Kiên Thành là xã vùng sâu ở phía Tây huyện Trấn Yên và có 2 suối lớn ngòi Rào, ngòi Gùa chảy qua. Ngoài ra, còn nhiều suối nhỏ, khe nước đổ về 2 suối lớn; địa hình đồi núi dốc nên hàng năm thường xảy ra lũ ống, lũ quét; đặc biệt ở thôn Đồng Ruộng, Đồng Song và sạt lở đất làm ảnh hưởng các tuyến đường, nhà ở, sản xuất ở tất cả các thôn.
Ông Hoàng Ngọc Chấn - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: trước mùa mưa bão năm 2020, UBND xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT - TKCN; phân công thành viên phụ trách thôn để đôn đốc, kiểm tra và chỉ đạo nhân dân thực hiện theo phương án đã xây dựng. Phương án PCTT được thực hiện theo phương châm 5 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và tự quản tại chỗ).
Trước mùa mưa, xã đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng kiểm tra các đập thủy lợi, các tuyến đường, kè chống sạt lở dọc các tuyến đường, cầu, cống, công trình thủy lợi có nguy cơ bị hư hỏng để xử lý kịp thời.
Để ứng phó hiệu quả với các tình huống do thiên tai gây ra, xã còn đặc biệt chú trọng xây dựng kế hoạch chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm.
Cụ thể, xã xây dựng lực lượng ứng cứu thiên tai tại chỗ và sẵn sàng ứng cứu người, tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết. Lực lượng tại chỗ khoảng hơn 2.000 người, gồm: công an xã, dân quân, cán bộ xã, đoàn viên, hội viên các tổ chức, đoàn thể.
Trang, thiết bị, dụng cụ ứng phó khắc phục, xã dự kiến huy động 18 xe ô tô các loại; 35 phao cứu sinh, 6 nhà bạt... Chính quyền cũng tuyên truyền, vận động nhân dân tự dự trữ các mặt hàng thiết yếu: lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu dùng đủ trong 5 ngày.
Lập kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm ở các đại lý nhỏ gồm: 1.200 kg gạo, 150 lít dầu hỏa, 100 kg muối ăn, 50 kg bột ngọt, 200 thùng mì tôm, 150 lít xăng để phòng tình huống sạt lở đất làm tắc nghẽn giao thông do mưa bão…
Rút kinh nghiệm từ thiệt hại của những năm trước, xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chỉ đạo các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức nhân dân về việc ứng phó với thiên tai, nhất là đối với các hộ đang sinh sống, sản xuất tại các khu vực xung yếu, ven suối, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập úng cao; rà soát các hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn, điều động lực lượng đến giúp đỡ khi có thiên tai.
Tổ chức hoặc lồng ghép tập huấn về nâng cao kiến thức, kỹ năng, nhận thức của cán bộ, nhân dân về kỹ năng PCTT. Thống kê, đánh giá nhà ở để thực hiện Quyết định 22 và 48 của Chính phủ hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở kiên cố tránh trú thiên tai.
Kêu gọi nguồn lực đầu tư các công trình PCTT như hệ thống kè chống sạt lở đất, lũ quét, đặc biệt tại các vị trí có độ dốc lớn, ta luy cao có thể sạt lở mạnh, nguy hiểm đến diện tích canh tác và người dân. Có kế hoạch sửa chữa cầu treo đi vào thôn An Thịnh, cầu sắt thôn Yên Thịnh để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại…
Anh Dũng