Nông thôn mới từ những con đường

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/6/2014 | 8:01:21 AM

YBĐT - Chúng tôi trở lại Sơn A (Văn Chấn) đúng thời điểm đang thu hoạch lúa mùa. Cả cánh đồng vàng rộm dưới nắng hè oi ả, tiếng ồn của động cơ máy tuốt lúa khiến cảnh ngày mùa thêm sôi động.

Đường nội đồng được mở rộng và rải cấp phối khiến công việc đồng áng của nông dân đỡ vất vả hơn.
Đường nội đồng được mở rộng và rải cấp phối khiến công việc đồng áng của nông dân đỡ vất vả hơn.

Hộ gia đình chị Sa Thị Phòng thôn Cò Cọi 1 hôm ấy huy động gần hai chục người giúp gặt lúa, ai cũng phấn khởi vì lại thêm một vụ mùa bội thu. Giờ đây, công việc đồng áng của nông dân không còn quá cực nhọc, vất vả chính là nhờ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, về phát triển hệ thống giao thông nông thôn, đường nội đồng… Bởi có đường, máy tuốt lúa đã vào thẳng chân ruộng và chỉ trong chốc lát thóc đã đóng đầy bao lớn, bao nhỏ chở về nhà thay vì phải còng lưng gánh lúa, đập lúa như trước đây. Nông thôn mới đã hiện hữu từ chính những điều như thế - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và giải phóng sức lao động của người nông dân.

Chuyện về xây dựng nông thôn mới, về những con đường được bê tông hóa, rải cấp phối hay mở mới ở Sơn A đang thu được những kết quả tích cực, được sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân. Đưa chúng tôi đi thăm đường mới, ông Sầm Văn Kếp - cán bộ địa chính - kinh tế xã vừa đi vừa giới thiệu những con đường mới được bê tông hóa rồi rải cấp phối liên thôn, liên xã.

Chủ trương làm đường giao thông nông thôn đã được người dân hết sức quan tâm, ủng hộ. Bởi bao nhiêu năm nay những con đường mòn một thẻo, ngày nắng tung bụi trắng xóa, ngày mưa thì lầy lội, ngập ngụa đã cản trở biết bao đối với cuộc sống sinh hoạt và cả sự phát triển kinh tế - xã hội của người dân. Nhiều thôn đi lại khó khăn, xe ô tô, công nông không vào được khiến thực phẩm, hàng hóa, vật liệu xây dựng, vật tư phân bón… vào đến nơi người dân phải chịu giá cao gấp nhiều lần cho công vận chuyển.

Chị Đoàn Thị Thuận  - Bí thư Chi bộ thôn Gốc Bục cho hay: “Trên địa bàn thôn mới chỉ có 400m đường được bê tông hóa, còn chủ yếu là rải cấp phối nhưng thế đã là tốt lắm rồi. Trước đây, đường gồ ghề, đi xe thì xóc lắm, cứ nhảy tưng tưng, có khi đi mua được miếng đậu về đến nhà thì đã nát hết rồi. Còn ngày mưa thì đi trên đường mà cứ như lội ruộng rất vất vả, nhất là các cháu học sinh phải đi học hàng ngày. Nay đường được mở rộng, lu lèn rải cấp phối đi lại dễ dàng, ngày nắng không còn bụi, ngày mưa không còn lầy nữa, ai cũng mừng lắm! Năm nay, dân vẫn đang hỏi sao chưa thấy triển khai đấy”.

Có lẽ chính vì cái lợi ích bằng thật ấy mà thi công tuyến đường nào, ở bất cứ thôn nào trên địa bàn cũng như ngày hội. Nhân dân hăng hái, nhiệt tình, trách nhiệm và đông đủ. Đường rải cấp phối ít vốn, chủ yếu là thuê máy lu lèn, còn phần lớn là công lao động của nhân dân từ việc đào đắp, san gạt đến khai thác cát sỏi từ suối làm nền đường. Để mở rộng hành lang lòng đường, theo quy chuẩn, nhiều hộ dân phải hiến đất thổ cư, đất ruộng nhưng cũng rất vui vẻ, không hộ nào gây khó dễ.

Chúng tôi tới hộ bà Hà Thị Nhiêu thôn Gốc Bục - một điển hình trong phong trào hiến đất làm đường mà người trong làng rất nể phục. Khi có chủ trương mở rộng con đường chạy qua nhà bà để đổ bê tông, được cán bộ thôn đến vận động hiến đất, bà Nhiêu nhất trí ngay. Nhà neo người, ngay hôm sau mọi người hết sức bất ngờ khi thấy bà Nhiêu đã tự thuê người về chặt hết cây cối trên diện tích dự kiến giải tỏa để làm đường mới. Đó là 4 cây nhãn hàng năm vẫn cho thu nhập, là 1 cây mít, 1 cây hồng mà bà đã gắn bó mấy chục năm nay.

Bà bảo: “Đi nhiều nơi thấy người ta có đường bê tông sạch đẹp mình cứ ước ao mãi, giờ Nhà nước có chủ trương làm thì mình phải ủng hộ chứ. Mình già rồi nhưng còn con cháu sau này, còn người làng người xã nữa mà”. Hỏi về diện tích đất bà đã hiến để làm đường, bà Nhiêu cười thật thà: “Nào bà có đo đếm tính toán gì đâu, các anh ấy làm bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu thôi!”.

Rồi bà chỉ cho tôi cả thẻo đất chạy dọc từ cổng đến sân, trái nhà, rồi ra vườn ước chừng 100m2. Cây cối đã chặt giải tỏa thì vẫn còn xếp ngổn ngang dưới gầm sàn. Những gốc cây mít, cây nhãn cả vòng tay người ôm không xuể. Không phải chỉ có bà Nhiêu mà còn nhiều hộ gia đình khác nữa ở Sơn A cũng đã tự nguyện hiến đất. Chỉ tính trong hai năm (2012 - 2013), trong phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân ở Sơn A đã hiến trên 37 nghìn m2 đất, 2.831 cây cối có giá trị và trên đóng góp 5.300 công lao động. Sự đồng thuận và tư tưởng thông suốt từ Đảng ủy, chính quyền xã tới cấp thôn và người dân là thuận lợi lớn nhất để Sơn A triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ đường giao thông nông thôn.

Cùng với làm đường giao thông nông thôn, quy hoạch và kiên cố hệ thống đường nội đồng cũng được Sơn A hết sức quan tâm. Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Thuyên chia sẻ: “Năm nào xã cũng triển khai làm đường nội đồng nhưng vì nguồn kinh phí hạn hẹp nên xã chủ trương làm dần từng đoạn một. Toàn xã có 10km đường nội đồng thì đã triển khai quy hoạch được 9km, trong đó khoảng 4km đã được rải cấp phối với nền đường rộng 3m. Điều quan trọng là nhân dân rất ủng hộ”.

Sự ủng hộ của nhân dân đúng là điều quan trọng nhất đối với những người cầm cân nảy mực và cũng bởi những lợi ích thiết thực cho dân. Có đường nội đồng mọi chuyên chở phân bón, hàng hóa và thu hoạch ngày mùa đều thuận lợi, dễ dàng hơn. Năm 2014 này, Sơn A tiếp tục thực hiện kế hoạch về mở mới, rải cấp phối và bê tông hóa đường nội đồng, đường liên thôn, liên xã. Riêng đường cấp phối đã thực hiện 4km, vượt 2km so với kế hoạch đề ra. Đảng ủy, chính quyền địa phương chỉ mong nguồn vốn được bổ sung thêm và kịp thời. Còn người dân thì vẫn luôn chủ động để được góp sức hoàn thiện những con đường mơ ước.

Ngọc Tú

Các tin khác

YBĐT – Đến với xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái hôm nay, dễ dàng nhận thấy sự thay da đổi thịt hiện hữu trên từng đường làng, ngõ xóm. Sự đổi thay rõ nét của bức tranh nông thôn nơi đây chính là minh chứng cho sự hòa quyện của ý Đảng, lòng dân trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới.

Nhân dân xã Khao Mang đang chăm sóc ngô xuân hè.

YBĐT - Với xuất phát điểm thấp nên khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Khao Mang (huyện Mù Cang Chải) đã tập trung mọi nhân lực, nguồn lực, đồng thời lựa chọn tiêu chí nào dễ làm trước, với phương châm "chậm nhưng chắc", nhất quyết không chạy theo thành tích. Sau 3 năm triển khai, bộ mặt nông thôn của xã vùng cao khó khăn này đã dần khởi sắc, nổi bật nhất đó là tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đã giảm xuống còn 69%.

Đồng bào Tày xã Lâm Thượng tham gia làm đường giao thông.

YBĐT - Đến xã Lâm Thượng (huyện Lục Yên) những ngày này, ai cũng dễ dàng cảm nhận được không khí phong trào làm đường sôi nổi của người dân nơi đây. Không vắng hộ nào, chỉ cần thông báo là tất cả cùng ra đường, phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới (NTM) đã mặc nhiên là việc của mỗi người dân.

Xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) đã bước đầu hình thành vùng sản xuất rau tập trung.
Ảnh: Linh Chi

YBĐT - Một trong những mục tiêu quan trọng của xây dựng nông thôn mới là phải nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống và thu nhập cho người nông dân. Thời gian qua, cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh có sự chuyển dịch theo xu hướng tăng dần diện tích các loại cây có giá trị kinh tế, hàng hóa cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục