Người thầy tí hon

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/8/2008 | 12:00:00 AM

Lọt lòng mẹ, chỉ khoảng 20cm trong một thân hình dị tật vì chất độc da cam, 28 năm sau, Nguyễn Ngọc Phương cũng chỉ nhích vỏn vẹn được 90cm và nặng 20kg. Nhìn Phương, khó có ai nghĩ rằng cậu sẽ sống; thế nhưng, không những sống mà Phương còn lập nên những kỳ tích đáng nể phục.

Thầy Phương
Thầy Phương "tí hon" với những học trò bị chất độc da cam của mình.

Phương không những là chỗ dựa cho gia đình, mà còn là động lực sống cho hàng trăm trẻ em nhiễm chất độc da cam khác...

Trên những sải chân ngắn

Phương sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 6 người con ở Quế An, Quế Sơn, Quảng Nam. Lúc Phương ra đời, nhìn hình hài của con, bố mẹ chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng. "Lúc đó, bố mẹ tôi nghĩ, âu cũng là số trời, tại mình phước mỏng, họ chỉ biết quần quật làm việc để hy vọng kiếm đủ tiền sau này chữa chạy cho tôi.

Lúc đó, thông tin về chất độc da cam còn rất mù mờ. Lại thêm đứa em gái ra đời cũng bị khuyết tật giống như tôi, bố mới tìm hiểu và lúc này mới biết, chính những ngày đi bộ đội ở chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị, ông đã nhiễm chất độc dioxin...".

Đến tuổi đi học, cậu bé "hổng giống ai" cũng xin bố mẹ cho đến trường để vào lớp 1. Nhà Phương cách trường 5km đường núi và cậu bé vất vả lọ mọ mang trên lưng "gù" chiếc cặp to tướng đến trường.

Cả trường trong xã chỉ có 2 lớp 1, mới đầu cô giáo đuổi ra ngoài vì không có tên Phương trong danh sách. Phương chạy sang lớp khác học, nhưng lớp này cũng không có tên của mình... Cuối cùng, cậu chỉ biết chọn một góc nhỏ ngoài hành lang sát vách tường của lớp để ngồi nghe tiếng cô giảng vọng ra.

Phương kể với ánh mắt rất xa xăm: "Cô dạy cả lớp đánh vần, ở ngoài lớp tôi cũng nhẩm theo và thuộc lòng bài học rất nhanh. Chỉ thuộc lòng thôi chứ lúc đó viết chữ thì tôi thua, vì ngồi ở ngoài thì đâu có thấy chữ ngang chữ dọc gì trong lớp đâu?".

Hình ảnh của cậu học trò bất hạnh đã lọt vào mắt cô giáo cùng làng. Thế là Phương được chính thức... đi học. Học nhanh, sáng dạ, lại trội hơn so với các bạn cùng lớp, học được nửa học kỳ, các cô bàn bạc với nhau và chuyển thẳng Phương lên lớp 2.

Tuy nhiên, cánh cổng trường đã khép lại với Phương khi cậu bước vào năm học lớp 3. Nhà nghèo lắm, trường lại chuyển ra trung tâm xã cách xa nhà nên bố mẹ đành để Phương nghỉ học. Mỗi sải chân của các bạn cùng lớp cũng dài gấp mấy lần bước chân của Phương, mà họ còn có xe đạp để đi, huống hồ đôi chân tật nguyền ngắn ngủn làm sao đủ sức bước trên đoạn đường quá dài để đến trường. 

Ở nhà, không chịu ngồi yên một chỗ, suốt ngày Phương lục đục hết sửa cái này đến cái khác. Phương nghĩ, chẳng lẽ, cả đời lại cứ ăn bám bố mẹ mãi? Thế là, đến năm 15 tuổi, Phương quyết định xuống thị xã để đi tìm thầy học nghề.

Nhìn thấy Phương, nhiều người tròn to mắt chỉ trỏ giống như thấy người "ngoài hành tinh". Thậm chí, có người còn xì một tiếng và nói: "Lo ăn cho lớn chứ học cái nỗi gì!". Nhưng rồi cũng có những ánh mắt cảm thông và sẻ chia, thế là Phương cũng chọn được cho mình nghề để theo đuổi mà lại ít dùng sức như: Bơm hộp quẹt gas, mài tròng kính đeo mắt, sửa đồng hồ...

Làm việc miệt mài suốt ngày, thu nhập cũng không đủ ăn, trong khi những đứa em còn quá nhỏ, cuối cùng Phương quyết định khăn gói vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp, với suy nghĩ để tìm một tương sai sáng hơn. "Lúc đó, tôi chỉ mới 20 tuổi.

Người lành lặn tìm việc đã khó, còn tôi, "lạ nước lạ cái" mặt cứ ngơ ngơ,  đến đâu xin việc người ta cũng từ chối khéo. Tôi nhất quyết không cho phép mình bỏ cuộc. Suốt những ngày dài đeo đuổi xin việc, cuối cùng, một ông chủ tốt bụng sửa chữa điện xe máy đang có nhu cầu tìm thợ, đã đọc được tờ khai của tôi tại trung tâm giới thiệu việc làm.

Ông tò mò, "Nguyễn Ngọc Phương, nam, cao 90cm, bị khuyết tật, muốn tìm việc..." vỏn vẹn chỉ có thế, ông đã cho tôi ở và quyết định truyền nghề...

Chữ tín của Phương!

"Tay lái lụa" trên phố .
Mới đầu, cả nhà ông chủ nhìn Phương rồi bảo, cứ thử học việc trong vòng 1 tháng, nếu không tiếp tục được sẽ cho tiền mua vé xe về quê. Thế rồi, nhiều tháng, nhiều năm trôi qua, Phương không những học được nghề, mà còn trở thành thợ chính để truyền nghề lại cho những học viên khác. Đến lúc này, vợ chồng người chủ mới thay đổi quan niệm của mình.

Nhiều đồ đạc trong nhà cũng được ông chỉnh sửa cho phù hợp với vóc dáng của Phương. Ở lớp học nghề, giờ đây, Phương không còn đơn độc mà nhiều người khuyết tật khác cũng được ông chủ nhận vào.

Trong lớp, ông chia thành các cặp để học, 1 người khuyết tật và 1 người bình thường. Người khuyết tật nêu suy nghĩ, thậm chí hướng dẫn lại kỹ thuật cho người bình thường, ngược lại, người bình thường hỗ trợ người khuyết tật vận hành các máy móc, thiết bị... 8 năm trời làm việc cho chủ, mỗi tháng, Phương tiết kiệm được 1 triệu đồng để gửi về quê cho mẹ nuôi em ăn học.

Nhờ làm việc cả ngày, sức khoẻ của Phương khá hẳn lên, anh không còn quặt quẹo và bệnh vặt như trước. Và cũng chính trên thân hình khuyết tật ấy, Phương đã hăng say làm việc, kiếm tiền để tiếp sức việc học hành cho đứa em của mình mà thuở ấu thơ Phương chưa thực hiện xong. Giờ đây, đứa em của Phương đã tốt nghiệp trung cấp và vừa xin được việc làm...

Đến năm 2008, thấy đứa em gái bị chất độc da cam đang được đi học tại Đà Nẵng quá vất vả, Phương lúc này đã chín chắn về nghề và lại muốn ở gần lo cho em, nên cậu đã quyết định trở về miền Trung lập nghiệp.

Dành dụm được 20 triệu đồng, Phương chọn khu vực đường Âu Cơ, phường Hoà Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng để mở tiệm sửa chữa điện xe máy. Phương cho biết: "Mình chọn chỗ này vừa làm cơ sở  và vừa ở, để cho em gái có chỗ đi về trong thời gian đi học".

Phương đặt tên cơ sở của mình là Phương Tín. Phương giải thích: "Phương Tín là chữ tín của Phương đấy! Để tồn tại trong cơ chế thị trường, những người khuyết tật như mình phải biết đặt chữ tín lên hàng đầu, không chỉ để khẳng định với khách mà còn khẳng định với chính mình".

Mới mở được 4 tháng, nhưng lúc nào cơ sở của Phương cũng đông khách. "Ngày nào đó, cơ sở mình phát đạt, đông khách, mình sẽ theo gương của ông chủ trước đây và nhận các em khuyết tật vào để truyền nghề" - Phương mong ước.

Một ngày của Phương

Khi công việc đang ăn nên làm ra thì chủ nhà cho thuê đưa ra thông báo, hơn 1 tháng nữa sẽ lấy lại mặt bằng để bán. Phương quyết định đến Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng để nhờ xin việc làm. Thế nhưng, qua gần 2 giờ trao đổi, bà Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch hội - đã đề nghị Phương về làm giáo viên dạy nghề cho trẻ em bị nhiễm chất độc da cam tại trung tâm.

Mới đầu Phương do dự, định từ chối vì không nỡ bỏ tiệm Phương Tín của mình. Thế nhưng, rảo quanh một vòng và nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh được nuôi tại trung tâm, Phương không cầm lòng. Phương nói: "Nhìn thấy các em, sao thấy giống mình lúc những ngày thơ ấu.

Nhiều em bệnh nặng quá, tôi nghĩ thầm, chỉ cần cho các em tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài và kiên trì cầm tay chỉ việc thì các em sẽ nhanh chóng hoà nhập được". Vì vậy, Phương đồng ý đứng lớp vào những buổi chiều. Buổi sáng trong tuần, Phương tranh thủ làm "tất tần tật" những chiếc xe mà khách giao tại cơ sở để kiếm tiền nuôi em và 2 người học trò.

Đến chiều, Phương vù xe mang đồ nghề xuống dạy ở trung tâm. Giờ đây, một ngày với người thanh niên khuyết tật này đã trở nên rất ý nghĩa. Hơn nửa tháng vào dạy tại trung tâm, Phương hầu như không có thời gian rảnh rỗi cho riêng mình. Những ai thấy Phương đội mũ bảo hiểm, cưỡi xe máy cũng dễ phì cười.

Chiếc xe Dream tự chế 3 bánh che khuất cả người, thậm chí chân Phương cụt ngủn không chống  tới được đất. Phương cười và nói: "Tay lái mình "lụa" lắm nhé! Mình đã băng đèo từ Sài Gòn chạy về Đà Nẵng cũng trên chiếc xe này. Nó là đôi chân của mình đấy!".

Từ ngày Phương đến, không khí học nghề tại trung tâm bỗng nhiên xáo trộn. Thấy thầy vui tính, các em ai cũng muốn đăng ký học nghề với thầy. Cả lớp, 1 thầy, 10 trò lục đục hết quấn, rồi lại mở. Dạy đi dạy lại, nhắc đi, nhắc lại nhiều lần cho các em nhập tâm.

Nhiều em, vừa mới cầm tay chỉ việc, 5 phút sau hỏi lại chẳng nhớ gì. Phương cứ nhẫn nại dạy theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Chiếc bàn cao gần bằng Phương được để đầy đồ nghề tự chế, Phương thoải mái cho học trò táy máy lục lọi.

Phương kể: "Mỗi em bị mỗi bệnh, phần lớn là đầu óc ít minh mẫn. Có nhiều em không bình thường, nhưng vẫn nhớ những thao tác thầy làm. Nhiều em không nói được, nhưng rất nhanh nhẹn. Các em nếu cố gắng, cộng với sự kiên trì của người hướng dẫn thì sẽ làm được mọi việc".

Bà Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng - cho biết: "Mặc dù gặp nhiều nạn nhân da cam, nhưng tôi vẫn không tin vào mắt mình một nghị lực đáng khâm phục như Phương. Tôi nhận Phương vào làm giáo viên ngay mà không do dự. Tôi đã không lầm, nhiều em thấy Phương cũng giống mình nhưng làm được nhiều việc thì rất phục và còn xin học nghề của anh Phương. Phương là tấm gương vượt khó, giúp tôi động viên tất cả các em tại trung tâm".

Dù thể trạng không bình thường, bước chân đi lại thật khó khăn, nhưng những điều đó không là rào cản cho ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống của Phương. Ngay từ việc Phương quyết tâm phấn đấu học nghề, rồi lại đến dạy nghề cho những người đồng cảnh ngộ mới thấy rằng, nếu có ý chí và nghị lực, thì nhất định sẽ thành công.

(Theo Lao Động)

Các tin khác

YBĐT - Đại dịch HIV/AIDS đã lên đến vùng cao Yên Bái và với đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây HIV/AIDS còn là một điều gì đó rất xa lạ và khó hiểu. Thế nhưng, với bà con người Dao xã Nậm Mười (Văn Chấn) những kiến thức này qua cách nói, cách truyền đạt của cô gái trẻ Bàn Thu An lại rất dễ hiểu và gần gũi như bao bệnh dịch khác.

Lúc tròn 5 năm tuổi, Keren Dunaway được bố mẹ dùng những bức vẽ để giải thích với em rằng họ bị nhiễm HIV. Và kết cục, em cũng như họ. Hôm 3-8 vừa qua, Keren đã được mời tham gia hội nghị quốc tế về AIDS cùng với tổng thống Mexico Felipe Calderon và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon.

Nguyễn Tất Nghĩa và chiếc HCV kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế 2008.

Dáng người gày gò, cao 1m64, nặng 50kg, Nguyễn Tất Nghĩa đã gây bất ngờ liên tiếp cho thầy cô, bạn bè và gia đình với “bộ sưu tập” 3 huy chương vàng (HCV).

Đào Ngọc Mai, 17 tuổi, hiện đang sống và học tập tại thành phố Dresden, Đức đã giành giải Nhất trong Cuộc thi thiết kế Logo Doodle 4 Google nhân dịp vòng chung kết Euro 2008 vừa mới diễn ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục