Yên Bình kết nối việc làm để giảm nghèo bền vững

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/11/2023 | 11:10:26 AM

YênBái - Huyện Yên Bình đã và đang đẩy mạnh triển khai các nội dung Tiểu dự án 4.3 "Hỗ trợ việc làm bền vững" cho lao động nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Các em học sinh và người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại Ngày hội việc làm huyện Yên Bình năm 2023.
Các em học sinh và người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại Ngày hội việc làm huyện Yên Bình năm 2023.

Ông Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết, trên địa bàn huyện hiện có khoảng trên 30.000 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; làm việc tại các công trình giao thông, xây dựng, dịch vụ, nhà hàng... Tuy nhiên, công việc của nhiều lao động còn chưa ổn định, mang tính thời vụ, thu nhập thấp. Nguyên nhân do thiếu kỹ năng, tay nghề, chưa tìm được công việc phù hợp. 

Vừa qua, huyện Yên Bình đã phối hợp tổ chức Ngày hội việc làm cũng như nhiều hoạt động tuyên truyền, thông tin về thị trường lao động - là những hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với mong muốn tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và người lao động trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động, góp phần hỗ trợ người lao động tìm được việc làm, doanh nghiệp tuyển dụng được nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu lao động. 


Có mặt từ sớm hòa chung bầu không khí đông vui, náo nhiệt của Ngày hội việc làm năm 2023 được tổ chức tại trung tâm huyện, em Lương Xuân Hoàng - học sinh lớp 12A4, Trường THPT Trần Nhật Duật hào hứng chia sẻ: "Năm nay là năm cuối cấp, em đến với Ngày hội việc làm với mong muốn tìm hiểu thông tin ngành nghề tuyển sinh và đào tạo. Đây là kênh thông tin quan trọng để em có thêm những sự lựa chọn về ngành học sau khi tốt nghiệp THPT”. 

Các đơn vị, công ty, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia Ngày hội việc làm đã mang đến hàng trăm vị trí việc làm cần tuyển dụng trong các lĩnh vực. Các em học sinh, người lao động trên địa bàn huyện được nghe nội dung giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh; các xu hướng phát triển, nhu cầu và các đòi hỏi của doanh nghiệp về năng lực, trình độ của nguồn lực lao động hiện nay. 

Nhiều doanh nghiệp cho biết đang có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn với điều kiện làm việc và mức lương hấp dẫn để người lao động lựa chọn. 

Ông Nguyễn Văn Long - Giám đốc Công ty cổ phần tìm kiếm và phát triển nguồn nhân lực GJOBS, Hải Phòng thông tin: "Một năm Công ty chúng tôi cung ứng khoảng chục ngàn lao động cho các doanh nghiệp gồm lao động mùa vụ, lao động dài hạn, lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, lao động quản lý các cấp. Người lao động sẽ làm trực tiếp tại Hải Phòng, sản xuất các linh kiện hoặc những sản phẩm liên quan đến điện, điện tử, ô tô… của các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Mức thu nhập dao động trong khoảng 8 - 12 triệu đồng/ người/tháng". 

"Đối với tỉnh Yên Bái, nguồn lao động đa số là lao động phổ thông, có xu hướng đi làm ngắn hạn. Chúng tôi kỳ vọng sau những chương trình kết nối như thế này sẽ có nhiều lao động Yên Bái đăng ký làm dài hạn cho các doanh nghiệp tại Hải Phòng” - ông Long nói. 

Các doanh nghiệp giới thiệu cơ hội việc làm đến các em học sinh trên địa bàn huyện Yên Bình. 

Có thể thấy, qua Ngày hội việc làm, các đoàn viên, thanh niên, người lao động trên địa bàn huyện có nhu cầu việc làm được tiếp cận thông tin và được hỗ trợ về học nghề, cơ hội tìm kiếm việc làm, xuất khẩu lao động, tạo sự kết nối trong công tác đào tạo, hướng nghiệp cho các em học sinh khối THPT, giúp các em sớm có cơ hội tiếp cận với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Xác định đào tạo và giải quyết việc làm chính là cơ hội để người dân thoát nghèo nhanh và bền vững, thời gian qua, huyện Yên Bình đã và đang đẩy mạnh triển khai các nội dung Tiểu dự án 4.3 "Hỗ trợ việc làm bền vững" cho lao động nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, bằng việc tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trên địa bàn về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, tạo việc làm bền vững để khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.  

Đẩy mạnh triển khai các nội dung trong Tiểu dự án 4.3, huyện Yên Bình cũng đã chủ động rà soát nhu cầu việc làm đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị cùng các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và doanh nghiệp trong nước để bàn các giải pháp hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu lao động  năm 2023 là 130 lao động.

Cùng với đó, huyện đã phối hợp tổ chức 7 phiên giao dịch lưu động tại các xã với trên 500 người lao động tham dự. Qua đó, giúp người lao động sớm tìm được việc làm phù hợp với nguyện vọng, sở trường của bản thân để tạo ra thu thập, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội tại địa phương.

Trên địa bàn huyện Yên Bình có 76.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm 66,3% dân số; lực lượng lao động khoảng trên 71.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 73,06%, tỷ lệ qua đào tạo có chứng chỉ từ sơ cấp trở lên đạt 28,72%; lao động nông nghiệp chiếm trên 50%. 

Thực hiện Tiểu dự án 4.3, hàng năm, huyện Yên Bình đã đào tạo nghề và hỗ trợ giải quyết việc làm cho trên 3.500 lao động của địa phương, góp phần đưa công tác giảm nghèo của huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm 3,58% (vượt 0,03% kế hoạch năm 2023); hộ cận nghèo giảm 1,17% (vượt 0,06%kế hoạch năm 2023).

Thanh Chi

Tags Yên Bái Yên Bình giảm nghèo việc làm doanh nghiệp người lao động

Các tin khác
Ông Cháng A Sai, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên thăm mô hình nuôi tằm của hộ nghèo trên địa bàn.

Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp huyện Trấn Yên đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ, tạo sinh kế cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống , góp phần đưa tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 1,75%.

UBND huyện Văn Yên hỗ trợ lợn giống cho các hộ nghèo thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp.

Tiếp nối nhiều cách làm sáng tạo đã thực hiện thời gian qua, năm 2024, huyện Văn Yên tiếp tục phát động phong trào thi đua “Dòng họ, thôn không còn hộ nghèo”, hướng tới xã không còn hộ nghèo để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo bền vững.

Lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Trấn Yên và UBND xã Quy Mông tham quan mô hình kinh tế của bà Phùng Thị Ý.

Nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Trấn Yên đã mạnh dạn thay đổi tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm trong phát triển sản xuất, làm chủ kinh tế gia đình, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương.

Mô hình nuôi dê núi của anh Sùng A Lâu, thôn Cang Dông và 2 thành viên trong tổ hợp tác nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao.

Bằng việc xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trong phát triển kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu đã đề ra những giải pháp cụ thể. Từ chỗ độc canh một loại cây trồng, nay ở các thôn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục