đây phải gấp đôi thời gian đó mà cứ 10 vụ xét xử thì có tới 8 vụ phải có thêm phần phiên dịch tiếng Mông. Có vụ án khi tòa xét xử đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý, Toà tuyên án phạt tù và thu hồi tang vật là chiếc xe máy thì  bị cáo cứ khăng khăng đòi bằng được chiếc xe máy cũ và xin toà cho thêm 1 năm ở tù miễn là không thu hồi chiếc xe. Vụ việc khác xử về án hôn nhân gia đình, khi toà đã chấp nhận cho 2 vợ chồng thuận tình ly hôn nhưng thời gian ngắn sau vẫn thường xuyên bắt gặp đôi vợ chồng này vui vẻ đèo nhau xuống chợ…”.

Đối với công tác xét xử án hình sự, trung bình mỗi năm trên địa bàn huyện có từ 25 đến 30 vụ việc. Năm 2012: 25 vụ 34 bị cáo, 6 tháng 2013: 11 vụ 23 bị cáo. Về án hình sự chiếm trên 70% vụ việc là án liên quan đến mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý. Những vụ việc đưa ra xét xử luôn được tổ chức kịp thời, đảm bảo đúng thời gian mà luật quy định. Toà án huyện đã quán triệt và vận dụng chính sách hình sự nhất quán của Đảng, Nhà nước kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm các loại hình tội phạm, đảm bảo không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm; nghiêm trị những kẻ chủ mưu, cầm đầu, tái phạm và tái nguy hiểm; khoan hồng đối với người thành khẩn khai báo, tố giác tội phạm, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.

Trước khi xét xử các vụ án hình sự, toà chủ động trao đổi với cơ quan điều tra, viện kiểm sát về những vấn đề, những chi tiết phát sinh khi giải quyết để thống nhất trong áp dụng pháp luật, góp phần ngăn chặn, răn đe tội phạm ở địa bàn vùng cao.

Hiện nay, tình hình tội phạm nói chung, đặc biệt là tội phạm hình sự có chiều hướng gia tăng. Đối tượng đa phần từ 18 đến 45 tuổi, ý thức và sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nhiều đối tượng vì hám lợi trước mắt dẫn tới phạm tội; tình trạng nhiều phụ nữ người Mông, Thái, Tày… nhẹ dạ cả tin bị lừa bán gần 10 năm nay không có tin tức với gia đình khá phổ biến. Những vụ việc trong bài viết này là tiếng chuông cảnh tỉnh, cho mỗi người, gia đình và toàn xã hội, đừng vì hám lợi, thù hận cá nhân để mắc vào vòng lao lý.

Cao Phong

Các tin khác
Lớp học tiếng Anh đặc biệt của thầy giáo Tuyến.

YBĐT - Đã mấy năm nay, mỗi ngày cứ 3 ca đều đặn, người "thầy" bị bán thân bất toại vẫn truyền đạt kiến thức cho những đứa bé nghèo ở vùng quê đầy khó khăn mà không hề toan tính chuyện tiền bạc. Người "thầy" đó đang vượt lên trên cả nỗi đau của bản thân để "gieo" những con chữ cho các học sinh nghèo này là anh Lý Xuân Tuyến ở thôn Phạ 3, xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh phát biểu tại Hội nghị sơ kết giai đoạn I Dự án 600 phó chủ tịch xã của Chính phủ triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Ảnh: Minh Thúy

YBĐT - Họ giàu nhiệt huyết, dám dấn thân vào thử thách và sẵn sàng mang sức trẻ đi đến những nơi rừng núi xa xôi để cống hiến... Tuy vậy, vì rất nhiều lý do, khách quan có, chủ quan cũng nhiều, để rồi những tân phó chủ tịch (PCT) xã thuộc Dự án 600 PCT xã tại 2 huyện nghèo: Trạm Tấu, Mù Cang Chải sau hơn 1 năm nhận công tác vẫn đang phải gồng mình vượt qua khó khăn trên con đường thực hiện nhiệm vụ.

Những vườn chè năng suất 30 - 40 tấn/ha ở Thái Lão.

YBĐT - Nếu có câu hỏi, chè ở đâu năng suất và chất lượng búp tốt nhất Yên Bái thì câu trả lời chắc chắn là Đồng Lú, Thác Hoa thuộc thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn). Người dân nơi đây có quyền tự hào bởi những nương chè xanh tốt của mình nhưng đằng sau nó còn biết bao câu chuyện khác nữa...

Người tiêu dùng rất khó nhận biết về rau an toàn.

YBĐT - Dùng thuốc kích thích sinh trưởng để phun cho rau, chè khi dư lượng chưa phân hủy đến ngưỡng cho phép đã thu hoạch đưa ra thị trường; sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng; dùng chất hóa học làm giá đỗ, bảo quản rau, quả, tẩy trắng bún... những sản phẩm mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn tiếp tục được đưa ra thị trường khiến người tiêu dùng hoang mang trước chất lượng thực phẩm hiện nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục