Dự án 35.000 tỷ đồng trở lên sẽ do Quốc hội quyết
- Cập nhật: Thứ sáu, 7/5/2010 | 2:05:30 PM
Những dự án, công trình có quy mô tổng vốn đầu tư từ 35.000 tỷ đồng trở lên và sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên sẽ do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Đó là những nội dung trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, vừa được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào chiều 6/5.
Nhiều phát biểu tại Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc nâng quy mô vốn của công trình, dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư từ 20.000 tỷ đồng (mức hiện hành quy định trong Nghị quyết 66) lên 35.000 tỷ đồng là phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế và quy mô các dự án.
Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn lo lắng với việc các dự án bị xé lẻ để lọt qua cửa Quốc hội. Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng dẫn chứng, đường Hồ Chí Minh được chia ra nhiều đoạn và khi hoàn thành các đoạn mới xin Quốc hội cho… nối. “Lúc đó không cho nối cũng không được nữa”, ông Vượng nói.
Cùng với vấn đề trên, còn nhiều ý kiến băn khoăn về con số 30% số vốn nhà nước trong tổng quy mô vốn đầu tư. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt ra tình huống về những dự án, công trình sử dụng chưa tới 30% vốn nhà nước, nhưng con số tuyệt đối lại rất lớn.
“Sử dụng số lượng tiền lớn từ nguồn ngân sách thì phải xin ý kiến Quốc hội - tư tưởng chính phải là như vậy”, ông Lưu kiến nghị.
Từ năm 2006 đến nay, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư với 5 dự án, công trình quan trọng quốc gia: dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, công trình Khí - Điện - Đạm Bà Rịa - Vũng Tàu, phương án quy hoạch xây dựng Nhà Quốc hội, nhà máy thủy điện Lai Châu, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. |
Theo Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cần tính toán đưa các dự án, công trình sử dụng nhiều đất nông nghiệp vào nhóm này. Theo ông Vượng, với các vấn đề về dân số, bệnh dịch nông nghiệp, thiên tai… chúng ta không thể chủ quan với vấn đề an ninh lương thực.
Hiện các khu công nghiệp, các khu đô thị sử dụng quá nhiều đất nông nghiệp nên vấn đề bảo vệ đất này hoặc phải được thể hiện trong Nghị quyết hoặc phải được bảo đảm trong quy hoạch về đất nông nghiệp.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư, Võ Hồng Phúc phân trần, trong dự thảo Nghị quyết ban đầu, nhóm dự án, công trình ảnh hưởng đến môi trường bao hàm cả những dự án, công trình sử dụng 100ha đất lúa. Thậm chí khi thảo luận vấn đề này tại Chính phủ, một số Bộ trưởng còn đề nghị, dự án, công trình chỉ sử dụng 50ha đã phải xếp vào nhóm này.
“Nhưng khi đối chiếu các dự án của Hà Nội, TPHCM, các dự án sử dụng 100ha đất lúa là nhan nhản, Quốc hội không quyết định hết được nên chúng tôi loại ra”, ông Phúc lý giải. Tuy nhiên, ông Phúc cũng cho rằng, phải có cơ chế trong sử dụng đất để khống chế vấn đề này.
Một vấn đề khác của dự thảo Nghị quyết nhận được nhiều ý kiến là phát sinh tăng vốn đầu tư. Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng không đồng tình với quy định, khi dự án phát sinh tăng vốn đầu tư trên 20% Chính phủ phải báo cáo Quốc hội.
Theo ông Vượng, với những dự án lớn, chẳng hạn dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, 20% của tổng vốn đầu tư đã lên đến 11 tỷ USD - một con số rất lớn. “Chẳng nhẽ phải chờ phát sinh tới 11 tỷ USD mới mới trình Quốc hội”, ông Vượng phân tích.
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu kinh tế đảo đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14 - 15% thời kỳ 2010 - 2020, trong đó du lịch dịch vụ tăng trên 20%/năm, nâng mức đóng góp của kinh tế đảo trong nền kinh tế từ 0,2% hiện nay lên 0,5% vào năm 2020.
Thông qua Quỹ Fred Hollows, trong tháng 3 và tháng 4-2010, Chính phủ Australia đã liên tục ký kết các biên bản ghi nhớ tài trợ dự án về phòng, chống mù lòa tại 6 tỉnh, thành phố của Việt Nam là Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Hà Giang, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang và TP Hồ Chí Minh.
Đây là nhận định được đưa ra trong Báo cáo "Làn gió mới: Tương lai năng lượng bền vững của Đông Á" của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa mới công bố ngày 19/4.
Với tổng vốn đầu tư gần 740 tỷ đồng, cầu được xây dựng quy mô vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực và hệ dầm liên tục, có khả năng chịu được cấp động đất 8-9. Đây cũng là cây cầu có trụ thuộc loại cao nhất Việt Nam hiện nay (98m).