Trưa 16-9, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức họp khẩn ứng phó với bão số 5. Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp.
Sẵn sàng cho học sinh nghỉ học
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết theo dự báo, chiều 18-9, bão số 5 sẽ đổ bộ vào đất liền phía bắc Thừa Thiên Huế với cường độ cấp 10 - 11, giật cấp 12,13. Hiện nay, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã đưa cảnh báo rủi ro thiên tai cấp độ 4.
Ông Hoài nhận định, bão số 5 đổ bộ đúng lúc thời điểm thủy triều cao nhất. Đây là yếu tố gây sức tàn phá lớn, cần phải đặc biệt lưu ý.
"Ngoài tàu thuyền, nuôi trồng thủy hải sản có nguy cơ bị ảnh hưởng, các hồ thủy điện, thủy lợi, đê điều xung yếu là vấn đề đáng lo ngại nhất. Hiện có 55 hồ hư hỏng, 41 hồ đang thi công, cần bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết, sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra" - ông Hoài nói.
Vị trí và hướng đi bão số 5 - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Ông Hoài cho biết, các địa phương đã triển khai phương án quyết liệt, như Thừa Thiên Huế đang tập trung thu hoạch lúa và kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền. Đồng thời các địa phương cũng đang lên kế hoạch, sẵn sàng tiêu úng cho 98.000 hecta lúa mùa, nhất là Thanh Hóa, Nghệ An.
Ông cũng lưu ý cần sẵn sàng sơ tán dân khu vực nguy hiểm ven biển, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, nhất là khách du lịch ở các tỉnh ven biển.
"Theo kịch bản với cường độ bão đổ bộ cấp 10-11, giật cấp 13, Ban chỉ đạo cùng địa phương xây dựng phương án sơ tán trên 107.000 hộ với 548.000 người dân. Đồng thời, sẵn sàng tình huống cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn" - ông Hoài nói
Quân đội huy động gần 300.000 người
Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ Cứu nạn (Bộ Quốc Phòng), cho biết để ứng phó với bão số 5, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị nằm trong vùng ảnh hưởng của bão duy trì ứng trực 24/24h, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, rà soát các phương án đảm bảo cho an toàn cho các phương tiện, công trình của quân đội và nhân dân, sẵn sàng lực lượng phương tiện cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Bộ chỉ đạo Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận phối hợp với các địa phương, ngành thủy sản để kiểm đếm thông tin, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên vùng nguy hiểm di chuyển vào bờ tránh trú.
Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng, tính đến 10h ngày 16-9, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 58.000 phương tiện với 285.000 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 5 để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Thiếu tướng Đức cũng cho biết, Bộ Quốc phòng cũng chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, bộ chỉ huy quân sự các tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương chủ động các phương án ứng phó.
Không chủ quan như bão số 12 ở Khánh Hòa năm 2017
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, bão số 5 dự báo sẽ tiếp tục mạnh hơn, có thể lên đến cấp 12, giật cấp 13-14.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4, đây là mức cảnh báo cao nhất, nên các bộ, ngành, địa phương phải tập trung chủ động các phương án ứng phó với phương châm 4 tại chỗ.
Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương phối hợp với biên phòng, ngành giao thông thủy sản để kiểm đếm, đảm bảo an cho tàu thuyền, phương tiện vận tải vào nơi tránh trú hoặc ra khỏi vùng nguy hiểm, không để người dân ở trên tàu thuyền biển khi bão vào.
Kinh nghiệm cơn bão số 12 ở Khánh Hòa năm 2017 là một bài học. Địa phương chưa có kinh nghiệm, rất chủ quan đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Các địa phương phải có kế hoạch sơ tán, đặc biệt tâm bão Quảng Trị - Đà Nẵng. Trước khi bão đổ bộ phải sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nước ngập sâu, nhà ở không an toàn, khu vực ven biển...
(Theo TTO)