Về đâu rác thải nông thôn ?
- Cập nhật: Thứ tư, 7/8/2013 | 9:02:37 AM
YBĐT - Những ngày trời nắng mùi xú uế từ những đống rác thải bốc lên khiến mọi người khó chịu, còn vào ngày mưa lượng rác thải trôi xuống hệ thống cống rãnh thoát nước gây ngập lụt, ảnh hưởng đến nguồn nước.
Những ngày mưa rác thải được đẩy xuống dòng suối gây ảnh hưởng đến nguồn nước.
|
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chính quyền các cấp huyện Lục Yên đã và đang có nhiều cố gắng, nỗ lực hoàn thành các tiêu chí nhưng đối với tiêu chí về môi trường, xử lí rác thải sinh hoạt nông thôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc đòi hỏi có sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền các cấp và cần có sự chung tay, đồng lòng, nhất trí cao trong nhân dân.
Thực trạng rác thải sinh hoạt nông thôn!
Thôn Khe Đươn và thôn Hồng Quang là hai tập trung đông dân cư của xã Động Quan, huyện Lục Yên, với gần 150 hộ dân làm nghề kinh doanh buôn bán dọc tuyến quốc lộ 70 nên lượng rác thải sinh hoạt của các hộ dân nơi đây cũng khá nhiều. Đủ các loại rác thải từ túi nilon, giấy vụn đến những mảnh chai, rác thải từ vật liệu xây dựng được người dân tập kết thành những đống nhỏ nằm ngay sát đường quốc lộ, thậm chí còn được vứt bừa bãi xuống hệ thống cống rãnh thoát nước của tuyến đường.
Đặc biệt, ở khu vực chợ thôn Hồng Quang - gọi là chợ nhưng đó cũng chỉ là cái ngã ba nhỏ mà đông đảo người dân ở đây đến mua bán trao đổi hàng hóa, lượng rác thải ở đây cũng không ít vì mặt hàng chủ yếu là nông sản, thực phẩm, từ hàng rau, măng, cá, thịt đến các loại thức ăn chín đều được tập trung tại khu vực này, không có cách xử lí người dân đành thu gom tất cả các loại rác thải vào một khu đất trống để đó vài ngày rồi mới mang đi đổ. Điều này đã ảnh hưởng đến môi trường, cũng như sinh hoạt, buôn bán của người dân.
Những ngày trời nắng mùi xú uế từ những đống rác thải bốc lên khiến mọi người khó chịu, còn vào ngày mưa lượng rác thải trôi xuống hệ thống cống rãnh thoát nước gây ngập lụt, ảnh hưởng đến nguồn nước. Biết việc xả rác thải như vậy ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của mình nhưng vì chưa có cách xử lí nào phù hợp nên nhiều người vẫn đành “nhắm mắt làm ngơ”, đến khi môi trường bị ô nhiễm thì cũng chỉ biết kêu phiền.
Bác Nguyễn Thị Gái - thôn Hồng Quang cho biết: “Rác thải ở đây chủ yếu là đổ xuống bờ suối. Tuy nhiên, đổ nhiều ra đấy nên cũng hơi có mùi ở khu vực dân cư, ảnh hưởng đến nguồn nước, nhân dân ở đây chỉ mong muốn làm sao có một hình thức xử lí rác thải sao cho phù hợp”.
Cần biện pháp xử lí
“Trong chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Động Quan, UBND xã đã xây dựng đồ án, quy hoạch 4 điểm tập kết, xử lí rác thải sinh hoạt nông thôn, riêng thôn Khe Đươn và thôn Hồng Quang có 2 điểm, thế nhưng đó vẫn chỉ là trên giấy tờ, chưa được triển khai thực hiện vì còn thiếu kinh phí”, ông Đỗ Xuân Tiến, Chủ tịch UBND xã cho biết.
Trước mắt, để giải quyết vấn đề rác thải ở 2 thôn trung tâm này, UBND xã đã tạm thời mở một điểm đổ rác tại Km 59+300 là khu vực giáp ranh giữa hai thôn, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đổ rác đúng nơi quy định nhưng ở bãi đổ rác tạm thời này việc đổ rác cũng không được thực hiện nghiêm túc, người dân vẫn “tiện đâu vứt đấy”, cùng với đó là đủ các loại rác thải chưa hề được qua phân loại, khó khăn cho việc xử lí thủ công là đốt. Hơn nữa, bãi đổ rác tạm thời này lại được đặt ngay trên sườn dốc của một con suối, nếu trời mưa hẳn rằng lượng rác thải của gần 150 hộ dân ở đây sẽ dễ dàng bị đẩy trôi xuống suối.
Không chỉ có xã Động Quan mà hầu hết việc xử lí rác thải sinh hoạt nông thôn hiện nay ở các xã trên địa bàn huyện Lục Yên đều chưa có hình thức phù hợp, hiệu quả. Đa số được xử lí bằng phương pháp thủ công là đốt và đào hố chôn, mà lượng rác thải hiện nay chủ yếu là nilon việc đốt như vậy sẽ ảnh hưởng đến môi trường không khí, nguồn nước ngầm. Những bãi đổ rác thải đều tập trung ở gần khu vực đông dân gây ô nhiễm môi trường tại khu dân cư, thậm chí có nhiều bãi đổ rác được đặt ngay sát những dòng suối. Vào những ngày mưa lũ, rác thải đều bị đẩy trôi xuống suối gây ngập lụt đường giao thông tại một số khu vực như đập tràn xã Minh Xuân, Yên Thắng, Liễu Đô, Mường Lai.
Ông Hoàng Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Mường Lai cho biết thêm: “Mường Lai có khu vực chợ và khu trung tâm xã, lượng rác thải ở đây khá nhiều, xã đã tuyên truyền, vận động bà con nhân dân tổ chức thu gom nhưng cũng chỉ biết thu gom vào một bãi đất trống rồi sau đó đốt, điều này đã ảnh hưởng đến môi trường không khí khu dân cư, xã đã quy hoạch điểm đổ rác những chưa có kinh phí để thực hiện, và cũng chưa tìm ra cách xử lí phù hợp”.
Trước thực trạng đó, UBND huyện Lục Yên chỉ đạo các xã tổ chức thu gom rác thải tại các khu vực chợ, khu vực đông dân cư đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân tự thu gom rác thải của mình, tiến hành xử lí nhưng vẫn chỉ xử lí bằng phương pháp thủ công.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Kim Trọng - Phó chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết thêm: “Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là thiếu kinh phí đền bù, xây dựng bãi đổ rác, khi có bãi đổ rác rồi thì việc tìm ra một phương pháp xử lí phù hợp với điều kiện của địa phương cũng gặp khó khăn. hơn nữa, bà con nhân dân ngoài các thôn trung tâm xã thì sinh sống không tập trung, rác thải chủ yếu là xả trực tiếp ra môi trường, ý thức về việc thu gom rồi đem đổ rác đúng nơi quy định chưa cao, vấn đề này chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân”.
Trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các địa phương đang cố gắng, nỗ lực từng bước hoàn thành các tiêu chí trong đó có tiêu chí về môi trường, cụ thể, chất thải, rác thải được thu gom và xử lí theo đúng quy định, không gây ảnh hưởng đến môi trường nhưng để giải quyết vấn đề này cần có sự quan tâm, đầu tư của chính quyền các cấp, tìm ra hình thức xử lí rác thải một cách phù hợp, hiệu quả.
Để bảo vệ môi trường và cuộc sống của mình, mỗi người dân trước hết cần nâng cao nhận thức của bản thân, hạn chế tối đa xả rác thải ra môi trường, đổ rác đúng nơi quy định, mỗi gia đình nên tự thu gom, phân loại và xử lí rác thải sinh hoạt của mình, các khu vực chăn nuôi, chuồng trại cần có những hình thức xử lí chất thải một cách hợp lí, hướng tới một môi trường trong lành và thân thiện hơn.
Duy Khánh
Các tin khác
YBĐT - Ngày mùa về, trên khắp cánh đồng của huyện Trạm Tấu, nơi đâu cũng nhộn nhịp. Nơi gặt lúa, nơi tuốt lúa, nơi be bờ, nơi nhổ mạ, nơi tiếng trâu lội bì bõm, nơi ruộng đã xanh những hàng lúa thẳng tắp xanh non mỡ màng. Tiếng nói, tiếng cười làm tan đi cái không khí oi bức thất thường tháng 7.
YBĐT - Mong muốn xin gửi con vào trường mầm non công lập (MNCL) - đó là một nhu cầu chính đáng của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, do dân số cơ học tăng nhanh trong khi tình trạng thiếu trường, thiếu lớp đang nan giải hiện nay nên ở một số khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, mỗi khi bước vào mùa tuyển sinh năm học mới lại khó tránh khỏi tình trạng nhiều phụ huynh đôn đáo, cố gắng xoay xở bằng mọi cách để có được một suất cho con vào trường MNCL…
YBĐT - Tháng 7 năm nay vừa tròn 48 năm ngày đế quốc Mỹ đánh phá thị xã Yên Bái trong chiến dịch leo thang đánh phá miền Bắc lần thứ nhất. Mục tiêu của chúng tập trung đánh vào các công trình giao thông, cơ sở sản xuất công nghiệp, công trình văn hoá xã hội là nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện…
YBĐT - Đã nhiều năm nay, cứ đến mùa mưa lũ, để đến trường hơn 200 em học sinh ở các thôn bản bên kia suối Thia thuộc xã An Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đều phải đi mảng và đu trên những sợi dây thừng để vượt suối. Ước mơ về một cây cầu chính là khát khao bao đời nay của người dân xã An Lương.