Yên Bái tập trung khắc phục thiệt hại sau rét đậm, rét hại

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/3/2022 | 1:48:11 PM

YênBái - Ngay sau khi đợt rét đậm, rét hại đi qua, các huyện, thị xã, thành phố đã báo cáo tình hình thiệt hại. Theo đó, toàn tỉnh có 1 người chết do lũ cuốn trôi, làm ngập 83,2 ha lúa xuân, 26,6 ha hoa màu và làm 94 con gia súc bị chết rét.

Nông dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải tranh thủ thời tiết ấm hơn sau đợt rét đậm, rét hại vừa qua để tiếp tục gieo cấy lúa xuân.
Nông dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải tranh thủ thời tiết ấm hơn sau đợt rét đậm, rét hại vừa qua để tiếp tục gieo cấy lúa xuân.

Theo thống kê, từ ngày 19 - 24/2/2022, do chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường, trong tỉnh xảy ra đợt mưa và rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất quan trắc được tại các trạm khí tượng vào sáng ngày 20/2: thành phố Yên Bái 9,9°C, huyện Lục Yên 10,6°C, thị xã Nghĩa Lộ 9,7°C, huyện Mù Cang Chải 9,4°C và mãi đến ngày 25 và 26/2 thời tiết mới có chuyển biến ấm hơn với nền nhiệt trên địa bàn tỉnh tăng lên cao nhất là 19 - 20ºC, thấp nhất 12-13°C. 

Ảnh hưởng của đợt không khí lạnh cũng đã làm nhiệt độ ở một số nơi vùng cao thuộc các huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Lục Yên giảm sâu, khiến nhiều nơi xuất hiện băng giá, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, nhất là chăn nuôi. 

Ngay sau khi có rét đậm, rét hại và băng giá xảy ra, tỉnh đã có công điện chỉ đạo, yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai ngay các biện pháp phòng, chống rét cũng như tổ chức họp chỉ đạo ngành chuyên môn triển khai các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương phòng, chống đói, rét cho gia súc, gia cầm. 

Đặc biệt, ban chỉ huy phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chuyên môn liên quan đã triển khai lực lượng trực tiếp về cơ sở để chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, đôn đốc, phối hợp cùng nhân dân chủ động che chắn nhà cửa, chuồng trại đảm bảo an toàn cho người và cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, chỉ đạo ban chỉ huy PCTT - TKCN các cấp tiếp tục duy trì lịch trực, theo dõi diễn biến thời tiết, giữ liên lạc 24/24 giờ và kịp thời báo cáo khi có thiệt hại xảy ra... 

Hiện nay, thời tiết đã ấm lên nhiều, nhưng các huyện, thị, thành phố vẫn đang tích cực chỉ đạo người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi để đảm bảo con giống cho tái đàn trong thời gian tới. 

Kiểm tra, rà soát khả năng sinh trưởng và khả năng phục hồi của mạ xuân và diện tích lúa đã cấy; thống kê diện tích mạ và lúa mới cấy có khả năng khó phục hồi ở 2 huyện là Mù Cang Chải và Trạm Tấu để có hướng khắc phục kịp thời. Đối với các diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng ở các địa phương vùng thấp, sau khi nước rút tập trung chăm sóc, phòng sâu, bệnh để đảm bảo năng suất. 

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, thời gian tới, thời tiết vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khả năng vẫn còn các đợt không khí lạnh tăng cường cũng như thời tiết cực đoan với bão lũ, thiên tai trong năm nay. Do vậy, người dân, chính quyền các địa phương cần chủ động các biện pháp phòng, chống đói, rét, bão lũ cho con người, cây trồng, vật nuôi; chủ động phương án khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm phòng là chính. 

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc chủ động phòng, tránh những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT - TKCN các huyện, thị, thành phố, từ ngày 19 - 25/2, thiên tai đã làm 1 người chết do lũ cuốn trôi (ngày 19/2) là ông Đặng Thừa Quan, sinh năm 1982, dân tộc Dao, cư trú thôn Khe Mạng, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên và đã tìm thấy thi thể vào ngày 23/2.

Trong sản xuất nông nghiệp, mưa lũ đã làm ngập 83,2 ha lúa xuân gồm: 5,5 ha tại thành phố Yên Bái, 66,5 ha tại huyện Trấn Yên và 11,2 ha tại huyện Văn Yên. Diện tích hoa màu ngập 26,6 ha gồm: 15,1 ha tại thành phố Yên Bái, 11,5 ha tại huyện Trấn Yên.

Riêng chăn nuôi, mặc dù được cảnh báo sớm để bà con chủ động đề phòng, song vẫn bị thiệt hại không nhỏ, với 94 con gia súc bị chết rét gồm: 48 con trâu, 21 con nghé, 11 con bò, 8 con bê, 4 con dê và 2 con lợn.

Đối với hạ tầng giao thông, mưa lũ làm trôi 2 cầu tạm tại xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên... và thiệt hại chung toàn tỉnh ước khoảng 1,6 tỷ đồng. 


A Mua

Tags Yên Bái rét đậm rét hại tìm kiếm cứu nạn Mù Cang Chải Trạm Tấu Văn Chấn Lục Yên sản xuất nông nghiệp chăn nuôi

Các tin khác
Người dân sống ven sông, suối cần chủ động theo dõi các bản tin thời tiết để chủ động phòng, tránh khi nước dâng lên. Ảnh minh họa

Do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp nên từ chiều tối ngày 06/3 đến đêm 08/3, ở Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, cục bộ có mưa vừa, mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh hiệu quả với diễn biến bất lợi của thời tiết, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh vừa có Công văn số 17 đề nghị các thành viên và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số nội dung sau:

Các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra, đặc biệt là các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bởi rét, khả năng xuất hiện rét đậm, rét hại trong tháng 3/2022. Ảnh minh họa.

Ngày 2/3, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra.

Lũ lớn cuốn trôi cầu tạm ở xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên (Ảnh minh họa)

Ngày 28/2, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về tăng cường phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nằm sâu trong vùng ảnh hưởng bởi không khí lạnh nên về đêm và sáng tiếp tục có giá rét.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục