Xây dựng nông thôn mới ở Trúc Lâu: Còn nhiều “nút thắt”
- Cập nhật: Thứ hai, 22/2/2016 | 10:17:12 AM
YBĐT - Ước mơ về cây cầu, về lớp học mầm non, về cái chợ để giao thương vẫn đang chờ vào ngày mai - cái ngày mà “nút thắt” đối với nông nghiệp, nông thôn ở Trúc Lâu được tháo gỡ.
Chợ xã Trúc Lâu diện tích nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.
|
Chúng tôi về xã Trúc Lâu (Lục Yên) và không khỏi ngạc nhiên khi phiên chợ cuối tuần đông đúc đến lạ. Ngoài diện tích trong chợ, hai bên đường rẽ vào trụ sở xã người bán, người mua tấp nập. Cùng những sản vật địa phương còn rất nhiều hàng hoá từ nơi khác chuyển đến...
Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã đã hoàn thành 12/19 tiêu chí. Đời sống nhân dân có chuyển biến rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người năm sau tăng hơn so với năm trước, nếu năm 2011 là 9 triệu đồng thì năm 2015 là 18,5 triệu đồng.
Sản lượng lương thực sau thu hoạch đạt năng suất gần 1.800 tấn; trong đó, lúa 1.086 tấn, ngô 702 tấn, bình quân lương thực đạt 510 kg/người/năm, 100% hộ dân trong xã bảo đảm không thiếu lương thực khi giáp hạt... Tuy nhiên, quá trình xây dựng nông thôn mới của Trúc Lâu vẫn còn nhiều “nút thắt”.
Mục tiêu đến năm 2020 xã Trúc Lâu hoàn thành 19/19 tiêu chí:
Năm 2016: Duy trì các tiêu chí đã đạt, tập trung nguồn lực hoàn thiện 100% hệ thống giao thông được bê tông hoá. Năm 2017: Duy trì các tiêu chí đã đạt. Hoàn thành tiêu chí chợ nông thôn và hộ nghèo. Năm 2018: Duy trì các tiêu chí đã đạt. Hoàn thành tiêu chí môi trường, nhà ở dân cư, cơ sở vật chất văn hoá và trường học. Năm 2019: Duy trì các tiêu chí đã đạt. Bổ sung các tiêu chí để đạt 19/19 tiêu chí. |
Vượt lên quả đồi cao, chúng tôi đến UBND xã Trúc Lâu. Khoảng sân chừng 150 m2 nhiều cỏ dại, trừ lối đi có lẽ do đi lại nhiều mà thành. Quan sát kỹ các biển hiệu ở các phòng làm việc, chúng tôi nhận ra xã còn thiếu phòng làm việc của các đoàn thể và hội trường chính.
Chỉ tay về 5 gian nhà đất phía sau trụ sở xã, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quốc Năm cho biết, đó là Trung tâm Học tập cộng đồng xã và cũng được coi là nơi tổ chức các cuộc họp lớn của Đảng ủy, HĐND xã.
- Xã có hay tổ chức các hoạt động gì trên sân thể thao không ạ? chúng tôi hỏi.
- Có nhưng cũng hạn chế lắm, chủ yếu vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vì diện tích sân không có đủ điều kiện tối thiểu - đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết.
- 11 thôn trong xã đã có đủ sân thể thao không đồng chí?
- Mới chỉ trong quy hoạch thôi chứ hiện vẫn là những bãi đất trống. Cái khó vẫn là kinh phí vì nhân dân chỉ có khả năng giúp ngày công san tạo mặt bằng và khai thác vật liệu xây dựng.
Trong khuôn viên Trường THCS Trúc Lâu, ngoài dãy nhà 2 tầng kiên cố, một nửa tường rào được xây xi măng còn lại vẫn rào tạm, 5 gian nhà hiệu bộ vẫn còn tạm bợ, vách trát tooc-xi, nền nhà láng xi măng. Phía sau trường, ngoài hai bể nước xây gọn gàng dành cho học sinh rửa tay và giặt khăn lau bảng, dãy nhà công vụ, nơi ở của 7 giáo viên vẫn là nhà tạm. Có lẽ nhà làm đã lâu lắm rồi vì tường liếp nứa và gỗ thưng đã mòn vẹt, thủng lỗ chỗ.
- Vì điều kiện nhà trường hạn chế nên chúng tôi cũng chỉ sửa chữa lại công trình nhà vệ sinh cho giáo viên, học sinh và thay mái lợp nhà để xe cho học sinh bằng mái tôn, bảo đảm an toàn. Tháng 11/2015, cán bộ, giáo viên cũng tận dụng vật liệu thừa từ công trình nhà xe học sinh làm nơi để xe cho giáo viên - Hiệu trưởng Trường THCS Trúc Lâu - Nguyễn Xuân Thắng cho biết.
- Nếu nói đến cơ sở vật chất của 3 cấp học mầm non, tiểu học, THCS thì vẫn còn nhiều nan giải lắm. Trường mầm non không đủ phòng cùng các thiết bị dạy và học. Hai lớp mẫu giáo 4 tuổi và 5 tuổi phải đi mượn phòng mà mỗi lớp lại ở một địa điểm khác nhau. Trường tiểu học và trường THCS chưa có nhà hiệu bộ kiên cố. Khu nhà công vụ và hệ thống vệ sinh của trường THCS vẫn tạm bợ, tranh tre lợp cọ. Cơ sở vật chất văn hóa ở các thôn còn thiếu, toàn xã có 2/11 thôn có nhà văn hóa, 4/11 thôn chưa có mặt bằng làm nhà văn hóa, các thôn không có nhà văn hóa khi họp vẫn phải họp nhờ nhà dân... - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quốc Năm bổ sung thêm.
Đi theo con đường bê tông đến vài thôn trong xã, chúng tôi nhận thấy việc quy hoạch của xã rất bảo đảm. Tuy nhiên, nơi xử lý chất thải, nước thải chưa đạt yêu cầu. Diện tích dành cho nghĩa trang đã có nhưng còn chưa san tạo mặt bằng. Đặc biệt, chợ hiện nay chỉ có 822 m2 trong khi diện tích được quy hoạch 3.000 m2.
Mỗi khi đến phiên chợ, dân lại tràn ra đường, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Cùng đó, xã còn thiếu 5 chiếc cầu qua suối ở các thôn Tu Trạng, Bản Lẫu, Cửa Khập, Bản Pạu, Bản Riềng, gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân trong mùa mưa lũ, nhất là đối với các em học sinh khi đến trường.
Đứng bên dòng suối ở thôn Tu Trạng, chúng tôi gặp anh Dương Văn Toản chở 2 đứa trẻ, lách qua những hòn đá lởm chởm trong lòng suối:
- Trời mưa, đoạn suối này có ngập cao không anh? - tôi hỏi.
- Ngập chứ, cứ mưa to nửa tiếng là ngập. Ước muốn của chúng tôi là được cấp trên quan tâm cho xây dựng cây cầu qua suối để các cháu an toàn khi đến trường và tạo điều kiện để chúng tôi giao thương, phát triển kinh tế - anh Toản cho biết.
Chia tay Trúc Lâu khi cơn mưa chiều mỗi lúc một nặng hạt, những dòng nước đục ngàu từ khắp nơi đang đổ dồn về dòng suối Tu Trạng mỗi lúc một lớn. Ước mơ về cây cầu, về lớp học mầm non, về cái chợ để giao thương vẫn đang chờ vào ngày mai - cái ngày mà “nút thắt” đối với nông nghiệp, nông thôn ở Trúc Lâu được tháo gỡ.
Nguyễn Thanh
Các tin khác
YBĐT - Mùa xuân mới đã về! Mùa xuân mà người dân Yên Bái hưởng trọn nhiều niềm vui. Đặc biệt, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Yên Bái đạt được nhiều kết quả nổi bật, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
YBĐT - Xuân sang, vẹn nguyên bao cảm xúc như đã từng đón mùa về. Không gian, vạn vật bừng sinh khí, ngời sắc xuân. Lòng người cũng xôn xao với niềm tin, hy vọng cùng mùa mới.
YBĐT - Với phương châm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, trong đó chú trọng vào phát huy vai trò lãnh đạo của người đứng đầu, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, Việt Cường đang tạo ra những bước chuyển biến đáng kể trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng NTM.
YBĐT - Con đường vào xã đặc biệt khó khăn An Lương, huyện Văn Chấn những ngày này tấp nập hơn thường lệ. Cầu treo thôn Mảm 1 được hoàn thành, những chuyến xe hối hả ngược xuôi vận chuyển quế, nông sản đi tiêu thụ và chuyên trở hàng hóa về phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Bính Thân.