Tỉnh Yên Bái nhiều năm qua thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của hoàn lưu các cơn bão, dông bão, lũ quét, lũ ống gây thiệt hại nặng nề về người và của. Xác định rõ tác hại của thiên tai, tỉnh luôn đặt công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) trở thành nhiệm vụ hàng đầu.
Công tác PCTT - TKCN được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp nhằm chủ động phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó hiệu quả với diễn biến của thiên tai, thời tiết xảy ra. Các cấp, ngành, địa phương chủ động, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ PCTT ở mỗi cấp, ngành.
Các kế hoạch, phương án ứng phó, PCTT được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện kịp thời phù hợp với diễn biến tình hình thiên tai trong năm. Công tác dự báo, cảnh báo các diễn biến bất thường cũng như các nguy cơ thiên tai về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất được thực hiện hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác phòng ngừa, ứng phó, chỉ đạo PCTT.
Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng thiên tai ngày càng biến động, khó lường; do vậy, liên tục trong nhiều năm qua, người dân Yên Bái phải hứng chịu hàng chục đợt thiên tai. Điển hình như năm 2018, xuất hiện 15 đợt thiên tai làm 22 người chết, mất tích, bị thương 25 người, phá hỏng trên 550 công trình thủy lợi, hàng chục điểm trường học, ước thiệt hại kinh tế trên 1.000 tỷ đồng.
Năm 2019, xuất hiện 15 đợt thiên tai, làm 6 người chết, 5 người bị thương, gây hư hỏng 2.211 căn nhà, thiệt hại 902,2 ha sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, 3,39 ha nuôi cá và phá hỏng 87 lồng nuôi cá, 9.180 con gia súc, gia cầm bị chết, hàng trăm công trình công cộng bị hư hỏng… ước thiệt hại khoảng 39 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm nay, đã xảy ra 3 đợt thiên tai (dông lốc, mưa đá) tuy không thiệt hại về người nhưng thiệt hại về kinh tế khoảng 23 tỷ đồng.
Ngay sau khi mưa bão xảy ra, tỉnh tập trung khắc phục hậu quả, nhất là việc đảm bảo an sinh xã hội, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu, công trình thủy lợi, nước sạch, trường học... bằng sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị.
Có thể khẳng định, Yên Bái là một trong những địa phương đã nỗ lực và làm tốt PCTT, nhưng do địa hình miền núi chia cắt mạnh, nhiều khe suối, nhiều dân tộc sinh sống, phong tục tập quán còn có những hạn chế nhất định; đặc biệt, hiện tượng thời tiết nguy hiểm, mưa to kèm dông lốc, lũ, lũ quét, sạt lở đất liên tục xảy ra theo chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây, đã gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản, sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân.
Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn thừa nhận vẫn còn một số cơ quan, địa phương, nhân dân còn lơ là, có tư tưởng chủ quan trong PCTT; thiếu sự tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát chưa sâu sát, thiếu quyết liệt. Cùng đó, khả năng chống chịu thiên tai của cơ sở hạ tầng và một số công trình PCTT trên địa bàn còn yếu. Việc chằng chống nhà cửa, tu sửa công trình trước mùa mưa bão ở một số nơi chưa được nhân dân coi trọng.
Đặc biệt, vẫn còn không ít người dân coi thường tính mạng của mình và người thân, nên biết mưa lũ nguy hiểm vẫn ra sông, suối, lên nương làm rẫy… dẫn đến tình trạng người chết, người bị thương do bão lũ vẫn còn xảy ra.
Để giảm thiểu thiệt hại thấp nhất do thiên tai gây ra, ngay trong mùa mưa bão năm 2020 và những năm tiếp theo, tỉnh cần thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương rà soát, bổ sung hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch, phương án PCTT của tỉnh, sở, ngành, địa phương đảm bảo sát với thực tế. Trước mắt, ban hành kế hoạch kiểm tra của Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh về việc thực hiện PCTT - TKCN năm 2020.
Cùng đó, thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo, thông tin tuyên truyền về PCTT. Tiếp nhận, quản lý và vận hành hệ thống trang thiết bị dự báo, cảnh báo PCTT... Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông, thủy lợi phục vụ PCTT (kè chống sạt lở bờ sông, bờ suối, hồ chứa nước...); các công trình sử dụng nguồn vốn đầu tư công, đảm bảo tiến độ các hạng mục, khối lượng công trình phải hoàn thành trước mùa mưa lũ, hạn chế thấp nhất khả năng bị ảnh hưởng do mưa lũ.
Kiểm tra, quan trắc, khắc phục, gia cố đảm bảo an toàn hệ thống hồ, đập thủy lợi, thủy điện, có biện pháp tích nước đảm bảo sản xuất nông nghiệp, thủy điện phù hợp với điều kiện thực tế. Làm tốt công tác tổ chức lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện, hậu cần ở từng địa phương, gia đình để sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra theo phương châm "bốn tại chỗ”; không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống diễn biến của thời tiết, thiên tai.
Cùng đó, xây dựng các phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm thời tiết từng địa phương, khu vực. Thường xuyên kiểm tra các công trình đập, hồ chứa nước, thủy điện, thủy lợi... và có biện pháp xử lý kịp thời những điểm hư hỏng xung yếu để đảm bảo an toàn công trình, sinh hoạt và sản xuất, đời sống của nhân dân. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị thường trực để tham gia kịp thời công tác TKCN, cứu hộ, sơ tán... khi xảy ra thiên tai.
Ngọc Trúc