Theo ông Trần Công Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Đê điều (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT, toàn quốc có tổng số 9.080 km đê (đê sông, đê cửa sông 6.890 km; đê biển: 1.150 km), trên 2.700 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt có nhiệm vụ bảo vệ diện tích lớn, dân số tập trung đông và nhiều khu vực trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng tập trung ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Tuy nhiên, hệ thống đê điều ở nhiều địa phương đang bị xuống cấp do những tác động của thiên tai và con người. Theo thống kê, các tuyến đê từ cấp III trở lên còn 399 km đê thiếu cao trình; 683 km đê mặt cắt còn nhỏ; 160 km đê thường bị đùn sủi, thẩm lậu; 482 cống cũ, hư hỏng; 158 km kè sạt lở, hư hỏng. Có 230 trọng điểm xung yếu, cần đặc biệt chú ý trong mùa lũ, bão. Trong đó, cần đặc biệt chú ý các cống lớn, đã từng xảy ra sự cố như: cống Cẩm Đình (K1+700 đê Vân Cốc, Hà Nội), cống Liên Mạc (K53+450 đê hữu Hồng, Hà Nội), cống Tắc Giang (K129+452 đê hữu Hồng, Hà Nam),…
"Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 23 sự cố; đặc biệt, trong những đợt mưa lũ vừa qua, có một số sự cố nghiêm trọng, uy hiếp đến an toàn đê”, ông Tuyên cho biết.
Cụ thể, sự cố nứt dọc mặt đê, chân đê tả Đáy từ K130+096 - K130+365, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam với tổng chiều chiều dài khoảng 500 m, nứt dọc giữa mặt đê và chân mái hạ lưu, chiều rộng vết nứt từ 1-3 cm. Tổng cục Phòng chống thiên tai đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xử lý, tỉnh đã ban hành quyết định tình huống khẩn cấp khắc phục sự cố, tuy nhiên, việc triển khai xử lý sự cố vẫn chưa được thực hiện.
Ngoài ra, sự cố nứt đê đoạn K123+920 - K123+980 đê tả Hồng, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên cũng rất nghiêm trọng. Theo đó, ngày 03/8/2020, xuất hiện vết nứt dọc mặt đê dài khoảng 60 m, bề rộng vết nứt 1-2 cm. Địa phương đã xử lý giờ đầu, đào vết nứt hình nêm, đắp và đầm chặt. UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành tình huống khẩn cấp khắc phục sự cố, hiện đang tiến hành khảo sát, lập phương án xử lý triệt để sự cố.
Trong khi đó, do mưa lũ phức tạp cộng với việc Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng khiến mực nước ở nhiều hệ thống đê vượt mức báo động và gây ra những sự cố nghiêm trọng.
Theo đánh giá của ông Tuyên, những sự cố đê điều này là vô cùng nghiêm trọng, vì vậy, các địa phương cần huy động nguồn lực, tập trung xử lý các sự cố đê điều đã xẩy ra, bảo đảm chống lũ. Thực hiện nghiêm việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu theo phương châm "bốn tại chỗ”, bảo đảm thông tin liên lạc và báo cáo kịp thời khi có sự cố xảy ra.
"Tiếp tục kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, trang thiết bị theo phương án được duyệt để kịp thời xử lý khi có tình huống. Tăng cường thông tin truyền thông để các cấp, các ngành và người dân chủ động, tích cực tham gia bảo vệ đê điều, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là”, ông Tuyên khẳng định.
Mưa lũ còn diễn biến phức tạp
Theo ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục sự cố thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai), do ảnh hưởng của bão số 4, nhiều địa phương đã có mưa lớn, một số nơi lượng mưa lên tới trên 400 mm. Đã có 8 người chết và 1 người mất tích tại các tỉnh phía bắc do ảnh hưởng của đợt thiên tai này.
"Những ngày tới, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 sẽ tiếp tục gây mưa ở nhiều nơi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro từ tai biến địa chất, gây sạt lở đất, lũ quét. Trong khi đó, Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng cách biên giới nước ta khoảng 95km, tác động xả lũ không lớn nhưng làm mực nước dưới hạ du tăng lên. Việc xả lũ có thể còn tiếp tục diễn ra nên các địa phương phải chủ động các biện pháp ứng phó”, ông Quang nói.
Cũng theo ông Quang, từ trước đến nay không có quy định Trung Quốc chia sẻ thông tin xả lũ, tuy nhiên, thông tin quan trắc tại 5 trạm quan trắc đặt tại Trung Quốc có liên quan đến thượng nguồn sông Hồng thì được chia sẻ ngày 3 lần.
Đây là cơ sở để xác định có xả lũ hay không, tuy nhiên, nếu việc xả lũ được chia sẻ sớm, đầy đủ thông tin thì công tác dự báo, ứng phó sẽ tốt hơn.
Trong khi đó, theo ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, để giám sát được lượng mưa bên ngoài biên giới nước ta và chủ động công tác dự báo thủy văn cho các sông xuyên biên giới (trong trường hợp không có thông tin về số liệu đo thực tế của các nước khác), Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã vận dụng linh hoạt việc ước lượng lượng mưa từ số liệu vệ tinh (cho dù việc ước lượng này có nhiều sai số nhưng đây là cách duy nhất để xác định lượng mưa tại khu vực không có số liệu đo thực tế trên lãnh thổ quốc gia khác) kết hợp với phân tích dữ liệu gia tăng lưu lượng trạm thượng nguồn để tính toán nhận định lũ trên lưu vực sông Thao trên lãnh thổ Trung Quốc.
Kết quả tính toán cho thấy lũ ở khu vực Lào Cai tăng lên không quá lớn trong 12 giờ (0,9 m/12 giờ).
Vào lúc 7h ngày 21/8/2020 lưu lượng tại trạm Mạn Hảo (Trung Quốc), hạ lưu thủy điện Mã Đổ Sơn (cách biên giới Việt Nam khoảng 60-80 km) đã giảm nhanh khoảng 600 mét khối/s trong 12 giờ qua.
Tại Lào Cai đầu nguồn sông Thao (sông Hồng) trên lãnh thổ Việt Nam vừa trải qua một đợt lũ với mực nước đỉnh lũ đạt 82,58 m, trên báo động 2 là 0,58 m vào 17h ngày 18/8, sau đó xuống dần dưới báo động 1 vào trưa ngày 20/8.
Sau khi Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng (thủy điện Mã Đổ Sơn xả lũ từ 9h đến 17h ngày 20/8), mực nước tại Lào Cai đã lên lại và đạt mức 80,55 m vào sáng ngày 21/8, trên báo động 1 là 0,55 m; sau đó xuống mức 79,69 m vào 13h ngày 21/8, dưới báo động 1 là 0,31 m. Dự báo trong 12 giờ tới, mực nước sông Thao tại Lào Cai tiếp tục xuống nhanh, tại Yên Bái sẽ lên lại và đạt mức báo động 2 (31 m).
Ngoài ra, trên thượng nguồn sông Đà phía Trung Quốc, lưu lượng tại trạm Thổ Khả Hà đang giảm nhanh (700 mét khối/s) trong 24 giờ qua. Lưu lượng đến hồ Lai Châu trên sông Đà tiếp tục giảm và ở mức 3.200 mét khối/s.
Do ảnh hưởng của bão số 4 và các đợt mưa lớn từ 16-21/8, thủy điện Mã Đồ Sơn của Trung Quốc xả lũ vào ngày 20/8, mực nước lũ sông Thao tại Yên Bái đã lên trên báo động (BĐ) 3, đạt đỉnh ở mức 33,01 (trên BĐ3: 1,01m, lúc 19h/19/8), tại Phú Thọ lên trên BĐ1 và đạt đỉnh ở mức 17,52 m (trên BĐ1: 0,02 m, lúc 7h/20/8); mực nước sông Hồng tại Hà Nội đang lên (13h ngày 21/8 ở mức 5,72 m); mực nước sông Văn Úc tại Trạm thủy văn Trung Trang lên trên BĐ1: 0,06 m (lúc 19h/20/8); mực nước sông Trà Lý tại Trạm thủy văn Quyết Chiến lên trên BĐ1: 0,31 m lúc 19h/20/8.
Cũng theo ông Long, dự báo từ chiều nay đến ngày mai (22/8) ở khu vực Việt Bắc, Tây Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Do có mưa lớn, mực nước trên các sông suối khu vực thượng lưu lưu vực sông Hồng - Thái Bình sẽ lên lại và xuất hiện đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,0-3,0 m
Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên sông Thao (sông Hồng) có khả năng lên mức báo động 2; thượng lưu sông Chảy và các sông suối nhỏ lên mức báo động 1 - báo động 2.
(Theo chinhphu.vn)