Về Cát Lem nghe chuyện xây nhà văn hóa
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/6/2015 | 2:47:15 PM
YênBái - YBĐT - Như bao thôn, bản ở các làng quê khác, người dân thôn Cát Lem, xã Đại Minh (huyện Yên Bình) cũng ước ao có một nhà văn hóa (NVH) chung để làm nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi và hội họp. Chuyện tưởng như bé mà mãi đến đầu năm 2015 này, 50 hộ dân trong thôn mới được thỏa nguyện mơ ước bấy lâu nay. "Ai cũng vui mừng" - bà Nguyễn Thị Hòa - Bí thư Chi bộ thôn Cát Lem phấn khởi nói.
Nhà văn hóa thôn Cát Lem, xã Đại Minh (huyện Yên Bình) được xây dựng khang trang từ nguồn vốn xã hội hóa.
|
Không phải cho đến hôm nay, người dân thôn Cát Lem mới có nhu cầu xây NVH mà đã mong muốn từ rất lâu rồi. Xã cũng đã vận động, Chi bộ thôn có nghị quyết, thôn cũng họp dân bàn bạc bao lần nhưng chưa thực hiện được. Là một thôn của xã thuần nông nhưng Cát Lem lại gần như thị tứ, phần lớn các hộ dân sống bằng kinh doanh dịch vụ, nhà xây san sát nhau. Vận động bà con nhân dân góp tiền thì được, chứ đất để xây thì lại là cả một vấn đề ở thị tứ sầm uất này. Đất đai tuy không đắt bằng những khu vực trung tâm thành phố Yên Bái nhưng cũng tiền triệu mỗi mét vuông. Trong khi kinh phí thì hoàn toàn dựa vào tiền đóng góp của dân. Khó khăn chồng chất khó khăn, đó cũng là lý do mà bao năm NVH của người dân trong thôn vẫn chỉ là ước mơ! Trước thực tế đó, lãnh đạo Chi bộ, lãnh đạo thôn đi từng nhà kêu gọi vận động, nói về ý nghĩa của NVH, vừa là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới vừa là nơi để bà con đến sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và hội họp...
Sau khi được nghe tuyên truyền, vận động và hiểu được ý nghĩa, gia đình bà Bùi Thị Tuyết, bà Nguyễn Thị Tâm, ông Nguyễn Văn Trọng đã tự nguyện hiến đất để thôn xây NVH. Có đất, thôn thành lập Ban Xây dựng đồng thời huy động nhân dân đóng góp công, của, chỉ trong thời gian ngắn, 100% hộ dân đã tham gia đóng góp, bình quân mỗi hộ 4,1 triệu đồng để mua vật liệu, thuê thợ xây, san gạt mặt bằng.
Là Bí thư Chi bộ, kinh tế cũng không phải giàu có nhưng bà Nguyễn Thị Hòa ủng hộ 5 triệu đồng, ủng hộ thợ trong việc ăn uống cũng như việc giám sát, giúp đỡ dọn dẹp như việc của gia đình. Không riêng gì bà Hòa mà có rất nhiều gia đình ngoài việc ủng hộ chung còn ủng hộ riêng hàng chục tấn xi măng, loa đài, ti vi, trang thiết bị bàn ghế, quạt... như gia đình chị Liên Hoa, gia đình ông Khanh... Tất cả các hộ dân ủng hộ bao nhiêu đều được ghi vào một bảng danh sách treo tại nhà văn hóa để ghi nhận sự đóng góp đó. Quá trình xây dựng cũng được công khai, minh bạch từ mua vật liệu, thuê công thợ, cũng như việc mua sắm các trang thiết bị.
Bà Bùi Thị Tuyết là hộ hiến trên 132m2 đất vốn trước đây san ủi để chuẩn bị làm nhà cho gia đình tâm sự: "Có nhiều người cho rằng mình dại, chỗ đất ấy bán theo giá thị trường cũng trăm triệu đồng chứ ít đâu. Nhưng tôi đâu phải cần tiền, cái tình, cái nghĩa thì tiền đâu có mua được. Vả lại, tôi chỉ nghĩ đơn giản xã, thôn không có đất thì mình tặng thôi. Ai cũng nghĩ đến tiền thì đâu có NVH như hôm nay, con cháu mình đâu có chỗ vui chơi, họp hành bàn việc của thôn. Từ hôm khánh thành đến nay, cứ tối thứ 7 hàng tuần, các ông, các bà, nam thanh, nữ tú đến đây tụ hội văn nghệ vui lắm. Những thứ đó tiền sao mua được!".
Một NVH rộng rãi, khang trang nằm ở vị trí "đắc địa" (ngay cạnh chợ Đại Minh) giờ là nơi sinh hoạt cộng đồng của thôn Cát Lem. Đó là sự đồng lòng, chung sức của người dân đáng được ghi nhận. Từ việc xây NVH thôn Cát Lem càng cho chúng ta thấy, những gì người dân được biết, người dân được bàn, người dân tin tưởng, đồng thuận thì việc khó mấy cũng thành công!
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT - Với sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, sau 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã Thanh Lương (huyện Văn Chấn) đã đạt được 11/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó tiêu chí về chợ nông thôn không cần thực hiện. Tuy nhiên, để có thể về đích theo đúng lộ trình đã đề ra, xã vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xây dựng kết cấu hạ tầng và đất sản xuất cho nhân dân.
YBĐT - Là xã điểm của huyện Trấn Yên triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) cùng với các ban, ngành, đoàn thể, Hội Phụ nữ xã Báo Đáp đã tích cực đẩy mạnh triển khai cuộc vận động xây dựng mô hình "5 không, 3 sạch", với những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế, tạo bước chuyển biến quan trọng trong việc thực hiện thành công Chương trình XDNTM.
YBĐT - Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Văn Chấn được khởi động từ năm 2011 và nhanh chóng được triển khai trên tất cả 28 xã, trong đó ưu tiên làm thí điểm ở 6 xã: Phù Nham, Thanh Lương, Sơn A, Thượng Bằng La, Đại Lịch, Tân Thịnh. Sau 4 năm thực hiện, Chương trình đã đem lại một diện mạo mới khá toàn diện, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, xã hội địa phương…
YBĐT - Theo kế hoạch, Đại Minh là một trong ba xã của huyện Yên Bình phấn đấu đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020. Đến tháng 3 năm 2015, xã đã hoàn thành 10 tiêu chí. Trong 9 tiêu chí còn lại, tiêu chí 17 về môi trường là tiêu chí khó khăn nhất đối với địa phương. Nội dung thứ tư “Nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch” ở tiêu chí 17 đang trở thành vấn đề cần được quan tâm và nhanh chóng giải quyết của Đại Minh hiện nay.