Gió bụi đường xa

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/3/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đã bao giờ bạn cảm thấy nỗi buồn trải khắp lòng mình? Đã bao giờ bạn cảm thấy niềm vui trong mình quá ít ỏi để đến nỗi không thể nở một nụ cười nhìn ngày trôi đi bình lặng? Đã bao giờ bạn cảm thấy thờ ơ với mọi thứ xung quanh mình? Một bông hoa hé nở, một tiếng rao đêm, giọt cà phê tí tách rơi... cũng không khiến lòng bạn xao động? Đã bao giờ bạn cảm thấy như thế chưa? Tôi đã hơn một lần cảm thấy như thế. Khi tâm hồn trở nên giá lạnh và khô cứng như thế thì tôi bỗng may mắn gặp một chuyến đi xa...

Những đứa trẻ của núi rừng.
(Ảnh: Hoàng Đô)
Những đứa trẻ của núi rừng. (Ảnh: Hoàng Đô)

Đó là chuyến công tác đến một xã vùng sâu, vùng xa dù thực tế chỉ cách thành phố vài chục cây số. Thế mà vào đó tôi gặp một khung cảnh khác hẳn. Đó là những con đường đất lầm bụi đến ngộp thở vào những ngày nắng và trơn nhuội bùn nhão vào những ngày mưa. Tôi đi đến đó vào một buổi sáng cuối đông đầy sương giá. Bụi và sương quyện vào nhau mờ mịt. Cũng may tôi mặc áo mưa nếu không sẽ bẩn hết vì quần áo đầy sương ướt sẽ ngấm đầy bụi. Khi vào sâu các thôn bản thì nắng cũng vừa lên, tôi nhìn rõ hơn những cảnh vật ở xung quanh mình. Nhưng chẳng thấy lá chỉ thấy bụi, tưởng như những chiếc lá cũng chẳng còn chỗ nào để mà hít thở khí trời và uống sương đêm được nữa. Tất cả chúng đều chuyển màu vàng của bụi, nhìn đã thấy ngộp thở và nhức mắt... Tôi bỗng chạnh nghĩ, chạnh thương cho những kiếp hồng nhan tha phương kiếm sống ven những con đường nhộn nhịp và cuộn đỏ bụi trần. Lại nhớ khi xưa, cụ Nguyễn Du đã từng hơn một lần đau đớn mà thốt lên trong “Truyện Kiều” rằng:

“... Tiếc thay trong giá trắng ngần
Đến phong trần cũng phong trần như ai!”
rồi: “... Đã đày vào kiếp phong trần
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi!”
rồi: “Bắt phong trần, phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao!”.

Ngẫm mà đau. Nào ai có muốn như vậy đâu? Sinh ra ai cũng là người, ai chẳng muốn rạng mày rạng mặt dưới mặt trời hơn là giấu mặt vào đêm dài sương lạnh?

Tôi lại đi... Quần áo in từng ngấn bụi, chiếc xe cà khổ của tôi cũng chuyển màu. Những tàu lá chuối rừng ven đường rách tướp, cũng xơ xác như những đứa trẻ đang kiếm củi ven đường mà tôi gặp. Bọn trẻ ở đây như những loài cây trên ngàn, cứ lớn lên thật hồn nhiên nhưng khỏe khoắn, vô tư. Những đứa trẻ có đôi mắt mở to đầy tò mò, lạ lẫm, nhưng trong veo lạ kỳ, soi vào trong đó tôi bỗng cảm thấy xấu hổ bởi bao nỗi chán chường đang đè nặng trong lòng mình, thấy những điều mình đang toan tính mới tủn mủn và vô nghĩa làm sao...

Những đứa trẻ bé bỏng nhưng đã cặm cụi đường rừng đến trường đi học; chúng ở trong những khu nội trú dân nuôi, tự mình nấu cơm và chăm sóc nhau. Mặt đứa nào cũng lem luốc và móng tay cáu bẩn nhưng tiếng cười thì hồn nhiên như gió trên ngàn. Chợt cảm thấy đau lòng khi nghĩ đến những đứa trẻ ngỗ ngược mà tôi đã gặp ở những chốn đủ đầy và sung túc hơn thế này nhiều lần... Có lẽ phải đưa chúng đến những nơi như thế này một lần trong đời, để chúng thấy quanh mình người ta đang sống ra sao, để thấy mình không có quyền được sống ích kỷ khi bao người vẫn còn đói ăn, đói chữ.

Và tôi lại nghĩ đến có bao người mẹ tảo tần với những gánh hàng, với những chiếc xe đẩy rong ruổi bán hàng khắp phố phường kiếm tiền nuôi con ăn học thành người. Trưa nắng rát lưng hay chiều rét tái tê vẫn thấy họ cất bước trên đường. Đôi khi lại thấy bóng họ lẫn vào khói bụi phố phường nhộn nhịp. Tôi không nhìn thấy mặt họ đằng sau những khẩu trang, nón đội đầu và áo chống nắng, nhưng tôi vẫn nhìn rõ đôi mắt họ ẩn dưới những món tóc bết mồ hôi. Những đôi mắt không mờ đi trước bụi bặm phố phường mà vẫn thăm thẳm và đau đáu một nỗi niềm quê xa.

 Tự nhủ rằng mình vẫn thường tự hào cho là mình đã được đến nhiều nơi, được đi nhiều chỗ nhưng liệu đã bằng những người mẹ, người chị kia chưa? Nếu đếm số bước chân họ đã đi suốt cuộc đời để gánh nặng nuôi con thì có lẽ sẽ trải suốt chiều dài của đất nước. Dù có đi thật xa đến đâu đi chăng nữa thì cũng chẳng bao giờ đi hết nổi lòng mẹ cha, nhưng mấy người đã biết được như vậy hay chưa? Hay có biết: để mình được đứng thẳng người và ưỡn ngực ra với đời thì mẹ đã phải cong mình gánh nặng cả đời?

Tôi lại nghĩ đến những chàng trai mang dáng vẻ của những chàng canh điền khỏe mạnh ngồi chờ việc ở chốn chợ người. Bụi bặm đô thành cũng in hằn lên từng bắp thịt và cánh tay trần mạnh mẽ của chốn quê. Áo nâu cũng phai bạc mồ hôi và bụi bặm nơi đất khách xứ người...

Ôi! Gió bụi đường xa... Càng đi xa càng thấy mình bé nhỏ và ích kỷ xiết bao! Đứng lại ven đường chờ một chiếc xe chở gỗ nặng lao đi trước, bỏ lại đằng sau cuồn cuộn bụi vàng mà nhủ rằng, mình cũng chỉ là một hạt bụi, một hạt cát bé nhỏ giữa mênh mông cuộc sống ngoài kia. Có thể mãi mãi nằm ở ven đường này, chỉ xao động lên một tí khi có người tình cờ lại qua; hoặc bám trên một chiếc lá, rồi một cơn mưa gió kéo đến lại trôi tuột xuống khe... Nếu diễm phúc hơn thì được là một hạt cát trong lòng con trai trai. Thứ “hạt đau, hạt xót” khiến con trai phải tiết ra tinh hồn là máu và nước mắt để bọc lấy rồi tạo nên những hạt ngọc dâng đời, cũng có khi con trai đau xót quặn lòng mà chết, ôm mãi hạt dằm trong lòng mình...

Gió bụi đường xa... Ôi! Gió bụi đường xa... Trời nồng nực quá, mơ một cơn mưa gió vần vũ để rửa trôi bao bụi bặm trên những khuôn mặt lá, mặt người, bao tâm hồn chai sạn và đang dần vẩn đục... để vạn vật lại tươi xanh, thánh thiện trước ngày xuân...

Nguyễn Thị Thu Hiền

Các tin khác
Sinh viên Vũ Thanh Mai.

Năm học 2007, Vũ Thanh Mai (sinh viên năm thứ 3 Khoa Cảnh sát điều tra Học viện CSND) là sinh viên duy nhất trong khối trường CAND có công trình cùng một lúc đoạt hai giải thưởng: giải ba nghiên cứu khoa học do Bộ GD&ĐT tổ chức và giải ba VIFOTEC (giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam), với công trình "Gia nhập WTO - thời cơ và thách thức trong giữ gìn an ninh quốc gia, củng cố quốc phòng, đảm bảo TTATXH".

Năm 24 tuổi, chị nhận học vị thạc sỹ; năm 28 tuổi, chị bảo vệ thành công luận án tiến sỹ Vật lý; năm 37 tuổi, chị đã được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước phong chức danh Phó Giáo sư và đã trở thành nữ Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam trong đợt phong chức danh 2007. Còn một niềm vui lớn nữa là cũng trong năm 2007, chị vinh dự được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao tặng giải thưởng "Phụ nữ tài năng toàn quốc thời kỳ đổi mới 2007".

YBĐT - Có lẽ không học sinh nào của Trường THPT Lê Quý Đôn huyện Trấn Yên (Yên Bái) lại không biết đến Bùi Khải Định. Định ở thôn 5, xã Hòa Cuông (Trấn Yên) và gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Trần Trọng Kiên

Mang trong mình niềm đam mê mãnh liệt với du lịch mạo hiểm, bác sỹ trẻ Trần Trọng Kiên đã bỏ sau lưng tấm bằng đại học y khoa để sáng lập Buffalo Tours - công ty tiên phong trong lĩnh vực giới thiệu các hoạt động du lịch mạo hiểm và các vùng đất chưa bị du lịch hóa trên lãnh thổ Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục