Qua đó, XDNTM phải đưa nội dung thích ứng với BĐKH và PCTT vào quy hoạch xây dựng, bố trí dân cư, quy hoạch sản xuất, sử dụng đất; tổ chức đảm bảo các điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh...
Có thể nói, sau 8 năm thực hiện XDNTM, đã góp phần thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, từng bước giảm khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.
Chương trình XDNTM làm thay đổi nhận thức của người dân, lôi cuốn họ hăng say, nhiệt huyết đóng góp công, của để xây dựng cơ sở vật chất. Hạ tầng kinh tế - xã hội ngày một hoàn thiện, quá trình phát triển gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được đẩy mạnh, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa có liên kết bền vững là nền tảng vững chắc cho phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, xã hội nông thôn ổn định, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy...
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong XDNTM, nhưng có thể thấy XDNTM được triển khai trên địa bàn nông thôn nên thường xuyên chịu ảnh hưởng lớn của BĐKH, thường xuyên xảy ra thiên tai. Đặc biệt, Yên Bái là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt mạnh, núi cao, độ dốc lớn lại có hệ thống sông ngòi dày đặc, nhất là các huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải... Các địa phương này thường xảy ra gió lốc, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất... gây thiệt hại lớn về người và của.
Lũ quét, lũ ống luôn là một vấn đề nhức nhối ở vùng cao, bởi hiện có trên 70% các hộ đang sinh sống, sản xuất ở các sườn núi, chân đồi, ven sông suối.
Từ năm 2010 đến năm 2017 đã xảy ra 5 đợt lũ quét, sạt lở đất làm chết 83 người, thiệt hại kinh tế hàng ngàn tỷ đồng. Riêng 10 tháng năm 2018 xảy ra 13 đợt thiên tai toàn tỉnh, làm 17 người chết và mất tích, 23 người bị thương, trên 5 ngàn ngôi nhà bị cuốn trôi và đổ sập, hư hỏng, trên 5.000 ha đất sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, trên 500 ha thủy sản, 27 ngàn con gia súc, gia cầm bị chết. Lũ lụt phá hủy nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi... tổng giá trị thiệt hại trên 1 ngàn tỷ đồng.
Qua đó cho thấy, sự phá hủy rất tàn khốc của thiên tai; do vậy, PCTT trong XDNTM được quy định tại tiêu chí số 3 về thủy lợi. Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các xã đạt chuẩn NTM phải đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và quy định về PCTT tại chỗ, bởi thực tế đối với các xã đã cán đích, sắp cán đích NTM bị thiên tai tàn phá nặng nề, các công trình dân sinh, đường, cầu cống, thủy lợi, sản xuất nông lâm nghiệp nên lộ trình XDNTM bị đẩy lùi. Đồng thời, không chỉ không giữ được chuẩn, mà thêm vào đó là thiệt hại không dễ gì khắc phục được.
Để XDNTM bền vững trước BĐKH và thiên tai, từ tỉnh đến huyện, xã, nhất là người dân cần thực hiện đầy đủ theo phương châm "Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”; trong đó, lấy phòng là chính. Chủ động kiểm tra, rà soát, xác định các vùng, điểm dân cư trọng yếu có nguy cơ cao lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, ngập úng... để xây dựng phương án phòng ngừa hiệu quả.
Tập trung có phương án gia cố, sửa chữa các hồ, đập, kè... đảm bảo tuyệt đối an toàn. Xây dựng kế hoạch dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng dịch đáp ứng khi có mưa lũ xảy ra. Trong XDNTM kết hợp PCTT; do vậy, khi triển khai xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, ngoài đẩy nhanh tiến độ, cần chú trọng xây dựng các công trình kiên cố.
Các công trình này, ngoài thực hiện chức năng chính, vào mùa mưa lũ có thể sử dụng để chính quyền, người dân thực hiện phương án trú tránh tạm thời trong PCTT. Lồng ghép hiệu quả chương trình XDNTM với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; trong đó, lấy tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống, ứng phó với thiên tai đến cấp xã, thôn, bản là chính.
Thanh Phúc