Miền Trung gồng mình ứng phó mưa lũ, phòng chống dịch bệnh COVID-19

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/12/2021 | 9:58:08 AM

Đợt mưa lớn liên tục trong những ngày qua khiến nhiều khu vực ở các tỉnh miền Trung: Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa… bị ngập sâu, nhiều công trình thủy lợi, đường giao thông bị hư hỏng nặng; nhiều khu dân cư bị chia cắt,… lãnh đạo các địa phương đã đi thị sát, đôn đốc các lực lượng tập trung ứng phó mưa lũ, phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Lũ trên sông Cái Nha Trang vượt mức báo động III.
Lũ trên sông Cái Nha Trang vượt mức báo động III.

Khánh Hòa: Nhiều khu vực bị cô lập hoàn toàn, hàng vạn người dân bị ảnh hưởng

Theo báo cáo nhanh sáng 1/12 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Khánh Hòa, mưa lớn liên tiếp những ngày qua đã gây sạt lở, ngập úng nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tổng lượng mưa 24 giờ qua (6 giờ ngày 30/11 đến 6 giờ ngày 1/12) các nơi phổ biến từ 30 - 125mm, một số nơi có lượng mưa lớn hơn. Do mưa lớn, kết hợp với hoạt động xả điều tiết các hồ chứa nước, nên trong đêm 30/11, lũ trên sông Cái Nha Trang lên nhanh, đạt đỉnh lúc 0h ngày 1/12 với mức 11,46m, trên BĐ3 là 0,46m; trên sông Dinh Ninh Hòa đạt 5,72m, trên BĐ3 là 0,02m.

Ứng phó với mưa lũ, nguy cơ sạt lở đất, trên địa bàn huyện Khánh Sơn đã tổ chức sơ tán 21 hộ 88 khẩu; tại Nha Trang có 38 hộ/132 khẩu tại các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương phải sơ tán đến nơi an toàn.

Do mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về nhanh, cùng với một số hồ chứa nước xả điều tiết đã gây ngập úng nặng nề nhiều nơi.

Tại Nha Trang ở các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp trong đêm 30/11 đến sáng 8 giờ sáng 1/12 bị cô lập hoàn toàn, mức ngập có nơi trên 2m.

Qua thống kê, ước tính có gần 8.300 hộ, với khoảng 35.000 người dân ở các xã này bị ảnh hưởng bởi ngập lụt.

Ở các địa phương khác, huyện Diên Khánh ngập lụt các điểm dân cư, các các vị trí vùng trũng dọc sông Cái (các xã Diên Đồng, Diên Thọ, Diên Lâm, Diên Điền, Diên Phú), ngập khu vực đồng ruộng thuộc xã Diên Thạnh, Diên Lạc; tại Ninh Hòa ngập úng tại nhiều khu vực ven sông Dinh Ninh Hòa; khu vực huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh ngập hầu hết các cầu tràn với mức ngập khoảng 1,5m.

Đối với các công trình, mưa lớn gây sạt lở một số đoạn thuộc bờ đê Sông Gốc, sông Đồng Điền (Vạn Ninh); Kè Sông Tô Hạp đoạn qua xã Ba Cụm Bắc (Khánh Sơn); nhiều tuyến kênh bị ngập sâu trong nước chưa xác định được thiệt hại.

Riêng các công trình giao thông bị ảnh hưởng nặng nề bởi ngập úng và đất đá sạt trượt gây ách tắc giao thông. Tại Ninh Hòa, Tỉnh lộ 1B  đất đá sạt lở tràn ra mặt đường khoảng 194 m3; mưa lớn làm tổng cộng 60 cây ngã ra đường.

Tại Nha Trang, đường Phạm Văn Đồng đất đá sạt lở lấp rãnh dọc, tràn ra mặt đường khoảng 230 m3; đường Nguyễn Tất Thành đất đá sạt lở lấp rãnh dọc, lề đường khoảng 96m3.

Tại Khánh Vĩnh, trên Tỉnh lộ 2, đường Sông Cầu – Yang Bay bị sạt lở nhiều nơi, tổng cộng có gần 300m3 đất đá tràn ra mặt đường.

Tại Khánh Sơn, Tỉnh lộ 9 sạt lở nhiều nơi với khoảng 427m3 đất đá, đường Tô Hạp – Sơn Bình cũng bị sạt lở nghiêm trọng với tổng cộng 347m3.

Hiện cơ quan chức năng đang tập trung hốt dọn, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường bị sạt lở.

Đối với sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng 800 ha lúa bị ngập nước (Vạn Ninh 450ha, Ninh Hòa 50ha).



Lực lượng vũ trang sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Bí thư Phú Yên: Khẩn cấp ứng phó mưa lũ, phòng chống dịch bệnh COVID-19

Ngày 30/11, đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh ký, ban hành Công văn 205-CV/TU yêu cầu các ban xây dựng đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn; huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các sở, ban ngành, MTTQ, đoàn thể tỉnh về việc triển khai các biện pháp phòng, chống mưa lũ và phòng, chống dịch COVID-19.

Trong những ngày qua, do mưa lớn kéo dài, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng ngập cục bộ, nước trên các sông, suối đang lên nhanh và tiếp tục lên trong 24 giờ tới. Một số hồ, đập bắt đầu xả lũ. Dự báo lũ trên sông Ba, sông Kỳ Lộ sẽ vượt mức báo động 3, sông Bàn Thạch đạt mức báo động 2-3, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông...

Để chủ động ứng phó hiệu quả với các tình huống mưa lũ trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp trở lại trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên yêu cầu:

Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động triển khai công tác phòng chống mưa lũ, đồng thời đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch ở địa phương, đơn vị mình. Chủ động triển khai kịp thời các biện pháp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại do mưa lũ gây ra, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Các huyện, thị, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên theo dõi, cập nhật bản tin dự báo thời tiết, mưa lũ, kế hoạch xả lũ của tỉnh để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các phương án phòng, chống mưa lũ ở địa phương. Tổ chức trực theo dõi tình hình 24/24 giờ, đảm bảo ứng phó với các tình huống xảy ra.

Kịp thời tổ chức di dời dân ở những vùng trũng thấp, xung yếu, ven sông, ven biển có khả năng ảnh hưởng triều cường, sạt lở do mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Chủ động tuần tra, cảnh giới, cắm biển cảnh báo, đưa người dân ra khỏi những địa điểm có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, sạt lở... Bảo đảm cung cấp đầy đủ lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết cho các khu vực sơ tán, xây dựng phương án khắc phục sau mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống nhân dân.

Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các sở, ngành, địa phương triển khai các phương án phòng, chống mưa lũ, nhất là an toàn các công trình đang thi công và hệ thống hồ, đập.

Triển khai các phương án xả lũ khoa học, có kế hoạch, vừa đảm bảo an toàn hồ đập vừa đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu. Sớm thông tin kế hoạch xả lũ để nhân dân chủ động ứng phó. Kịp thời khắc phục các sự cố tại các tuyến giao thông, đảm bảo giao thông được an toàn, thông suôt.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng sẵn sàng tham gia hỗ trợ các địa phương trong công tác cứu nạn cứu hộ, di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn các khu vực bị mưa lũ, nhất là các khu vực sơ tán dân đi, đến.

MTTQ Việt Nam và đoàn thể các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân chủ động phòng, chống mưa lũ, chấp hành, triển khai thực hiện tốt các phương án, biện pháp phòng, chống mưa lũ của cơ quan chức năng và địa phương, không được chủ quan, lơ là.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh thường xuyên theo dõi cập nhật, kịp thời thông tin diễn biến tình hình mưa lũ, dịch bệnh COVID-19 và công tác chỉ đạo phòng chống của các cơ quan chức năng để nhân dân biết, chủ động phòng tránh.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên yêu cầu các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách địa bàn tiếp tục tăng cường vai trò, trách nhiệm, bám sát địa bàn, chủ động phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt đồng thời công tác phòng, chống mưa lũ và phòng, chống dịch COVID-19.

Phú Yên: Mưa lớn, thủy điện xả lũ nhiều khu vực ngập nặng

Ngày 30/11, đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Phú Yên cùng đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra tình hình mưa lũ tại các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa và Đồng Xuân; kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hồ đập tại thủy điện Sông Ba Hạ và chỉ đạo công tác di dời, đảm bảo an toàn người và tài sản của nhân dân.

Lúc 15 giờ ngày 30/11, các hồ thủy điện xả qua tràn và chạy máy với lưu lượng: hồ thủy điện Sông Ba Hạ: 9.400m3/s, hồ thủy điện Sông Hinh: 2.000m3/s, hồ thủy điện Krông HNăng: 2.939m3/s, hồ thủy điện La Hiêng 2: 99,26m3/s. Từ chiều đến tối ngày 30/11, tỉnh Phú Yên tiếp tục có mưa to đến rất to.

Các hồ thủy điện và hồ thủy lợi tiếp tục xả lũ nên gây ngập lớn cho các địa phương ở vùng hạ du sông Ba gồm các huyện Sơn Hòa, Phú Hòa, TX Đông Hòa và TP Tuy Hòa. Nhiều nơi tiếp tục di dời dân và tài sản đến nơi an toàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế, cho biết: Dự báo nước lũ còn lên cao nên chính quyền các địa phương khẩn trương di dời người dân đến nơi an toàn. Đến 16 giờ chiều ngày 30/11, đa số các hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh đều xả lũ, tổng lưu lượng nước về đến khu vực TP Tuy Hòa khoảng 11.000m3/s.

Khoảng 19 giờ ngày 30/11, thủy triều dâng cao đạt đỉnh, cộng với sóng to và gió lớn làm nước biển dâng cao. Do đó, khi thủy triều chưa lên sẽ đồng ý cho xả với lưu lượng lớn, đến sau 16 giờ cho đến 18 giờ cắt giảm lưu lượng xả lũ về hạ du bảo đảm cân bằng nước và nhằm hạn chế ngập lụt ở hạ du. Sau khi thủy triều đạt đỉnh và rút thì tỉnh cho phép xả lũ trở lại đảm bảo cân bằng lưu lượng nước nhằm đảm bảo an toàn cho hồ đập và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.

Chủ tịch Phú Yên: Tuyệt đối không để người dân và các phương tiện giao thông đi vào vùng nguy hiểm

UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương phải khẩn trương thống kê và di dời người dân cùng tài sản đến nơi an toàn, nhất là ở vùng trũng thấp. Khi thực hiện di dời người dân phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Ở những tuyến giao thông ngập nặng phải bố trí lực lượng chốt chặn, cảnh báo; tuyệt đối không để người dân và các phương tiện giao thông đi vào vùng nguy hiểm.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các địa phương phải duy trì và thực hiện "4 tại chỗ” để ứng phó với mọi tình huống thiên tai do mưa lũ gây ra.



Công an huyện Tuy Phước vào thôn Hưng Nghĩa, xã Phước Nghĩa bị cô lập do lũ hỗ trợ đưa một người già bị bệnh đi cấp cứu.

Bình Định: 3 người chết và mất tích; hàng vạn nhà dân bị ngập, thiệt hại sơ bộ khoảng 124 tỷ đồng

Chiều 30/11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định cho biết, đợt mưa lũ từ ngày 29 – 30/11 đã có 2 người chết và 1 người mất tích, 2 người bị thương; thiệt hại sơ bộ khoảng 124 tỷ đồng.

Cụ thể, chiều 30/11, ông H.V.D. (46 tuổi, ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) bị nước cuốn trôi mất tích.

Tối 29.11, bà L.T.B. (79 tuổi, ở phường Nhơn Thành, TX An Nhơn) bị hụt chân té ngã tử vong khi bước xuống giường, lúc này đang có nước lũ ngập trong nhà.

Trước đó, chiều 29.11, bà Đ.T.Đ. (65 tuổi, ở xã An Dũng, huyện An Lão) đi làm rẫy qua suối bị nước lũ cuốn trôi, đã tìm thấy thi thể.

Mưa lũ đã làm 8 nhà bị sập, 23.605 nhà bị ngập nước; 76 ha lúa, 72 ha hoa màu bị hư hại; 3,2 tấn lúa bị ướt; 31,7 ha ruộng bị sa bồi, thủy phá; 1.250 con gia cầm bị nước cuốn trôi; 1.540 m kè, 17.143 m kênh mương, 5.410 m bờ sông, bờ suối, 26 đập bổi, đập tạm bị sạt lở, hư hỏng; 5.522 m đường giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng...



Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long và Đoàn công tác của tỉnh điều động ca nô vào các khu dân cư của xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước bị lũ chia cắt, sơ tán dân đến nơi an toàn.

Chủ tịch Bình Định: Tập trung bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho dân

Trong cả ngày 30/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại nhiều khu vực trong tỉnh.

Tại huyện Vân Canh, chiều 29/11 mưa lũ đã làm sạt lở, gãy một số cột điện thuộc tuyến đường dây 22 kV trên địa bàn huyện, gây mất điện cho hơn 3.200 khách hàng ở 6 xã, thị trấn. Đến kiểm tra sáng 30/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo ngành điện phối hợp với địa phương khẩn trương khắc phục sự cố, để người dân sớm có điện sinh hoạt; kiểm tra lại hệ thống lưới điện trên toàn tuyến để phòng, chống các sự cố.  

Tại huyện Tuy Phước, nơi có nhiều khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt, Chủ tịch tỉnh Bình Định chỉ đạo phải tập trung bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân; nhất là cảnh bảo, chốt chặn trên những tuyến đường bị ngập lụt; kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men, chữa trị... đồng thời cố gắng đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 khi sơ tán dân ở các vùng ngập lụt.

Thị sát trên QL 19 mới, thấy nhiều khu dân cư ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước bị chia cắt giữa mênh mông nước lũ, đồng chí Nguyễn Phi Long yêu cầu điều động ca nô để vào thăm các hộ dân có nhà bị ngập sâu trong nước, động viên bà con cố gắng vượt qua khó khăn, giữ gìn sức khỏe...

Tại thị xã An Nhơn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu phường, thị xã quan tâm tìm giải pháp hỗ trợ cho những hộ dân trồng mai bị thiệt hại nặng, đồng thời động viên bà con đoàn kết, cùng nhau khắc phục khó khăn do thiên tai gây ra.    

Chiều 30/11, kiểm tra các tuyến đường, cầu, tràn bị ngập lụt; kè chống sạt lở bờ sông... tại các huyện An Lão, Hoài Ân, đồng chí Nguyễn Phi Long chỉ đạo các địa phương, sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo vệ an toàn giao thông, tính mạng và tài sản của người dân; bảo vệ các công trình, khắc phục các sự cố bởi lũ lụt…

Kiểm tra tình hình ứng phó mưa lũ tại huyện Vĩnh Thạnh và huyện Tây Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh chỉ đạo huyện Vĩnh Thạnh theo dõi các điểm có nguy cơ sạt lở do mưa lũ, gắn bảng cảnh báo, khuyến cáo người dân đi lại an toàn; cần tập trung điều tiết tốt mực nước hồ Định Bình để tham gia cắt lũ, giảm ngập vùng hạ du và đảm bảo an toàn hồ chứa…

Tại xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn), nước lũ đổ về đã xói sâu và gây sạt lở khoảng 6.000 m3 đất hai bên bờ sông Côn tại khu vực có tục danh soi Nổ thuộc xóm 3, 4 thôn Hòa Thuận, đe dọa đến sự an toàn của 120 hộ dân/hơn 400 nhân khẩu. Làm việc với xã Tây Thuận, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu lãnh đạo xã theo dõi sát sao tình hình thời tiết, diễn biến mưa lũ để kịp thời di dời người dân sống tại vùng sạt lở hai bên bờ sông Côn đến nơi an toàn.

(Theo chinhphu.vn)

Các tin khác
Lũ trên sông Ba qua Phú Yên vượt mức báo động 3.

Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, tình hình lũ lụt tại huyện Tuy Phước.

Mưa lớn trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh Bình Định gần tương đương với mốc lịch sử năm 2016 làm nhiều khu vực bị cô lập; hàng ngàn nhà dân bị ngập sâu trong nước lũ; hơn 66.000 học sinh của tỉnh Bình Định không thể đến trường.

Các trường mầm non ở vùng cao cần chú ý giữ ấm cho trẻ. (Ảnh: minh họa)

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Yên Bái vừa có Công văn số 92/BCH-PCTT gửi thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại mùa đông năm 2021-2022.

Điểm sạt lở tại mố cầu dẫn vào khu dân cư Bằng La, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) vào sáng 29/11.

Ngày 29/11, ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho biết, từ tối qua đến sáng nay trên địa bàn huyện xuất hiện mưa to đến rất to, gây sạt lở một số tuyến đường và các mố cầu dân sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục