Do ảnh hưởng của đợt mưa kéo dài, trong đó phải kể đến đêm 20/7 đến sáng 21/7 đã làm nhiều điểm trên quốc lộ 32 đoạn qua đèo Khau Phạ, thuộc địa phận xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải bị sạt lở đất đá, gây ách tắc giao thông. Ngay sau khi nắm được thông tin, huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo lực lượng công an tham gia ứng trực tại các điểm sự cố, hướng dẫn phân luồng giao thông, không để các phương tiện qua lại, tránh thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh đó, ngành giao thông vận tải cũng chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ, triển khai giải phóng đất đá sạt lở, khôi phục giao thông trong thời gian sớm nhất.
Ông Bùi Quốc Hương - Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ I cho biết: "Mưa lớn đã làm nhiều khối đất đá từ trên đồi cao đổ xuống, gây ách tắc hoàn toàn giao thông ở 9 điểm từ Km255 đến Km274. Đây là đoạn đường thường xảy ra sạt lở, Công ty đã huy động 4 máy xúc, 2 ô tô và nhân lực để nhanh chóng triển khai khắc phục. Đến 13h ngày 21/7, các phương tiện đã lưu thông trở lại bình thường”.
Theo thống kê, hiện nay tổng chiều dài hệ thống đường bộ toàn tỉnh là 8.959km; trong đó, đường cao tốc 80,5 km, quốc lộ 400 km; đường tỉnh có chiều dài 499,5km; đường đô thị có chiều dài 214 km; đường giao thông nông thôn 7.765 km... Các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh đi qua khu vực có địa hình vùng núi cao, địa chất phức tạp, độ dốc lớn, địa hình chia cắt. Nhiều đoạn tuyến có taluy cao, vực sâu, nguy cơ sạt taluy âm, taluy dương, sụt lún nền, mặt đường khi mưa bão xảy ra là rất lớn.
Do đó, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị bảo trì đường bộ quán triệt phương châm "Phòng tránh là chính”, chủ động thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ” trong quá trình xử lý sạt lở gây ách tắc giao thông; phân công các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai đi kiểm tra đôn đốc các nhà thầu xây lắp, đơn vị bảo trì đường bộ triển khai phương án phòng chống thiên tai tại các công trình đang thi công và kiểm tra đánh giá xây dựng phương án xử lý đối với những vị trí có nguy cơ trên các tuyến đường quản lý; xây dựng phương án phân luồng giao thông khi xảy ra ách tắc.
Đối với các vị trí có nguy cơ sạt lở, ngập lụt gây ách tắc giao thông cần tăng cường kiểm tra các cầu, kè, đường tràn, cống, nền đường, hệ thống báo hiệu đường bộ; báo cáo kịp thời các vị trí hư hỏng nền, mặt đường, kết cấu công trình cầu, cống, các vị trí cần gia cố để có biện pháp xử lý khắc phục trước mùa mưa lũ.
Theo Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ I - Bùi Quốc Hương, cứ khoảng 30 đến 50 km, đơn vị lại có một điểm tập kết máy móc, thiết bị để sẵn sàng triển khai khắc phục sự cố về giao thông; nhất là tại các vị trí xung yếu như: đoạn từ Km 348 - Km 356 (đèo Lũng Lô) quốc lộ 37; Km 237 đến Km 243 (dốc 3 tầng), Km 260 đến Km 274 (đèo Khau Phạ) thuộc quốc lộ 32 và tại tuyến đường tỉnh 174 từ thị xã Nghĩa Lộ đi huyện Trạm Tấu. Ngay khi xảy ra sạt lở, ách tắc, đơn vị lập tức huy động máy móc, phương tiện triển khai san gạt ngay.
Cùng với đó, ngành giao thông vận tải cũng thực hiện nghiêm chế độ thường trực, trực ban trong mùa lũ bão, thông báo đường dây nóng để nhận các thông tin về đảm bảo an toàn giao thông và các nội dung liên quan đến quản lý kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến đường. Mặt khác, thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết và tình hình mưa lũ để chỉ đạo triển khai công tác phòng chống thiên tai và đảm bảo giao thông kịp thời, hiệu quả.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, nhất là trong bối cảnh mưa nhiều như năm nay, thời gian tới, ngành giao thông vận tải tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình thời tiết, dự đoán những vị trí có khả năng bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ. Chuẩn bị đầy đủ, kỹ càng vật tư, nhân công, máy móc, bố trí máy đào tại những vị trí xung yếu để có thể sử dụng hiệu quả, khắc phục hậu quả bão, lũ trong thời gian sớm nhất.
Hùng Cường